Lifestyle / ELLE Voice

Giang Phạm & giấc mộng lớn về nhà chống lũ cho cộng đồng

[Tạp chí ELLE – 8/2016] Giấc mộng của Giang không phải là kiếm được bao nhiêu tiền, không phải là cố sức gồng những điều đã và đang làm. Cô muốn kết nối các nguồn lực từ cộng đồng bằng những hình thức sáng tạo để mỗi người tham gia đều tự tạo được cho mình sức bật và năng lượng tích cực nhất.

Từ “Nhà chống lũ” đến “Chảy đi sông ơi”

Nhen nhóm dự án từ năm 2009, sau chuyến thiện nguyện trĩu lòng và ám ảnh về mất mát của người dân nơi rốn lũ Quảng Nam cùng những người bạn, Giang Phạm bị suy nghĩ “phải làm gì đó thiết thực hơn để người nghèo vùng lũ có cuộc sống an toàn hơn, để họ an tâm chống chọi với bão lũ” đeo bám mãi. Cho đến khi nhìn thấy tấm hình ngôi nhà gỗ ba gian với khung sàn bê tông ở Hương Sơn, Hà Tĩnh từ Facebook một người bạn, Giang hình thành ý tưởng xây những ngôi nhà chống lũ.

Điều khác biệt trong cách thực hiện của Giang là thay vì huy động, kêu gọi đóng góp tiền của từ những nhà hảo tâm dựa vào những mối quan hệ của bản thân như đa phần các hoạt động thiện nguyện thường thấy, Giang viết nhà chống lũ thành chương trình mà ở đó, trọng tâm nằm ở sự sẻ chia, chung tay góp sức từ cộng đồng, gồm: nhà chống lũ – người khởi xướng, kết nối các nguồn lực, thúc đẩy, giám sát thực hiện dự án; đối tượng được thụ hưởng – tức gia đình người được hỗ trợ; chính quyền địa phương và cuối cùng là doanh nghiệp.

giang-pham-va-giac-mong-lon-ve-nha-chong-lu-cho-cong-dong-1

Với tiêu chí nhân văn, sáng tạo và hướng đến sự phát triển bền vững, những nơi nhà chống lũ đặt chân đến không chỉ đơn thuần là một ngôi nhà được dựng lên mà đi kèm đó là sinh khí, là niềm tin, hy vọng, là cách sắp xếp, thay đổi nếp nghĩ nơi nhiều người, là khơi dậy lòng tự trọng và sự tự tin trong chính bản thân người thụ hưởng. Theo đó, mỗi một ngôi nhà, nhà chống lũ hỗ trợ từ 20 đến 35 triệu đồng, phần còn lại tùy vào nhu cầu và khả năng của đối tượng được hỗ trợ, bao gồm cả nguồn lực và vật lực.

Cho đến nay, hơn 300 ngôi nhà đã được dựng lên ở các vùng rốn lũ của bốn tỉnh miền Trung và miền núi phía Bắc, không ngôi nhà nào giống ngôi nhà nào, bởi với mỗi loại hình lũ khác nhau ở từng vùng lũ bão, lũ ngâm, lũ ngập và sạt lỡ; với nguyện vọng và mong muốn của từng gia đình, nhà chống lũ có những thiết kế, kích thước khác nhau sao cho an toàn nhất, phù hợp nhất.

Nhờ sáng tạo trong cách vận động nguồn lực cộng đồng, nhà chống lũ ngày càng nhận được sự tin tưởng và chung tay của rất nhiều cá nhân và tập thể, từ doanh nghiệp, đoàn thanh niên, chính quyền địa phương cho đến những người làm nghề sáng tạo. Rất nhiều những cái tên uy tín trong các lĩnh vực như âm nhạc, hội họa, kiến trúc như: Tùng Dương, Thanh Lam, Mỹ Linh,… họa sĩ Lê Kinh Tài, Phạm Bình Chương, Lê Quảng Hà, Lê Thiết Cương,… đều sẵn sàng góp sức. Và cũng từ đấy, một cách gián tiếp, nhà chống lũ thúc đẩy nghệ thuật phát triển.

Khi nhà chống lũ dự định về miệt đồng bằng sông Cửu Long thì hạn hán và tình trạng nhiễm mặn ập đến. Đúng lúc ấy, thông tin sông Hồng bị đe dọa ngăn dòng chảy để làm thủy điện. Chứng kiến các con sông chết mòn mỏi do chặt phá rừng, sạt lỡ, khai thác cát,… nhà chống lũ chuyển đổi sang việc giúp người dân làm sinh kế. Chảy đi sông ơi ra đời, với mục tiêu “khơi thông dòng chảy”, không đơn thuần là sống cạnh con sông mà còn là những mối quan hệ cộng sinh, khai thác dòng sông ở khía cạnh tự nhiên, văn hóa. Hiện tại, nhà chống lũ đang triển khai làm nhà tái định cư cho đồng bào Khmer, Cù lao Dung song song với việc hỗ trợ người dân vùng hạn, nhiễm mặn ở hai tỉnh Bến Tre và Sóc Trăng nuôi vịt biển, dê, tôm càng xanh hai giai đoạn, nuôi lươn,…

Những sắc màu vui vẻ

giang-pham-va-giac-mong-lon-ve-nha-chong-lu-cho-cong-dong-2

Các sự kiện kêu gọi sự chung tay từ nhà chống lũ bao giờ cũng tràn ngập nụ cười, rộn rã sắc màu và có chút gì đó rất nghệ thuật, từ tấm vé mời đến poster chương trình. Điều này gây ngạc nhiên lẫn thảng thốt cho không ít người tham dự. Là bởi, Giang đã dám bứt ra khỏi những hình ảnh tội nghiệp, gây thương cảm đã quen mặc định. “Những con số nói lên được điều đó, chúng ta không cần phải làm cho nhau khổ, làm cho nhau khóc thêm vì những buổi như thế. Điều gì đúng sẽ chạm vào trái tim chứ không chạm vào nước mắt. Chuyên nghiệp không có nghĩa là tiền bạc, là thực dụng hay vật chất mà là tôn trọng người tham gia”. Chuyên nghiệp với Giang Phạm còn là mời những tên tuổi tài năng trong lĩnh vực hội họa để giám tuyển tranh, phân loại và định giá, tạo nên giá trị thật cho bức tranh và nâng tầm thưởng lãm của người mua.

Cũng như Giang, lúc nào cũng tươi vui, nhẹ nhõm, nghịch ngợm và… mơ mộng. Kiểu mơ mộng rất hồn nhiên, nghệ sĩ. Như Giang “tự họa” trên web cá nhân: “Tôi yêu những gì liên quan đến sáng tạo. Trải qua rất nhiều ngành nghề, nhiều vị trí, từ những việc kinh doanh hồi còn nhỏ xíu đến khi làm ở những doanh nghiệp lớn, những dự án đồ sộ hay làm chủ các công ty của mình, tôi chỉ thích những công việc luôn cần sự đổi mới, sáng tạo. Có thể nói, sáng tạo đã trở thành tôn giáo của tôi”.

Chị chia sẻ, “Điều kiện quan trọng cần cho sáng tạo chính là sự tò mò và hết lòng cho những đam mê. Phải tò mò, muốn biết, muốn thấu hiểu, muốn khám phá và sẵn sàng khám phá, trải nghiệm bạn mới có thể có những ý tưởng sáng tạo. Tôi không cho rằng mình là người rất sáng tạo nhưng tôi đam mê khám phá những gì mới mẻ. Vì vậy, bạn có thể gặp tôi lang thang trên khắp các nẻo đường cùng một em Vespa cổ với một vài người bạn. Hay đôi khi, bạn lại thấy tôi ngồi cà phê nghe Alphabet của Second Person và chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc xe cổ cùng các bạn trong diễn đàn. Hoặc bạn có thể gặp tôi ở các vai trò khác nữa. Và dù ở bất kỳ vai trò nào, tôi vẫn là tôi – một người cháy hết mình cho những đam mê”.

Người trong xã hội phải giúp nhau

Chính đam mê và khao khát được làm “một cái gì đó” cho cộng đồng chỉ đơn giản là vì “thấy mình có khả năng và kinh nghiệm” nên trong vóc người nhỏ nhắn ấy luôn tràn đầy năng lượng tích cực. Với khối lượng công việc đồ sộ tại 6 tỉnh, với hàng trăm ngôi nhà đang được dựng lên cùng lúc, với các dự án sinh kế được triển khai lớp lang, bài bản, có kế hoạch, giám sát chặt chẽ, thật khó mà tin được đội ngũ tình nguyện viên của nhà chống lũ chỉ có 5 người, thêm Giang nữa là 6! Và có tin được không khi Giang tiết lộ chị chỉ có 30% để dành cho hoạt động này. 70% còn lại của Giang dành cho việc điều hành công ty riêng với văn phòng trong và ngoài nước, tư vấn các dự án và cậu con trai 8 tuổi. Giang bay đi bay lại giữa các nơi như con thoi!

Từng làm tình nguyện viên cho rất nhiều dự án quốc tế tại Việt Nam, Giang nói với tôi một ý rất hay rằng: “Tôi không tin người nước ngoài có thể giúp được tất cả cho người Việt Nam. Họ có thể giúp mình ở một mức độ nào đấy thôi nhưng xã hội muốn phát triển thì trước hết
những người trong xã hội phải chung tay giúp đỡ nhau. Tôi từng chứng kiến một dự án giúp đỡ người dân có giá một triệu đô la, trong đó hết 800 ngàn đô để mua trang thiết bị lạc hậu ở xứ họ, thuê chuyên gia sắp về hưu, 150 ngàn đô dùng cho việc họp hành giữa các bên, chỉ có 50 ngàn đô còn lại là dùng để mua những thứ thực sự. Chưa kể việc xà xẻo, cắt xén bớt từ chính quyền địa phương. Cuối cùng thì người dân được bao hiêu?”.Giang bao giờ cũng vậy, nhẹ nhàng, nhỏ nhẻ nhưng quyết liệt và làm đến cùng. Ước mơ của Giang ư? Giản dị mà cũng to lớn vô cùng: sắp xếp việc điều hành công ty cho ổn, để năm 40 tuổi có thể chuyên tâm cho các dự án phát triển cộng đồng.


Xem thêm

Bà Thái Hương – Ước mơ vì cộng đồng

Thông điệp cuộc sống của một nhà báo về nạn khủng bố

Nữ nhà báo Nguyễn Mỹ Trà: “Hành động nhỏ tạo thay đổi lớn”

Nhóm thực hiện

Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)