Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] Công việc trong mơ – Có đơn giản là theo đuổi đam mê?

Tất cả chúng ta đều muốn tìm một công việc trong mơ, nhưng liệu điều đó thực sự có ý nghĩa gì? Nhiều người nghĩ rằng câu trả lời liên quan mật thiết đến niềm đam mê của họ, trong khi những người khác lại khẳng định, yếu tố quan trọng của công việc đáng mơ ước là nó nên tương đối dễ dàng và được trả lương cao.

Chúng ta ai cũng có định nghĩa của riêng mình về công việc lý tưởng. Thông thường khi đứng giữa nhiều lựa chọn, ta sẽ chỉ có thể chọn những công việc thỏa mãn được phần lớn những ưu tiên như tiền lương, môi trường làm việc chuyên nghiệp hoặc mang lại cảm giác “có ý nghĩa” cho xã hội. Tuy nhiên, thật khó để tìm được một công việc hoàn hảo hội tụ đầy đủ các yếu tố mong muốn. Mọi thành quả đều xứng đáng với sự hy sinh. Nhiều người cứ mải vẽ ra những điều phi thực tế để rồi loay hoay chưa tìm ra được hướng đi của riêng mình. Có chăng, một việc làm lý tưởng là khi chúng ta đặt câu hỏi về những lợi ích mà công việc này đem lại cho chúng ta là gì và khiến chúng ta không ngừng trăn trở để làm nó tốt hơn mỗi ngày.

Trên thực tế, nếu chỉ chú tâm theo đuổi đam mê, nó sẽ có thể khiến bạn lạc lối. Ít ai biết rằng Steve Jobs của Apple từng say mê Thiền tông trước khi bước vào lĩnh vực công nghệ; còn Condoleezza Rice, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, là một nhạc sĩ cổ điển tài năng trước khi bắt đầu theo đuổi sự nghiệp chính trị. Hai ví dụ điển hình này cho thấy, bạn vẫn có thể phát triển niềm đam mê bằng cách làm công việc mà bạn cảm thấy thú vị và có ý nghĩa.

công việc trong mơ

Trong các buổi thảo luận về hướng nghiệp, các tư vấn viên sẽ bắt đầu bằng cách yêu cầu bạn viết ra danh sách những gì bạn mong muốn nhất từ công việc, chẳng hạn như “hay được đi công tác nước ngoài” và “làm việc với những người đầy tham vọng” với hy vọng là trong sâu thẳm, mọi người biết họ thực sự muốn gì. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta không phải lúc nào cũng có thể nhận ra điều gì sẽ làm mình hạnh phúc nhất. Sai lầm khá phổ biến là chúng ta có xu hướng quy chụp cả một quá trình chỉ bằng phần kết của nó. Chẳng hạn như nếu bạn bị lỡ chuyến bay vào ngày cuối cùng của một kỳ nghỉ thú vị, bạn sẽ chỉ nhớ kỳ nghỉ đó vô cùng tệ hại. Điều này cho thấy chúng ta không chỉ nên tin vào trực giác của mình mà cần một cách hệ thống hơn để tìm ra công việc nào là tốt nhất.

TIỀN CÓ MUA ĐƯỢC HẠNH PHÚC?

Rất nhiều người đồng ý rằng công việc mơ ước là một công việc được trả lương cao và ít căng thẳng. Nhưng thực tế lại cho thấy hai yếu tố đó thật sự không quan trọng lắm.

Một trong những khảo sát do công ty Careercast cung cấp, đã xếp hạng các công việc theo các tiêu chí sau: Công việc đó có được trả lương cao không? Và có được trả cao trong tương lai không?

Công việc đó có căng thẳng không? Môi trường làm việc có khó chịu không? Kết quả cho thấy, công việc tốt nhất trong năm 2015 là: chuyên gia tính toán. Đó là những người sử dụng số liệu thống kê để đo lường và quản lý rủi ro, thường là trong ngành bảo hiểm. Tuy nhiên, dù các chuyên gia trong ngành này tỏ ra hài lòng với công việc bởi mức lương cao nhưng lại không hoàn toàn hạnh phúc, bởi họ cho rằng đó là một công việc lặp lại nhàm chán.

công việc lý tưởng hiện nay

Chúng ta thường nghe câu nói: “Tiền không thể mua được hạnh phúc”, nhưng đồng thời, khi được hỏi điều gì sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống nhất, câu trả lời phổ biến là: Nhiều tiền hơn. Vậy bên nào đúng? Nghiên cứu kinh tế học gần đây cho kết quả rằng, sự thật hóa ra nằm ở giữa: tiền có làm bạn hạnh phúc, nhưng chỉ một chút thôi!

Mấu chốt ở đây là sự lựa chọn của bạn. Hầu hết chúng ta đều hiểu mọi thứ đều có cái giá của nó. Những người nắm giữ vị trí quản lý cấp cao có mức lương khủng hoặc các chủ doanh nghiệp có gia sản kếch xù nhưng ngược lại, hằng ngày, thậm chí hằng giờ họ phải đối mặt với ti tỉ thứ khó khăn, đầu óc luôn căng như dây đàn về doanh số, nhân sự… Tuy nhiên, một việc làm dưới mức khả năng của bạn lại dễ gây nhàm chán. Điểm hấp dẫn nhất là nơi những yêu cầu của công việc đặt ra phù hợp với khả năng của bạn. Vì vậy, thay vì tìm cách né tránh căng thẳng, hãy tìm kiếm một môi trường có thể hỗ trợ bạn và một công việc cho bạn những cơ hội thử thách bản thân.

CÁC YẾU TỐ TẠO NÊN CÔNG VIỆC TRONG MƠ

Từ những nghiên cứu tâm lý tích cực về cuộc sống viên mãn và kết hợp chúng với nghiên cứu về sự hài lòng trong công việc, sáu yếu tố chính của một công việc mơ ước đã được đưa ra.

Kết nối với công việc: Điều thực sự quan trọng không phải là lương, địa vị, loại hình công ty của bạn… mà là những gì bạn làm hằng ngày, hằng giờ. Việc làm được cho là hấp dẫn sẽ thu hút sự chú ý của bạn và mang lại cho bạn cảm giác mượt mà, trôi chảy. Từ đó, các nhà nghiên cứu đã xác định được bốn điểm quan trọng: Quyền tự do quyết định cách thực hiện công việc; Nhiệm vụ rõ ràng; Sự đa dạng trong các loại nhiệm vụ; Phản hồi của cấp trên để bạn biết mình đang làm tốt như thế nào.

Có thể giúp đỡ người khác: Nghiên cứu cho thấy giúp đỡ người khác là yếu tố quan trọng để có được sự hài lòng trong cuộc sống. Trong đó, những người làm công việc tình nguyện ít trầm cảm và khỏe mạnh hơn. Việc thực hiện một hành động tử tế ngẫu nhiên sẽ khiến người ta hạnh phúc hơn, và những người hay quyên góp từ thiện hài lòng với cuộc sống của họ tương đương với những người kiếm được số tiền gấp đôi.

công việc khi theo đuổi ước mơ

Công việc bạn giỏi nhất: Làm tốt công việc mang lại cho bạn cảm giác gặt hái thành tựu. Nó cũng khiến bạn tăng thêm cảm hứng và sức mạnh để hoàn thành công việc. Do vậy, kỹ năng sẽ chiếm nhiều ưu thế. Nếu bạn yêu thích ngành art nhưng không giỏi về nó, có thể bạn sẽ chỉ tìm được công việc thiết kế đồ họa nhàm chán cho một công ty ít tên tuổi nào đó mà thôi.

Đồng nghiệp tốt: Hiển nhiên, nếu bạn ghét đồng nghiệp của mình và phải làm việc cho một người sếp tồi, bạn sẽ không mấy hài lòng. Bởi các mối quan hệ tốt là một phần quan trọng để có một công việc lý tưởng. Bạn có thể làm bạn với một vài người trong công ty nhưng không cần phải trở thành bạn của tất cả đồng nghiệp của mình. Tuy nhiên, những người hay phản biện và khác biệt với bạn cũng có thể đem đến cho bạn những ý tưởng mới hữu ích. Một người quản lý tệ có thể phá hỏng niềm hạnh phúc với công việc, trong khi công việc dù nhàm chán cũng có thể trở nên hay ho nếu được thực hiện cùng một người bạn thú vị.

công việc mua được hạnh phúc

Giảm yếu tố tiêu cực: Để có cảm giác hài lòng, mọi yếu tố kể trên đều rất quan trọng. Nhưng bạn cũng cần cố gắng giảm thiểu những thứ khiến công việc trở nên khó chịu, chẳng hạn như quãng đường đi làm xa và thường xuyên kẹt xe; mức lương không công bằng; công việc không an toàn… Những điều này nghe có vẻ nhỏ nhặt nên mọi người thường bỏ qua chúng và gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đáng tiếc.

Công việc phù hợp có thể gắn bó lâu dài: Bạn không cần phải tìm kiếm một công việc có đầy đủ tất cả những yếu tố trên. Nếu bản thân xác định được mục tiêu và những điều thực tế mong muốn trong cuộc sống, mọi thứ sẽ trở nên đơn giản, và hạnh phúc cũng dễ kiếm tìm hơn. Đó có thể là một công việc có khả năng thanh toán các hóa đơn; hoặc có cảm giác ý nghĩa thông qua hoạt động từ thiện; hoặc để xây dựng các mối quan hệ tuyệt vời ngoài công việc.

BẠN CÓ NÊN THEO ĐUỔI ĐAM MÊ?

“Hãy theo đuổi đam mê của bạn” đã trở thành một thông điệp hấp dẫn: chỉ cần cam kết với niềm đam mê, bạn sẽ có một sự nghiệp tuyệt vời. Và khi nhìn những tấm gương thành công, chúng ta sẽ thường chỉ thấy họ say sưa nói về đam mê. Tuy nhiên, hãy thận trọng bởi lời khuyên đó cũng có thể trở thành sai lầm.

Sai lầm đầu tiên đó là khi bạn cho rằng đam mê là tất cả những gì bạn cần. Thế nhưng, ngay cả khi quan tâm sâu sắc đến công việc, nếu bạn thiếu một trong sáu yếu tố kể trên, bạn có thể vẫn thấy không thỏa mãn. Chẳng hạn như nếu một người hâm mộ bóng rổ nhận được một công việc liên quan đến bóng rổ, nhưng lại làm việc với những người mà họ ghét, họ sẽ chán việc làm của mình ngay lập tức.

công việc và mối quan hệ đồng nghiệp

Vấn đề thứ hai là nhiều người không cảm thấy mình có đam mê liên quan đến nghề nghiệp. Lời khuyên “theo đuổi đam mê” khiến họ cảm thấy hụt hẫng và cho rằng mình đang đi sai hướng. Hãy yên tâm rằng, đam mê vẫn có thể đến sau.

Sai lầm thứ ba, “theo đuổi đam mê” có thể khiến bạn giới hạn lựa chọn hoặc vuột mất cơ hội. Trên thực tế, bạn có thể hình thành đam mê với những lĩnh vực mới. Nếu công việc của bạn giúp ích cho người khác, hãy trau dồi để trở nên giỏi hơn. Khi làm những công việc thú vị và làm bạn với những người thú vị, một thời gian sau bạn sẽ trở nên đam mê với nó.

Nhiều người thành công luôn có đam mê, nhưng thường thì niềm đam mê phát triển cùng với thành công của họ và bản thân họ cũng mất nhiều thời gian để khám phá ra. Thay vì có một đam mê duy nhất, sở thích của chúng ta thay đổi thường xuyên và có thể nhiều hơn những gì chúng ta mong đợi. Hãy nhớ lại những gì bạn quan tâm nhất vào 5 năm trước và có thể bạn sẽ thấy rằng nó khá khác so với những gì bạn quan tâm ở hiện tại. Điều này có nghĩa là bạn có nhiều lựa chọn cho một sự nghiệp thành công và hạnh phúc hơn bạn nghĩ.

Nhóm thực hiện

Bài: Q.Hương Ảnh: CHANH, Tư liệu Người mẫu: Trà My Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)