Đừng dại mà động vào túi của tôi, hay lục tung nó lên, nhất là vào những ngày này, Hà Nội đẹp lạ lùng với gió lạnh và nắng vàng ươm, với những người mơ đi dạo dọc bờ hồ.
Không phải một đâu mà rất có thể bạn sẽ làm rơi đến hai/ba/bốn thậm chí là năm chiếc máy ảnh của tôi mất! Mà tôi thì không hứa chắc được, sau khi tò mò “Cái gì đây?”, rồi sửng sốt “Gì mà lắm thế này?”, bạn lại không tần ngần muốn thử chạm vào chúng. Rồi thì nghiện lúc nào không biết…
Những chiếc máy ảnh nhỏ xíu, thiết kế siêu xinh, chụp phim, bằng nhựa nhẹ tênh và đầy màu sắc – những đặc điểm “sơ qua” đó hẳn đã dễ đánh gục bạn rồi. Tôi thì bị hạ đo ván từ lâu.
Gần 23 tuổi, lúc đó tôi đã gắn bó với máy chụp phim được 4 năm, tôi (tạm) được gọi là một nhiếp ảnh gia có chút vốn liếng với vài tấm ảnh đẹp để tham dự một cuộc hội thảo quốc tế về Ảnh và Sáng tạo Kinh tế tại Malaysia. Tôi (với một đống những chuẩn mực về bố cục, ánh sáng, đường nét… sẵn có trong đầu, luôn đòi hỏi và mong muốn được xem những bức ảnh chỉn chu, thẳng thớm) đã không thấy ảnh của một nhiếp ảnh gia người Indo là đẹp, thậm chí còn thấy có vấn đề về kỹ thuật, quá sáng, quá mất chi tiết và đến cả lấy nét còn không xong.
Nhưng vào cuối buổi hội thảo, tất cả ảnh được in ra treo lên, mấy tấm ảnh chụp phim về những trang trại nuôi cừu tại làng quê của anh chàng Indo kia được phóng to gần 2m – đặt kín tường – thì phải nói là choáng! Gần 50 nhiếp ảnh gia từ các nước Á, Âu cùng thốt lên là quá đẹp mà không lý giải được vì sao. Một cái gì đó thiên về cảm xúc, đến trước ngay cả những suy nghĩ và phán xét.
Tôi đã nhảy bổ ra trước mặt anh bạn kia hỏi: “Cậu làm sao được như vậy?”. Câu trả lời chỉ là một hành động móc túi, thản nhiên dí một cái máy ảnh nhựa màu xanh bộ đội, trông như cục gạch, được gọi là Holga, vào mặt tôi.
Sau đó qua tìm hiểu, tôi biết chiếc máy ảnh Holga kia, và tất cả những kiểu máy nhựa nhỏ xinh giống đồ chơi như vậy người ta gọi là máy ảnh Lomo. Và có một thứ vừa là xu hướng, nhưng đã trở thành một thứ văn hóa là ảnh Lomography – kiểu chụp ảnh mang tính ngẫu hứng cao, chú trọng màu sắc, bỏ qua nhiều chi tiết về kỹ thuật…
Đại loại là cứ giơ lên là chụp thôi, như tuyên ngôn của các tín đồ Lomo: “Dont’ think just shoot – Chụp đi, nghĩ làm quái gì!”. Một phần vì loại máy ảnh này cố định khẩu độ và tốc độ chụp. Phần nữa là muốn khẳng định tính sáng tạo và tự do của người chụp khi bỏ qua một bên những giới hạn về kỹ thuật.
Vậy nên tôi cũng nhanh chân bước vào cái thế giới mới mẻ ấy bằng việc mua ngay một lúc… 7 chiếc máy ảnh Lomo, cho lần đầu tiên của mình! Bạn đừng ngạc nhiên, vì bây giờ tôi có hơn gấp đôi như thế rồi, nhưng mà… buộc phải vậy, nếu đã muốn chơi đến cùng.
Mấy cái máy đơn giản lắm, mỗi cái chỉ có 1 hiệu ứng thôi: như cái thì chụp mắt cá, cái thì chụp panorama, cái thì có 2 ống kính, cái thì có đến 4 hoặc 8, hoặc 9 ống kính bé xíu cùng chụp 1 lúc, cái thì trông như quả lựu đạn có thể chụp quay một vòng 360 độ… Cái gì cũng thú vị và đáng để thử nghiệm cả.
Khi mới bắt đầu, tôi chủ yếu chụp chân dung bạn bè, như là một cách cùng chơi và cũng để làm quen với từng tính năng của mỗi chiếc máy. Rồi dần dần tôi dùng chúng trong nhiều lựa chọn hơn nữa như ảnh phong cảnh, ảnh cưới, ảnh sinh hoạt đường phố. Hoặc thay vì chụp từng khuôn hình riêng lẻ, tôi thích thú với trò chơi chồng các hình ảnh lên nhau bằng việc chụp hai hoặc ba lần lên cùng một tấm phim; thậm chí như bây giờ tôi thường chụp hết cuộn phim bằng một chiếc máy ảnh lomo nào đó, sau đó tua lại và lắp nó sang một chiếc máy ảnh khác để chụp lại lần nữa… có rất nhiều cách để “nghịch” chúng mà không thấy chán.
Việc chụp ảnh Lomo trước đây như là một cách thư giãn, xen kẽ với những công việc khác. Nó giúp tôi cân bằng giữa việc đi làm – và được chơi. Nó khiến tôi chẳng bao giờ cảm thấy mệt mỏi hay chán chường khi cầm máy. Tôi rất thích một trong những nguyên tắc của các tín đồ Lomo, đó là: “Đừng lo lomo làm ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, vì lomo chính là một phần cuộc sống”.
Đúng là như vậy khi giờ đây nó gần như trở thành công việc chính của tôi, lựa chọn đầu tiên của tôi khi chụp bất cứ thứ gì. Thậm chí nó còn thay đổi tôi, từ một người chỉ thích có những tấm ảnh đẹp, nay lại thấy việc có những cảm xúc đẹp của riêng mình khi chụp một bức ảnh là quan trọng hơn.
Có lần bố tôi hỏi: “Chụp ảnh kiểu như con thì phải gọi là gì? Nhiếp ảnh gia à, hay phóng viên ảnh? Không đúng phải không? Bố thấy hay gọi con là tay chơi cũng được đấy! Mà con lên tivi nhiều như thế, chắc phải gọi là tay chơi chuyên nghiệp thôi!”. Ồ thì, tôi nghĩ, tại sao không? Là một tay chơi cũng hay đấy chứ!
Và tôi cũng lại đang băn khoăn, không biết ngày mai ra đường tôi sẽ nhồi nhét bao nhiêu cái máy ảnh vào túi mình và sẽ là những cái nào đây nhỉ?
Nhóm thực hiện