[ELLE Voice] Hành trình chữa lành tổn thương tâm lý: Buồn ơi, chào mi

Đăng ngày:

Nếu bạn đang nếm trải những di chứng từ các vấn đề của thời niên thiếu, liệu có cách nào để bạn chữa lành, xoa dịu, hay đơn giản là hòa giải với chúng?

Nếu chẳng may gặp phải một tai nạn, một căn bệnh trầm kha trong quá khứ, người ta có thể sẽ phải mang một vết sẹo, một di chứng đến suốt cuộc đời. Đó là chuyện không ai mong muốn, nhưng dù sao, chúng ta vẫn có thể thoải mái nói về nó, và nhận được sự thông cảm từ người khác.

Cô gái học cách chữa lành sau nỗi buồn

Ảnh: Unsplash/Anamnesis

Tuy nhiên, đôi khi biến cố, tai nạn hay “chứng bệnh” ấy không để lại một vết sẹo, một di chứng có thể quan sát được, người ta thường sẽ khó có thể dễ dàng nói về nó, và càng khó để có được sự thấu hiểu và cảm thông từ người khác. Chúng thể hiện thành sự cáu kỉnh, giận dữ, nỗi đau buồn, sự bế tắc, trầm cảm – toàn những điều khiến người khác có thể thấy lo phiền. Nhưng, trên thực tế, đó chỉ là biểu hiện bề mặt của những di chứng không hiện lên như vết sẹo hữu hình. Những di chứng vô hình ấy có thể là kết quả của việc là nạn nhân của bạo hành thân thể, tinh thần, tình dục, của sự bỏ rơi, của việc phải thay cha mẹ làm người lớn trong gia đình, bị ép phải sống khác với mong muốn thực sự của mình, là nạn nhân của phân biệt đối xử, bắt nạt hay bạo lực học đường. Hoặc đôi khi, nó cũng có thể là di chứng của những sự kiện bi kịch như mất người thân đột ngột, hay gia đình tan vỡ, phá sản…

Cô gái học cách chữa lành nỗi buồn

Ảnh: Unsplash/Bailey Burton

Có rất nhiều người đã lớn lên từ hoàn cảnh như vậy, và tưởng rằng mình đã vượt qua được nó. Và đúng, nếu chỉ nhìn từ bên ngoài, người ta tưởng họ đã bỏ lại những trải nghiệm đáng sợ, đau buồn ấy ở lại phía sau. Họ đi học, có việc làm, lập gia đình – nhiều người thậm chí còn tiến xa trong sự nghiệp, trở thành hình mẫu của hạnh phúc trong xã hội. Nhưng, đôi khi không hẳn là như vậy, họ vẫn sống với nỗi đau tưởng chừng xưa cũ mỗi ngày. Khác với di chứng của một vấn đề thể chất, không nhiều người chọn cách xử lý những di chứng của vấn đề tinh thần, vì nhiều lý do.


Xem thêm

Phụ nữ và những tổn thương

Làm sao để tự mình vượt qua nỗi buồn trong cuộc sống?

5 lợi ích bất ngờ của sự tan vỡ sau biến cố


Lý do phổ biến đầu tiên là họ không ý thức được mình mang di chứng ấy. Họ nghĩ rằng cảm giác bất hạnh mà họ luôn cảm thấy đến từ việc họ không đạt được điều họ muốn. Vì thế, họ luôn cố gắng hết sức mình vì mọi thứ. Họ làm việc cật lực cho sự nghiệp, họ không ngừng nỗ lực để trở thành một phụ nữ hoàn hảo từ trong tới ngoài, họ luôn muốn đặt chân lên đỉnh vinh quang mới… Thế nhưng, dù lên đến đỉnh cao nào đi nữa, họ vẫn thấy bất an. Sự bất an ấy được thể hiện qua cảm giác ghen tị, sợ bị lãng quên và đôi khi là nhu cầu phải được chiếm hữu.

Lý do phổ biến thứ hai là dù ý thức được vấn đề của mình, họ lại cho rằng nó không đáng để bận tâm. Họ nhìn quanh và thấy rằng có bao nhiêu người khác còn gặp phải vấn đề nghiêm trọng hơn. Việc tồn tại trong một xã hội mà mọi vấn đề tinh thần bị quy thành sự yếu đuối khiến họ cũng tự cho rằng những cảm xúc bất an, đau buồn không rõ nguyên nhân của mình là không đáng kể, thậm chí là đáng xấu hổ. “Chỉ cần mình mạnh mẽ lên” – họ tự nhủ, và rồi mau chóng giấu vấn đề của mình đi sau một tấm mạng. Tất nhiên, sự che đậy ấy chỉ có tác dụng giới hạn, vì họ biết nỗi niềm của mình vẫn nằm ở đó.

Cô gái học cách chữa lành với nỗi buồn

Ảnh: Unsplash/Julia Ivanina

Lý do cuối cùng là sự bi quan về cách giải quyết. Có những người phụ nữ hiểu rất rõ tại sao mình vẫn căng thẳng, đau khổ, bất an, nhưng họ cho rằng đó là sự đã rồi. Sau một vài lần thử giãi bày với người khác mà thất bại, họ cho rằng đó là một lời nguyền họ sẽ phải mang theo tới hết cuộc đời. Họ sẽ chịu đựng và tin rằng chẳng có lối thoát nào cho họ cả. Tất nhiên, di chứng không vì thế mà biến mất, thậm chí có khi nó còn phát triển lên một mức độ lớn hơn, gay gắt hơn, khiến họ không thể kiểm soát. Nhưng biết làm sao được? – Có thể có người sẽ nghĩ như vậy.

Trong chuyên đề ELLE Voice lần này, chúng tôi muốn cùng bạn đọc bước đi trên một hành trình không dễ dàng. Chúng ta hãy cùng nhìn lại thế giới nội tâm của mình, để tự hỏi mình có thực sự bình yên, hạnh phúc với chính mình không. Và nếu không, không hẳn… thì đâu là lý do khiến bạn cảm thấy như vậy? Nếu bạn đang nếm trải những di chứng từ các vấn đề của thời niên thiếu, liệu có cách nào để bạn chữa lành, xoa dịu, hay đơn giản là hòa giải với chúng? Chuỗi bài viết này mong có thể mang lại cho bạn thêm một chút cảm thông, để bạn có thể tự tin mà nói với chính những tổn thương dai dẳng: Buồn ơi, chào mi!

Nhóm thực hiện

Bài: Phương Huyên 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more