Khi thế giới phẳng, nỗi lo có thiên vị?
Sau thảm họa hạt nhân tại Tokyo năm 2011, nhóm kỹ sư của Facebook muốn tạo ra một thứ gì đó giúp mọi người có thể nói rằng họ đã an toàn sau thảm họa một cách đơn giản nhất có thể. Ngày 15/10/2014, Facebook đã có một sự kiện rất nhân văn và được cộng đồng ủng hộ đó là tạo ra Facebook Safety Check, giúp mọi người có thể biết được tình trạng an toàn của người thân, người quen và những người mình quan tâm khi có một thảm họa thiên nhiên xảy ra. Đến nay công cụ này đã chính thức hoạt động được một vài lần, giúp đỡ được rất nhiều người sau những thảm họa như động đất ở Afghanistan, Chile và Nepal…, những thảm họa thiên nhiên làm con người trở nên nhỏ bé.
Nhưng tháng 11 vừa qua, có một sự kiện xảy ra đã khiến Facebook phải thay đổi quan điểm, lần đầu tiên công cụ Safety Check được mở đối với một thảm họa do chính con người tạo ra, sau vụ khủng bố thảm sát hàng loạt tại thủ đô Paris của Pháp.
Nhiều người băn khoăn những điều rất buồn cười như việc tại sao người chết ở Paris lại được quan tâm hơn những nơi khác? Tại sao cộng đồng chú ý đến vụ khủng bố này hơn những vụ khác? Từ đó dẫn ra một lập luận rất ngớ ngẩn rằng mạng người ở những nơi này rẻ hơn những nơi khác. Chưa cần nhắc đến việc sự quan tâm của cộng đồng dù tới mức “một triệu like” cũng không làm được người chết sống lại, thì ngay cả bản thân việc quan tâm cộng đồng đang hướng vào đâu cũng không bao giờ đánh giá được bản chất vấn đề.
Có tới 1/7 dân số thế giới sử dụng Facebook mỗi ngày. Chỉ với hai động thái, Safety Check cùng với việc đổi ảnh đại diện hàng loạt, Facebook đã thả một con sóc mang tên Paris chạy nhảy trên khắp các hang cùng ngõ hẻm của mạng xã hội. Đó là một sự kiện được ưu tiên. Đó là một sự quan tâm được cộng hưởng. Chính những điều này mới góp phần lớn tạo nên sự chú ý của cả thế giới đến thảm kịch ở Pháp.
Sau sự kiện này, cũng là Mark Zuckerberg lên tiếng: “Chúng tôi quan tâm tới tất cả mọi người một cách bình đẳng, và chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giúp con người tồn tại trong nhiều hoàn cảnh tương tự như thế trong khả năng của mình”. Nhưng tin rằng chính anh ta cũng hiểu hơn ai hết về câu chuyện sự quan tâm của cộng đồng và con sóc chết trước cửa nhà. Sẽ không bao giờ có sự quan tâm bình đẳng dành cho tất cả mọi người, và sự kiện Paris lần này được nổi lên, mạng xã hội cũng đóng góp một phần lớn vai trò trong đó.
Về bản chất, con người không quan tâm ai hết ngoài những thứ lợi ích sát sườn của họ. Khi thế giới phẳn, hãy bật Facebook lên và xem mọi người đang viết gì sẽ hiểu điều đó. Ai đưa tin cũng muốn đưa những thứ độc đáo và lạ lùng, ai cũng muốn lồng ghép thông điệp sau khi chia sẻ về sự kiện, ai cũng muốn thể hiện cái tôi cá nhân – mà cái tôi thì thể hiện chỗ vắng người đâu có được tôn vinh. Đôi khi sự quan tâm người khác cũng thể hiện hiểu biết của chúng ta về thời sự và xã hội, hoặc dùng để truyền tải một thông điệp mà chúng ta muốn nói, đó cũng là lợi ích của chúng ta.
Sự quan tâm không phản ánh được bản chất tầm nghiêm trọng của sự việc, nhưng nó làm nhiều người lầm tưởng về việc giá trị xã hội đảo lộn, và họ cảm thấy họ phải lên tiếng vì cộng đồng. Tuy rằng thực tế xã hội vốn bất công, nhưng bất công trong mắt một người hiểu biết thì sẽ có giải pháp để thực hiện, phải kiên trì để có thể thay đổi một phần nào thế giới. Còn trong mắt người thiếu hiểu biết, tất cả chỉ là những sự quan tâm rất hời hợt rồi lại quên. Họ sẽ lại vui vẻ và tiếp tục lên án với một, hai vấn đề nóng bỏng khác ngay ngày mai, ngày kia thôi.
—
Xem thêm
Quan điểm của phái mạnh về quyền bình đẳng giới
Yêu nhau đâu cần lúc nào cũng ở bên nhau
Tình yêu xuyên biên giới, thử thách hay cơ hội?
Nhóm thực hiện
Bài: Hạ Hồng Việt - Minh họa: Tamypu