Mẹ Ngô Bảo Châu – “Tôi muốn cảm ơn con mình”

Đăng ngày:

Ngô Bảo Châu có lần nói rằng anh sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà bố, mẹ đều làm khoa học, vì thế truyền thống làm khoa học đã thấm vào anh từ thuở bé. Với những thông tin ít ỏi trên báo chí, không ít người tự hỏi mẹ của nhà toán học nổi tiếng ấy là người phụ nữ như thế nào.

-000

Trong dáng vẻ điềm tĩnh và phong thái thanh thoát, người ta nhìn thấy ở PGS.TS Trần Lưu Vân Hiền, đằng sau hình ảnh người mẹ hết lòng vì con là chân dung một phụ nữ Hà Nội điển hình, chân thật, khiêm tốn và trí thức.

Cho rằng thông tin đã quá nhiều, bà từ chối khéo khi được hỏi về cuộc sống của GS Ngô Bảo Châu và gia đình, nhưng bà rất nhiệt tình và cởi mở khi nói về trường Trung cấp Y dược Lê Hữu Trác, nơi bà đang làm Phó hiệu trưởng, bên cạnh vai trò Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tự nhiên.

“Có khi tôi cũng thấy công việc quá sức mình. Sau khi nghỉ hưu từ Viện Y học cổ truyền Việt Nam, tôi tham gia công việc ở Trường trung cấp Y Dược Lê Hữu Trác cùng với PGS TS Phan Thị Thu Anh và bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Hồng Hoa, với mục tiêu tạo nên một môi trường giáo dục đúng nghĩa.

Tôi vẫn nói với học sinh nếu muốn làm giàu thì nên chuyển trường. Ngành Y có nhân có quả, nên Y đức là quan trọng nhất. Cái đức trong nghề y cũng đòi hỏi trình độ chuyên môn của người thầy. Hạnh phúc lớn nhất của chúng tôi lúc này là đã có những lớp học sinh ra trường, tìm được việc làm đúng với ngành nghề đã học”.

Học sinh có biết bà là mẹ Ngô Bảo Châu không ạ?

Có đấy. Sau sự kiện Châu giành giải thưởng Fields, nhiều học sinh hỏi: “Cô ơi, cô có phải là mẹ của anh Ngô Bảo Châu không ạ?” Khi biết là đúng, cả lớp xôn xao lắm. Nó thực sự là một sự động viên lớn với các em.

Lúc ấy tôi muốn cảm ơn con vì đã làm cho học sinh của tôi, và thế hệ trẻ bây giờ hiếu học hơn, có niềm tin rằng nếu thực sự say mê thì các em sẽ làm được một cái gì đó. Châu từ nhỏ đã rất ham học, rất say mê. Đến bây giờ vẫn thế, Châu thường nói là Châu bận học bài, chứ không nói là đang bận làm toán.

Bà đã chọn ngành Y học cổ truyền để theo đuổi suốt cuộc đời nghiên cứu khoa học. Vậy công trình nào khiến bà tự hào nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của mình?

Thực ra, điều tôi hài lòng nhất là xây dựng được đội ngũ nghiên cứu cây thuốc Việt Nam tại Viện Y học cổ truyền Việt Nam, với sự tiếp cận những công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới. Tôi vẫn quan niệm rằng làm khoa học thì phải có tâm, nghiêm túc và làm đến nơi đến chốn.

Từ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đến thực tế lâm sàng khác nhau rất nhiều, vì vậy người làm khoa học nghiêm túc cần rất thận trọng khi đưa ra công luận những kết quả nghiên cứu của mình. Ví dụ như trong việc nghiên cứu các thảo dược có tác dụng điều trị ung thư, việc công bố các cây thuốc có tác dụng hạn chế” sự phát triển của tế” bào ung thư trên ống nghiệm với kết luận về tác dụng điều trị trên người thì sẽ dẫn đến lợi nhuận chỉ cho doanh nghiệp, còn người bệnh nhiều khi bị những thông tin chưa đủ độ tin cậy đó trì hoãn sự tiếp cận với các phương tiện chữa bệnh hiệu quả hơn.

Việc kết hợp Y học hiện đại và Y học cổ truyền trong điều trị ung thư đang là lựa chọn của các cơ sở điều trị khoa học ở nước ta và đặc biệt có hiệu quả khi các thuốc cổ truyền được sản xuất với các kỹ thuật bào chế” hiện đại.

Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa ngành Hóa, nhưng sau đó lại theo ngành Dược. Vậy khi nhìn lại những thay đổi đó, bà có điều gì tiếc nuối không?

Mỗi người đều có cơ duyên với nghề nghiệp của mình.

Tôi bảo vệ tốt nghiệp tại trường đại học Bách khoa với đề tài về tổng hợp thuốc, sau này vẫn làm về thuốc nhưng là thuốc có nguồn gốc tự nhiên. Chẳng có gì tiếc nuối mà cảm thấy may mắn, khi không lựa chọn mà lại bước vào một con đường nghiên cứu phù hợp với truyền thống của đất nước và xu hướng phát triển chung trên thế giới.

Hình như ngày xưa bà cũng từng là học sinh giỏi văn phải không ạ?

Xuất phát điểm thì không phải như vậy, nhưng từ những năm cấp III, ngày nào tôi cũng vào Thư viện Hà Nội đọc sách, các bài văn bình luận của Hoài Thanh. Đọc mãi cũng thấm nên sau đó lại được tiếng là giỏi Văn.

Sau khi Châu đoạt giải Fields, tôi muốn viết cho con một cái gì đó như món quà riêng cho Châu. Những gì không nói được bằng lời thì tôi nghĩ mình sẽ viết. Nhưng mong muốn của tôi không hiện thực được vì bận rộn, và tôi cũng không còn tự tin để viết nữa.

-002

Anh Ngô Bảo Châu còn thừa hưởng ở mẹ những tính cách nào, thưa bà?

Thuở nhỏ Châu ở với mẹ nhiều hơn bố, vì bố đi bộ đội, rồi đi công tác thường xuyên. Châu ảnh hưởng mẹ và ông ngoại rất nhiều. Vì vậy tôi nghĩ là Châu thừa hưởng một ít gene về văn chương từ bên ngoại, còn gene làm toán thì chắc chắn có từ họ nội.

Cụ Henri Van Regemorter, người mà Châu coi là người thân nhất trong những năm học hành ở Pháp cũng nhận xét là Châu có cái thần thái rất giống mẹ. Châu tự nhận mình là hiền. Cái hiền cũng giống mẹ đấy (cười).

Gia đình bà là một gia tộc “thi thư”, cụ tổ Trần Lưu Huệ là danh nhân văn hóa đất Huế. Cụ Trần Lưu Hân ông ngoại GS Ngô Bảo Châu là người mở trường tư thục đầu tiên tại Hà Nội. Vậy cách giáo dục con của một tiểu thư Hà Nội có gì đặc biệt không, thưa bà?

Xưa kia nhà có người giúp việc nhưng tôi vẫn phải làm việc nhà. Châu cũng thế, không được xem là đứa trẻ danh gia vọng tộc hay con trai một, mà được nuôi dạy như mọi đứa trẻ bình thường khác. Không có gì đặc biệt cả.

Tôi vẫn nghĩ điều mà Châu có được là đại phúc cho gia đình, dòng họ, là được Trời Phật thương. Ở Viện trước đây có cụ lương y Nguyễn Văn Bách xem tướng rất giỏi. Hồi đó nhìn Châu cụ bảo với tôi Châu là một dị nhân. Nghe sợ quá, hỏi lại thì cụ nói “Dị nhân là khác người, sau này sẽ làm nên chuyện lớn”.

Tất nhiên không thể phủ nhận rất nhiều nguyên nhân khác giúp Châu đạt được tâm nguyện của mình, 15 năm làm toán, quá trình học tập tại Việt Nam và nước ngoài. Thậm chí những bạn bè thân thiết của gia đình đã đặt cho hành trình 15 năm gian khổ ấy cái tên “Tây du ký thời Bổ đề cơ bản”. Vì thế’ công lao của người mẹ như tôi chắc nho nhỏ thôi.

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more