Lý Trần Quỳnh Giang mặc áo len mỏng, giày nhà binh và đôi môi tô màu trầm, tóc búi xễ sau gáy. Giang mỏng manh, tiếng nói nhẹ như hơi thở.
Trần Nhật Thăng cũng tóc búi, áo phông sẫm màu. Anh xin lỗi vì đến muộn ít phút do vợ vừa trở dạ sinh hạ cô công chúa nhỏ đêm qua. Mặt rạng ngời hạnh phúc dù nét mất ngủ vẫn còn trên dáng người phờ phạc. Và câu chuyện tình cờ xoay quanh chủ đề phái nữ và nghệ thuật.
Trần Nhật Thăng (TNT): Đối với tôi, phụ nữ đã là một tác phẩm nghệ thuật. Và nếu có cơ may hoặc khả năng tiếp cận nghệ thuật, họ càng trở nên hoàn hảo hơn. Nhưng dù muốn hay không, nghệ thuật vẫn ít nhiều có liên quan đến cuộc sống – một cái quần, cái áo, hay bó hoa cũng đều là sự hiện thân của nghệ thuật. Vì thế, nghệ thuật làm cuộc sống của chúng ta trở nên thú vị. Với phụ nữ, nghệ thuật lại càng đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống.
Bản thân tôi nhận thấy cô nào làm nghệ thuật cũng cá tính và có đời sống phong phú, thiên về nội tâm hơn. Những biểu hiện bên ngoài của họ như gu thời trang, hay thẩm mỹ của họ có sức lôi cuốn riêng.
Lý Trần Quỳnh Giang (LTQG): Em thì lại thấy đa phần nữ nghệ sĩ Việt Nam ăn mặc, trang điểm chưa đẹp lắm. Đôi khi họ còn không quan tâm đến vẻ bề ngoài, nhưng anh biết đấy, hình thức cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng người đối thoại.
TNT: Có lẽ vì Quỳnh Giang có gu thẩm mỹ quá cao nên có được cái nhìn này. Ở đây, tôi chỉ muốn nói đến sự khác biệt chung giữa những phụ nữ làm nghệ thuật với các đối tượng khác. Gu ăn mặc có thể trở thành một tính cách riêng biệt, một cá tính của ai đó. Thời trang luôn thay đổi, cả quan niệm về cái đẹp cũng vậy. Nhưng Giang thấy đó, có những người suốt bao nhiêu năm trời chỉ có một phong cách ăn mặc, một gu thời trang nhưng luôn đẹp, luôn thu hút người khác.
Quan trọng là phải có cá tính bên cạnh gu thẩm mỹ tốt. Nếu cá tính cộng với gu thẩm mỹ xấu thì nó sẽ thành một thứ lạ lùng, thậm chí lập dị. Nhưng gu thẩm mỹ tốt mà thiếu đi cá tính thì lại thiếu mất phần hồn… Như nhiều người “kêu” kiểu quần kẻ tôi đang mặc lắm, nhưng mình lại thích, lại thấy nó hay hay.
Đó là chuyện đương nhiên. Một bộ sưu tập dù được chính thức hóa trên sàn diễn rồi vẫn còn gây tranh cãi mà. Sự bứt phá, đổi mới nào cũng gây ngạc nhiên và tranh cãi.
LTQG: Thế anh có hay tham gia góp ý với người thân và bạn bè về thời trang không?
TNT: Một cô bạn là nghệ sĩ violon thường nhờ tôi thiết kế quần áo khi đi diễn. Cô ấy bảo những trang phục của tôi giúp cô tự tin trên sân khấu. Còn một cô bạn nhà thơ người Việt và một cô nhà thơ người Mỹ đã mang đến hai bộ áo dài giống hệt nhau nhờ tôi vẽ trang trí. Tôi nghĩ ngay đến chuyện vẽ đối xứng để khi hai người đứng cạnh nhau thì sẽ tạo thành một tổ hợp tác phẩm.
Còn ngoài đời, tôi cũng ít khi tham gia tư vấn thời trang cho người thân, bạn bè vì họ đều là những người bình thường nhưng rất biết cách ăn mặc đẹp. Với bọn trẻ con, tôi thường để cháu tự do chọn đồ từ bé. Mỗi lần cháu chọn quần áo phù hợp, tôi đều khen: “Oách đấy!”. Bằng cách này, tôi tin con mình sẽ sớm có gu thẩm mỹ tốt. Giang có thấy vậy không?
LTQG: Bản thân em cũng không rõ gu thẩm mỹ của mình được hình thành từ bé hay mãi đến sau này do ảnh hưởng từ công việc. Có lẽ là do cả hai yếu tố tính cách và môi trường nghệ thuật. Thực ra ngày bé em không có nhiều cơ hội để thể hiện gu ăn mặc của mình vì điều kiện không cho phép. Nhưng anh có thấy là nhiều người mãi không mặc đẹp được, kể cả đó là người của công chúng.
Nhiều người nói không quan tâm đến thời trang nhưng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, tức là làm những việc liên quan đến cái đẹp rồi! Phải luôn bắt mình quan sát và chọn lọc những gì được cho là đẹp.
TNT: Làm đẹp thì ai cũng muốn, nhưng có người biết cách làm mình trở nên đẹp hơn, có người lại không biết. Trong số những người biết cách ấy, nhiều người biết tận dụng thời gian, tiền bạc… Và không ít người mất đến 90 phút để make – up hay mất nhiều tiền cho những bộ cánh hàng hiệu.
LTQG: Em nghĩ đó là do quan niệm của mỗi người. Như anh khen em ăn mặc có cá tính trong khi có thể 8/10 người em gặp ngoài đường lại chê em ăn mặc không ra gì, chả giống ai…
TNT: Đúng là cái đẹp tùy thuộc vào cái nhìn, quan niệm mỗi người. Và chúng ta tôn trọng những sự khác biệt đó. Nhưng mặt khác, những người làm nghệ thuật chuyên nghiệp phải là những người có uy tín khi nói về cái đẹp.
Câu chuyện còn kéo dài nữa bởi phụ nữ, nghệ thuật và cái đẹp luôn là những đề tài bất tận…
Nhóm thực hiện
Bài Hà Châu - Ảnh Trupi - Chụp tại Art Talk cafe 12, quán Sứ, Hà Nội