Pride là một sự kiện nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, giáo dục cộng đồng về tính đa dạng của tính dục và trao quyền cho nhóm tính dục thiểu số. Những năm trước, Hanoi Pride chỉ tập trung vào các hoạt động thuộc Tuần lễ Tự hào vào tháng 9, nhưng sau khi thành lập doanh nghiệp xã hội, Hanoi Pride có định hướng sẽ mở rộng thêm hoạt động xuyên suốt cả năm. Tôi Đồng Ý là một chiến dịch có sự tham gia, hợp tác của nhiều tổ chức khác nhau và Hanoi Pride là một trong số đó.
Mọi người đều biết tháng 6 là tháng Tự hào dành cho cộng đồng LGBTIQ+ trên khắp thế giới. Tại sao các bạn lại chọn tổ chức Tuần lễ Tự hào vào tháng 9 chiến dịch Tôi Đồng Ý vào tháng 10?
Tháng Tự hào diễn ra vào tháng 6 vốn bắt nguồn từ các phong trào đầu tiên tại Mỹ. Tuy nhiên, mỗi quốc gia đều sẽ có lễ kỷ niệm riêng vào những thời điểm khác nhau. Những hoạt động đầu tiên của Hanoi Pride cũng từng diễn ra vào khoảng cuối tháng 6, đầu tháng 7, tuy nhiên, về bối cảnh địa phương, đó lại là thời điểm không thuận tiện để tổ chức các hoạt động cộng đồng. Sau nhiều lần thay đổi thời gian, chúng mình quyết định chọn tháng 9 làm tháng Tự hào tại Hà Nội vì đó là lúc tiết trời đẹp nhất, khâu tổ chức và người tham gia cũng thuận tiện hơn.
Riêng với chiến dịch Tôi Đồng Ý, việc lựa chọn thời gian có một phần liên quan đến thời điểm diễn ra kỳ họp Quốc hội cuối năm vào tháng 10. Chiến dịch được khởi động trong thời điểm này để thu hút sự quan tâm của dư luận và xã hội, đồng thời gây sự chú ý với những nhà làm luật.
Trong lần trò chuyện hồi năm 2019, Việt Anh cho biết rằng hoạt động vận động quyền cho cộng đồng LGBTIQ+ có hai vấn đề chính cần quan tâm là luật cho người chuyển giới và luật hôn nhân đồng giới. Thời điểm đó, các hoạt động chủ yếu tập trung vào Luật Chuyển đổi giới tính, đến nay đã đạt được kết quả cụ thể chưa?
Tại Kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thống nhất đưa dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Giáo sư, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trình vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Chúng mình hy vọng đến năm 2025, Luật Chuyển đổi giới tính sẽ được thông qua.
Vậy, bây giờ là lúc các bạn sẽ tập trung vận động cho Luật Hôn nhân đồng giới, phải không?
Đúng vậy. Chiến dịch Tôi Đồng Ý được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013 trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam khóa XIII đưa vấn đề hôn nhân đồng giới ra thảo luận. Năm 2014, Luật Hôn nhân và Gia đình có sự sửa đổi, không cấm các cặp đôi đồng giới tổ chức hôn lễ nhưng lại không được thừa nhận về mặt pháp luật. Cộng đồng LGBTIQ+ xem đây là môt bước lùi để chuẩn bị cho cuộc vận động thay đổi luật trong 10 năm tiếp theo. 10 năm đã trôi qua, từ cuối năm ngoái, chiến dịch đã tái khởi động để chuẩn bị cho quá trình thảo luận, sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình trong các kỳ họp Quốc hội vào năm 2024-2025.
BÀI LIÊN QUAN
Từ cuối năm ngoái đến nay, chiến dịch Tôi Đồng Ý đã có những hoạt động gì?
Chiến dịch Tôi Đồng Ý là một chiến dịch xã hội, hướng đến việc kêu gọi sự ủng hộ của người dân về vấn đề hôn nhân đồng giới, hôn nhân bình đẳng. Mục tiêu đầu tiên của chiến dịch là thu thập 250.000 chữ ký như một bằng chứng cho thấy sự quan tâm của cộng đồng về việc công nhận hôn nhân đồng giới tại Việt Nam. Khi làm việc với các nhà lập pháp, những đề xuất đi kèm với số liệu, bằng chứng và các nghiên cứu liên quan sẽ có giá trị hơn. Đến hiện tại, chiến dịch đã thu thập được hơn 43.000 chữ ký. Hy vọng đến cuối năm sau, chúng mình sẽ thu được con số mong muốn. Số chữ ký này sẽ được gửi đến nhiều tổ chức, các nhà làm luật và cả các đại biểu Quốc hội.
Với quan sát của Việt Anh, các cặp đôi đồng giới thường phải đối mặt với những vấn đề nào khi tiến tới quyết định sống chung và có con?
Theo các nghiên cứu của Viện iSEE (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường), có rất nhiều khó khăn mà các cặp đôi đồng giới thường gặp phải trong quá trình chung sống như không có quyền giám hộ, quyền thừa kế, quyền đại diện theo pháp luật, quyền công nhận con chung… Tuy nhiên, có một khó khăn dù không liên quan trực tiếp đến yếu tố pháp lý nhưng lại có ảnh hưởng sâu sắc đến các cặp đôi đồng giới, đó là sự phản đối, không thừa nhận từ phía gia đình và người thân. Nghĩa là các cặp đôi đồng giới không chỉ phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày mà còn dễ gặp phải các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Tất cả những điều này khiến cho sự công nhận và bảo hộ của pháp luật đối với hôn nhân đồng giới trở nên vô cùng cần thiết.
Giờ đây, khi việc tổ chức đám cưới và sống chung một nhà đã trở nên phổ biến với các cặp đôi đồng giới, việc có con cũng không còn là điều xa vời nhờ các biện pháp can thiệp bên ngoài. Tuy nhiên, đi cùng với đó là rất nhiều khó khăn, hạn chế về mặt thủ tục pháp lý. Tại Việt Nam, những quy định liên quan đến thụ tinh nhân tạo chỉ cho phép các cặp vợ chồng hiếm muộn hoặc phụ nữ đơn thân, có chứng minh tài chính được thực hiện, vì vậy, nhiều cặp đôi đồng giới phải chọn thực hiện ở nước ngoài. Sau đó, cặp đôi phải quyết định ai là người mang thai, ai là người đứng tên trên giấy khai sinh của trẻ, và người còn lại sẽ là ai trong cuộc đời của đứa trẻ. Trong quá trình vận động, chúng tôi cũng có tham khảo ý kiến từ các chuyên gia và kinh nghiệm từ các tổ chức quốc tế. Ví dụ, nhiều quốc gia sẽ sử dụng từ “người phối ngẫu” để chỉ các cặp đôi đồng giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam, mọi người đã quá quen với chữ vợ – chồng, bố – mẹ, rằng mẹ sẽ là người nữ và bố sẽ là người nam. Thế nên, một gia đình có hai người bố hoặc hai người mẹ vẫn còn rất lạ lẫm. Và cần thời gian rất dài để thay đổi suy nghĩ của xã hội về sự đa dạng của các mô hình gia đình.
BÀI LIÊN QUAN
Có một số người cho rằng các cặp đôi đồng giới do không có bất kỳ sự ràng buộc nào khác ngoài tình cảm nên họ có xu hướng gắn bó lâu bền hơn, vì vậy mà việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới không quá cần thiết. Việt Anh nghĩ như thế nào về nhận định này?
Mình cho rằng, dù là người thuộc cộng đồng LGBTIQ+ hay không, bất cứ ai cũng nên có những quyền và nghĩa vụ như nhau. Còn bạn có dùng đến những quyền đó hay không lại là lựa chọn của riêng bạn. Đó chính là bình đẳng.
Khoảng 10 năm trước, chúng mình vẫn sử dụng cụm từ “hôn nhân đồng giới” trong quá trình vận động. Tuy nhiên, sau này, chúng mình nhận ra rằng ai cũng có quyền tiếp cận tình yêu và hôn nhân như nhau, ai cũng nên có những quyền lợi giống nhau khi đứng trước các quyết định liên quan đến bạn đời và con cái, bất kể bạn là người dị tính, đồng tính hay chuyển giới… Vì vậy mà gần đây, chúng mình thường sử dụng cụm từ “hôn nhân bình đẳng” để truyền tải thông điệp nhiều hơn.
Theo Việt Anh, để hôn nhân đồng giới được “bình thường hóa”, cần có sự thay đổi nhận thức từ phía cộng đồng trước hay chỉ cần thay đổi luật pháp rồi mọi người sẽ dần làm quen và chấp nhận. Đâu là cách tiếp cận hiệu quả hơn?
Ngay từ khi bắt đầu, chúng mình luôn đi theo hướng thay đổi quan điểm, suy nghĩ của xã hội trước khi tiếp cận các nhà làm luật. Thật ra, các nhà làm luật cũng là những người đại diện cho người dân. Khi cần xem xét để thay đổi bất kỳ dự luật nào, thứ mà họ quan tâm là tác động trở lại đối với xã hội. Nếu nhận thức của người dân và nhu cầu thay đổi của xã hội chưa đủ lớn, họ cũng sẽ khó đề xuất thay đổi luật.
Vậy, làm thế nào để thay đổi nhận thức của cả cộng đồng, xã hội?
Hiện tại, đối với việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, chúng mình tạm chia ra 3 nhóm đối tượng: nhóm ủng hộ, nhóm không ủng hộ và nhóm trung lập. Trong đó, nhóm ủng hộ và nhóm trung lập được chúng mình tiếp cận thông qua các hoạt động như training, trò chuyện, chia sẻ tại các trường học, doanh nghiệp, để mỗi người lại có thể chia sẻ và thay đổi nhận thức của những người xung quanh họ. Thay đổi suy nghĩ cố hữu của con người là một hành trình gian nan, thậm chí còn khó khăn và lâu dài hơn tiến trình vận động thay đổi luật. Tuy nhiên, nếu mọi người có cái nhìn cởi mở hơn về sự đa dạng và các khả năng của cuộc sống, mọi người sẽ dễ tiếp nhận những khái niệm mới mẻ hơn.
Cảm ơn những chia sẻ của Việt Anh.
Nhóm thực hiện
Bài: Đoàn Trúc