Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] Kha: Khi người trẻ chọn phụng sự cộng đồng

Là sinh viên năm cuối tại Đại học Fulbright Việt Nam, chuyên ngành Nghiên cứu Việt Nam và Lịch sử, Lê Khánh Hà, hay thường gọi là Kha, không chỉ có thành tích học tập đáng ngưỡng mộ mà còn sớm trở thành một nhà hoạt động xã hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Lê Khánh Hà, thường gọi là Kha, hiện đang là sinh viên năm cuối tại Đại học Fulbright Việt Nam, chuyên ngành Nghiên cứu Việt Nam và Lịch sử. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Kha đã có nhiều năm kinh nghiệm trong những hoạt động xã hội xoay quanh các lĩnh vực: Đa dạng và Dung hợp Giới (Gender DEI), đặc biệt là trong môi trường giáo dục; Bình đẳng Giới trong môi trường lao động; và phát triển bền vững trong nền kinh tế tuần hoàn.

Hiện tại, Kha đang tham gia dự án “We Are Humans” cùng các bạn thanh niên đến từ một số quốc gia Đông Nam Á với mục đích “bình thường hóa” sự hiện diện của cộng đồng LGBTQI+ thông qua nghệ thuật. Để hưởng ứng Tháng Tự Hào, nhóm sẽ tổ chức triển lãm nghệ thuật số và các buổi chiếu phim để góp phần xây dựng góc nhìn thấu cảm dành cho cộng đồng “cầu vồng”, vì như Kha chia sẻ, “vốn dĩ, họ cũng là những người bình thường như bao người”. Thú vị, cởi mở và khiêm tốn, có thể nói Kha là một trong những niềm tự hào của Gen Z nói chung và cộng đồng LGBTQI+ nói riêng.

Bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội từ năm 2020 nhưng đã sớm giữ vai trò chủ chốt trong nhiều dự án lớn nhỏ tại Việt Nam và Đông Nam Á, đâu là những dự án mà em thấy tự hào nhất?

Niềm tự hào lớn nhất của em là BAO – một dự án tổ chức các “Trại sáng tạo BAO về Đa dạng và Dung hợp Giới”. BAO được tổ chức tại 3 trường đại học ở TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng và đã trực tiếp tạo tác động lên 50 bạn học sinh, sinh viên, giảng viên, cán bộ, giúp các “trại sinh” nâng cao nhạy cảm giới và sử dụng kỹ năng tư duy thiết kế để kiến tạo giải pháp cải tiến xã hội. Quan trọng nhất, với BAO, em được hiện thực hóa niềm mong mỏi trở thành một phần của cộng đồng và giúp cộng đồng gắn kết. “Bé” BAO cũng là cái “ôm” mà em muốn gửi đến bản thân mình và những ai đang cảm thấy cô đơn trên hành trình tìm nơi bản thân thuộc về.

Hoạt động tiếp theo mà em muốn giới thiệu là “We Are Beautiful” (WEB) em thực hiện cùng nhóm Beautiful People trong khuôn khổ dự án Gender Equality Across Industries (GEAI) được tài trợ bởi Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM. WEB được bắt đầu bởi một định kiến thường gặp rằng những người nam làm việc trong ngành làm đẹp thường là “gay”. Để kiểm chứng định kiến này, nhóm đã thực hiện một khảo sát về sự đa dạng và dung hợp giới trong ngành Làm đẹp. Khảo sát nhận về 80 phản hồi với đa số đáp viên đến từ khu vực Đông Nam Bộ và hiện đang làm việc tại TP.HCM. Kết quả thu được cho thấy, cứ 7 người nam làm việc trong ngành Làm đẹp thì chỉ có 3 người tự nhận mình là người đồng tính nam. Ngoài ra, khảo sát cũng phát hiện rằng xu hướng tính dục là một phổ đa dạng, với 31,3% đáp viên nhận định bản thân là người toàn tính, nghĩa là họ có thể bị hấp dẫn bởi bất kỳ bản dạng giới nào. Tuy đây chỉ là một khảo sát được thực hiện trong một nhóm nhỏ, nhưng sự phân bổ đa dạng của đáp viên cũng như kết quả thu được là bước đầu giúp dần tháo bỏ các định kiến sai lệch về đặc thù nghề nghiệp và giới.

kha elle voice

Trải nghiệm đáng nhớ thứ ba là kỳ thực tập của em với tổ chức PeaceTrees Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị vào mùa Hè năm 2020. PeaceTrees Việt Nam, hay Cây Hòa Bình, hoạt động trong lĩnh vực tháo dỡ bom mìn, chất nổ còn sót lại từ chiến tranh và chữa lành các tổn thương gây ra bởi chiến tranh. Bắt chuyến tàu một chiều Nha Trang – Đông Hà, thuê một căn phòng bên rìa thành phố, em bắt đầu một tháng thực tập tại PeaceTrees với vai trò biên dịch pháp lý và hỗ trợ các hoạt động xây dựng cộng đồng của tổ chức. Tận mắt chứng kiến tàn tích một ngôi trường tiểu học bị bom phá hủy, đi trên tấm gạch lát ở Thành cổ Quảng Trị mà biết rằng dưới chân mình là nơi rất nhiều người đã nằm xuống, lần đầu tiên em cảm nhận được nỗi đau vô cùng mà chiến tranh gây ra cho con người. Chính trải nghiệm này đã thúc đẩy em trở thành thành viên của Đối thoại Lãnh đạo Trẻ Việt Nam – Hoa Kỳ khóa đầu tiên, nơi em và các bạn tổ chức các dự án đồng hành cùng cộng đồng người Việt từ khắp nơi trên thế giới trên hành trình chữa lành vết thương chiến tranh.

Điều gì thôi thúc em tham gia các hoạt động xã hội từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là các hoạt động nâng cao nhận thức về cộng đồng LGBTQI+ cũng như bình đẳng giới?

Thường thì người cô đơn nhất lại là người mong muốn được kết nối nhất, và em đoán em cũng không ngoại lệ. Là một đứa trẻ “dị biệt” thường tự tách mình khỏi đám đông, em cảm nhận được sự cô đơn đến mức cô độc từ khá sớm. Cũng vì thế, em hay tự hỏi rằng mình sinh ra vì điều gì, sự tồn tại của mình có ý nghĩa gì hay không. Em tìm đến hoạt động cộng đồng như một phép thử để đi tìm lời đáp cho cả hai câu hỏi trên.

Mặt khác, xuất phát từ nhu cầu phụng sự cộng đồng để đi tìm cộng đồng cho chính mình, động lực cho các hoạt động của em chủ yếu đến từ câu chuyện và trải nghiệm cá nhân. Là một người có nhiều câu hỏi về danh tính bản thân, đặc biệt về bản dạng giới, em từng bước tìm hiểu về giới thông qua các chương trình tập huấn. Và cứ thế, từ vai trò học viên, trại viên, em trở thành người tổ chức và người tập huấn lúc nào không hay.

Hiện tại, dù em vẫn cảm thấy cô đơn và đôi khi vẫn không chắc về bản thân mình, nhưng ít nhất em đã có các nhóm và cộng đồng đồng hành cùng em. Cô đơn “nhiều mình” vẫn vui hơn ạ!

Ngoài các hoạt động liên quan đến cộng đồng LGBTQI+, em cũng từng tham gia các hoạt động liên quan đến nữ quyền, nhân quyền và môi trường. Em thường đặt câu hỏi về những vấn đề như thế nào? Vì sao?

Các vấn đề mà em tìm cách giải quyết đa số đều đến từ những vấn đề mà chính bản thân em hoặc bạn bè em gặp phải. Ví dụ, trong quá trình vận động cho quyền được xưng danh xưng của cộng đồng LGBTQI+, em nhận ra chính những bạn nữ hợp giới và dị tính cũng gặp các tình huống rất khó nói ra để bảo vệ bản thân vì rào cản và định kiến giới. Nhất là trong môi trường nhà máy, xí nghiệp, khi bạn là một công nhân và bạn là nữ, khả năng bị xâm hại và/hoặc lạm dụng tình dục là rất cao, đặc biệt khi thời gian nghỉ ngơi và đãi ngộ phụ thuộc nhiều vào giám đốc xí nghiệp và sau đó là người trưởng kíp. Vì thế, tuy có nhiều bất đồng và thậm chí bị quấy rối bằng lời nói hoặc động chạm thân thể, nữ công nhân cảm thấy rất khó để nói lên ý kiến hoặc đứng lên bảo vệ bản thân và động nghiệp. Từ phát hiện này, em tham gia dự án C190 – vận động Việt Nam tham gia Công ước C190 về Chấm dứt Bạo lực và Quấy rối của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Dự án đã tổ chức các buổi tập huấn và chia sẻ với nhóm nữ công nhân tại khu vực Bắc Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Trong quá trình tham gia các hoạt động xã hội, đâu là rào cản lớn nhất em thường gặp phải và làm sao để vượt qua những rào cản đó?

Đối với hoạt động xã hội hay hoạt động cộng đồng, đối tượng đích và nguồn lực chính vẫn luôn là cộng đồng và xã hội, vì thế, rào cản lớn nhất mà em thường gặp phải cũng đến từ đây.

Việc đặt mình vào vị trí của đối tượng đích để hiểu tâm lý và nhu cầu của họ là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình xây dựng giải pháp. Tuy vậy, tiếp cận, kết nối, và thiết lập mối quan hệ tin tưởng giữa người và người vẫn luôn là thử thách lớn vì nhiều lý do, trong đó, em cảm thấy khó nhất là gây dựng được niềm tin cũng như giữ cho mình vai trò người đồng hành để cùng họ xây dựng giải pháp.

Để làm được điều trên, không chỉ cần niềm tin vào người làm hoạt động, đối tượng đích còn cần phải tin tưởng vào bản thân họ và khả năng thay đổi, giải quyết vấn đề của chính mình. Em đã từng gặp rất nhiều trường hợp bị mất đi lòng tin và mối thâm giao được thiết lập qua nhiều năm vì một trong hai bên quên đi bản chất đồng hành của việc phụng sự cộng đồng.

Khi nhắc đến các bạn trẻ tham gia hoạt động xã hội, mọi người dễ liên tưởng đến những bạn trẻ năng nổ, hoạt bát và quảng giao. Một người sống nội tâm và kiệm lời như Kha sẽ hoạt động xã hội như thế nào?

Em không nghĩ bản thân mình là người kiệm lời, vì khi nhắc đến vấn đề mà em thật sự quan tâm và được đặt trong một môi trường cởi mở và an toàn, em thường không thể giữ cho mình kiệm lời.

Nhưng câu hỏi này thú vị ở chỗ, người làm việc liên quan đến cộng đồng thường được/bị gắn với hình ảnh quảng giao và sôi nổi, trong khi cốt lõi nằm ở lòng tự nguyện phụng sự và xây dựng được lòng tin cũng như mối quan hệ đồng hành. Khi nói đến điểm này, những người “sống nội tâm và kiệm lời” có vẻ lại lợi thế hơn vì họ thường để ý đến chi tiết nhỏ và nhạy cảm, từ đó dễ thể hiện sự quan tâm một cách tinh tế và xây dựng lòng tin nơi người khác. Tuy nhiên, điều này không hẳn lúc nào cũng đúng. Vì thế, em nghĩ, không quan trọng bạn là người thế nào, miễn bạn có lòng phụng sự cộng đồng thì bất kỳ phẩm chất hay kỹ năng nào cũng đều đáng quý và đáng được hoan nghênh. 

Quan tâm đến các vấn đề xã hội từ sớm và mạnh dạn thể hiện quan điểm, sẵn sàng hành động để tạo ra thay đổi có phải là một đặc trưng của các bạn Gen Z ngày nay? Theo em, Gen Z có những lợi thế nào khi tham gia các hoạt động xã hội và có thể tạo ra những thay đổi tích cực ra sao?

Em không nghĩ bản thân mình đủ tính đại diện để nói về đặc trưng của Gen Z hay đủ trải nghiệm để nói thay cho cả thế hệ này. Vì vậy, em xin phép chia sẻ theo góc nhìn của cá nhân em. 

Là một người may mắn được tham gia nhiều mạng lưới và tổ chức thanh niên tại Việt Nam, Đông Nam Á và quốc tế, em nhận thấy người trẻ luôn mang lại tiếng nói sôi nổi trong các diễn đàn giải quyết những vấn đề chung mà xã hội gặp phải. Mối quan tâm của các bạn cũng đa dạng như chính bản thân các bạn vậy. Có bạn đặc biệt quan tâm đến giáo dục mầm non và tiểu học, nhất là kỹ năng đọc viết, vì chính những kỹ năng này đã giúp bạn thay đổi cuộc đời mình. Có bạn lại quan tâm đến chủ nghĩa nữ quyền theo tư tưởng Karl Marx, vì thế, đi đâu bạn cũng chia sẻ về vấn đề này và có những góc nhìn, phát kiến trên cơ sở giới và giai cấp. Cũng có bạn theo đuổi việc hòa giải xung đột vì chính bạn phải lớn lên trong trại tị nạn và là nạn nhân của việc di cư nội địa… Chính những người trẻ này và câu chuyện họ mang theo là tín hiệu cho thấy vẫn luôn có những cá nhân quan tâm sâu sắc đến cộng đồng, không chỉ ở xung quanh nơi họ sống mà còn trên quy mô toàn cầu.

Em nghĩ rằng, lợi thế lớn mà thế hệ hiện nay có được chính là khả năng kết nối xuyên lục địa và xuyên thế hệ nhờ Internet cũng như các nguồn hỗ trợ từ các thế hệ đi trước. Thế hệ trẻ có thể là hạt nhân cho sự thay đổi, nhưng thế hệ trẻ không thể kiến tạo thay đổi mà không có sự ươm mầm, dung dưỡng, hỗ trợ và dẫn đường của những người đi trước.

kha phục vụ cộng đồng

Xác định bản dạng giới là non-binary, hành trình khám phá bản thân của em đã diễn ra như thế nào? 

Đây là một câu hỏi mà em khó có thể trả lời chỉ trong vài dòng, nên em sẽ cố gắng tóm tắt ngắn gọn nhất hành trình 10 năm của mình.

Lần đầu tiên em cảm thấy bản thân không tuân theo khuôn mẫu giới là khi em xé đi bộ váy mà mẹ ép em mặc vào năm lớp 3, nhưng phải đến năm học lớp 11 và gặp người yêu đầu tiên, em mới khám phá về xu hướng tính dục của mình. Tuy vậy, em vẫn luôn nghĩ về mình như một người nữ yêu nữ, dù thể hiện giới của em vẫn luôn nghiêng về hướng nam tính. Thời gian học tập ở một trường đại học công càng khiến em nhận ra bản thân không “vừa vặn” với khuôn mẫu mà xã hội này kỳ vọng ở một người nữ. Từ việc ăn mặc, xưng hô, thậm chí dọn dẹp và nấu nướng, đến cách mọi người thắc mắc “học xong thì khi nào lập gia đình” khiến em càng cảm thấy bức bối. 

Tiếp sau bức bối về vai trò giới, em nhận ra sự bức bối khủng khiếp với chính thân thể của mình. Sau đó, tóc của em ngắn dần, cho đến khi em tự tin bước vào một tiệm cắt tóc nam mà không cần lo về ánh nhìn thắc mắc của người cắt lẫn khách trong tiệm. Điều thay đổi tiếp theo là em đã vò nát thẻ chứng minh nhân dân của mình chỉ vì dòng chữ “giới tính: nữ”. Từ đó, em nhận ra mình là người chuyển giới. Nhưng em vẫn không cảm thấy mình thuộc hẳn về cực nam trên phổ giới, em chỉ là một thực thể không muốn để tính nữ đại diện cho mình, nhưng cũng không muốn để tính nam là lựa chọn còn lại và duy nhất. Vì thế, em để mình “ngoại hạng”, tức là từ chối tiếp nhận góc nhìn nhị nguyên về giới. Phi nhị nguyên, vừa như một mảng xám, vừa như một khoảng không mở rộng vô cực, nơi em có thể tự do được là em mà không cần phải vừa vào bất kỳ một khuôn mẫu nào. 

Suốt hành trình này là một sự giằng co và đối kháng không ngừng giữa “những gì em nghĩ em là và không là” với “những gì người khác nghĩ em là và nên/không nên là”. Lực cản lớn nhất và khó vượt qua nhất đến từ chính những người sinh ra em, vì đơn giản, họ là người cho em thân thể này – cái bao da đầu tiên giam em vào bên trong dù không vừa vặn. Sau đó là lực cản đến từ xã hội, lực cản này thì đơn giản hơn nhưng lại dai dẳng hơn, vì dù em có cố gắng nâng cao nhận thức cộng đồng đến thế nào, mỗi khi em đi ăn, đi cà phê, hay gửi xe, luôn có những người sẽ gọi em là “chị”, ngay cả khi em chưa mở lời. Và mỗi lần bị gọi “chị”, bị nhầm giới, là mỗi lần tim em như nghẹt lại, như thể cố gắng suốt 10 năm qua của em chẳng có ý nghĩa gì, và ngay lập tức em bị đánh bật trở lại thành đứa bé 8 tuổi khóc tức tưởi xé đi váy của mình. “Micro-aggression”, tạm dịch là bạo lực vi tế, là những lưỡi dao vô hình nhưng đã đâm xuyên tim của rất nhiều nhóm thiểu số yếu thế. Em mong là dạng bạo lực này sẽ không xảy đến với bất kỳ ai khác. 

kha lgbt vì cộng đồng

Học giỏi và sớm tham gia nhiều hoạt động xã hội, có vẻ như em là một người rất bận rộn. Em có thời gian cho những sở thích cá nhân của mình chứ? Kha của đời sống hằng ngày là một người như thế nào?

Em cảm ơn chị đã khen em học giỏi, nhưng em chỉ là một người học không ngừng thôi ạ, nếu giỏi thì em cảm thấy em sẽ không cần phải học nữa và chỉ suốt ngày nằm sưởi nắng (cười).

Gần như khó tìm một ngày nào của em mà lặp lại y hệt những hoạt động của ngày hôm trước. Vì vậy mà việc lên thời gian biểu và tuân theo chúng là một mục tiêu rất khó đạt được, và cuối cùng em đã bỏ cuộc. Em là một người tùy hứng và hay nảy lên trong đầu những ý tưởng rất bất chợt, nên ngoài những cuộc họp hẹn trước hoặc những đầu việc mà nếu em không tham gia sẽ gây hệ lụy đến người khác, mọi thứ đều có thể bị thay đổi vào phút chót. Em có thể là người dậy sớm làm việc vào một sáng cuối tuần, nhưng cũng có thể là người 12 giờ đêm đi bộ ra cửa hàng tiện lợi để ăn cơm nắm và uống bia. Ngoài ra thì trong phần lớn thời gian “kiệm lời và sống nội tâm” của mình, em thường viết thơ. Thơ là một cách em ghi lại cuộc sống và cảm xúc của mình mà không cần phải nhiều lời, cô đọng và hàm súc.

Trong tương lai, em có muốn tham gia hoạt động trong một lĩnh vực hoàn toàn khác không? Em chia sẻ một chút về những dự định sắp tới của mình nhé.  

Em nghĩ trong tương lai, định hướng của em về phụng sự con người và chọn những công việc cho phép em được tự do đi nhiều nơi, gặp nhiều người và có nhiều thời gian để sáng tạo sẽ không thay đổi. Nhưng trước mắt, sau khi tốt nghiệp, em sẽ trở thành một nhân viên ngân hàng như lời cảm ơn với quỹ học bổng toàn phần đã hỗ trợ em hoàn thành chương trình đại học. 

Bên cạnh đó, em cũng muốn trải nghiệm thêm các dự án hướng tới nhóm thiểu số dân tộc hoặc sắc tộc. Dự định này được truyền cảm hứng bởi chuyến thăm của em đến bảo tàng Heard tại thành phố Phoenix, bang Arizona, nơi mọi người không những bảo tồn văn hóa bản địa mà còn trình bày và giới thiệu về văn hóa một cách rất tự hào, đầy tình yêu thương dành cho tất cả màu sắc đa dạng của loài người. 

Cảm ơn em đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam. Chúc em luôn giữ gìn ngọn lửa nhiệt huyết bên trong mình và lan tỏa cảm hứng cho nhiều người hơn nữa thông qua các hoạt động ý nghĩa trong tương lai.

Nhóm thực hiện

Bài: Đ.T

Hình ảnh: NVCC

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)