ELLE Voice: Ly Hoàng Ly sống với hơi thở nghệ thuật

Đăng ngày:

[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 9/2018] Phụ nữ làm nghệ thuật sẽ như thế nào? Có phải chỉ là những mộng mơ dịu dàng, hay là những sắc màu nữ tính?

Vượt ra khỏi ranh giới của một họa sĩ vẽ tranh, Ly Hoàng Ly không ngừng mở rộng khái niệm nghệ thuật thị giác đương đại và đi tìm cho mình những cách thức thể hiện mới mẻ. Mỗi dự án nghệ thuật của chị là sự tổng hòa của nhiều thành phần, chất liệu và phương tiện khác nhau như video, nghệ thuật trình diễn (performance art), hội họa, điêu khắc, thi ca, nghệ thuật công cộng (public art)… với mục đích cuối cùng là hiện thực hóa trí tưởng tượng và thể hiện sự phản biện trước các vấn đề xã hội. Một người phụ nữ nhỏ bé tạo nên các tác phẩm công cộng quy mô lớn nhưng luôn bình thản khi nói về công việc; một nghệ sĩ đa tài nhưng chưa bao giờ mất đi niềm vui thuần khiết khi nhắc đến thực hành nghệ thuật; một người mẹ dù bận rộn đến mấy vẫn luôn xem con là ưu tiên hàng đầu… cũng giống như các dự án nghệ thuật của mình, bản thân Ly Hoàng Ly chính là sự tổng hòa của rất nhiều tính cách thú vị.

Ly Hoàng Ly 1

Tác phẩm thuộc bộ 21 tranh có tên “Cảnh – The View”.

Tại sao chị lại chọn kết nối nhiều phương tiện trong các dự án của mình?

Mỗi người có một cách phát triển tác phẩm riêng. Nếu như trước đây tôi chỉ vẽ tranh thì bây giờ tôi muốn sử dụng tất cả các phương tiện phù hợp để đào sâu vào từng dự án, để khai phá, tìm hiểu vấn đề ở nhiều khía cạnh, nhiều tầng khác nhau, không chỉ về tư tưởng mà còn ở cả cách thức thể hiện nữa. Thông qua việc kết hợp nhiều phương tiện, tôi muốn người thưởng lãm cảm nhận tác phẩm đúng với bối cảnh thế giới chúng ta đang sống – một thế giới đa phương tiện và phức tạp.

Ly Hoàng Ly 2

Tác phẩm “thuyền nhà thuyền” thuộc dự án đang tiếp diễn từ 2011 đến nay, mang tên “0395A.ĐC”.

Thực hành nghệ thuật trên một phương tiện và kết hợp nhiều phương tiện khác nhau nhất ở điểm nào?

Ví dụ, khi làm một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc công cộng, nghệ sĩ sẽ vừa là người sáng tác, vừa là tổng đạo diễn, bởi vì nghệ sĩ không chỉ đưa ra ý tưởng và thiết kế mẫu, mà để hiện thực hóa thành sản phẩm đúng quy mô, kết cấu còn cần sự cộng tác, hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật của nhiều phía. Nghệ sĩ cũng phải trang bị cho bản thân kiến thức nhất định mới có thể đối thoại với người triển khai, mới truyền đạt, chia sẻ được với họ ý tưởng và quyết định của mình.

ly hoàng ly

Ly Hoàng Ly thực hành nghệ thuật thị giác và viết thơ, đồng thời làm công việc biên tập tại NXB Trẻ từ năm 2000. Ly tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 1999, được trao tặng học bổng Fulbright của chính phủ Mỹ vào năm 2011 và hoàn thành bằng Thạc sĩ tại Học viện Nghệ thuật Chicago.

Đối với Ly Hoàng Ly, quá trình từ khi ý tưởng tượng hình cho đến lúc được hiện thực hóa thường diễn ra như thế nào?

Thứ nhất, mình phải có mong muốn trước đã, dù đôi khi hình hài cuối cùng của tác phẩm không rõ ràng ngay từ đầu. Tôi thấy sáng tạo nghệ thuật giống như đi xuyên qua rừng vậy. Băng qua một khu rừng chưa ai khai phá, làm sao mình biết cuối đường có gì? Nhưng chính vì có mong muốn nhìn thấy điều mình chưa được thấy nên mình mới mở đường mà đi. Và chính hành trình mình chọn trải nghiệm đó cùng môi trường riêng của nó đã bồi đắp nên nhân sinh quan và tư duy, hành động của mình. Thứ hai, khi quyết định tạo ra một tác phẩm nghệ thuật công cộng, bài toán đầu tiên tôi phải giải quyết là: sẽ làm việc với ai? Bởi vì, một tác phẩm có quy mô lớn, kết cấu phức tạp, đòi hỏi cao về mặt kỹ thuật và chi phí sản xuất… là vượt quá khả năng của một nghệ sĩ rồi. Tôi nghĩ, bất cứ sản phẩm nào của một xã hội phát triển cũng phải là kết quả từ sự tập trung tổng lực trí tuệ, kỹ năng của nhiều người và hướng đến những điều tốt đẹp.

Ly Hoàng Ly 4

Không gian triển lãm tác phẩm “thuyền nhà thuyền”.

Làm những tác phẩm lớn như vậy, hẳn Ly Hoàng Ly chịu rất nhiều áp lực?

May mắn là tôi không một thân một mình mà được một số người cùng tâm huyết hỗ trợ, còn đối tác thì làm việc rất đàng hoàng, tử tế và có trách nhiệm. Điều quan trọng ở đây là thái độ làm việc, cố gắng hết sức để cùng nhau tạo ra tác phẩm. Còn khó khăn thì công việc nào mà chẳng có. Tuy nhiên, áp lực lớn nhất đối với tôi có lẽ là sức khỏe. Mỗi lần hoàn thành một dự án là tôi lại ốm nặng, không liên lạc với ai, gần như bị trầm cảm vì làm việc quá sức, không ngủ liên tục trong nhiều đêm liền. Bình thường chắc tôi cũng đã gục ngã rồi. Nhưng tôi không có quyền dừng lại một khi đã khởi xướng và nhận lãnh trách nhiệm này, dừng lại là phụ lòng nhiều người, là phụ cả những mong mỏi của chính mình.

Ly Hoàng Ly 5

Tác phẩm public art của dự án đa phương tiện “Mật-Mật-Mật hay Những phân mảnh của niềm tin”.

Nhưng là phụ nữ, chị hoàn toàn có thể chọn các phương tiện “nhẹ nhàng” hơn. Sao chị lại tự làm khó mình như vậy?

Vấn đề ở đây không phải là mình chọn cái khó để làm, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc này khó hay dễ mà chỉ đơn giản là đi theo trí tưởng tượng và hình dung của mình. Khi đó, thôi thúc duy nhất của tôi là phải biến những tưởng tượng và ấp ủ kia trở thành hiện thực. Làm nghệ thuật cũng giống như thai nghén một đứa bé, chẳng ai nghĩ đến chuyện sinh con khó hay dễ. Mình đã thai nghén thì phải sinh con ra đời. Quan trọng là tình yêu với “con”. Có tình yêu đủ lớn thì mọi trở ngại sẽ vượt qua được. Và với tôi, tình yêu thực sự không có khái niệm cưỡng cầu. Hơn nữa, tôi chọn làm nghệ thuật công cộng vì từ nhỏ đã rất thích những công trình mà tất cả mọi người đều được hưởng thụ, những tác phẩm “sống” giữa cộng đồng mà bất cứ ai cũng có thể chạm vào và sử dụng nó.

Ly Hoàng Ly 6

Ly cùng công nhân cơ khí trong quá trình làm tác phẩm “thuyền nhà thuyền”.

Xuất phát từ những ý tưởng trừu tượng như thế, các tác phẩm đương đại sẽ khiến cho đại chúng khó tiếp nhận?

Thật ra, tôi nghĩ mọi tác phẩm đều xuất phát từ cuộc sống và phản ánh cuộc sống, dù hình thức của nó là trừu tượng hay không. Việc đại chúng dễ hay khó tiếp nhận còn là vấn đề về giáo dục thẩm mỹ và văn hóa nghệ thuật từ thuở bé trong nhà trường cũng như sự phát triển văn hóa nghệ thuật của một xã hội. Tôi nghĩ rằng trong giáo dục, đầu tiên là phải được nhìn thấy. Nếu cả đời mình không nhìn thấy một tác phẩm nghệ thuật thì làm sao mình cảm thụ được? Cảm thụ nghệ thuật giống như đứa bé được sống trong tiếng ru của mẹ từ lúc lọt lòng. Đứa bé đâu cần hiểu mẹ nói gì, nhưng lời ru đã trở thành một phần quan trọng trong ký ức tuổi thơ, trong quá trình hình thành nhân sinh quan và nhân cách của đứa bé khi lớn lên. Chúng ta cần sống trong một môi trường nghệ thuật trước khi hình thành ý thức cảm thụ nghệ thuật. Tôi chỉ cố gắng trong khả năng của mình để đem lại những tác phẩm nghệ thuật công cộng mà trẻ em và người lớn đều có thể dùng được. Ở những nơi tôi có dịp đến, học tập và làm việc như Chicago, trẻ em vô tư tương tác, chơi đùa, sử dụng các tác 2017phẩm nghệ thuật công cộng. Các em quen với sự hiện diện và hình ảnh của chúng trước khi biết đó là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi tin rằng nhận thức và cảm thụ của những đứa trẻ đó sẽ khác với nhận thức của những đứa trẻ không được sống trong môi trường mà các tác phẩm nghệ thuật được quan tâm đầu tư.

Ly Hoàng Ly 7

Vở múa đương đại “Vùng Ẩn”, (biên đạo và biểu diễn: Đào Thụy Thuý Vân, Nguyễn Chung, Ngô Thanh Phương và Nguyễn Hữu Thuận), lấy cảm hứng và biểu diễn trên tác phẩm public art “thuyền nhà thuyền” – 2017.

Công việc của một nghệ sĩ rất bận rộn và có nhiều áp lực, nhưng chị đồng thời cũng là mẹ của một cô con gái. Làm sao Ly Hoàng Ly cân bằng được giữa công việc và đời sống gia đình?

Tôi không có khái niệm cân bằng. Cuộc sống giống như một bản nhạc, có lúc thăng lúc trầm, lúc cao trào lúc lặng lẽ, mỗi người đều tự viết nên bản nhạc của mình, mỗi người có sự ưu tiên và màu sắc chủ đạo khác nhau. Mọi người hay bảo phụ nữ phải hy sinh sự nghiệp cho gia đình, tôi lại nhìn vấn đề theo một cách khác. Nghệ thuật chính là tôi, ở trong tôi, khi làm nghệ thuật nghĩa là tôi đang sống. Còn gia đình mới là sự nghiệp và con gái mới là “dự án” cả đời của tôi. Con là tác phẩm tuyệt vời nhất mà tôi được nhận lãnh trách nhiệm trong cõi nhân sinh này. Trong mọi thời kỳ, tôi luôn ưu tiên gia đình, đảm bảo con mình phải an ổn trước. Nếu cần, tôi sẵn sàng tạm dừng các hoạt động vì con, tuy vẫn ấp ủ, nuôi dưỡng các ý tưởng trong lòng. Bây giờ, khi con lớn hơn một chút, tôi có thể toàn tâm toàn ý hơn cho việc thực hiện ý tưởng. Nhưng sau mỗi dự án, tôi lại dành toàn bộ thời gian để bù đắp cho con. Rất vui là con cũng ủng hộ, chia sẻ, thậm chí là cùng làm và giúp tôi rất nhiều trong công việc.

Ly Hoàng Ly 8

Toàn cảnh tác phẩm public art “thuyền nhà thuyền” năm 2017.

Chị có hướng cho con mình làm nghệ thuật giống như chị không?

Bé chỉ mới 13 tuổi thôi nên đang thích nhiều thứ lắm, đặc biệt là viết truyện dài, chụp ảnh, vẽ và lập trình (coding). Tôi chỉ ủng hộ hết sức những gì con mong muốn, giúp con phát triển toàn diện thôi, còn lựa chọn nghề nghiệp về sau là của bé và tôi hoàn toàn tôn trọng điều đó.

Cảm ơn chị đã dành thời gian chia sẻ cùng ELLE!

Xem thêm:

Vải chần họa tiết giúp NTK Raf Simons được Bảo tàng Nghệ thuật Dân gian Mỹ vinh danh

Làm thế nào để lập kế hoạch kinh doanh trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật?

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

Ảnh: Trần Thế Phong, Bùi Thị Mỹ Tuyền, Hà Thế Hiển, The Factory Contemporary Arts Centre

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more