[ELLE Voice] Bùi Việt Hà: “Quan trọng hơn cả đam mê chính là thái độ với công việc”
Là người giúp cho những phụ nữ khác khám phá bản thân và xây dựng phong cách, ít ai biết rằng chị Bùi Việt Hà cũng đã trải qua khoảng thời gian dài thử nghiệm trước khi tìm thấy đam mê thực sự của mình. Tự nhận mình là “chú chim ruồi” không ngừng khám phá những vùng đất mới, chị tin vào sức mạnh của sự tò mò và luôn bắt đầu một công việc mới bằng tất cả niềm vui, sự hứng khởi cùng một thái độ tỉnh táo đáng kinh ngạc.
Em thấy chị đã trải qua rất nhiều công việc khác nhau, tại sao lại như vậy?
Thực ra không phải ai cũng biết rằng tôi đã trải qua rất nhiều nghề. Công việc đầu tiên của tôi là người mẫu. Sau đó, tôi có một cửa hàng bán đĩa CD tên là Việt Hà CD khá thành công, hoạt động khoảng 6-7 năm. Rồi tôi chuyển sang một casting agency mà sau đó nó phát triển thành production house chuyên sản xuất quảng cáo, nơi tôi làm việc gần 10 năm. Và tôi còn một tiệm đồ cưới nữa. Thế rồi, sự cố hôn nhân xảy ra khiến tôi ngừng hết tất cả công việc, dành một năm không làm gì. Sau đó, tôi mới quay trở lại showbiz.
Tất cả đều là những công việc chị yêu thích hay còn có lý do nào khác?
Tất cả những việc này tôi làm chỉ vì tôi mê… kiếm tiền thôi (cười). Riêng tiệm đĩa CD là tôi yêu thích thật và không ngờ nó mang lại cho tôi thu nhập rất tốt.
Sau ngần ấy thời gian và trải qua rất nhiều công việc, hiện tại, niềm đam mê của chị có thay đổi không?
Thú thật thì đến thời điểm gần đây, tôi mới xác định được đam mê thực sự của mình. Khi mở tiệm đĩa, tôi 19 tuổi. Khi bắt đầu làm Life & Style Coach, tôi 35 tuổi. Từ 19 đến 35 tuổi là hành trình tôi làm rất nhiều thứ trong cuộc sống để tìm xem mình thực sự thích gì, mình phù hợp với điều gì nhất. Và mặc dù làm Life & Style Coach từ năm 2016, phải gần 6 năm sau tôi mới xác định được rằng tôi yêu thích việc được giúp đỡ, truyền cảm hứng và xây dựng sự tự tin cho người khác.
Đâu là điều quan trọng nhất chị nhận ra sau hành trình này?
Thế giới có hai nhóm người. Một nhóm xác định được điều họ muốn từ rất sớm và kiên định theo đuổi nó, tôi gọi họ là “chim gõ kiến” – một chú chim xác định tâm điểm rất rõ ràng và cứ gõ hoài cho đến khi nó đục được lỗ trên thân cây. Nhóm thứ hai là “chim ruồi” – một chú chim cứ bay hết vùng này đến vùng khác, nhưng mỗi khi đến vùng đất mới, nó mang theo cả những điều tốt đẹp của những nơi nó từng bay qua.
Tôi làm rất nhiều việc, thử rất nhiều thứ và liên tục thay đổi. Khi bắt đầu một công việc mới, lúc nào tôi cũng tràn đầy hứng khởi, muốn đóng góp, muốn tạo nên giá trị hay thành quả nào đó. Nhưng sau một thời gian, có thể tôi sẽ cảm thấy công việc này không như mình nghĩ. Điều quan trọng là phải can đảm bước đi. Nhưng cũng giống như chú chim ruồi góp nhặt vẻ đẹp của những vùng đất nó đi qua, mỗi công việc lại cho tôi thêm kiến thức và vốn sống, để rồi những điều đó sẽ trở thành nền tảng để tôi làm tốt hơn trong công việc tiếp theo.
Vậy đam mê có giống sở thích không, theo chị?
Khác nhau chứ. Ví dụ, theo thang điểm 0-10 thì sở thích là 5-6 còn đam mê là 9-10. Đam mê rất quan trọng vì nó chính là chất keo giữ mình lại khi gặp những điều không suôn sẻ trong cuộc sống và công việc. Nếu không có tình yêu và đam mê đó, mình rất dễ bỏ cuộc. Khi làm vì sở thích, đến lúc không thích nữa, bạn có thể từ bỏ. Nhưng khi làm vì đam mê, dù có gặp khó khăn đến mấy, mình cũng sẽ tìm cách vượt qua.
Chị nghĩ đam mê có vai trò như thế nào trong cuộc đời mỗi người?
Nếu ai sinh ra mà sớm tìm được đam mê của mình thì người đó rất may mắn, bởi vì họ sẽ có một đích đến, một định hướng để sống và luôn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa, đủ đầy. Nhưng điều đó không có nghĩa là những người mà cả đời không tìm thấy đam mê thì cuộc sống của họ không đủ đầy, chỉ là mức độ cảm nhận và cảm xúc mà họ được trải nghiệm có thể sẽ không mãnh liệt, dữ dội bằng những người theo đuổi đam mê. Họ vẫn có đầy đủ hỉ, nộ, ái, ố trong đời, vẫn có những thăng trầm, nhưng thăng trầm đó không đủ tạo nên trăn trở để họ phải chuyển mình, và vì vậy mà ít khi họ dám dấn thân, dám trả giá 100%. Đó là lý do mà những người sống quá an toàn thì sẽ khó tìm ra đam mê. Nếu bạn không thử một món ăn thì đâu bao giờ biết nó ngon để mà thích, đúng không?
Vậy thì đâu là yếu tố tạo nên thành công của một công việc mà mình không thực sự đam mê nó?
Tôi nghĩ rằng để thành công, bắt buộc phải có đam mê. Nếu bạn chưa đam mê công việc, tôi mong rằng ít ra công việc sẽ mang lại cho bạn một phần thưởng nào đó, ví dụ như những mối quan hệ, quyền lực hoặc đảm bảo tài chính dư dả đủ để bạn được làm những thứ mình thật sự yêu thích. Một trong ba điều trên luôn xứng đáng để mình đầu tư, và sự đầu tư này có thể giúp cho con đường theo đuổi đam mê của bạn suôn sẻ hơn sau này.
Xem thêm
• 10 tài khoản Instagram nổi tiếng dành cho những cô nàng đam mê “healthy food”
• [ELLE Voice] Đừng theo đuổi đam mê, hãy phát triển nó
• Sống trọn đam mê mỗi ngày với Julia Đoàn
Có một câu nói rất phổ biến là “Làm công việc mình yêu thích thì cả đời sẽ không phải làm việc ngày nào”. Điều này có đang ngụ ý rằng đi làm mà không có đam mê là không ổn?
Tôi cho rằng, điều quan trọng hơn cả đam mê chính là thái độ của bạn đối với công việc. Bất kỳ công việc nào cũng có những khó khăn, thử thách, nhưng đi kèm sẽ là phần thưởng (như tôi đã nói ở trên). Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào những khó khăn, dù có đam mê đến đâu, cũng sẽ có lúc bạn cảm thấy mệt mỏi, ngọn lửa nhiệt huyết cũng có thể lụi tàn. Ngược lại, nếu bạn xem phần thưởng là động lực, dù công việc đó chưa đúng với đam mê của mình, bạn vẫn có thể gom đủ năng lượng để đi xa hơn.
Khi đứng trước một lựa chọn nghề nghiệp, chúng ta nên ưu tiên đam mê, khả năng hay thu nhập hơn, theo chị?
Thật lòng mà nói, tôi sẽ luôn cân nhắc yếu tố tài chính trước tiên. Có thể tiền không mua được tất cả, nhưng tiền là một công cụ quan trọng để mình làm được nhiều điều hơn. Khi mình vững về tài chính, mình sẽ có sự tự do nhất định để lựa chọn những thứ khác. Vậy nên, khi buộc phải lựa chọn, tôi sẽ khuyên các bạn rằng nếu vẫn còn thời gian, hãy theo đuổi công việc cho các bạn nền tảng vững vàng về tài chính. Đừng bỏ hết tất cả mọi thứ để theo đuổi đam mê, với tôi, đó là lời khuyên không thực tế.
Chị có lời khuyên nào cho những người chưa tìm thấy đam mê hay sở thích của mình?
Lời khuyên duy nhất tôi muốn dành cho các bạn, bất kể tuổi tác, là hãy luôn nuôi dưỡng sự tò mò. Tò mò chính là nguồn gốc của sự sáng tạo. Nó có thể thúc đẩy chúng ta thử nghiệm, trải nghiệm nhiều hơn và từ đó tìm ra đam mê của mình.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị.
Bài: Đoàn Trúc
Minh họa: Dương Dương
Hình ảnh: Đức Trịnh
Art Director: Thịnh Chocolate
Trang điểm & Làm tóc: Cu Tíe by Nars
Outfit: Sansborne Saigon
Stylist: BVH
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE