Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] Thái Bình: Kiến tạo chuỗi giá trị

Là một doanh nghiệp xã hội, One4One hướng tới việc tham gia kiến tạo một hình thái kinh tế mới, được xây dựng dựa trên sự viên mãn, đủ đầy và biết ơn. Định hướng của nhà sáng lập Thái Bình là xây dựng chuỗi giá trị mà mỗi thành phần ở trong đó, bao gồm vùng nguyên liệu, xưởng chế biến, hệ thống phân phối và khách hàng, đều thực sự bền vững và gần gũi với thiên nhiên.

Chị chia sẻ một chút về hành trình xây dựng thương hiệu One4One nhé.

Lúc mới ra trường, tôi làm truyền thông marketing cho các agency. Làm việc một thời gian, tôi cứ có cảm giác “sai sai” nhưng không hiểu vì sao mình lại có cảm giác như vậy. Lúc đó, tôi còn trẻ quá. Công việc không có vấn đề gì, lương cũng khá ổn, đồng nghiệp và cấp trên đều tốt, vậy thì tại sao tôi luôn cảm thấy trống rỗng ở bên trong? Vì công việc cho phép tôi tiếp xúc với nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, từ công nghiệp, chăn nuôi cho tới giáo dục, y tế hay chứng khoán, bất động sản, mỗi khi làm dự án mới đều phải nghiên cứu thông tin rất nhiều, tôi dần nhận ra rằng dù là những lĩnh vực, công việc trông rất khác, không liên quan gì nhau nhưng tất cả đều vận hành một cách đồng bộ trong sự cạnh tranh sinh tồn, dẫm đạp lên nhau, bóc lột môi sinh và người yếu thế. Nhìn cơ chế đó, tôi tự hỏi, “liệu có con đường nào để chúng ta phát triển thịnh vượng một cách đồng điệu với nhau được hay không?”.

Năm 2012, tôi quyết định nghỉ việc và thử làm các công việc khác, thậm chí còn làm tình nguyện viên một thời gian, nhưng vẫn cảm thấy như mình đang “đi lạc”. Rồi tôi nghĩ rằng, có lẽ mình nên quay về với cái mà mình mất kết nối. Lúc đó, tôi có một người bạn quê ở Bến Tre và được biết đến các sản phẩm làm từ trái dừa. Năm 2014, tôi thành lập One4One với mục đích kết nối với người nông dân và những sản phẩm từ thiên nhiên, sau đó là kết nối với chính mình. Tôi gọi đó là hành trình trưởng thành của bản thân.

Khi mới sáng lập One4One, chị đã có mối quan tâm về kinh tế bền vững chưa?

Trước khi thành lập One4One, có một thời gian tôi cũng được tiếp xúc với các vấn đề về nông sản – được mùa thì mất giá, mất mùa thì được giá, rồi nông dân bị lừa, người tiêu dùng không được tiếp cận với thưc phẩm sạch… Tôi thấy là thứ nhất, muốn làm việc gì cũng phải có sức khỏe tốt cái đã, thứ hai là với khả năng của mình, tôi có thể mang lại công việc tốt cho bà con nông dân. Khi không biết bắt đầu từ đâu, hãy cứ bắt đầu từ nguồn, trở về với vườn, kết nối với đất, làm về thực phẩm, đó là những gì tôi lựa chọn.

Lúc mới bắt đầu, tôi cũng chưa nghĩ gì về nền kinh tế bền vững đâu, rồi càng làm càng trưởng thành, càng đọc nhiều sách, tìm hiểu nhiều mô hình thì càng biết rằng mình cần xây dựng và hoàn thiện môi trường làm việc như thế nào. Chỉ đơn giản là muốn hiểu về thứ gì đó, tôi phải tự mình kiểm chứng, tham gia vào mọi quá trình từ đầu đến cuối, từ vùng trồng cho đến thành phẩm, vậy thôi.

bền vững oneforone

Từ những sản phẩm đầu tiên dựa trên nguồn nguyên liệu ở vùng dừa Bến Tre, chị đã mở rộng kinh doanh cho One4One như thế nào?

Tôi bắt đầu từ những sản phẩm đơn giản, sản xuất thủ công, gắn với văn hóa bản địa như dầu dừa, nước màu dừa, xà bông dừa. Sau đó, tôi học thêm kiến thức về thực phẩm và phát triển thêm các sản phẩm khác như dầu lạc (từ vùng trồng lạc ở Hương Khê, Hà Tĩnh) và nước rửa chén enzyme (từ rác thải hữu cơ thu gom ở Đà Nẵng)…

Để xây dựng một vùng trồng mới sẽ rất vất vả, cần nhiều thời gian, nhân lực, vật lực. Trong khi đó, tôi quan niệm chỉ làm gì vừa với sức mình, cân nhắc kỹ lưỡng và dựa trên những lợi thế sẵn có.

Vậy nên, tôi đi tìm những người có chung hệ giá trị, những người muốn khai thác thế mạnh văn hóa quê hương, có hiểu biết về sản phẩm truyền thống và kế thừa những di sản lâu đời của vùng đất đó. Cộng đồng như vậy không nhiều, nên tôi luôn cố gắng hợp tác hoặc hỗ trợ phân phối sản phẩm của họ nhiều nhất có thể. Bản thân tôi muốn xâu chuỗi lại hệ giá trị từ những điều mình làm, kết nối các mối quan hệ thành một hệ thống hoàn chỉnh, bền vững đó là điều tôi đang cố gắng thực hiện trong giai đoạn này. 

Đối với chị, đâu là bài toán khó giải nhất trong chuỗi cung ứng sản phẩm bền vững?

Đối với việc cung cấp sản phẩm bền vững, tôi đã bắt đầu từ vùng trồng, cũng là người trực tiếp chế biến, sản xuất và bán hàng. Vùng trồng đã sinh thái, sản xuất đã tuần hoàn, rác thải đã được hạn chế, sản phẩm cũng đảm bảo chất lượng, mọi thứ trong quy trình mình làm đều đã tốt rồi. Nhưng đến khâu lưu thông, phân phối thì lại rất vất vả, sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng khá khó khăn vì chưa có kênh riêng, tiếng nói khá mờ nhạt trong một nền công nghiệp tiêu dùng nhanh như hiện nay.

Hiện tại, chúng tôi đang xây dựng một cộng đồng trạm đong (refill), đó sẽ là mảnh ghép tiếp theo của chuỗi giá trị mà tôi hướng tới. Cộng đồng trạm refill này là một mạng lưới phủ khắp các địa điểm ở TP.HCM, được đặt tại những tiệm tạp hóa xanh nho nhỏ hoặc bất kì nơi nào muốn cộng tác với chúng tôi. Đây là nơi khách hàng có thể tiếp cận với nhóm sản phẩm xanh một cách đầy đủ, có thể mang chai, lọ đến đong trực tiếp hoặc trả lại bao bì sau khi sử dụng..

Trước kia, khi các cửa hàng xanh mới xuất hiện, một người phải chạy từ Nhà Bè sang Tân Bình để refill, như vậy rất bất khả thi. Để biến việc này thành thói quen rộng rãi, trước tiên, mình phải làm sao để nó trở nên tiện lợi, dễ thực hiện. Nhưng để đầu tư một cửa hàng refill lại cần chi phí rất lớn, thế nên, tôi phải nghĩ cách để tối thiểu hóa chi phí, đồng thời giúp các cửa hàng không cần phải cạnh tranh lẫn nhau. Việc xây dựng cộng đồng refill như thế này vừa tạo cơ hội cho các cửa hàng hỗ trợ lẫn nhau, vừa thuận tiện cho người tiêu dùng, việc phân phối sản phẩm cũng nhanh chóng, dễ dàng và giảm dấu chân carbon. Hiện chúng tôi đã phát triển được khoảng 40 trạm và tiến tới thiết lập 100 trạm ở TP.HCM.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung phát triển bao bì để khách hàng có thể dễ dàng trả lại sau khi sử dụng. Chúng tôi đang chuyển toàn bộ sản phẩm sang dạng túi dung tích lớn, khách hàng có thể mua về rồi chiết sang chai, lọ để dùng dần rồi trả lại túi cho các trạm, sau đó các trạm sẽ gửi về cho One4One phân loại. Việc sử dụng túi nhựa lớn vừa giúp tối ưu hóa khâu vận chuyển, lưu trữ, tiết kiệm chi phí, đồng thời tái sử dụng được đến 5 lần. Nếu khách hàng hình thành được thói quen trả lại túi thường xuyên thì chúng tôi sẽ tiến tới kế hoạch nâng cấp chất lượng bao bì để tái sử dụng được nhiều lần hơn.

Nhưng thường thì mọi người sẽ không nghĩ là túi nhựa có thể tái sử dụng được nhiều lần.

Có rất nhiều loại nhựa, có những loại có thể tái sử dụng đến cả trăm lần. Nhưng vì sao người ta vẫn làm ra nhựa kém chất lượng? Vì vẫn còn những mặt hàng dùng một lần rồi vứt bỏ. Đồ gì mà dùng được nhiều lần thì người ta mới làm tốt chứ, phải không? Thế nên, không có lý do gì không làm được túi tốt cả, chỉ là người dùng chưa có nhu cầu sử dụng túi tốt nên người bán hàng đành phải tối thiểu hóa chi phí bao bì bằng cách giảm chất lượng mà thôi.

bền vững từ các sản phẩm từ dừa

Hiện tại, các trạm refill có đang vận hành tốt như chị mong đợi không?

Các trạm này mới vận hành được một năm nhưng lại đúng thời điểm mọi người có nhu cầu về sống xanh, sống bền vững nên phản hồi khá tốt. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình không nên quá mong đợi vào điều gì, cứ sống đúng với khả năng của mình thôi. Các trạm này có thể đặt ở trường học, cửa hàng, quán cơm, quán cà phê, thậm chí là những người sống trong khu chung cư. Họ đã có không gian sẵn rồi, mình chỉ cần lắp kệ và cung cấp sản phẩm. Quan trọng là những người này đều đã có sẵn một lối sống, suy nghĩ và có nhu cầu mang sản phẩm xanh đến với nhiều người hơn.

Chị có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong tương lai?

Tôi vẫn đang mở rộng, nhưng không phải mở rộng quy mô mà là nhân rộng mô hình của mình, để mỗi người tham gia vào chuỗi giá trị có thể cùng mình lan tỏa đến nhiều người hơn. Cửa hàng của tôi có vài trăm khách, tôi muốn vài trăm khách đó đều được chăm sóc chu đáo, được lắng nghe, thấu hiểu, quan tâm sâu sát từng vấn đề, nhu cầu của họ. Mỗi người khách là một người bạn, rồi những người bạn này sẽ kể câu chuyện của tôi cho những người bạn khác của họ. Xây dựng cộng đồng trạm refill cũng là cách tôi mở rộng đội ngũ người chăm sóc giống mình. Các bạn chính là người trực tiếp trò chuyện với khách hàng và nuôi dưỡng tình cảm với họ. Tôi thấy mỗi người chỉ cần giữ vai trò chăm sóc cho một vài người là đã đủ rồi, miễn là vừa sức, nhiều hơn nữa thì lại không đảm bảo chất lượng. Đó cũng là lý do chúng tôi nói nhiều về giá trị hơn là nói về sản phẩm. Việc khách hàng tương tác với mình, lắng nghe câu chuyện của mình và dùng thử sản phẩm của mình có ý nghĩa hơn việc cho họ thấy bảng thành phần khô khan và cứng nhắc. Để thương hiệu bền vững thì bản thân phải sống đúng với năng lực của mình. Làm điều gì đó vượt qua sức mình không phải là cách mà tôi lựa chọn.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

Ảnh: NVCC

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)