Hành trình thấu hiểu của người mẹ có con trai đồng tính
“Cả thế giới thừa nhận bạn cũng không quan trọng bằng chỉ một mình mẹ bạn chấp nhận bạn”.
Khi quyết định thực hiện đề tài về người đồng tính, tôi đã mất một tháng để đi tìm nhân vật. Bạn bè, anh em và rất nhiều nhân vật đồng tính khác được giới thiệu đều rất vui vẻ, sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của mình. Nhưng khi đề xuất ý tưởng là cuộc phỏng vấn đôi với cha/mẹ, tất cả mọi người đều ngậm ngùi lắc đầu. Dù đã “come out” từ lâu và được gia đình ủng hộ, họ vẫn không thể thuyết phục người thân xuất hiện công khai trước tất cả mọi người. Việc đứng ra thừa nhận con mình là người đồng tính, đối với nhiều bậc phu huynh, vẫn là một chuyện vô cùng khó khăn.
Lúc đó, tôi đã nghĩ chắc phải dừng đề tài này lại. Nhưng trong nỗ lực cuối cùng, tôi vô tình phát hiện PFLAG – Hội cha mẹ, người thân và bạn bè của người đồng tính. Mừng như bắt được vàng, tôi đánh liều gửi đi một tin nhắn. Nhờ những người con thuyết phục cha mẹ sẽ khó, nhưng nếu bắt đầu từ hướng ngược lại, biết đâu…
Và thế là tôi có cơ hội được chia sẻ câu chuyện của mẹ con cô Đinh Thị Yến Ly và anh Nguyễn Đăng Khoa (Teddy).
Cô Ly sống tại TP.HCM và có cậu con trai duy nhất là anh Nguyễn Đăng Khoa, biệt danh là Teddy. Cô phát hiện bí mật của con trai mình vào năm anh học lớp 11. Sáng hôm đó, Teddy có tiết học ở trường và để cặp sách ở nhà. Cô Ly, vốn có thói quen soạn cặp sách cho con, đã phát hiện một quyển nhật ký. Trong đó, Teddy dán hình của anh và một cậu bé lớp dưới, đồng thời bày tỏ cảm xúc yêu thương của mình. “Khi đọc được những dòng nhật ký của con, tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi cảm thấy mất phương hướng. Câu chuyện như thế này, tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Xen lẫn sự hoảng sợ là cảm xúc tức giận con mình”, cô chia sẻ.
Anh Teddy, năm nay 29 tuổi, đang làm giảng viên của một trường đại học ở TP.HCM, bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đó. “Mình phát hiện mình là người đồng tính vào những năm lớp 7, lớp 8. Khi đó, hầu như các thông tin về LGBT đều không có. Đó là khoảng thời gian rất khó khăn với mình”. Khi có tình cảm với một số bạn trai, anh không cảm thấy đó là điều khác thường. Thời niên thiếu vô tư, không suy nghĩ nhiều, thích thì thích vậy thôi. Nhưng dần dần, anh nhận ra bản thân mình khác lạ so với mọi người. Sang năm cấp 3, Teddy bắt đầu có cảm xúc nhiều hơn, song song đó là chuỗi ngày tự vấn: mình là ai? “Mình cứ tự dằn vặt, tại sao mình lại khác mọi người. Nhìn lớp mình, nhìn lớp khác, không ai giống mình cả. Sau này mình mới biết, họ cũng như mình nhưng không dám nói ra”. Teddy không biết chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc của mình với ai. Tất cả mọi thứ, anh viết vào nhật ký. Đó là khoảng thời gian mà anh gọi là “sống trong bóng tối”.
Thời điểm đó, trong mắt cô Ly, Teddy là một cậu bé khỏe mạnh, ăn dễ ngủ dễ, tròn trịa mập mạp và cũng rất năng động, nghịch ngợm. Chuyện con có những suy nghĩ và hành động kỳ lạ như vậy là không chấp nhận được. Cô đã rất tức giận và chờ khi Teddy về nhà, cô bắt con trai phải tự tay xé vụn quyển nhật ký trước mặt mình và hứa với cô sẽ không bao giờ làm chuyện tương tự. Teddy đã rất hoảng sợ, không nói được câu nào và chỉ biết ngồi xuống xé quyển nhật ký. Tất nhiên, anh vẫn hứa với cô sẽ tập trung học hành, không có suy nghĩ “lệch lạc” như vậy nữa. Nhưng, làm sao Teddy có thể lừa dối cảm xúc của bản thân mình được?
Teddy đã cố gắng quen các bạn gái, nhưng anh cũng thừa nhận mình chỉ có cảm xúc bạn bè mà thôi. Đến cuối năm cấp 3, khi đang lén lút quen một cậu con trai khác, anh tiếp tục bị mẹ phát hiện. Lần này, mọi thứ trở nên khó khăn hơn vì nó xảy ra trước thời điểm thi đại học chỉ 2 ngày.
“Kể từ lần đầu tiên, dù con đã hứa với tôi, nhưng trong thâm tâm, tôi không hề thấy yên tâm. Tôi lại càng theo dõi con sát sao, kỹ lưỡng hơn”. Chính vì theo dõi rất kỹ nên cô Ly phát hiện Teddy đang quen một cậu bạn ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Một lần, cậu bạn này lên TP.HCM chơi và đến gặp Teddy. Nghe được chuyện đó, cô đứng ngồi không yên. “Chỉ chờ nó bước ra khỏi phòng là tôi phóng theo và đứng ở lỗ thông gió của cầu thang nhìn ra. Trong đầu tôi lúc đó hy vọng xuất hiện một cô con gái. Nhưng hỡi ôi, đó lại là một cậu con trai. Đó là một cậu bé rất đẹp trai, cao ráo, dễ thương. Chúng nó không dám vào nhà mà chỉ đứng ở bên ngoài nói chuyện”, cô Ly nhớ lại. Vì lúc đó, bill điện thoại nhà cô thường xuyên gọi đến một số ở Bà Rịa – Vũng Tàu nên cô cũng lờ mờ đoán được. Cô gọi lại đúng số đó và gặp mẹ của cậu bé. Đó là một gia đình có điều kiện và cũng chỉ có một cậu con trai. Cô đã báo cho người mẹ về những biểu hiện kỳ lạ của hai cậu con trai và đề nghị cùng hợp tác để kiểm soát con. “Tôi nhớ là bà mẹ cảm ơn tôi rối rít và qua điện thoại, tôi cảm nhận được bà ta cũng rất hoảng sợ. Bà ấy nói sẽ không cho con mình sử dụng điện thoại và máy vi tính nữa. Tất nhiên, tôi cũng làm điều tương tự với Teddy”.
Cô Ly đã không nói gì với Teddy, nhưng có lẽ hai cậu bạn vẫn tìm cách liên lạc và thông báo tình hình cho nhau. Một buổi tối, khi đi học luyện thi về, Teddy bước vào nhà với thái độ bực bội. Anh bước vào bếp, tay lăm lăm con dao, cứ đi qua đi lại và lầm bầm: “Tôi hận các người. Tại sao các người cứ đi theo phá đám tôi hoài vậy”. Đó là khoảnh khắc đau đớn nhất của cô Ly. Nuôi con 17, 18 năm, chưa bao giờ cô nghĩ sẽ có một giây phút Teddy nói ra những lời như vậy. Trong thâm tâm, cô luôn nghĩ rằng mình đang làm điều tốt cho con. Đau đớn và thất vọng, cô ngồi xuống ghế salon và nói: “Mẹ làm những chuyện này vì mẹ muốn tốt cho con. Bây giờ, nếu con nói con hận mẹ thì mẹ ngồi đây, sẵn con dao ở đó, con giết mẹ đi, để con có thể thoải mái sống với những gì con đang cảm thấy thích thú”.
Cô vừa dứt lời thì Teddy quỳ xuống ôm chân cô, òa lên khóc. Anh không ngừng xin lỗi mẹ và hứa sẽ đậu đại học. Khi đó, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc. Bây giờ, nghĩ lại, Teddy cũng không biết động cơ nào khiến anh làm như vậy. Có thể vì giấu quá lâu mà lại bị phát hiện, tâm lý không ổn định, nên anh đã chọn cách đó để cho mẹ biết rằng anh cảm thấy không hài lòng. “Mình cảm thấy rất bế tắc. Giữa gia đình và một người mình thích, mình nên chọn bên nào? Tình thế quá là buồn, buồn đến nỗi không diễn tả được”.
Khi Teddy vào năm nhất đại học, cô Ly đã mất một phần kiểm soát con mình. Phần thì Teddy có xe riêng, tự đi học, không cần bố mẹ đưa đón, phần thì cô cũng còn công việc của mình. Thời điểm đó, Yahoo Messenger có phần status. Khi vào nick của con trai, cô Ly phát hiện Teddy treo status “Tôi là gay”. “Khi đó, trong đầu tôi hình dung, gay là thứ gì đó rất tệ hại. Nó như một tệ nạn xã hội vậy. Và tôi phải nghĩ biện pháp để con mình chấm dứt tình trạng này”. Cô lập tức cho rằng đây là vấn đề tâm sinh lý tuổi mới lớn. Thế là chuỗi ngày đưa Teddy đến các phòng khám tâm lý ở TP.HCM bắt đầu. “Có một điều khá buồn cười là tư vấn xong, câu trả lời tôi nhận được luôn là: con chị hoàn toàn bình thường. Tôi cảm thấy họ nói không đúng. Rõ ràng con mình không bình thường mà”. Đỉnh điểm khiến cô phải kết thúc câu chuyện đi tư vấn là buổi gặp mặt tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn. Đó là một buổi tư vấn rất dài. Khi nghe tiến sĩ khẳng định 80-90% Teddy là người đồng tính, cô Ly đã òa lên khóc. Trong đầu cô là suy nghĩ về ông bà nội của Teddy, về bạn bè, đồng nghiệp của cô. Nỗi sợ hãi tất cả mọi người sẽ không chấp nhận con mình khiến cô không còn giữ được bình tĩnh.
Teddy nói về giai đoạn đó với nét hài hước trên gương mặt. “Đó là năm 2007, Internet đã phổ biến ở Việt Nam và mình cũng đã có kiến thức về LGBT rồi. Vào đại học, mình được giao lưu, tiếp xúc với bạn bè nhiều hơn, bộc lộ bản thân nhiều hơn và cũng có nơi để chia sẻ. Khi đã xác định được bản thân mình là ai, mình nghĩ chỉ còn cách giải thích cho cha mẹ hiểu, chứ thay đổi bản thân là điều không thể”. Vậy nên, Teddy đồng ý đi đến phòng khám tư vấn tâm lý chỉ là để cho mẹ vui, cho mẹ yên lòng, hoặc nếu có thì hy vọng các chuyên gia sẽ thuyết phục được mẹ.
Cô Ly cho biết, 2 năm sau cuộc gặp mặt tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn là đỉnh điểm của sự căng thẳng giữa hai mẹ con. Không chỉ loay hoay tìm cách “chữa bệnh” cho con, cô còn cảm thấy bế tắc vì không nhận được sự giúp đỡ của chồng. Ba Teddy từ chối hợp tác và không muốn biết về câu chuyện này. Khi Teddy có những biểu hiện cứng đầu hơn, bất cần hơn, hai mẹ con không nói chuyện với nhau nữa. “Tôi không còn chăm sóc Teddy, tức là muốn đi đâu thì đi, muốn về giờ nào thì về. Cơm nước nấu xong thì tự ăn, cũng không còn ngồi ăn cơm chung với nhau nữa. Hai mẹ con như hai người xa lạ sống chung trong một ngôi nhà. Điều đó thật sự rất kinh khủng”, cô Ly nhớ lại. Cô đã nuôi dưỡng một hy vọng rất mong manh là khi cô làm như vậy, con trai cô sẽ cảm thấy buồn, sẽ phải suy nghĩ và thay đổi. Tất nhiên, Teddy buồn thì có buồn, nhưng không thể thay đổi.
Sau tất cả các biện pháp, cô Ly quyết định dùng tình cảm để lay chuyển con mình. Cô viết cho Teddy nhiều lá thư nhưng không được hồi âm. Thời gian cứ thế trôi qua trong căng thẳng và mỏi mệt. Lá thư cuối cùng có thể xem là một tối hậu thư. Trong thư, cô yêu cầu Teddy phải lựa chọn: “Nếu con cảm thấy những điều con đang làm là đúng đắn và không muốn những điều mẹ đang làm cho con thì con có thể bước chân ra khỏi nhà, để con sống với những điều mà con yêu thích. Tuy mẹ chỉ có một mình con thôi, nhưng mẹ chấp nhận không có đứa con này”. Giọng nói của cô run rẩy, nghẹn ngào như đang cố kìm nén cơn xúc động khi nhắc lại những dòng thư do chính tay mình viết. Lần này, Teddy đã trả lời cô bằng một lá thư dài gần 4 trang giấy.
Đó có lẽ là thời điểm đau khổ nhất của Teddy, vì “mỗi khi đọc thư của mẹ, mình chỉ buồn hơn thôi”. Teddy thương mẹ. Anh biết mẹ chịu nhiều dằn vặt nhưng bản thân anh cũng cảm thấy bế tắc với cuộc sống. Vào năm nhất đại học, Teddy có viết một lá thư bằng máy tính, cứ vừa gõ vừa khóc. Lúc đó, anh thấy chưa phải là lúc để đưa cho mẹ nên vẫn giữ trong máy và nghĩ sẽ có ngày mình dùng tới nó. Ngày mà hai mẹ con căng thẳng nhất, anh lặng lẽ đặt lá thư đó lên bàn của mẹ rồi đi học.
“Lá thư đó đã làm cho tôi hiểu là con mình không muốn cãi lại mình. Con mình cũng không hề vui sướng khi là người đồng tính. Nó cũng rất dằn vặt, đau khổ và cảm thấy có lỗi với bố mẹ khi sinh ra đã là như thế”. Trong lá thư đó, Teddy rất nhiều lần nói câu xin lỗi mẹ. “Con biết con đã làm cho mẹ khổ. Hằng đêm mẹ đã khóc vì con. Nhưng mẹ ơi, hằng đêm đối diện với bản thân mình, con cũng đã khóc. Con căm ghét bản thân này. Tại sao con sinh ra lại như thế này? Con làm khổ cha mẹ. Nhưng mẹ biết không, con không thể nào làm khác được, tạo hóa sinh ra con là như thế này rồi. Nhiều khi con ao ước, tại sao con không chết ngay tự lúc lọt lòng để không phải làm khổ cha mẹ. Nếu mẹ sinh con ra là một đứa trẻ khuyết tật, con biết chắc một điều là mẹ vẫn sẽ thương yêu con, vẫn sẽ che chở và bảo bọc cho con. Nhưng khi con sinh ra là một thằng gay, thì con là một đứa tội đồ, con là một đứa con bất hiếu. Con xin mẹ tha lỗi cho con. Con sẽ không làm được gì khác vì tạo hóa sinh con ra là như vậy”.
Nhắc lại lá thư, nét đau đớn vẫn còn nguyên trên gương mặt của cô Ly. “Mình sinh con ra mà nó lại ước ao nó chết ngay từ lúc lọt lòng”. Cô hiểu rằng, đáng lẽ con trai mình phải cảm thấy hạnh phúc khi xuất hiện trên cuộc đời này, nhưng chính những việc làm của cô đã đào sâu thêm vào nỗi khổ của con. Lá thư này đã buộc cô Ly phải suy nghĩ lại. Và dù chưa bao giờ nói với con rằng “Mẹ hiểu rồi. Mẹ chấp nhận con”, nhưng thái độ của cô thì đã cải thiện, đương nhiên là không thể vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra, nhưng cô đã chăm sóc và nói chuyện lại với con.
Cho tới một ngày, Teddy mời mẹ tham dự một hội thảo của Trung tâm ICS.
Lúc đó, trong đầu cô Ly chỉ vụt lên suy nghĩ là cứ tham dự thử để xem những “thành phần” như con mình có phải là người tử tế hay không. Nhưng khi đến hội thảo, cô đã gặp rất nhiều người mẹ. Tất nhiên rồi, những người mẹ đến đó chỉ mong ước tìm hiểu xem có phải con mình bị bệnh không, và nếu bị bệnh thì có chữa được không, và chữa ở đâu. “Sau buổi hội thảo đó, tôi có thêm suy nghĩ là trong xã hội này, không phải chỉ có con mình là như thế. Có rất nhiều bà mẹ như mình. Đây không phải là điều lạ lùng mà vì tạo hóa sinh ra chúng nó là như thế”.
Thế nhưng, phải đến hội thảo tiếp theo thì cô Ly mới gần như chấp nhận tất cả về con mình. Hội thảo này đã mời được bố mẹ của một cặp đồng tính nam. Hai bạn sống ở Canada và bố mẹ đã đứng ra tổ chức đám cưới cho các bạn. Đó có thể xem là một động lực giúp cộng đồng LGBT ở Việt Nam tin tưởng hơn vào tương lai. Khi họ về Việt Nam, Trung tâm ICS đã mời họ đến chia sẻ câu chuyện của mình. Sau khi bác trai kể lại quá trình người con công khai với bác, những tháng ngày dằn vặt và cùng nhau vượt qua, bác hỏi lại mọi người trong khán phòng: “Nếu quý vị có 2 đứa con, một đứa là đồng tính nhưng ngoan ngoãn, biết học hành và sống tử tế; một đứa không đồng tính nhưng hư hỏng và luôn làm phiền bố mẹ, quý vị sẽ thương yêu đứa con nào và nên chấp nhận đứa con nào?”. Câu hỏi này khiến cô Ly hình dung lại con trai mình và hoàn toàn thay đổi suy nghĩ về Teddy.
Từ sau hội thảo đó, ICS mời cô Ly tham gia vào các hoạt động của Trung tâm. Thời điểm đó, chỉ có 4, 5 phụ huynh ở TP.HCM và duy nhất một người dám xuất hiện công khai trước truyền thông. Dù đã hiểu được những bất công mà Teddy sẽ phải lãnh chịu khi mình không đứng lên đồng hành cùng con, nhưng vì áp lực đối với xã hội, gia đình, đồng nghiệp, bạn bè… cô vẫn rất sợ mọi người biết con trai mình là người đồng tính và chỉ dám hoạt động trong bóng tối.
Thế nhưng, càng đồng hành cùng ICS, cô càng hiểu rằng xã hội ngoài kia vẫn còn kỳ thị các bạn rất nhiều. Các bạn đang phải chịu vô số áp lực. Nếu bố mẹ – vốn là nơi nâng đỡ, nương tựa của những đứa con – lại quay lưng, không lắng nghe các bạn nói, không chia sẻ được với các bạn, thì khó khăn sẽ nhiều hơn bội phần. Từ đó, cô dần bước ra ánh sáng, giúp rất nhiều bậc phụ huynh hiểu và đồng hành cùng con của mình.
Cuối buổi phỏng vấn, tôi hỏi hai mẹ con có muốn nói gì với nhau hay không.
Cô Ly thừa nhận đến bây giờ, nghĩ lại vẫn còn sợ. Không hiểu bằng cách nào cô vượt qua được khoảng thời gian 5 năm đó mà không “bị điên”. Nhưng cũng vì sự “lì lợm” của Teddy mà cô buộc phải hiểu con trai mình hơn. Cô mong rằng Teddy sẽ là minh chứng để các bạn LGBT hiểu rằng, nếu các bạn chịu thông cảm cho cha mẹ và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, thì có một ngày, cha mẹ sẽ thừa nhận các bạn.
Teddy thì cho rằng 5 năm qua là một hành trình kỳ diệu. Nhờ quyết tâm của bản thân và nhờ sự mở lòng của mẹ, bây giờ, có chuyện gì hai mẹ con cũng kể cho nhau nghe. Ngày trước, có nhiều chuyện anh không thể kể cho mẹ nghe nên rất ức chế. Khi được mẹ thừa nhận, anh cảm thấy nhẹ nhõm hơn, chia sẻ nhiều hơn, thậm chí mẹ còn là động lực để anh cố gắng trong học tập và công việc. Bởi vì, “cả thế giới thừa nhận bạn cũng không quan trọng bằng chỉ một mình mẹ bạn chấp nhận bạn”. Teddy cũng mong các bạn trong cộng đồng LGBT hiểu rằng câu chuyện cha mẹ không bao giờ là câu chuyện cũ, và nó chỉ có thể giải quyết bằng tình thương yêu, như cách mà mẹ anh đã dành cho anh.
“Mẹ là một người thật tuyệt. Con cảm ơn mẹ”.
PFLAG là tên viết tắt của “Parents, Families, and Friends of Lesbians and Gays” nghĩa là “Cha mẹ, người thân và bạn bè của người đồng tính”. Lần đầu xuất hiện vào năm 1972, đến nay, PFLAG đã có hơn 500 tổ chức khác nhau trên toàn thế giới. Cộng đồng PFLAG tại Việt Nam lần đầu xuất hiện vào ngày 17/5/2011 và trở thành tổ chức độc lập vào ngày 27/1/2015. Hiện tại, cô Đinh Thị Yến Ly đang là Chủ tịch hội PFLAG Việt Nam.
—
Xem thêm:
Những idol Hàn công khai lên tiếng ủng hộ cộng đồng LGBT
Những điều cần biết về Ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT
Bài: Đoàn Trúc (Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE)