Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] Đừng theo đuổi đam mê, hãy phát triển nó

Những năm tháng bản lề của tuổi mới lớn kéo theo nhiều áp lực, một trong số đó là định hướng con đường sự nghiệp tương lai. Thanh thiếu niên thường được khuyến khích khám phá sở thích, theo đuổi mục tiêu và tìm thấy niềm đam mê của mình. "Làm công việc mình yêu thích thì cả đời sẽ không phải làm việc ngày nào" là một lời khuyên phổ biến, nhưng không phải là điều dễ dàng đối với một số người.

Theo Merriam Webster, “niềm đam mê” đề cập đến cảm giác mong muốn mạnh mẽ và sự quan tâm sâu sắc đối với một đối tượng hoặc hoạt động. Đối với nhiều người, đam mê gắn liền với cảm giác hưng phấn, hạnh phúc, dễ thiết lập mục tiêu và cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Nhưng Merriam Webster còn đề cập đến một nghĩa cũ hơn của “niềm đam mê”, đó là “sự đau khổ” – khả năng chịu đựng khi theo đuổi một điều gì đó. Bởi vì đam mê là một nhu cầu bền bỉ và kéo dài liên tục, thường đi kèm một hành trình tương đối vất vả và ít nhiều chông gai. Một nghiên cứu của tập đoàn Deloitte đã mô tả “niềm đam mê của người lao động” là thứ thúc đẩy họ đào sâu vào những vấn đề khó khăn và duy trì khả năng vượt qua thử thách cũng như thất bại. Loại đam mê này khiến chúng ta mong muốn tìm ra điều gì đó, học nhanh hơn và tạo ra tác động to lớn hơn.

cô gái theo đuổi đam mê
Ảnh: Unsplash/Mathilde Langevin

Rõ ràng, “đam mê” là một điều quan trọng đối với cuộc đời mỗi người, thế nên, dường như ai cũng ít nhất một lần trăn trở: “đam mê của mình là gì?”, “làm sao mình có thể tìm thấy đam mê?”. Vấn đề là: đam mê là một thứ sẵn có, một thứ bạn phải tìm kiếm hay một thứ bạn có thể tạo ra? Và liệu có ổn không nếu bạn chậm hơn người khác trên hành trình tìm kiếm đam mê của chính mình?

Paul O’Keefe, trợ lý giáo sư tâm lý học tại trường Yale-NUS College, đã cùng với Carol Dweck và Greg Walton, hai giáo sư tâm lý học tại Đại học Stanford, thực hiện một nghiên cứu cho thấy có thể đã đến lúc thay đổi cách chúng ta nghĩ về đam mê của mình. Họ lập luận rằng đam mê không được “tìm thấy”. Chúng được phát triển. Nghiên cứu mô tả sự khác biệt giữa hai cách tư duy. Một là “thuyết sở thích cố định” – ý tưởng cho rằng những sở thích cốt lõi đã có từ khi mới sinh ra, chỉ chờ được khám phá – và một là “thuyết tăng trưởng” – cho rằng đam mê là thứ mà ai cũng có thể trau dồi theo thời gian.

Các tác giả đã thực hiện một loạt nghiên cứu với sinh viên đại học – nhóm nhân khẩu thường được khuyên nên tìm thấy niềm đam mê dưới dạng một chuyên ngành hoặc con đường sự nghiệp. Kết quả là những sinh viên tin vào “thuyết sở thích cố định” ít bị thu hút bởi những thông tin không phù hợp với sở thích của họ, có thể từ bỏ các bài giảng và cơ hội thú vị chỉ vì chúng “không giống với đam mê đã được xác định”, hoặc bỏ qua những ngành học có thể giao thoa với ngành của họ. Bên cạnh đó, “thuyết sở thích cố định” có thể khiến chúng ta từ bỏ quá dễ dàng. Nếu một việc trở nên quá khó khăn, chúng ta chỉ cần cho rằng nó đơn giản không phải là đam mê của mình. Thậm chí, trong một phần của nghiên cứu này, những sinh viên tin vào “thuyết sở thích cố định” cũng tin rằng theo đuổi đam mê không khó khăn vì họ sẽ có “động lực vô tận”. Niềm tin ngây thơ này khiến họ ít có sự chuẩn bị hơn. Trong khi đó, những người tin vào “thuyết phát triển” có xu hướng ít sợ thất bại hơn vì họ tin rằng đam mê cần được trau dồi và theo đuổi bền bỉ chứ không phải có sẵn. Họ cũng sẵn sàng tiếp thu kiến thức trong những lĩnh vực mới vì tin rằng nó có thể giúp ích cho con đường sự nghiệp sau này.

cô gái sống trọn đam mê
Ảnh: Unsplash/Collins Lesulie

Một nghiên cứu khác đăng trên Sage Journal cũng cho thấy hai quan điểm trái ngược nhau về cách đạt được đam mê trong công việc. Những người nghĩ rằng niềm đam mê là có sẵn có xu hướng chọn công việc phù hợp với họ ngay từ đầu. Họ ưu tiên hưởng thụ sở thích hơn mức lương cao. Trong khi đó, những người nghĩ rằng đam mê có thể được phát triển sẽ ưu tiên các mục tiêu khác hơn là sự thích thú ngay lập tức trong công việc, và họ “thay đổi để thích nghi với công việc của mình theo thời gian”. Kết quả của nghiên cứu này mở ra những mô hình động lực khác nhau, nhưng cả hai đều có thể tạo điều kiện cho sự thành công và hạnh phúc trong nghề nghiệp.

Những nghiên cứu trên đây chỉ đang mở ra một góc nhìn mới về mối quan hệ giữa đam mê và con đường sự nghiệp. Tất nhiên, đam mê thực sự có ý nghĩa sâu và rộng hơn thế. Sớm tìm thấy đam mê là một điều tốt, nhưng đừng để nó trở thành giới hạn ngăn chúng ta tiếp cận những cơ hội mới mẻ. Và nếu cần nhiều thời gian hơn để khám phá điều mình thực sự yêu thích thì cũng không sao cả, vì bạn vẫn có thể nuôi dưỡng và phát triển đam mê ngay cả khi bắt đầu một công việc không phải vì tình yêu dành cho nó.

Nhóm thực hiện

Bài: Đông Quân 

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)