Gen Z là thế hệ đầu tiên sinh ra và lớn lên trong một thế giới mà Internet đã trở thành hiện tượng phổ biến toàn cầu. Họ cũng lớn lên trong thời đại toàn cầu hóa mạnh mẽ, với sự phát triển nhanh chóng của nhiều quốc gia mang tới sự cân bằng rõ rệt trong chất lượng sống và cơ hội phát triển, nhưng cũng mang đến những thử thách về định vị cá nhân mà các thế hệ trước không phải trải qua.
Thế hệ toàn cầu hóa
Nhà xã hội học Ray Oldenburg cho rằng một con người thường có ba không gian sống – không gian thứ nhất là gia đình và các mối quan hệ ruột thịt hay hôn nhân, không gian thứ hai là nơi làm việc hoặc trường học – nơi con người dành phần lớn thời gian trong ngày, và không gian thứ ba là nơi họ thiết lập các mối quan hệ xã hội tự nguyện, tham gia vào các hoạt động không cố định, có tính tự do sáng tạo hơn. Với các thế hệ trước, không gian thứ ba này có thể là những địa điểm vật lý cụ thể, còn với Gen Z, không gian vật lý đang dần nhường chỗ cho thế giới trực tuyến.
Mạng xã hội hay các nền tảng media có tương tác đa chiều đối với các thế hệ trước đó là một phát minh mới, còn đối với Gen Z là một lẽ bình thường – họ khó có thể hình dung được cuộc sống mà không có những tiện ích này. Sự kết nối thường xuyên đó mang đến cho Gen Z rất nhiều cơ hội – họ rõ ràng sống trong một thế giới mà mọi ranh giới đã bị xóa nhòa. Không gian thứ ba này không còn bị gói gọn trong giới hạn vật lý hay mối quan hệ quen biết – họ trở thành một phần trong thế giới mà biên giới, ngôn ngữ, sắc tộc, tôn giáo, nền tảng văn hóa hay học vấn không còn là rào cản cho bất kỳ ai. So với tất cả thế hệ đi trước, họ hiểu biết nhiều hơn về các vấn đề toàn cầu.
Thế nhưng, cơ hội vĩ đại mang lại nhưng thử thách gì? Một nghiên cứu gần đây của McKinsey với hơn 41.000 người tham gia trải rộng ở nhiều quốc gia cho thấy, Gen Z là nhóm người dành thời gian cho mạng xã hội nhiều nhất mỗi ngày so với các thế hệ khác. Điều đáng chú ý là những người càng dành nhiều thời gian cho mạng xã hội thì lại càng gặp nhiều vấn đề với sức khỏe tâm lý, tâm thần. Trong đó, giới nữ cho thấy họ gặp phải nhiều vấn đề tiêu cực từ mạng xã hội hơn hẳn nam giới. Các vấn đề đã được chỉ ra bao gồm nỗi lo sợ bị bỏ lỡ thông tin, áp lực về hình ảnh cơ thể, mất tự tin.
Tất nhiên, chúng ta không thể chỉ dùng mạng xã hội để đánh giá về sức khỏe tinh thần của Gen Z. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ năm 2018 cho thấy Gen Z là nhóm dễ gặp phải các vấn đề rối loạn căng thẳng nhất. Đặc biệt, một số khảo sát trong và sau giai đoạn đại dịch COVID-19 còn cho thấy đây là nhóm bị tác động về mặt tâm lý cao nhất. Ngoài vấn đề bệnh dịch, các yếu tố vốn là vấn đề toàn cầu hiện nay như biến đổi khi hậu, cơ hội nghề nghiệp, sự biến đổi của công nghệ và các vấn đề khác cũng trở thành nguyên nhân gây ra rối loạn căng thẳng ở nhóm này.
BÀI LIÊN QUAN
Cởi mở và băn khoăn
Mặc dù đối mặt với vô vàn thách thức, Gen Z cũng là thế hệ cảm thấy thoải mái nhất trong việc chia sẻ về tình trạng sức khỏe tinh thần của mình. Mạng xã hội – một lần nữa – lại là không gian được ưu tiên lưa chọn. Sự cởi mở của Gen Z về tình trạng sức khỏe tinh thần là một dấu hiệu vô cùng tích cực. Với các thế hệ trước, các vấn đề tinh thần thường được xem là vấn đề cá nhân đáng xấu hổ và thường bị che giấu hoặc ít nhất là không thể đem ra bàn luận công khai. Ngược lại, theo Hiệp hội Nghiên cứu Tâm lý Mỹ, chính nhờ nhận thức cao về vấn đề này và sự ủng hộ đến từ người cùng thế hệ, Gen Z không còn ngần ngại bày tỏ về những vấn đề này ở các không gian công cộng như mạng xã hội.
Tuy nhiên, sự cởi mở trong việc thừa nhận và bàn luận các vấn đề này lại không dẫn đến sự chủ động trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người có chuyên môn. Trái lại, theo cùng nghiên cứu của McKinsey đã nêu trên, Gen Z lại là thế hệ ít tìm kiếm sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm thần, tâm lý nhất so với các thế hệ khác. Ưu tiên của họ trong quá trình vượt qua các vấn đề sức khỏe tinh thần cũng là công nghệ.
Các ứng dụng hỗ trợ điều trị vấn đề tâm lý được Gen Z tin cậy và tìm đến nhiều hơn những lựa chọn truyền thông khác. Trong khi Gen Z dẫn đầu các thế hệ về sự chủ động trong việc tìm kiếm thông tin và sự hỗ trợ cho vấn đề của họ trên nền tảng kỹ thuật số, những nền tảng mới nổi như TikTok cũng trở thành nguồn thông tin mà họ ưu tiên tiếp cận. Điều đó có lẽ là một tin tức tốt lành cho những người hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần cộng đồng, nhưng đồng thời cũng gây ra những nguy cơ nhất định. Với thực tế là chất lượng của thông tin thuộc các nền tảng mạng xã hội ngày càng trở nên khó kiểm soát, liệu sự ưu tiên của Gen Z với các nền tảng công nghệ này có khiến chính họ sẽ gặp thêm các vấn đề mới trong hành trình chữa lành hay không?
Gen Z – với trách nhiệm gánh vác tương lai của xã hội – có lẽ cũng không muốn bị dán lên mình chiếc nhãn là thế hệ bất ổn. Mọi thế hệ trước đó, trong giai đoạn tuổi trẻ, cũng đều đã trải qua những khủng hoảng của riêng họ. Nhưng, không thể phủ nhận rằng Gen Z là thế hệ hiểu biết nhất của xã hội loài người, sự may mắn ấy cũng mang lại cho họ những áp lực riêng biệt. Dẫu vậy, cũng như mọi thế hệ khác, rồi họ sẽ tự tìm ra cách hòa giải với chính mình và đưa xã hội tiến về phía trước.
Nhóm thực hiện
Bài: Phương Thùy