[ELLE Voice] Tình yêu là sự “vừa vặn”

Đăng ngày:

Tôi đứng trong bếp, cạnh người đàn ông của mình và cùng anh chuẩn bị bữa tối. Tôi tự hỏi vì sao tôi nghĩ mình đang ở trong một mối quan hệ hoàn hảo? Điều gì tôi có thể miêu tả để bạn hiểu sự hoàn hảo của mối quan hệ này?

Người Việt có một từ rất hay về tình yêu, tôi tìm hoài không thấy cách dịch tương tự trong tiếng Anh, ấy là từ “duyên”. Duyên giúp những người dành cho nhau tìm được nhau, và đến được với nhau đúng thời điểm, không quá chậm, không quá nhanh, thậm chí không lệch một bước chân. Nhưng từ “duyên” nhiều khi mang nghĩa may rủi, ấy là bạn chờ đợi nhận điều số phận ban tặng hay nhiều người than trời sao “duyên” không đến với họ.

Trong khi ấy, tiếng Thuỵ Điển lại có một từ cũng chưa tìm được từ dịch chính xác sang tiếng Anh – “lagom”, vừa đủ, vừa vặn, hay ngắn gọn là rất “vừa”. Tôi muốn món cà phê không quá ngọt, không quá đắng, phải vừa; tôi không muốn làm việc quá nhiều, chỉ vừa. Kể cả trong tình yêu, tôi không muốn là người yêu quá nhiều, vừa! Gặp nhau vừa đủ, giận hờn vừa đủ, cái tôi vừa đủ, tha thứ vừa đủ…

tình yêu

Kim Ngân – Tác giả hai cuốn sách “Thế giới nhỏ xinh như bàn tay con gái” và “Yêu một cô gái Việt” với bút danh Travelling Kat. Tình trạng: Đang trong một mối quan hệ nghiêm túc.

Nghe qua đơn giản vậy thôi nhưng chỉ một câu hỏi “Thế nào là vừa đủ?” cũng đã làm cho từ “vừa” trở nên không đơn giản chút nào. Mỗi người có một mức độ “vừa” của riêng mình. Không ai có thể dạy, không sách nào chỉ cho bạn đong đếm được độ đường bạn muốn, lượng công việc bạn nên làm và – càng bất khả thi hơn – về nồng độ yêu bạn cần, độ bao dung bạn nên có hay hạn mức chịu đựng của bạn.

Chỉ có bạn, trong hành trình khám phá bản thân mình, trong hành trình trải nghiệm và vấp ngã, tìm được hạnh phúc rồi mất đi hạnh phúc mới tìm được độ “vừa” cho riêng mình và tìm được mức độ vừa của người đồng hành để hòa hợp. Khi hai người tìm được mức độ “vừa” của nhau, bạn trở thành những kẻ vừa vặn hay không, bạn biết đó không phải là người đồng hành của mình, trong một cuộc hành trình hay trong một đời yêu thương.

yêu 2

Tôi thử kết nối hai khái niệm này vào nhau: Khi duyên cho bạn gặp một hay một số người phù hợp, vào một khoảng thời gian phù hợp, thế đã đủ làm nên một mối quan hệ hoàn hảo? Hay “vừa”, với cảm nhận tinh tế và nỗ lực làm cân bằng, hòa hợp mới tạo nên một mối quan hệ hoàn hảo? Tôi gặp lại anh năm 2015, 15 năm sau lần đầu tiên từ biệt, 2 năm sau lần thứ hai từ biệt. Lý do của cả hai lần từ biệt trước đều có thể tóm gọn trong mấy từ: đúng người, sai thời điểm (right person, wrong time).

Từ việc lớn lên trong hai căn nhà chỉ cách nhau 500m ở trung tâm Hà Nội, chúng tôi phải đợi khi mình sống ở hai thành phố, cách nhau gần 2.000km, 2,5 giờ bay mới chịu yêu nhau. Nói thế để bạn hiểu, chúng tôi đã đợi 15 năm, 2.000km chỉ vì một từ “duyên” nên chúng tôi trân trọng chữ “duyên” đến nhường nào. Nhưng nếu như tôi miêu tả lại sự hoàn hảo của mối quan hệ trong ngày hôm nay, tôi sẽ nói thế này: Chúng tôi đã về không muộn, không sớm, vừa kịp để cùng nấu bữa tối cạnh nhau, hai người lựa nhau đủ khéo để dù làm chung cũng không vướng víu nhau, nhịp nhàng nấu ra những món ăn vừa miệng, rồi dành ra chút thời gian của riêng mình vừa đủ để đêm về lại muốn quấn quýt với nhau.

tình yêu 1

Khi “duyên” mở đầu câu chuyện thì từ “vừa” cứ trở đi trở lại trong câu chuyện của chúng tôi. Sau cái ngày chúng tôi quyết định tình yêu ấy, chữ “duyên” ít trở lại. Tôi cũng chả thấy thế làm phiền bởi làm sao bạn mong may mắn sẽ mãi ở bên bạn. Lúc ấy, chúng tôi sẽ chỉ dựa vào chữ “vừa” để chăm sóc và nuôi dưỡng mối quan hệ này.

Sống ở hai thành phố Stockholm và Paris, chúng tôi phải gặp nhau thường xuyên sao cho vừa đỡ nhớ, vừa cân bằng với ngân sách và thời gian hai bên. Ảnh hưởng nặng nề bởi ba nền văn hóa khác nhau – Việt Nam, Pháp, Thụy Điển. Chúng tôi phải cân bằng những khác biệt, hiểu lầm để tìm ra một văn hóa chung vừa vặn với mình. Nhỏ xíu như người ăn mặn, kẻ ăn nhạt, người ăn cá, kẻ ăn thịt mà chúng tôi cũng phải học để tìm những bữa ăn chung vừa miệng cho cả hai.

Những từ “vừa” ấy giờ tôi viết ra dễ đến thế nhưng đó là kết quả của những cuộc tranh luận, những hiểu lầm, rồi cả những nhường nhịn, vị tha giữa chúng tôi. Những trải nghiệm ấy cần thời gian. Vì thế, những kẻ vừa vặn có thể không trẻ, hay nói đúng hơn, họ khó vừa vặn khi còn non nớt.

tình yêu 3

 

Bạn đừng hiểu lầm những kẻ vừa vặn là những cặp đôi xứng đôi vừa lứa theo nghĩa đen về sự tương đồng ở vẻ ngoài, tài sản hay tính cách. Sự vừa vặn hẳn sẽ non nếu nó dừng lại ở việc tạo tiền đề để bạn bắt đầu một mối quan hệ. Sự vừa vặn của mối quan hệ như quý cô khéo chọn đồ layer cho một ngày Xuân Hà Nội: Sáng lạnh giá thì mặc nhiều lớp áo, sau lúc ấm lên hay lạnh lại thì cởi ra, khoác vào, cảm nhận và gia giảm sao cho vừa vặn với thời tiết.

Để duy trì một mối quan hệ hoàn hảo, bạn và người bạn đời sẽ quan sát, học và hiểu nhau để điều chỉnh những mức độ vừa của mình và mối quan hệ. “Vừa” lại thường bị quy là không có cá tính, thay đổi mình theo người đồng hành như một con tắc kè hoa. Tôi thấy chú tắc kè hoa chả có gì sai nếu sự biến hình ấy vừa với ngưỡng chịu đựng của chú tắc kè hoa hay cái lá xanh kia cũng có lúc thầm lặng đổi màu theo tắc kè hoa. Mà nếu như chiếc lá cứ mãi cố chấp xanh, xanh quá mức chịu đựng của chú tắc kè, chúng sẽ tách đôi.

“Những kẻ vừa vặn” không phải là danh xưng bất tử, cũng như tình yêu hoàn hảo có thể không kéo dài mãi mãi. Nhưng một khi sự thay đổi, vị tha và mong đợi của họ vẫn vừa vặn với nhau, họ có được tình yêu hoàn hảo. Nếu không, họ cũng kết thúc rất vừa, vừa kịp trước khi làm nhau đau. Nên thế! Ai mà biết được!

Xem thêm:

Những tài năng trẻ và một tương lai đáng trông đợi

Bàn về ảnh hưởng của mạng xã hội với giới trẻ Việt

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more