Mai Trang – Cô gái được âm nhạc chạm tới
Trở về sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ âm nhạc (biểu diễn piano) tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, Mai Trang hiện giảng dạy, nghiên cứu tại Trung tâm Erato Music & Performing Art, TP.HCM.
“Những khúc dạo đầu (Preludes) của Debussy luôn cho tôi cảm giác đơn độc một cách thi vị. Dường như không có bóng dáng thân thương nào trong những bản nhạc này, chỉ có đám đông và những người lạ. Khó có thể ngâm nga nhạc của ông, nhưng đó lại chính là điểm hấp dẫn của phong cách Debussy.
Không giống như một câu chuyện, những bản nhạc như bức tranh nhiều màu sắc. Sự lạnh lẽo của đêm trăng, vẻ uy nghi của nhà thờ, hay sự kỳ quái của ông Tổng Lavine, tất cả đều được khơi gợi bằng bút pháp tinh tế của nhà soạn nhạc người Pháp này”.
Nghệ sĩ piano trẻ Trịnh Mai Trang đã tâm sự với khán giả Hà Nội ngay trong bản giới thiệu chương trình độc tấu gần đây nhất của cô. Điều này giải thích phần nào phong cách biểu diễn mà cô luôn hướng tới, sự tinh tế, đầy hứng khởi và thân thiện.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi có cả sự góp mặt của những phím đàn đen và trắng, rung lên trong những giai điệu đầy cảm xúc như tâm trạng của người nghệ sĩ đang chơi nó.
Trở về Việt Nam sau nhiều năm học tập, biểu diễn ở nước ngoài, với chị có phải là một quyết định khó khăn?
Tôi cũng đã trăn trở, nhưng tôi luôn quay về với ước mơ năm 14 tuổi, đó là được đóng góp vào sự nghiệp phát triển âm nhạc Việt Nam với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn cũng như một giáo viên giảng dạy chuyên nghiệp. Tôi nghĩ nền âm nhạc cổ điển của chúng ta rất cần sự cống hiến nhiệt tình của lớp nghệ sĩ trẻ như chúng tôi.
Giữa nghệ sĩ biểu diễn và một giáo viên dạy piano có điểm gì tương đồng?
Theo tôi, biểu diễn cũng là một cách để truyền đạt tình yêu âm nhạc đến với công chúng. Âm nhạc cổ điển không phải là cái gì đó xa vời, nó nằm ngay trong cảm xúc của con người, nên chúng ta không cần phải nâng lên hay hạ xuống. Tôi muốn khán giả đi nghe hòa nhạc với một tâm hồn mở, nghĩa là không phải vì tên tuổi của người nghệ sĩ, vì “phong trào” mà
chính vì niềm tin của họ, tin rằng có cái đẹp đang chờ họ khám phá nếu kiên nhẫn đi tìm. Những khán giả ấy chắc chắn sẽ được âm nhạc chạm tới… (cười).
Khi đến với khán giả Hà Nội, chị có áp lực gì không?
Tôi chỉ sợ họ không đến, hoặc đến thì sẽ không thích và không bao giờ đến nữa… (cười).
Bài Thu Hằng – Ảnh Brian Nguyễn