Xin chào chị Hiền Nguyễn. Tình yêu nào đã dẫn dắt chị đến với việc học và theo đuổi ngành phục chế tác phẩm nghệ thuật?
Trước kia, tôi học ngành Kiến trúc cảnh quan và Thiết kế nội thất. Dẫu vậy, tôi luôn yêu quý những tạo tác mà con người đã theo đuổi xuyên suốt chiều dài lịch sử nghệ thuật. Vào năm 2008, tôi có cơ duyên tham gia phục chế khung sắt và tường cho một nhà thờ có từ thế kỷ 13 tại Pháp. Sau dự án đó, tôi bắt đầu phải lòng sự quyến rũ của những bài toán, phương án của nghề phục chế.
Đến năm 2012, tôi vô tình đọc được một quyển sách nói về việc giá trị của một tác phẩm nghệ thuật đến từ đâu. Thông tin mới mẻ của cuốn sách đã thôi thúc tôi quyết tâm tìm hiểu và học về nghề phục chế – bảo quản các tác phẩm nghệ thuật.
Ở châu Âu, nghề phục chế có được nhiều phụ nữ theo đuổi không, thưa chị?
Đầu tiên, nghề phục chế chỉ mới được chuyên môn hóa và cấp bằng vào khoảng 50 năm trở lại mà thôi. Đây vẫn là một lĩnh vực chuyên môn còn rất mới, kể cả ở châu Âu. Nhưng bất ngờ là người theo học chủ yếu đều là phụ nữ, nam giới ít hơn rất nhiều. Ở Việt Nam thì ngược lại, tôi thấy đại đa số người làm về phục chế, thi công và quản lý nghệ thuật thường là nam.
Những kiến thức về khoa học kỹ thuật vốn đã hấp dẫn rồi, chị có câu chuyện nào để kể về nó không?
Các yếu tố về tính toán, khoa học vật lý là những điều cơ bản mà một người làm quy trình tổ chức triển lãm đều cần phải biết. Từ lúc đi học, tôi cũng đã rất chú ý tìm tòi về mảng này, một phần cũng đến từ kiến thức tôi có được khi học ngành kiến trúc nữa.
Dĩ nhiên, tổ chức triển lãm là một công việc làm theo nhóm, do đó, mỗi người có cách tính toán và phương án khác nhau là bình thường. Trong những trường hợp đó, tôi vẫn cố gắng bảo vệ quan điểm của bản thân, kể cả với các đồng nghiệp nam và nhân viên kỹ thuật. Tới nay thì các giải pháp tôi đưa ra đều mang lại kết quả tốt. Nhìn chung, mọi thứ đều ổn thỏa dù đôi khi vẫn có một vài người ban đầu hơi nghi ngờ vì “đây không phải chuyên môn của phụ nữ”.
BÀI LIÊN QUAN
Hội họa đến với thời trang
Chị có chịu thiệt thòi nào khác trong môi trường làm việc hiện tại hay không?
Làm nghề nào cũng có những khó khăn nhất định nhưng qua thời gian, mình sẽ biết cách cải thiện và khiến mọi thứ tốt lên. Dần dần, tôi cũng làm quen với công việc, ví dụ như biết cách chăm sóc nhiều hơn đến những mối bận tâm của khách hàng.
Thời gian đầu, vẫn có người nói tôi nên tìm cách giao tiếp nhẹ nhàng theo kiểu Á Đông, trong khi tôi vốn quen với cách trò chuyện thẳng thắn và trực tiếp có được từ thời gian học và làm việc ở châu Âu. Sau một thời gian, tôi cũng tìm ra cách để dung hòa giữa cá tính và văn hóa Việt Nam. Tôi cũng thường từ chối các cuộc hẹn ngoài công việc và càng không có cơ hội có “hợp đồng trên bàn nhậu”.
Chị thấy phụ nữ có gặp khó khăn gì trong việc học ngành phục chế? Tư duy khoa học và nghệ thuật có mâu thuẫn không?
Tôi không nghĩ như thế, như đã nói, tôi rất tự tin vào những lý thuyết về toán, lý, hóa mà mình nắm được, và khả năng tiếp nhận kiến thức thì không liên quan đến giới. Hơn nữa, phục chế vốn là nghề đòi hỏi bạn phải tích lũy kiến thức nghệ thuật từ đủ các ngành học, bao gồm lịch sử mỹ thuật, lịch sử ngành bảo quản – phục chế, kỹ thuật vẽ… đặc biệt là học chuyên sâu về hóa học, khoa học khảo cổ và các môn khoa học khác. Mà nghề này hiện đang có nữ giới theo học nhiều hơn nên càng chứng minh quan điểm trên là sai. Hơn nữa, phụ nữ thường tỉ mỉ và cẩn trọng khi làm việc, đây cũng là lợi thế về tính cách và thói quen khiến nghề này hấp dẫn phụ nữ.
Khoa học và nghệ thuật không nên được tư duy như hai lĩnh vực tách biệt. Để thực hành tốt, nghệ sĩ cần có hiểu biết nhất định về hóa học để biết cách màu sắc tác động, phản ứng với nhau, cách chúng thay đổi theo thời gian. Một khi hiểu rõ về chất liệu, nghệ sĩ có khả năng sử dụng chất liệu một cách thoải mái và kiểm soát được kết quả mình làm ra. Thường có quan niệm cho rằng sáng tạo là một quá trình ngẫu hứng, tuy vậy, kết quả hoàn toàn có thể dự đoán và kiểm soát khi ta thực sự nắm vững kiến thức khoa học.
Không biết chị Hiền có đang dự định chia sẻ kiến thức nghệ thuật ở Việt Nam không?
Từ khi trở về Việt Nam, tôi đã bắt đầu phục chế tranh Đông Dương của các họa sĩ Pháp, các họa sĩ Kháng chiến và Hiện đại tại Việt Nam. Mỗi thời kỳ hội họa trên đều quan trọng với người yêu nghệ thuật nước nhà. Tôi cũng đã phục chế và hỗ trợ phương án bảo dưỡng, giữ an toàn cho các bức tranh để có thể mang chúng đến triển lãm Sotheby’s do Ace Lê giám tuyển.
Ở TP.HCM, tôi đã thành lập một studio riêng để tiện phục chế tranh cũng như để cùng các cộng sự tổ chức những chương trình chia sẻ kiến thức cho mọi người, ví dụ như khóa học về kỹ thuật phục chế dành cho người yêu nghệ thuật nói chung, người làm nghề phục chế và cả những người làm quản lý cho các BST. Ngoài ra, gần đây, tôi cũng mở các lớp học vẽ và rất mừng khi học viên trải dài ở mọi lứa tuổi từ 16 đến 42. Trong khóa học này, tôi sẽ lựa chọn một vài trường phái theo sở thích của học viên và chia sẻ cách truyền tải cái đẹp của trường phái đó, đương nhiên là cả dạy vẽ nữa.
Thật vui khi ngày càng có nhiều lớp học hay từ những người có chuyên môn. Cảm ơn chị đã dành thời gian trong buổi sáng Chủ nhật như thế này. Câu hỏi cuối, chị có muốn gửi gắm điều gì cho những người muốn bắt đầu nghề này không?
Phục chế tác phẩm nghệ thuật là nghề nghiệp phù hợp với những người say mê gần như mọi thứ thuộc về tri thức nhân loại, tri thức của quá khứ lẫn tương lai, kiến thức lịch sử đa chủ đề từ lịch sử xã hội đến lịch sử nghệ thuật và cả khảo cổ, lẫn đam mê cả ngành tự nhiên về toán học, vật lý và hóa học. Mỗi bức tranh xưa đều ẩn chứa những câu chuyện lý thú về xã hội cũng như các kỹ thuật ẩn giấu tùy theo thời đại mà chúng được sáng tạo ra, nên phục chế tranh cũng là việc đọc và tìm hiểu lại những thành tựu đáng tự hào của nhân loại.
Trên hết, đây là một nghề luôn đầy sự thách thức, bởi mỗi tác phẩm lại là một trường hợp đòi hỏi bạn phải tìm ra những phương án mới mẻ. Công việc có thể rất căng thẳng nhưng cũng hấp dẫn, nhất là khi ta có thể học được nhiều thứ từ kinh nghiệm của tiền nhân, cũng như sớm cập nhật những bước tiến mới nhất của khoa học kỹ thuật.
Nhóm thực hiện
Bài: Gauthienthe
Hình ảnh: NVCC, The Outpost