Jeannie Mai – Hãy đánh thức vẻ đẹp của mình
Gặp gỡ Jeannie Mai, người Mỹ gốc Việt, đang là host chương trình How Do I Look? – một chương trình truyền hình ăn khách tại Mỹ hiện nay và là phát ngôn viên của tổ chức Nhịp đập Trái Tim Việt Nam – tổ chức giúp các trẻ em nghèo bệnh tim được mổ tim miễn phí.
Điều gì khiến chị thích nhất đối với công việc giải cứu này?
Đó là việc khẳng định lại sự tự tin của phụ nữ. Tôi tin rằng phụ nữ là tài sản quý giá nhất trên thế giới vì chúng ta đảm nhận quá nhiều vai trò và nhiều bộ mặt mà chúng ta có khả năng thể hiện. Nhưng cũng chính vì quá nhiều vai trò và trách nhiệm, nên nhiều khi thay vì làm chủ và đón nhận chúng một cách tự hào, thì chúng ta lại quá khe khắt đối với bản thân, tự làm khổ mình, ước gì mình có thể khác đi và so sánh mình với những người phụ nữ khác.
Điều mà tôi yêu thích là dùng sức mạnh của thời trang và trang điểm để lột đi hết những mặc cảm và hồ nghi khỏi người phụ nữ, chỉ cho cô ấy thấy rằng cô ấy có thể tự hào vì những vai trò khác nhau mà cô ấy đảm nhiệm. Tôi khuyến khích các phụ nữ ngắm mình trong gương ít nhất 5 phút mỗi ngày chỉ để nhắc nhở về giá trị của bản thân. Tôi tin rằng tất cả mọi người phụ nữ đều được tạo ra có mục đích và chúng ta là một thánh đường linh thiêng.
Phụ nữ phải đối xử với bản thân một cách kính cẩn, cũng như phải trang hoàng cho ngôi đền thật đẹp để thể hiện mình. Quần áo hợp mốt và các lớp trang điểm không phải để che đi hoặc giấu diếm, và cũng không phải để đánh lạc hướng; nó giúp chúng ta ngẩng đầu cao hơn và cảm thấy vui vẻ với bề ngoài của mình. Tôi gọi cách suy nghĩ như vậy là “mặc liệu”, nghĩa là những gì bạn mặc cũng có thể là một liệu pháp trị liệu tâm lý.
Mặc đẹp để cho cả một ngày mới trước mắt cũng như cho những mục đích và tham vọng trong tương lai. Mặc đẹp không những khiến chúng ta thấy thỏa mãn với bản thân, mà còn khiến mọi người xung quanh tôn trọng mình. Thế cho nên tôi yêu công việc vì tôi được tác động đến phái đẹp và nhắc nhở họ nên tự tin như thế nào.
Chị cũng là phát ngôn viên của tổ chức Nhịp đập Trái Tim Việt Nam, chị đến với tổ chức này như thế nào?
Là người gốc Việt, nhưng mãi đến 16 tuổi tôi mới có cơ hội về lại Việt Nam. Lớn lên ở Mỹ, bạn thường không hề có khái niệm về những gì đang diễn ra ở nước khác cho tới khi được chứng kiến tận mắt. Tôi nghĩ rằng vào tuổi đó, chuyến đi thật sự là một trải nghiệm làm thức tỉnh tôi. Nhiều nơi ở Việt Nam vẫn còn rất nghèo, nhưng lại cũng giàu hơn tất cả mọi chỗ ở nước Mỹ mà tôi đã từng đến. Đó là tình yêu, tình cảm gia đình, nền văn hóa và sự hy vọng lạc quan của các bạn. Trải nghiệm đó khiến tôi cảm thấy tự hào về nguồn gốc của mình.
Sau vài lần nữa về thăm, tôi bắt đầu tìm cách giúp đỡ cho quê hương. Không ai có đủ tiền để sửa chữa tất cả mọi thứ hay cứu tất cả mọi người, nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể bắt đầu với tương lai, và đó chính là với trẻ em – tương lai của chúng ta. Tôi đã tìm hiểu và biết rằng có rất nhiều trẻ em chết vì không có tiền đi chữa bệnh tim – một căn bệnh không khó chữa nhưng cần phải có tiền dù chỉ là 500 đô la Mỹ . Tôi thấy mình phải nhảy vào cuộc khi tôi biết rằng Nhịp đập Trái tim Việt Nam chuyên giúp những trẻ em bị bệnh này.
Công việc cụ thể của chị cho chương trình Nhịp Đập Trái Tim Việt Nam là gì?
Tôi kêu gọi quyên góp, và cùng với khoản tài trợ bổ sung. Tôi đã từng giúp phẫu thuật tim của một bé gái đáng yêu tên Hà ở Trà Vinh. Cha của em chỉ kiếm được 40 ngàn đồng/ngày và sẽ không bao giờ có đủ tiền để trả 43 triệu đồng cho việc phẫu thuật. Tôi đến Việt Nam gặp Hà 4 ngày sau cuộc phẫu thuật. Tôi nhớ mình đã hỏi: “Bây giờ con đã khỏe lên rồi, con muốn làm gì?” và cô bé trả lời thật hồn nhiên “Con muốn được chơi đùa”. Hiện tại tôi đang quyên tiền giúp cho một bé gái 2 tuổi tên là Hồng Thảo, cả bé và em gái của bé đều bị hở van tim.
Bài Alizabeth Lưu – Ảnh: Nhân vật cung cấp