Đứng trước tòa nhà kính sáng loáng giữa buổi trưa nóng bức của Sài Gòn, tôi đưa tay quệt mồ hôi rịn trên trán, đẩy cánh cửa kính nặng trịch bước vào văn phòng của mình. Luồng gió lạnh xộc thẳng vào người. Tôi rùng mình. Sau vài giây điều chỉnh thân nhiệt với độ lạnh của tòa nhà, tôi chợt nhận ra sự rùng mình vừa rồi gợi lại một cảm giác sảng khoái, dễ chịu mà từ lâu tôi bỏ quên.
Là khi tôi tháo chiếc khăn len quấn cổ, cởi đôi giày đang mang, bước chân trần trên lớp lá thông khô ráp, đứng thẳng người, hít một hơi thật sâu trong khoảnh rừng nhỏ ven thành phố Đà Lạt. Là ký ức về lần đi tắm rừng (Shinrin-yoku) – một món quà bất ngờ tôi nhận vào Giáng sinh năm trước.
Shinrin-yoku xuất phát từ Nhật Bản, là hình thức tiếp xúc và tiếp nhận bầu không khí của khu rừng – gọi thân thiện là tắm rừng. Rong ruổi trên những chuyến du lịch của mình, tôi đã có nhiều trải nghiệm đi bộ đường dài trong rừng, nhưng đi bộ trong tắm rừng rất khác với những chuyến đi bộ đường dài truyền thống này. Chúng tôi tìm thấy dịch vụ tắm rừng One Mind Mountain và chọn nơi này vì Sue – người hướng dẫn trải nghiệm được đào tạo chuyên nghiệp và chứng nhận quốc tế. Sue đã từng hướng dẫn ở Nhật và Úc trước khi đến Việt Nam. Để chuẩn bị cho chuyến đi, Sue gửi một bảng giới thiệu rất rõ ràng về Shinrin-yoku, có khá nhiều trao đổi để tìm hiểu chuẩn xác nhu cầu của từng người, cùng một danh sách rất chu đáo về việc giữ ấm và uống đủ nước vì thời tiết Đà Lạt lúc đó hanh khô và có khi xuống dưới 10oC. Ba điều quan trọng nhất cần chuẩn bị cho tắm rừng là một tâm thái mở và đón nhận, thật ít sự kỳ vọng, và lòng yêu thương bản thân.
Mặc dù Shinrin-yoku là một hoạt động nhẹ nhàng, nhưng nó đòi hỏi sự tập trung và ổn định của tâm trí. Chúng tôi đăng ký hai phiên tắm rừng, mỗi phiên bao gồm đi bộ và quan sát từ 2 đến 3 giờ trong một khoảng cách không quá một dặm. Nhưng với khoảng cách ngắn ngủi đó, tôi đã nhận diện được một mối liên hệ sâu sắc với thiên nhiên quanh mình.
Sue đưa ra những “lời mời gọi kết nối” với khoảnh rừng rất đơn giản như “hãy quan sát những thứ đang động đậy”, “hãy lắng nghe những âm thanh từ xa đến gần”, “hãy chạm vào quả thông, bạn cảm thấy gì”, “thân cây này, tại nơi bị cưa, hãy ngửi xem mùi nhựa cây có gì đặc biệt?”, “nếu bạn là một sinh vật trong khu rừng này, và không ai nhìn thấy bạn, bạn sẽ làm gì trong mười lăm phút sắp tới?”. Sự quan sát một cách vô niệm, cũng như cảm giác tươi mát dễ chịu mà thiên nhiên mang lại thông qua các giác quan được kích hoạt, là đường dẫn cho những lợi lạc về mặt tâm trí và cơ thể đến với người tham gia tắm rừng. Khi tôi tháo bỏ giày và tất, cảm nhận từng bước chân trần chạm vào mặt đất ẩm lạnh, tiếng phiến lá vỡ vụn dưới chân, những đọt cỏ non mát lạnh, những cuộn rễ cây hay quả thông non ấn vào gan bàn chân mang lại cho tôi một loạt tương phản cảm giác, như lời chào làm quen thật dễ chịu của khu rừng. Sau giây phút lạ lẫm, tôi để cho khu rừng ôm ấp mình vào lòng.
Lợi ích của tắm rừng đối với sức khỏe đã được nghiên cứu từ những năm 2000 và ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm. Một nghiên cứu tiến hành tại 24 khu rừng ở Nhật Bản ghi nhận việc đi bộ và quan sát chú tâm môi trường rừng trong khoảng 30 phút làm giảm đáng kể nồng độ hormone gây căng thẳng, giảm nhịp tim và giảm huyết áp ở những người tham gia so với sinh hoạt trong môi trường thành thị. Các lợi ích nổi trội đã được chứng minh bao gồm cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm lo lắng, tức giận, mệt mỏi và căng thẳng, cải thiện hệ số đo sức sống và chất lượng cuộc sống, cũng như các hiệu quả ghi nhận trong điều trị trầm cảm.
Cảm nhận của mỗi người khi tham gia tắm rừng rất khác nhau, nhưng quan trọng nhất là hiệu quả phục hồi và tiếp thêm sinh lực cho tâm trí và cơ thể. Chúng tôi chia sẻ với nhau sau mỗi phiên tắm rừng về trạng thái của mình, nhận ra sự biến chuyển trong thân-tâm thúc đẩy sự thay đổi trong cách mà chúng tôi tư duy, đánh giá hay giải quyết vấn đề khi quay lại cuộc sống thường nhật – điều làm tôi không thôi ngạc nhiên khi phố thị quen thuộc với những nơi hằng lui tới, những thói quen vẫn lặp đi lặp lại gần hết cuộc đời lại không cho tôi được một hướng đi.
BÀI LIÊN QUAN
6 địa điểm thiên nhiên giúp bạn chữa lành tâm hồn
Hôm nay, ở lưng chừng khu rừng, tôi cảm nhận làn gió cuốn theo mùi nhựa thông the mát từ hướng Đông, ánh nắng mang theo hơi ấm từ phía Tây của buổi hoàng hôn, sự tĩnh lặng im ắng của khu rừng từ chính Bắc, hay tiếng xe cộ vọng lại từ mạn Nam, tôi cũng dần định vị được mình – tôi là ai, tôi đang ở đâu, xung quanh tôi là gì, và tôi muốn đi tiếp như thế nào? Rồi cứ thế, chúng tôi bước đi trong rừng, chạm từng gốc cây, nhìn từng phiến lá, quan sát từng động tĩnh, hít thở và trân trọng, biết ơn chính mình.
Sau chuyến đi, trở về thành thị, tôi ngạc nhiên nhận ra mình ngủ ngon hơn, và rất lâu rồi mới cảm nhận được sự sống tràn ngập trong thân mình, như một cái cây được cắm rễ chắc chắn hơn vào đất mẹ. Đồng thời, tôi nhận ra mình luôn được thôi thúc tìm lại trải nghiệm quý giá của tắm rừng. Tôi tìm hiểu những cách có thể tạo ra trải nghiệm tắm rừng trong đô thị, và hy vọng những chia sẻ nhỏ dưới đây sẽ hữu ích cho các bạn khi chưa có điều kiện tham gia hoạt động tắm rừng chính thống:
1. Tắm rừng đô thị là khi bạn có mặt trong một không gian xanh một cách có ý thức với cây cối và thiên nhiên.
2. Tiếp xúc với thiên nhiên tại các không gian xanh trong thành phố như vườn hoa, công viên, những con đường có nhiều cây xanh gần nơi bạn thường lui tới như văn phòng, nhà ở.
3. Tạo thói quen dành thời gian mỗi tuần tại không gian xanh mà bạn yêu thích, sử dụng các giác quan để cảm nhận không gian đó trong trạng thái thả lỏng và tĩnh tại.
4. Chăm sóc một mảng xanh nhỏ ngay tại nhà của mình.
5. Giữa sự ồn ã phố thị, bạn có thể hòa mình vào âm thanh được thu lại từ các khu rừng trên khắp thế giới bất kỳ lúc nào tại website: timberfestival.org.uk/soundsoftheforest-soundmap
6. Mỗi tháng hoặc quý, hãy rời khỏi thành thị và đến một không gian thiên nhiên rộng lớn hơn để bạn có thể thực sự được nghỉ ngơi và phục hồi.
Hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng, bạn đang dần đắm mình vào sự dễ chịu thuần khiết của thiên nhiên. Đã bao lâu rồi bạn chưa có cảm giác này? Nếu bạn không nhớ lần cuối bạn cho các giác quan được gợi mở và cảm nhận một cơn gió nhẹ, một chiếc lá non xanh, mùi nhựa cây ngọt ngào hay tiếng chim gọi nhau ríu rít… thì bây giờ chính là lúc trở về với vòng tay của rừng.
Nhóm thực hiện
Bài: Bồ Khánh An
Ảnh: NVCC