Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] Hành trình chữa lành tổn thương tâm lý: Vượt qua vực thẳm

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương là chuyên gia Tâm lý tại bang California với trên 20 năm kinh nghiệm, giảng viên tại Đại học California State, Long Beach và Đại học Chapman. ELLE Việt Nam đã có cơ hội trò chuyện chuyên sâu với tiến sĩ về các vấn đề xoay quanh chấn thương tâm lý ở người trẻ.

Bài viết dài sau đây chứa đầy những thông tin quý giá mà bất cứ ai cũng nên đọc một lần trong đời, để thấu hiểu và chọn lựa cách hành xử đúng đắn trước một người đang gặp khó khăn về mặt tinh thần.

Đâu là dấu hiệu nhận biết một người đang bị tổn thương tâm lý, đặc biệt là người trẻ?

Chúng ta có thể phân biệt hai loại chấn thương tâm lý (psychological trauma). Một là Rối loạn Căng thẳng hậu Chấn thương Tâm lý (Post-traumatic stress disorder – PTSD) và Chấn thương Tâm lý Phức tạp (Complex Trauma) hay Chấn thương Tâm lý Phát triển (Developmental Trauma).

PTSD là một tình trạng rối loạn tâm lý mà tác nhân là một biến cố kinh hoàng vượt quá sự chịu đựng tương ứng với sự phát triển tâm lý lẫn thần kinh mà nạn nhân trực tiếp hay gián tiếp trải nghiệm. Các triệu chứng của PTSD có thể xuất hiện một tháng ngay sau biến cố khủng hoảng đó nhưng cũng có thể xuất hiện sau nhiều năm.

Chúng bao gồm bốn nhóm biểu hiện chính:

(1) Nhóm các hành vi hồi tưởng đột ngột, ác mộng thường xuyên, những suy nghĩ và hình ảnh tự động tái hiện không kiểm soát được.

(2) Nhóm các hành vi tránh né, chạy trốn những địa điểm, thời điểm, hoàn cảnh gợi nhớ những biến cố gây chấn thương và ngay cả các mối quan hệ.

(3) Nhóm các thay đổi tiêu cực trong suy nghĩ và tâm trạng như không tin tưởng vào cuộc đời và con người, thấy mình lạc lõng vô giá trị, cũng như thường xuyên cảm thấy tức giận, tuyệt vọng, trống rỗng, hay lãnh đạm.

(4) Nhóm các thay đổi phản ứng thể chất và cảm xúc như dễ giật mình, sợ hãi, cảnh giác, khó chịu, dễ nổi cơn thịnh nộ hay hung hăng, dễ xấu hổ hay mặc cảm tội lỗi.

Các triệu chứng có thể thay đổi theo thời gian hoặc khác nhau ở mỗi người, gây ra những rối loạn nghiêm trọng trong sinh hoạt đời sống hằng ngày, nơi làm việc hay tại gia đình. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, chúng thường tái lập các biến cố hay sự kiện kinh hoàng qua giấc mơ hay khi chơi, đặc biệt các trò chơi giả tưởng như đóng kịch hay chơi đồ hàng.

Nếu các triệu chứng điển hình cho rối loạn PTSD thường rõ nét thì Rối loạn Chấn thương Tâm lý Phức tạp có thể khó nhận diện hơn, thường bị hiểu lầm là những biểu hiện của tính cách (personality) bẩm sinh, và những nỗ lực chạy trốn nỗi thống khổ của chúng thường biểu hiện qua những hành vi tự bại hay tự hại. Về các triệu chứng cụ thể, nạn nhân có thể thường xuyên cảm thấy hổ thẹn hay tội lỗi, mang nỗi tự ti, mất một phần ký ức cũng như khả năng chú tâm, khó kiểm soát những xung động cảm xúc. Về thể lý, nạn nhân có thể có những biểu hiện như thường xuyên nhức đầu, chóng mặt, nặng ngực hay đau bụng. Về xã hội, nạn nhân có thể gặp nhiều khó khăn với các mối quan hệ bởi cảm xúc, tâm trạng tiêu cực lẫn bất định của mình, cũng như thái độ nghi ngờ hay uất hận về cuộc đời và con người.

tâm lý Lê Nguyên Phương
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương là chuyên gia Tâm lý tại bang California với trên 20 năm kinh nghiệm, giảng viên tại Đại học California State, Long Beach và Đại học Chapman. ELLE Việt Nam đã có cơ hội trò chuyện chuyên sâu với tiến sĩ về các vấn đề xoay quanh chấn thương tâm lý ở người trẻ.

Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tổn thương tâm lý là gì? Trong suốt sự nghiệp của mình, anh thường gặp các bệnh nhân bị tổn thương do nguyên nhân nào nhiều nhất?

Rối loạn PTSD thường phát tác sau khi trải qua một biến cố chết chóc, bị đe dọa sát hại, bị thương tật nghiêm trọng hoặc bị xâm phạm tình dục như cưỡng bức. Trong khi đó, Chấn thương Tâm lý Phức tạp phát triển sau khi một người phải chịu đựng sự khủng hoảng, hành hung hay khống chế kéo dài lặp đi lặp lại mà không có cách nào để thoát ra. Loại chấn thương sau thường là hậu quả của việc bị xâm hại hoặc bỏ rơi thời thơ ấu, bị bạo lực trong gia đình lâu dài, bị buôn bán hoặc bị ép buộc hoạt động mại dâm, bị bắt cóc, nô lệ hoặc tra tấn, bị giam giữ và tra tấn trong trại tù binh chiến tranh, hoặc thậm chí chỉ chứng kiến các hành vi bạo lực tiếp diễn trong môi trường sinh sống. Thoạt đầu, các nhà nghiên cứu tập trung vào những chấn thương do khủng hoảng thời thơ ấu, nhưng các nghiên cứu hiện nay cho thấy với loại chấn thương này, độ dài thời gian bị khủng hoảng có ý nghĩa nghiêm trọng hơn so với lứa tuổi mà nó xảy ra.

———

Nhiều bậc cha mẹ trải nghiệm những đau khổ qua chiến tranh, qua đói nghèo, qua xung đột vợ chồng… vì không biết cách giải quyết đã đổ những đớn đau của mình xuống đầu con trẻ. Và thế là những đứa trẻ đi vào cuộc đời với những vực thẳm trầm cảm, giận dữ, hay cả vô cảm cùng những khoảng trống trong thân xác, ký ức, cảm xúc.

Những trải nghiệm tiêu cực này sẽ trở nên nghiêm trọng khi các biến cố xảy ra ở lứa tuổi thiếu nhi, do cha mẹ hoặc người chăm sóc gây ra, kéo dài liên tục trong một thời gian, chịu đựng một mình không sự hỗ trợ, và đến nay vẫn chưa thoát ra được mối quan hệ bạo hành. Mặc dù chấn thương tâm lý còn tùy thuộc mức độ của các yếu tố ngoại tại như trên và khả năng đối phó cũng như hóa giải nội tại của chúng ta, chúng ta sẽ dễ bị chấn thương hơn khi phải trải qua khủng hoảng dữ dội hoặc lâu dài, đã có tiền sử bị bạo hành hay xâm hại, có các vấn đề sức khỏe tâm thần cá nhân hay di truyền về lo lắng hoặc trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện, và thiếu một hệ thống hỗ trợ tốt từ gia đình và bạn bè.

Hầu hết các thân chủ tôi có dịp tham vấn tại Việt Nam đều ít nhiều mang dấu hiệu của chứng Rối loạn Chấn thương Phát triển (Developmental Trauma Disorder) hay Chấn thương Phức tạp (Complex Trauma). Đau đớn nhất là những chấn thương này lại có nguyên nhân từ cha mẹ. Nhiều bậc cha mẹ trải nghiệm những đau khổ qua chiến tranh, qua đói nghèo, qua xung đột vợ chồng… vì không biết cách giải quyết đã đổ những đớn đau của mình xuống đầu con trẻ. Và thế là những đứa trẻ đi vào cuộc đời với những vực thẳm trầm cảm, giận dữ, hay cả vô cảm cùng những khoảng trống trong thân xác, ký ức, cảm xúc.

Cô gái học cách chữa lành những thương tổn tâm lý
Ảnh: Pexels/Olya Kobruseva

Tổn thương tâm lý có thể xuất hiện từ lứa tuổi nào?

Theo Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia Hoa Kỳ, những triệu chứng của rối loạn chấn thương tâm lý thường xuất hiện trong vòng ba tháng sau khi trải qua sự kiện hay biến cố khủng hoảng. Tuy nhiên, cũng có thể mất nhiều năm để các triệu chứng của rối loạn Chấn thương Phức tạp xuất hiện hay nhận diện, sự phát triển của trẻ, bao gồm cả hành vi và sự tự tin của chúng, có thể bị thay đổi khi chúng lớn lên.

Chúng ta đều có thể bị chấn thương tâm lý ở mọi lứa tuổi khác nhau. Từ cựu chiến binh đến trẻ em, từ nạn nhân cưỡng bức tình dục đến thiên tai. Theo Trung tâm Quốc gia về PTSD của Hoa Kỳ, trong 100 người sẽ có khoảng 7 hoặc 8 người trải qua một biến cố khủng hoảng và có nguy cơ bị chấn thương tâm lý vào một thời điểm nào đó trong đời, trong số đó, phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới.

Vì quan tâm nhiều hơn đến tuổi trẻ, ở đây tôi cũng nói thêm về chấn thương tâm lý ở tuổi trẻ, đặc biệt ở các em thiếu nhi. Đừng nghĩ rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần không xảy ra ở trẻ nhỏ. Như một bản tường trình của Trung tâm Nghiên Cứu Trẻ Phát Triển tại đại học Havard cho thấy, trẻ nhỏ phản ứng và xử lý các trải nghiệm cảm xúc và các sự kiện đau thương theo những cách rất khác với người lớn và trẻ lớn hơn, do đó, chẩn đoán ở trẻ nhỏ có thể khó khăn hơn nhiều so với ở người lớn. Những căng thẳng mang tính độc hại trong môi trường có thể làm hỏng cấu trúc não và làm tăng khả năng xuất hiện các vấn đề sức khỏe tâm thần các năm sau đó. Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị chấn thương khi cha mẹ có các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc lạm dụng chất kích thích, hoặc chính các em bị xâm hại, bạo hành, hay bỏ rơi triền miên.


Xem thêm

4 bước giúp bạn thoát khỏi tổn thương để tìm đến hạnh phúc

• 20 câu nói hay về sức mạnh của sự chữa lành giúp bạn có thêm động lực sống

• Quỳnh Anh: “Mình cứ nghĩ là mình trả giá, thì sẽ chẳng thể chữa lành”


Có những nhân vật bị bạo hành gia đình từ nhỏ nhưng không hề biết mình bị bạo hành, cũng không ý thức được mình có vấn đề tâm lý hay không. Họ chỉ nghĩ rằng bản thân làm sai nên mới bị bố mẹ đánh, chưa bao giờ trách móc bố mẹ mà chỉ tự trách bản thân, thậm chí có người còn tự tử. Anh nghĩ như thế nào về những trường hợp này? Liệu trẻ em có thể nhận thức được rằng mình đang gặp vấn đề tâm lý hay không?

Quả thật khái niệm chấn thương tâm lý phức tạp còn mới với thế giới huống chi với chúng ta, nơi nền tâm lý học còn quá phôi thai. Có một câu rất hay được cho là của tác giả Shahida Arabi, “Một đứa trẻ bị cha mẹ bạo hành sẽ không ngừng yêu thương họ mà nó lại ngừng yêu thương chính mình”. Rất nhiều người trong chúng ta từ lâu đã thấy có gì “sai sai” trong cuộc đời của mình từ các vấn đề cảm xúc đến quan hệ tình cảm, nhưng có lẽ chưa bao giờ chúng ta “dám” nghĩ cha mẹ chúng ta có dự phần trong việc hình thành con người đau khổ đó. Từ việc “nghiện cảm giác bị đau” đến việc mãi chọn những mối quan hệ tình cảm mà trong đó chúng ta là nạn nhân của sỉ nhục và hành hạ “quá đỗi đòn thù”, chúng ta chọn tiếp tục mối quan hệ chỉ vì sợ hãi sự cô độc, việc bỏ rơi, cảm giác không được thương yêu mà ngày xưa chúng ta vốn cũng thiếu vắng từ cha mẹ.

Trẻ bị Chấn thương Phức tạp có khi thấy mình hoàn toàn vô giá trị khi mẹ cha là người thân yêu nhất nay lại là những kẻ ngược đãi, khinh bỉ, nhục mạ. Chúng bắt chước khinh bỉ và phỉ nhổ bản thân, đổ mọi tội lỗi lên vai tuổi thơ bé bỏng, vì điều này vốn dễ dàng hơn là nhìn nhận sự thực mẹ cha không còn là nơi nương tựa, tin tưởng và hy vọng… Niềm tin vào chính mình, hy vọng vào tương lai, khả năng kiểm soát hoàn cảnh, cho đến ý nghĩa của kiếp nhân sinh, tất cả đều trống rỗng và tuyệt vọng. Chúng vì thế mất năng lực hoạch định và giải quyết vấn đề, mỗi ngày thức dậy với niềm tuyệt vọng, chỉ tồn tại lay lắt theo từng cơn gió cuồng nộ của những cảm xúc và ý tưởng tiêu cực xuất hiện bất ngờ.

———

Trẻ bị Chấn thương Phức tạp có khi thấy mình hoàn toàn vô giá trị khi mẹ cha là người thân yêu nhất nay lại là những kẻ ngược đãi, khinh bỉ, nhục mạ. Chúng bắt chước khinh bỉ và phỉ nhổ bản thân, đổ mọi tội lỗi lên vai tuổi thơ bé bỏng, vì điều này vốn dễ dàng hơn là nhìn nhận sự thực mẹ cha không còn là nơi nương tựa, tin tưởng và hy vọng…

Từ thuở ấu thơ, trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ vì sự an toàn và sinh tồn. Khi những người chăm sóc này không cung cấp sự hỗ trợ và đáp ứng các nhu cầu của trẻ, về mặt tinh thần và thể chất, trẻ sẽ lớn lên với cảm giác bất an thường trực trong môi trường, bất định sâu sắc về cuộc sống, và bất tín trong quan hệ với mọi người. Những cảm nhận bất an bất định này sẽ dẫn trẻ đến những nhận định tiêu cực về bản thân như thấy mình không đáng được quan tâm hoặc được chăm sóc đầy đủ và tích cực. Chúng còn cảm thấy phải che giấu nội tâm mình với thế giới, không thoải mái khi biểu hiện cảm xúc của mình, và chúng không được quyền có nhu cầu và thất bại như một định mệnh mà chúng không thể nào trốn tránh.

Trẻ nhỏ và ngay cả thiếu niên thường không ý thức mình đã bị chấn thương tâm lý. Chúng có thể nhận biết mình đang gặp những biến cố khủng hoảng, trong đó có cả việc bị cha mẹ bạo hành, nhưng việc thấy được tương quan giữa những biến cố này với tình trạng tâm lý và hành vi của bản thân đòi hỏi một số kiến thức nhất định về các nguyên lý vận hành và chức năng của tâm lý.

Cô gái học cách chữa lành tổn thương tâm lý
Ảnh: Pexels/Zayceva Tatiana

Trong trường hợp đứa trẻ bị cha mẹ bạo hành không nhận thức được vấn đề, cũng không thể kêu cứu, người thân xung quanh lại thờ ơ, không ai lên tiếng bảo vệ, số phận đứa trẻ đó sẽ như thế nào? Ai sẽ là người có thể chấm dứt được tình trạng đó?

Khi chúng ta nói về số phận đứa trẻ sau khi bị bạo hành thì thật sự chúng ta muốn nói về hậu quả của việc bạo hành. Vì những trải nghiệm ban đầu thuở ấu thơ định hình cấu trúc của bộ não đang phát triển, chúng cũng đặt nền tảng cho việc phát triển tâm lý và sức khỏe tinh thần của trẻ trong tương lai. Bất cứ những tác động tiêu cực nào đến quá trình phát triển này có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các rối loạn cảm xúc, suy giảm năng lực học tập, các hành vi lệch chuẩn, và từ đó ảnh hưởng đến sự thành công và hạnh phúc của trẻ trong cuộc đời. Một nghiên cứu mới đây (Babakhanlou & Beattie, 2019) cho thấy trẻ bị xâm hại hay bạo hành khi lớn lên sẽ đánh mất khả năng tin tưởng vào người khác và có cảm nhận tự ti, kém cỏi, thất bại bởi quan niệm tiêu cực về bản thân. Một nghiên cứu khác cho thấy một bức tranh số phận ảm đạm hơn đối với trẻ bị bạo hành như phải trải nghiệm các rối loạn tâm thần như cô lập đơn độc, xung động bạo lực, lo âu trầm cảm, hay rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Khi trưởng thành, chúng có những đặc điểm về tính cách nổi bật như hèn nhát, thành kiến thiên kiến, nghi kỵ và bi quan, định kiến và hành vi ám ảnh (Mercer và cộng sự, 2017).

Chúng ta phải ý thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề này để có thể có những can thiệp sớm và toàn diện. Bằng cách cải thiện môi trường của các mối quan hệ và trải nghiệm sớm trong cuộc sống của trẻ em, xã hội có thể giải quyết nhiều vấn đề tốn kém chi phí quốc gia trong tương lai, bao gồm cả việc lực lượng lao động trình độ thấp kém, giải quyết và bắt giữ tội phạm, tình trạng nghèo đói vô gia cư… Không bao giờ là quá muộn, nhưng sớm hơn thì chắc chắn tốt hơn. Mặc dù một số cá nhân thể hiện được năng lực để vượt qua những thách thức nghiêm trọng của việc ngược đãi bạo hành, nhưng khả năng phục hồi tâm lý của trẻ nhỏ vẫn còn hạn chế trước những nghịch cảnh và biến cố khủng hoảng. Chúng ta cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa và can thiệp kịp thời trong những trường hợp khiến trẻ nhỏ có nguy cơ chấn thương tâm lý nghiêm trọng.

Câu hỏi “Ai sẽ là người có thể chấm dứt được tình trạng đó?” khá thú vị nhưng cũng đầy bức xúc. Tôi sẽ nói là cần cả một hệ thống để chấm dứt tình trạng đó. Cần phải có một hệ thống luật pháp bảo vệ trẻ em đặt nền tảng trên quyền và tâm lý phát triển trẻ em, đi cùng với hệ thống cảnh sát, tòa án, chuyên viên công tác xã hội, nhà tham vấn nhi đồng, nhà trường… để vừa áp dụng luật một cách nghiêm túc vừa hỗ trợ cho những gia đình đang gặp khó khăn về tâm lý. Cần phải có những chương trình nâng cao nhận thức về vấn đề chấn thương tâm lý do bạo hành, kỷ luật tích cực trong gia đình và nhà trường, giải tỏa căng thẳng và lo âu cho cha mẹ. Cần phải có những chương trình cộng đồng giải quyết tận gốc những vấn đề đói nghèo, nghiện ngập bia rượu, bạo lực trong xã hội, bạo lực trong hôn nhân. Đặt người bị bạo hành lẫn người bạo hành trong bối cảnh xã hội hiện nay, chúng ta sẽ thấy những mối kết nối chằng chịt giữa nguyên nhân và hậu quả. Vì thế, muốn giải quyết vấn đề này, chúng ta cũng cần một tiếp cận đa chiều do cả cộng đồng xã hội tham gia.

Những tổn thương tinh thần trong quá khứ của đứa trẻ có thể trở thành rào cản tâm lý trong tương lai như thế nào?

Qua các nghiên cứu khoa học, chúng ta biết rằng trẻ có thể bị chấn thương khi bị bạo hành lẫn khi bị bỏ rơi, đặc biệt khi cha mẹ không tạo cho con cái họ những điều kiện và môi trường tình cảm cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của chúng. Ngay cả khi trẻ em đã được đưa ra khỏi các môi trường bạo hành độc hại và được đưa vào các nhà nuôi dưỡng đặc biệt, sự phát triển của các em thường đi kèm với các vấn đề khó khăn trong việc hiểu biết về bản thân, khả năng thích ứng cảm xúc, tự điều chỉnh hành vi, và mối quan hệ xã hội lẫn thân thiết với người khác. Các hậu quả còn bao gồm việc giảm khả năng sẵn sàng đến trường, cũng như thành tích học tập và cả sức khỏe thể chất và tinh thần sa sút trong suốt cuộc đời.

Cụ thể hơn, việc bạo hành hay bỏ rơi có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của chức năng điều hành, về sự chú tâm, trí thông minh và thành tích học tập. Những điều này sẽ ảnh hưởng đến sự thành công của trẻ trong học tập lẫn sự nghiệp. Về cảm xúc, trải nghiệm tiêu cực này sẽ hình thành sự gắn bó bất an và rối loạn gắn bó ở trẻ. Khi lớn lên, trẻ với những mối gắn bó bất toàn này sẽ có các mối quan hệ tiêu cực và đau khổ với tha nhân, từ người yêu, đồng nghiệp đến con cái tương lai. Ngoài ra, như nói ở trên, lòng tự ti, sợ hãi, mặc cảm tội lỗi, rối loạn tâm lý là những vấn đề trẻ phái đối đầu khi lớn lên. Về mặt hành vi, trẻ có thể có những hành vi tự bại, tự hại, kể cả tự sát; chẳng hạn chống đối, phạm pháp, nghiện ngập, bạo động, những rối loạn ăn uống, hành vi lệch chuẩn.

Cô gái cố gắng chữa lành tổn thương
Ảnh: Unsplash/Nicole Geri

Có những phương pháp trị liệu nào dành cho người bị tổn thương tâm lý?

Hiện nay có rất nhiều phương pháp trị liệu dành cho người bị chấn thương tâm lý. Bên cạnh những tiếp cận truyền thống như Liệu pháp Nhận thức Hành vi Tập trung Chấn thương (Trauma-Focused Cognitive Behavioral Therapy – TF-CBT), chúng ta còn có Liệu pháp Xử lý Nhận thức (Cognitive Processing Therapy), Chuyển động Nhãn cầu Tái Xử lý và Giảm Nhạy cảm (Eye Movement Desensitization and Reprocessing – EMDR)… Nói đến những liệu pháp để đối trị chấn thương tâm lý thì không thể không nhắc đến các liệu pháp thân tâm, như Bessel van der Kolk (2015) và trước đó là Alice Miller (2006) đã đề cập trong các tác phẩm của họ về việc cơ thể của chúng ta đã mang đầy dấu ấn khổ hình từ tuổi ấu thơ với bạo hành trong gia đình đến những khủng hoảng khác trong cuộc đời. Những liệu pháp này gồm có Liệu pháp Hakomi, Liệu pháp Não-Thân (Neurosomatic therapy), Liệu pháp Giác quan Vận động (Sensorimotor Psychotherapy – SP), Hợp nhất Thân tâm (PsychoSomatic Integration – PSI)… và dĩ nhiên không thể quên Liệu pháp Thân Nghiệm (Somatic Experiencing – SE). Tôi đã có chứng chỉ thực hành liệu pháp đặc thù cho chấn thương tâm lý này sau thời gian học tập và thực hành với sự tư vấn của các giảng viên và chuyên gia trong trường phái này.

Nhà Tâm thần học John R. Peteet trong bài viết của mình trên tờ Harvard Review of Psychiatry năm 2018 có nói đến hiện tượng “làn sóng thứ tư” trong tham vấn trị liệu. Nếu Phân tâm học lẫn Nhận thức Hành vi thuộc các làn sóng trước thì làn sóng thứ tư này bao gồm các liệu pháp có nguồn gốc từ Liệu pháp Tâm lý Hiện sinh châu Âu lẫn các phương pháp tiếp cận tâm linh từ phương Đông, với mục đích không chỉ cải thiện các triệu chứng bệnh lý mà còn nâng cao sự an lạc thân tâm trong đời sống hàng ngày. Chúng được xây dựng trên nền tảng hiện sinh, nhân bản, triết học và tâm linh. Những cách tiếp cận này bao gồm cả các phương pháp thực hành riêng biệt như thiền từ bi, thiền tứ vô lượng tâm, thực hành chánh niệm, phát triển lòng tự trọng và tri ân, tha thứ và buông bỏ, tập trung vào ý nghĩa đời sống… Quả thật, đây là một giai đoạn trăm hoa đua nở trong tiếp cận tham vấn và điều trị. Bệnh nhân của chấn thương tâm lý sẽ có điều kiện tiếp cận với nhiều hướng chữa trị hơn nhưng đồng thời cũng dễ dàng là nạn nhân của những người thực hành giả hiệu học tắt học sai trong một quốc gia chưa có tiêu chuẩn hành nghề tâm lý.

Và liệu có thực sự tồn tại khả năng chữa lành hoàn toàn?

Thực sự có một khả năng chữa lành hoàn toàn. Nó không phải chỉ là hy vọng mà là một hiện thực và là điều kỳ diệu nhất có thể xảy ra cho một người, như cánh chim phượng hoàng đập cánh bay lên từ tro tàn trong biển lửa. Tâm lý học dùng khái niệm “thăng tiến hay phát triển sau chấn thương” (post-trauma growth) để mô tả hiện thực này. Đây là một khái niệm được đề xuất bởi hai nhà tâm lý học Richard Tedeschi và Lawrence Calhoun vào giữa thập niên 1990 để mô tả sự chuyển hóa sau chấn thương tâm lý. Họ tin rằng chúng ta đều có thể tìm thấy sự trưởng thành tích cực sau khi trải qua những nghịch cảnh trong đời sống.

TS. Tedeschi nhận định, “Họ (những người từng chấn thương) sẽ xây dựng một kiến giải mới về chính mình, thế giới mà họ đang sống, và cách thế tương giao với tha nhân, tương lai mà họ sẽ đến, và một kiến giải tốt lành hơn về cách thế sống của chính mình”. TS Tedeschi và Calhounin trong chuyên san Journal of Traumatic Stress vào năm 1996 đã xây dựng một thang đánh giá Phát Triển Hậu Chấn Thương (Posttraumatic Growth Inventory) gồm 21 câu hỏi để nhận diện điều này trong năm lĩnh vực của đời sống, tạm dịch là cơ hội mới trong đời sống (new possibilities in life), quan hệ với tha nhân (relating to others), sức mạnh bản thân (personal strength), chuyển hóa tâm linh (spiritual change), và hân hưởng cuộc đời (life appreciation). Và điều ý nghĩa nhất là phát hiện của họ sau nghiên cứu khảo sát, nữ giới đạt được nhiều lợi ích sau chấn thương hơn nam giới, và người có trải nghiệm chấn thương đạt được nhiều chuyển hóa tích cực hơn người không trải qua những biến cố bất thường.

———

Thực sự có một khả năng chữa lành hoàn toàn. Nó không phải chỉ là hy vọng mà là một hiện thực và là điều kỳ diệu nhất có thể xảy ra cho một người, như cánh chim phượng hoàng đập cánh bay lên từ tro tàn trong biển lửa.

Tương tự, nhà Tâm lý học Môi trường Lee Chambers, một người thăng tiến hậu chấn thương sẽ tự thực hiện hóa toàn diện bản thân, như khám phá tài năng và khả năng tiềm ẩn của mình, tìm kiếm sự tự tin để đối mặt với những thử thách mới và khám phá cảm giác mạnh mẽ. Chambers giải thích: “Sự thăng tiến này có xu hướng tạo ra một mức độ chú tâm và biết ơn đối với cuộc sống, đặc biệt là vào khoảnh khắc hiện tại, và tập trung vào những mối quan hệ cần được ưu tiên, thường là những mối quan hệ mà cá nhân cảm thấy đã hiện diện hỗ trợ họ trong những thời điểm khó khăn”.

Hành trình chữa lành bao giờ cũng đến những bước thông cảm và khoan dung cho kẻ đã bạo hành mình vì cũng chính những hành động thông cảm và khoan dung cũng là phương tiện để chữa lành cho nạn nhân. Hòa giải để chữa lành đòi hỏi nỗ lực từ cả hai phía. Hình ảnh đẹp nhất có lẽ là hình ảnh bố mẹ ôm chầm đứa con xưa bị bạo hành nay đã lớn và nói, “Bố/mẹ xin lỗi con” và đứa con cũng sẽ nói trong ràn rụa nước mắt, “Con vẫn luôn thương yêu bố/mẹ”.


Xem thêm

Vì sao người từng bị tổn thương lại là người có trái tim nhân hậu nhất?

• Nghệ thuật và khả năng chữa lành trong mỗi chúng ta

• 8 dấu hiệu cho thấy bạn là một người chữa lành


Làm sao để một người nhận diện được mình đang gây tổn thương cho người khác?

Quả thật là một câu hỏi thú vị về việc chúng ta làm sao có thể tự nhận diện khi mình đang gây chấn thương cho người khác. Để có thể tự hỏi câu này, chúng ta cần một sự tỉnh thức nhất định để thấy tương quan của chúng ta và người khác nhiều khi là phản ứng bộc lộ những nội kết của lúc thiếu thời, cụ thể hơn người khác là đối tượng để chúng ta trút lên những cảm xúc bất ưng vốn tích lũy từ xưa nay được kích hoạt bởi đối tượng.

Nói khi nào làm tổn thương người khác thì quá rộng. Và hành động bạo hành con trẻ thì cũng đã có nhiều thông tin về vấn đề này, thường chúng có thể được nhóm lại thành bạo hành thể xác, bạo hành tinh thần, xâm hại tình dục, và phó mặc ruồng rẫy. Nay, chúng ta sẽ nói kỹ hơn về bạo hành tinh thần giữa người đồng tuổi. Chúng ta bạo hành người khác khi chúng ta kiểm soát, sỉ nhục, đổ lỗi, lăng mạ và cô lập người khác. Những hình thức kiểm soát cực đoan đối với tha nhân bao gồm việc kiểm soát mọi sinh hoạt thậm chí ăn gì mặc gì, ra các mệnh lệnh phi lý, khống chế tinh thần lẫn vật chất, phủ nhận mọi nhận thức và suy nghĩ của người khác, xem lén mọi liên lạc của người khác, la hét và giam cầm người khác trong nỗi sợ hãi. Hành vi sỉ nhục có thể bao gồm việc chế giễu và châm chọc người khác với thái độ thù hận; lên mặt kẻ cả và đối xử như con trẻ trước mọi hành vi, phát biểu, yêu thích… của người khác; gán cho người khác các tính từ như ngu, điên… Hành vi đổ lỗi có thể bao gồm việc tố cáo người khác là lẳng lơ, gian dối, không có chứng cứ; cho người khác là nguyên nhân của mọi khổ sở trong đời sống của mình; hay kích động cho người khác nổi cơn giận dữ rồi lên án biểu hiện này của họ. Hành vi cô lập bao gồm việc giam cầm trong nhà hay chặn các phương tiện đi lại hay liên lạc, nói xấu để mọi người xa lánh đối tượng, chế giễu hay sỉ nhục mọi người thân của người đó.

Học cách chữa lành những tổn thương tâm lý
Ảnh: Unsplash/Michal Binkiewicz

Người trẻ hiện đại có vẻ dễ mắc phải các vấn đề tâm lý hơn như rối loạn chống đối xã hội, trầm cảm, thậm chí là tự tử. Tại sao lại như vậy? Có phải cuộc sống càng tiện nghi, hiện đại thì con người lại càng yếu đuối, u tối hơn?

Hiện tượng người trẻ hiện nay đang gặp các vấn đề tâm lý nhiều hơn thế hệ trước có thể đến từ nhiều lý do. Đầu tiên là sự phát triển của các phương tiện truyền thông nên chúng ta được thông tin nhanh và rộng hơn mọi hiện tượng xã hội, việc quan tâm tới các vấn đề tâm lý cũng nhiều và sâu hơn sau giai đoạn quan tâm đến các vấn đề vật chất hay sinh tồn, và kiến thức về các rối loạn tâm lý cũng giúp chúng ta nhận diện rõ ràng và tinh tế hơn các cá nhân đang gặp phải các vấn đề này. Tuy nhiên, nhận định về số lượng người trẻ gặp khó khăn tâm lý không phải là một phát ngôn mang tính chất võ đoán hay cáo buộc. Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề một cách nghiêm túc để có thể giúp con em chúng ta một cách hữu hiệu và toàn diện hơn.

Đầu tiên, chúng ta thấy hiện tượng cô lập xã hội và lệ thuộc vào công nghệ đã khiến thế hệ trẻ hầu như mất kết nối với thiên nhiên và môi trường, kết nối với con người sinh động trong thực tại, và hầu như sống hoàn toàn với thế giới của “tưởng” trong đầu của chúng. Càng hiện đại trong một thế giới mà công nghệ phát triển quá nhanh vượt qua phương thức tiếp cận thế giới của não bộ vốn hình thành từ nhiều ngàn năm tiến hóa, chúng ta lại càng mất kết nối với cả chúng ta và thế giới bên ngoài mà phải sống liên tục trong một thế giới ảo của sự tương tác đồng thời hàng trăm hay có thể hàng ngàn người cùng một lúc.

Với một xã hội hiện đại đầy những thứ kích hoạt sự căng thẳng, từ áp lực trong học tập, công việc, cộng đồng… thế hệ trẻ hiện nay hầu như bị tràn ngập bởi những xung động cảm xúc khi hệ thần kinh giao cảm trở nên thường trực ở dạng báo động. Thế nhưng, những cơ chế phòng vệ hay nói đúng hơn là trốn chạy mang tính tự bại và tự hại của xã hội hiện đại lại đầy rẫy; chẳng hạn việc xem suốt ngày các bộ phim nhiều tập, ăn đồ ăn nhanh nhiều mỡ, sử dụng bia rượu ma túy, vùi đầu vào điện thoại thông minh và mạng xã hội… để nhấn chìm nỗi bất an đến việc đánh mất dần những thói quen giải tỏa căng thẳng tích cực như nghe một bản nhạc êm dịu, tản bộ trong rừng hay công viên, tập một bài thể dục yoga thư giãn… Tuổi trẻ, và không ít người trong chúng ta ở thế hệ lớn hơn, đã quen với lối suy nghĩ và khao khát tìm một viên thuốc thần giải quyết nhanh (quick fix) các nỗi khó chịu. Trong khi các nghiên cứu cho thấy thế hệ Millenial đã là thế hệ cô đơn vì kiệt sức trong công việc, đồng lương trì trệ, không được chăm sóc sức khỏe tinh thần tại chỗ làm, không có những kết nối với các cộng đồng tinh thần… thì với thế hệ Z, các nghiên cứu của McKinsey lại cho thấy thế hệ này có cái nhìn tiêu cực hơn về cuộc sống, trong đó tình trạng an lạc kém hẳn so với các thế hệ trước. Cứ 1 trong 4 bạn thế hệ Z bị các vấn đề căng thẳng về cảm xúc, gấp nhiều lần thế hệ Millenial và thế hệ X. Báo cáo của Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ còn cho chúng ta một bức tranh u ám hơn về thế hệ này. Trên 90% thành viên của thế hệ này đã trải nghiệm những vấn đề về cảm xúc vì căng thẳng, trong đó 58% buồn bã hay trầm cảm, và 55% thiếu động lực và năng lượng.

Có những ngộ nhận nào mà chúng ta thường nghĩ sai về người bị tổn thương tâm lý?

Có những ngộ nhận về người bị chấn thương tâm lý mà chúng ta cần lưu ý. Thứ nhất, chấn thương tâm lý không phải là bản án chung thân. Tiến sĩ Peter Levine, cha đẻ của liệu pháp Thân Nghiệm cho rằng chấn thương tâm lý vừa có sức mạnh hủy hoại nhưng cũng có sức mạnh chuyển hóa và phục sinh, và điều này tùy thuộc cách chúng ta tiếp cận và giải quyết nó. Thứ hai, chấn thương tâm lý không chỉ xảy ra ngay sau một biến cố đe dọa sinh mạng của chúng ta. Tâm lý gia Richard Tedeschi cho biết việc chấn thương không phải nằm trong tự thân của biến cố mà bởi những ảnh hưởng cảm xúc và tâm lý của biến cố đối với chúng ta và các ảnh hưởng này chỉ xuất hiện sau nhiều năm. Thậm chí, nhà tâm lý này còn cho rằng, chúng ta không nên gọi hiện tượng chấn thương tâm lý là một rối loạn, vì nó chỉ là một “biểu hiện của tính nhân loại” của tất cả chúng ta. Cũng tương tự như một chấn thương thể lý, người bị chấn thương tâm lý cũng đang bị tổn thương. Họ không bị rối loạn tâm thần mà tất cả các biểu hiện tâm thể của họ chỉ là dấu hiệu của những tổn thương sâu sắc sau một biến cố khủng hoảng cần được chữa lành.

Xã hội thường có ngộ nhận thứ ba không chỉ về những người bị chấn thương tâm lý mà còn cả những người có các rối loạn tâm lý. Xã hội, đặc biệt những xã hội thiếu kiến thức về tâm lý học, cho rằng người bị chấn thương tâm lý là yếu đuối và phải tự vượt qua mới mạnh mẽ. Thật ra mỗi người đều có những đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, vì thế, một biến cố khủng hoảng có thể là nguy cơ chấn thương cho người này nhưng không cho người khác. Và việc đè nén hay lảng tránh để không cho những biểu hiện của chấn thương xuất hiện trong một thời gian hay công khai trong giao tế hàng ngày không hẳn là dấu hiệu của sức mạnh. Ngược lại, nó là chỉ dấu của sự bất tri và sợ hãi, không biết hậu quả của chấn thương tâm lý và không dám đối đầu với những biểu hiện của chúng. Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn không bao giờ là dấu hiệu của sự yếu đuối.

Ngộ nhận thứ tư là việc cho rằng các biểu hiện của chấn thương tâm lý ở mọi người đều giống nhau. Thật ra, nó có thể biểu hiện rất khác nhau, tùy thuộc vào từng người và loại chấn thương đã trải qua. Dựa trên Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về Rối loạn Tâm thần, phiên bản 5, các triệu chứng PTSD được bao gồm trong bốn nhóm chính và phải kéo dài ít nhất một tháng. Đó là (1) hồi tưởng, có những những suy nghĩ hoặc giấc mơ liên quan đến việc tái hiện biến cố khủng hoảng; (2) trốn tránh, chủ động tránh mọi suy nghĩ, địa điểm hoặc tác nhân tiềm ẩn liên quan đến chấn thương; (3) suy nghĩ và tâm trạng tiêu cực, mất ký ức về biến cố hay chấn thương, suy nghĩ lạ thường hoặc phi lý về lý do chấn thương xảy ra; và (4) các triệu chứng kích thích, khó ngủ hoặc khó tập trung, dễ bị giật mình. Tuy nhiên, các biểu hiện trong 4 nhóm này lại khác nhau và các triệu chứng này có thể có bất kỳ sự kết hợp nào. Các triệu chứng của Rối loạn Chấn thương Phức tạp hay Phát triển thì lại càng đa dạng và phức tạp hơn.

Hai cô gái phản chiếu sự ảnh hưởng lên nhau
Ảnh: Pexels/Rizky Sabriansyah

Đối với người bị tổn thương tâm lý, đặc biệt là những người lựa chọn hành vi cực đoan như tự tử, đâu là điều họ cần nghe nhất? Chúng ta có thể giúp đỡ họ như thế nào?

Xin đặc biệt nhấn mạnh ở đây là không phải người bị chấn thương nào cũng sẽ có ý tưởng hay kế hoạch tự sát. Điều này cũng tương tự như tương quan giữa rối loạn tâm lý và tự sát; không phải ai cũng tự sát vì trầm cảm, nhưng trầm cảm là một nguy cơ hay làm gia tăng nguy cơ tự sát. Vì việc chữa trị chấn thương tâm lý phức tạp và dành cho nhà chuyên môn, tôi sẽ chỉ đề ra các dấu hiệu nhận diện và hướng tiếp cận hỗ trợ người tự sát trong phần trả lời này.

Đầu tiên, chúng ta cần phải có khả năng nhận diện các dấu hiệu của chấn thương tâm lý và dấu hiệu của những người muốn tự sát. Chúng bao gồm các dấu hiệu biểu hiện qua tâm trạng và hành vi như sau: tâm trạng thất thường, cảm giác tuyệt vọng, cho đi tài sản, mất hứng thú với mọi thứ, nói hay viết về cái chết hoặc tự tử, chào vĩnh biệt gia đình và bạn bè, cho bản thân là một gánh nặng, trốn tránh giao tiếp với bạn bè và gia đình…

———

Vấn đề là không phải họ cần nghe gì mà chúng ta cần nghe gì; lắng nghe họ trong sự quan tâm và tiếp nhận sâu sắc vô điều kiện chính là khởi đầu cho hành trình chữa lành của họ.

Giúp người muốn tự sát không phải là điều dễ dàng và dễ chịu, vì thế, nếu không có sự bình tĩnh và tri thức nhất định, chúng ta nên tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn thay vì tự ý tự đại đóng vai “chuyên gia” tâm lý tài tử chỉ vì cái tôi của mình. Nếu bạn nghĩ mình có đủ sự bình tâm và tri thức, đầu tiên hãy cho người muốn tự sát biết rằng bạn quan tâm đến họ và họ không đơn độc. Hãy bộc lộ sự cảm thông với họ, dù rằng hãy tự thú bạn không thể nào biết chính xác và hoàn toàn cảm nhận của họ nhưng cũng hãy nói là bạn thực sự muốn thông hiểu để đồng cảm. Xin đừng phán xét, chỉ trích hoặc đổ lỗi cho họ bằng thái độ bề trên, mô phạm hay luân lý. Nếu được, hãy hỏi về lý do muốn sống và muốn chết của họ và lắng nghe câu trả lời của họ; đặc biệt, cố gắng hỏi kỹ để tìm lý do muốn sống của họ, về những người họ quan tâm và những người quan tâm đến họ – việc này sẽ đánh thức họ về những lý do có thể tiếp tục sống. Cũng hãy hỏi về các cảm xúc và cảm giác của họ, và chia sẻ với họ rằng họ sẽ không cảm thấy như vậy mãi mãi và cường độ cảm xúc có thể giảm dần theo thời gian. Tìm hiểu về những lần trong quá khứ họ đã vượt qua được cảm nhận tiêu cực và ý muốn tự sát như thế nào. Và dĩ nhiên, khuyến khích họ tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia. Vấn đề là không phải họ cần nghe gì mà chúng ta cần nghe gì; lắng nghe họ trong sự quan tâm và tiếp nhận sâu sắc vô điều kiện chính là khởi đầu cho hành trình chữa lành của họ.

     Tiến sĩ Lê Nguyên Phương

  • Tiến sĩ Lãnh đạo Giáo dục chuyên ngành Tâm lý Giáo dục tại Đại Học Southern California, Hoa Kỳ
  • 20 năm làm chuyên gia Tâm lý Học đường tại các học khu lớn ở bang California
  • Giảng viên chương trình cao học Tâm lý Học đường và Tham vấn Tâm lý tại Đại Học California State, Long Beach và Đại Học Chapman
  • Người đầu tiên nhận giải Chuyên Gia Thực Hành Tâm Lý Học Đường Quốc Tế Kiệt Xuất của tổ chức International School Psychology Association (ISPA) năm 2011
  • Chuyên gia Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ năm 2014 – 2019
  • Nhà sáng lập tổ chức Liên hiệp Phát triển Tâm lý Học đường tại Việt Nam (CASP-V) năm 2010
  • Đồng tác giả chương trình đào tạo thạc sĩ Tâm lý Học đường tại Đại Học Sư Phạm Hà Nội và Tham vấn Học đường tại Đại Học Giáo Dục Hà Nội
  • Tác giả bộ sách “Dạy Con Trong Hoang Mang” – đoạt Giải Sách Hay lĩnh vực Giáo dục năm 2018
  • Nhà sáng lập & Giám đốc Chuyên môn tại MINERVA EDUCATION

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc 

Ảnh: NVCC

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)