[ELLE Voice] Trang trại nhỏ và lòng tin bền vững

Đăng ngày:

Khi chuyển sang một nước phát triển sinh sống trong hai năm, tôi cứ tưởng rằng nỗi về thực phẩm của mình sẽ được giải tỏa. Tuy nhiên, cũng chính tại đây, tôi nhận ra rằng chúng ta ngoài trách nhiệm với gia đình, còn có thêm trách nhiệm với môi trường.

Chúng ta không chỉ sống nhờ thức ăn, mà còn nhờ không khí, nguồn nước an toàn. Chúng ta thường đổ tội cho xe cộ, xây dựng, các nhà máy công nghiệp. Nhưng thực ra, nền nông nghiệp quy mô lớn (kể cả có đáp ứng về chuẩn an toàn thực phẩm) cũng đang góp phần đáng kể trong việc gây ô nhiễm nước, gây ra hiệu ứng nhà kính, gây mất rừng và môi trường sống của các sinh vật tự nhiên. Chưa kể, việc vận chuyển, đóng gói để có được những thực phẩm đẹp mắt, hợp thị hiếu khách hàng đô thị cũng gây ra thêm nhiều rác thải và tiêu hao năng lượng nữa. Thế nên, tôi thấy đây chính là lúc chúng ta cần quay lại cổ vũ cho trang trại nhỏ.

Trong những ngày ở Mỹ, tôi may mắn được ăn trứng gà “nhà” thay vì trứng siêu thị. Một người bạn của chồng tôi có trang trại nhỏ, nuôi gà và thu hoạch trứng mỗi ngày. Để mua trứng, chúng tôi phải có trách nhiệm cung cấp hộp đựng. Vậy là các loại hộp đựng trứng cũ được huy động, cứ mua trứng mới thì phải trả lại hộp cũ.

Chính vì những trải nghiệm này, tôi càng hiểu được khó khăn của những người nông dân trên khắp thế giới. Muốn có nguồn khách hàng ổn định, nông sản chất lượng, bán giá tốt để trang trải chi phí đầu tư chăm sóc, người nông dân phải đối mặt với quá nhiều thử thách. Công tác nông nghiệp theo phương thức sử dụng hóa chất dễ dàng hơn việc trồng rau hữu cơ hay nuôi gà thả vườn rất nhiều. Tuy nhiên, trách nhiệm với mẹ thiên nhiên khiến nhiều nông dân không thể tiếp tục phương thức chỉ tập trung tăng năng suất, coi thường môi trường và sức khỏe con người như trước. Và để cổ vũ, khích lệ họ, người tiêu thụ phải hiểu rằng việc sống có trách nhiệm với môi trường phải bắt đầu từ chúng ta, và bắt đầu từ việc chúng ta ăn gì.

Vì thế, tôi chọn tham gia chương trình CSA hay viết đầy đủ là Community Supported Agriculture. Chương trình này vận hành theo phương thức cả người tiêu thụ và nông dân hưởng lợi và chia sẻ rủi ro. Người tiêu thụ tham gia CSA sẽ trả tiền mua thực phẩm trọn gói theo tháng, hoặc theo quý/năm, và hàng tuần sẽ được nhận một giỏ thực phẩm tươi ngon trực tiếp từ các nông trại. Lợi ích của chương trình khá rõ ràng, nông dân sẽ bớt gánh nặng tìm nơi bán hàng, cũng không phải thông qua trung gian, môi giới, không bị các siêu thị hay các trung tâm thu mua o ép, có vốn để tự tin theo đuổi phương thức nông nghiệp bền vững. Người tiêu thụ được ăn thực phẩm tươi ngon, hữu cơ, nuôi trồng thuận tự nhiên với giá thành thấp hơn so với thực phẩm bán tại các siêu thị hữu cơ.

Tuy nhiên, dù nguyên lý hoạt động rất lý tưởng, CSA cũng có những thử thách. Người tiêu thụ sẽ phải trả một khoản tiền lớn vào đầu tháng, đầu quý hoặc đầu năm, và giả sử tháng đó, năm đó, vì thiên tai hay bệnh dịch, các nông trại không thể cung cấp đủ số lượng thực phẩm như đã cam kết, thì họ cũng không được hoàn tiền. Nhiều người cho rằng đó là mô hình bất công với người tiêu thụ. Tuy nhiên, thực ra đó chính là lý do để CSA tồn tại. CSA là hình thức hỗ trợ cộng đồng, trao đi với sự mong đợi được đền đáp hoàn toàn dựa trên lòng tin và sự thông cảm với nỗi vất vả của nông dân. Khi mùa màng thuận lợi, người tiêu thụ được hưởng lợi, khi gặp thiên tai, họ cùng chia sẻ. Nhờ sự ủng hộ đó, các nông trại sẽ yên tâm xây dựng năng lực, và đảm bảo để những người khách của mình tiếp tục đồng hành trong các mùa tới, năm tới. Nhờ vậy, họ có thể mở rộng được quy mô, trung thành với mô hình canh tác bền vững.

môi trường 2

Trong cuộc chiến khắc nghiệt với những tập đoàn thực phẩm, CSA là một trong số ít phương thức giúp người nông dân có nông trại quy mô nhỏ tồn tại, bảo tồn nguồn giống địa phương và đi theo mô hình nông nghiệp tự nhiên. Đây cũng là một cách các thành phố, thị trấn nhỏ bảo vệ được cộng đồng, văn hóa của họ trong cơn lốc của nền kinh tế đồng bộ hóa, quy mô lớn.

Khi tham gia chương trình này, tôi mới nhận thấy môi trường, con người, kinh tế chưa bao giờ tách biệt lẫn nhau. Chúng ta thường xuyên trách cứ nông dân Việt Nam, nhưng có bao nhiêu người trong chúng ta sẵn sàng chọn một cách tiếp cận khác, chọn tìm đến tận vườn, ruộng, nông trại, nơi thức ăn của chúng ta được sản xuất? Có mấy ai sẵn sàng chấp nhận khả năng mình sẽ thiệt mất một khoản tiền trả trước cho nông dân để giúp họ tự tin hơn khi sản xuất nông phẩm hữu cơ? Tôi nhận ra, cái chúng ta thiếu để có được một cuộc sống xanh, sạch, an toàn, bền vững không phải là nguồn lực, mà là niềm tin và sự chia sẻ.

Khi trở lại Việt Nam, tôi vui mừng nhận ra có nhiều người bạn của mình cũng đang thực hiện mô hình tương tự, dù mang tính tự phát. Họ tự thành lập nhóm, tự liên kết với một vườn rau và trang trại ở gần nơi sinh sống. Họ cũng trả tiền trọn gói hằng tháng, và hằng tuần nhận một hộp thực phẩm. Ai cũng làm phần của mình, và tin tưởng lẫn nhau, đó mới thực sự là giải pháp của bền vững.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more