Tôi ngồi viết bức thư này vào những ngày cuối của năm 2023, khi cả thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau đại dịch. Xung quanh tôi, dù ít hay nhiều, ai cũng bị ảnh hưởng. Người thì than ít việc quá, người thì cầu mong cho năm sau tình hình khả quan hơn. Thôi thì chúng ta cố gắng tăng thu, giảm chi và khuyến khích nhờ vả thân tình để mọi người cùng vượt qua cơn khó khăn.
Mỗi thời đại, con người đều phải đối mặt với những vấn đề khác nhau. Từ thuở sơ khai, tổ tiên chúng ta đối mặt với cái ăn, cái mặc và chỗ ở. Công việc săn bắt, hái lượm hoàn toàn bị động về nguồn lương thực. Khi nông nghiệp và công nghiệp xuất hiện, vấn đề lương thực tạm được gọi là ổn định, của cải vật chất tích lũy nhiều hơn, chúng ta lại đối mặt với chiến tranh khai phá và chinh phạt, từ vó ngựa Thành Cát Tư Hãn với vũ khí thô sơ là gươm, giáo cho đến những cuộc chiến được trang bị súng ống, đạn dược tối tân như chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngày nay, chưa thể nói chiến tranh đã chấm dứt, hình thái của nó còn chuyển biến sang những mặt trận khác văn minh hơn như chiến tranh kinh tế, chiến tranh về thương hiệu quốc gia…
Khi chủ nghĩa vật chất phát triển đến một mức độ nhất định, con người hiện đại bắt đầu đối mặt với những vấn đề hoàn toàn mới mà tổ tiên chúng ta chưa từng kinh nghiệm qua:
SỰ CÔ ĐƠN CỦA NGƯỜI THÀNH THỊ
Điều này thể hiện rõ nét nhất ở những xã hội phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc. Hikikomori là hội chứng những người trẻ Nhật Bản sống cô lập với thế giới bên ngoài. Họ chỉ rời khỏi phòng để thực hiện một vài công việc cần thiết như mua thực phẩm, phần thời gian còn lại họ chỉ đóng cửa trong phòng. Họ ngủ phần lớn thời gian ban ngày và bắt đầu làm việc về đêm.
Tỷ lệ tự tử ở hai xã hội này cũng nằm trong top đầu thế giới do con người phải đặt trên vai quá nhiều áp lực về sự thành đạt, nỗi ám ảnh hoàn hảo từ bản thân, gia đình và xã hội làm người trẻ không còn khả năng lắng nghe được chính mình. Mất kết nối với bản thân chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự mất kết nối với thế giới xung quanh. “Chữa lành” có thể được bầu chọn là cụm từ của năm vì nó đã trở thành một trào lưu, một nhu cầu có thật trong rất nhiều nhóm đối tượng, độ tuổi khác nhau.
VẤN ĐỀ VỀ MÔI TRƯỜNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Thế hệ của chúng ta đang bắt đầu nếm trải cơn giận dữ của thiên nhiên. Càng ngày càng xuất hiện nhiều đợt thiên tai lớn như lũ quét, sạt lở, động đất, sóng thần, cháy rừng… Rất nhiều rạn san hô tự nhiên của đại dương đã biến mất do nhiệt độ nước biển tăng đột ngột. Và một thảm họa đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ trong mỗi gia đình là rác thải nhựa. Mỗi ngày có hàng triệu tấn rác thải nhựa được thải ra từ hoạt động sống của con người.
Chưa lúc nào, cụm từ “phát triển bền vững” lại được nhắc đến nhiều như vậy, từ các phương tiện truyền thông đến những chiến dịch của hầu hết các tập đoàn trên thế giới.
BÀI LIÊN QUAN
SỰ BÙNG NỔ CỦA TRÍ TUỆ NHÂN TẠO VÀ VAI TRÒ CỦA CON NGƯỜI
Từ khi có sự ra đời của ChatGPT và trí tuệ nhân tạo (AI), rất nhiều ngành nghề đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Rất nhiều bạn bè tôi làm trong ngành quảng cáo than thở rằng do có ChatGPT nên khách hàng yêu cầu cao hơn xưa, lương thì không tăng nhưng khối lượng công việc nhiều hơn, thời gian để chuẩn bị hồ sơ đấu thầu cũng bị rút ngắn lại.
Những ngành nghề thiên về kỹ năng dễ bị thay thế bởi AI. Và cũng có một vài nỗ lo âu khi tiên đoán rằng rồi đây, AI sẽ lấy hết việc của người lao động. Riêng cá nhân tôi lại nghĩ đó là cơ hội cho con người tiến hóa lên một bậc.
Hãy cùng nhìn lại một câu chuyện cũ giữa hội họa và nhiếp ảnh. Ngày xưa, hội họa ra đời trước, rồi đến thế kỷ 19, khi máy ảnh xuất hiện, rất nhiều họa sĩ “mất job”. Nhưng ngành hội họa vẫn không biến mất mà vẫn phát triển song song với nhiếp ảnh. Bởi lẽ, hội họa truyền tải một giá trị mà không máy móc nào có thể chuyên chở được, đó chính là nét thẩm mỹ mang “tính người”. “Tính người” này thể hiện ở khả năng rung cảm trước cái đẹp, sự thấu hiểu và sẻ chia, tình yêu thương đồng loại, yêu thương cuộc sống. Người họa sĩ để tồn tại, họ bắt buộc phải vẽ như một nghệ sĩ chứ không chỉ là một người thợ vẽ.
Quay lại câu chuyện của AI, tôi vẫn luôn tin rằng, cuối cùng, AI cũng chỉ là một công cụ để phục vụ cho con người. Chắc chắn sẽ có một số lượng đông đảo người lao động phải chật vật vì mất việc, nhưng một bộ phận khác sẽ nhận ra thế mạnh của bản thân và tự nâng cấp công việc của họ lên một tầm cao mới với đầy đủ tính người mà không một chiếc máy nào có được.
Theo góc nhìn hạn hẹp của tôi, đi tìm điểm cân bằng chính là điều mà con người thời đại hiện nay đang cần hướng tới. Hội chứng cô đơn, hiểm họa về môi trường, tình trạng dân số già hay nỗi lo sợ nguy cơ trí tuệ nhân tạo chiếm lĩnh thế giới… đều là hệ quả sự phát triển lệch sang cán cân vật chất. Đời sống quá thiếu thốn cũng đưa chúng ta vào tình trạng kém tiến bộ, nhưng thừa mứa vật chất lại đẩy Trái đất đến ngưỡng diệt vong do môi trường bị tàn phá. Điểm cân bằng chính là khi mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi quốc gia biết đủ. Phải chăng đây chính là con đường trung đạo (middle way) mà Đức Phật đã nói đến từ xa xưa, một điều vẫn đúng cho đến hôm nay và mãi về sau?
Nhóm thực hiện
Bài: Tâm Bùi