[ELLE Voice] Nếu một mai tình yêu không còn
Nếu một mai tình yêu không còn, hãy cứ yên lòng, vì giữa những tri kỷ có một điều là mãi mãi.
Tiếng sét ái tình không xảy ra nhiều như chúng ta nghĩ. Khá gần đây, vào năm 2021, Nhà tâm lý học Danu Anthony Stinson cùng nhóm cộng sự tại Canada đã công bố phát hiện này trong một nghiên cứu tổng hợp kéo dài suốt 18 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có đến 66% người tham gia đã bắt đầu tình yêu của họ từ tình bạn. Không hề diễn ra chóng vánh, mối quan hệ bạn bè thường kéo dài trung bình 22 tháng trước khi họ bước sang chương tình cảm mới. Phần đông trong số đó khẳng định rằng họ chỉ muốn có tình bạn thuần túy ở buổi ban đầu, tình yêu phát triển tự nhiên theo thời gian, không phải kế hoạch họ lên sẵn.
Nếu những con số nghiên cứu xa xôi không lay động trong bạn điều gì, hãy thử nhìn lại thật gần, vào cuộc sống trước mắt mình. Hầu hết người bạn quen gặp được tình yêu đời họ bằng cách nào vậy? Sẽ thật thú vị nếu chính bạn làm một cuộc khảo sát nhỏ và ngẫm nghĩ về cái gọi là tình yêu từ góc nhìn khách quan hơn. Tôi đã thử bài tập này, cùng một chút hiếu kỳ và hoài nghi, với 10 người quen của mình. Kết quả là 8 trong số đó chứng minh nghiên cứu kể trên có lý. Một đôi là bạn học từ thuở thiếu thời, 20 tuổi mới yêu nhau và nay đã về một nhà. Một đôi khác, từng là bạn chung xóm trọ, họ quen biết khi cả hai đều đang có người yêu, vì thế luôn vạch ra giới hạn rõ ràng cho nhau. Nhiều năm sau, khi cô gái đi du học xa trở về, hai người mới chính thức rung động trước nửa kia. Và có một đôi còn chậm rãi hơn thế nữa, họ là bạn thân từ thời đại học trong gần một thập kỷ trước khi ngỏ lời yêu. Hai người nay đã chia xa, nhưng vẫn dành cho nhau sự tôn trọng và thương quý như trước khi tình yêu bắt đầu…
Sẽ là quá dài nếu tôi kể hết cả 8 câu chuyện. Tuy vậy, tôi có thể gói gọn rằng, chuyện tình của mỗi người dù còn hay mất, đều mang một vẻ đẹp dịu dàng. Tôi gọi đó là tình yêu tri kỷ. Không như cách nhiều tác phẩm nghệ thuật đại chúng khắc họa, tình yêu trong đời thực không nhất thiết phải vội vàng, dữ dội và giằng xé. Tình yêu có thể là ngọn lửa rực lên trong thoáng chốc rồi sớm lụi tàn, cũng có thể là từng giọt nước tí tách rơi theo năm tháng để tạo thành một mặt hồ đầy. Tôi cho rằng, tình yêu tri kỷ không cháy như lửa, mà mềm như nước – một hồ nước lặng lẽ bao chứa cảm xúc cho nhau.
Tiến sĩ Helen E. Fisher, một nhà nhân chủng học và nghiên cứu hành vi tại Mỹ, đã tiết lộ cách não bộ vận hành khi con người có cảm giác yêu. Theo bà, cảm giác chung mà chúng ta vẫn gọi là yêu (hay love) thực tế có thể chia thành ba giai đoạn/nhóm: ham muốn, hấp dẫn và gắn bó (lust, attraction, attachment). Dù tất nhiên có thể xảy ra đồng thời và trùng lặp, ba giai đoạn yêu này vẫn đi kèm các bộ hormone đặc trưng riêng. Trong đó, có thể nói bộ ba chất hóa học của giai đoạn hấp dẫn hay cuốn hút lẫn nhau là nổi bật nhất. Bộ ba ấy bao gồm: dopamine, noradrenalin và serotonin – những chất dẫn truyền thần kinh mà theo thứ tự, có thể khơi dậy cảm giác liều lĩnh, hưng phấn và hạnh phúc. Bởi lẽ đó, thất tình mới khiến ta thấy ủ dột, rệu rã và buồn bã. Không khó hiểu khi trạng thái yêu kèm theo lượng dồi dào các hóa chất này lại là nguồn cảm hứng bất tận cho văn học và điện ảnh, dễ dàng trở thành định nghĩa tình yêu tiêu chuẩn. Vậy nhưng, còn một điều quan trọng khác cần tiết lộ: các chất hóa học kỳ diệu kể trên chỉ đạt nồng độ cao có thời hạn. Theo khoa học về não bộ, khi làn sóng hormone hạ xuống mà không có kích thích phù hợp để dâng lên lại, tình yêu sẽ mất đi vẻ nhiệm màu của nó. Nếu một mai tình yêu mãnh liệt không còn, ta còn lại gì?
Đây là lúc chuyện có hậu hơn bắt đầu. Yêu điên cuồng có thể thật đẹp ở thời điểm nào đó, nhưng với một mối quan hệ lâu dài, trạng thái gắn bó lành mạnh mới là quan trọng nhất. Cảm giác thuộc về, thân thương, an toàn ấy diễn ra cùng sự hiện diện của hormone oxytocin ở phụ nữ và vasopressin ở đàn ông. Không như dopamine chỉ thường đến khi ta bị hấp dẫn giới tính dữ dội, oxytocin có mặt cả trong mối quan hệ bạn bè và gia đình. Lòng thương quý ta dành cho một người bạn qua năm tháng gắn bó, qua những kỷ niệm vui buồn, mỗi lúc nương tựa vào nhau giữa gian truân cuộc đời… trong từng giây phút ấy, nồng độ oxytocin đều được củng cố.
Có lẽ bạn đã thấm mệt với những thông tin khoa học dày đặc, vậy hãy cho phép tôi kết thúc bằng một liên tưởng điện ảnh. Trên hành trình tình bạn kéo dài 20 năm của cặp đôi nhân vật trong phim One Day (2011), đã có lúc mâu thuẫn leo thang tới mức nữ chính Emma phải thốt lên với cậu bạn thân nhất – người sau này là chồng cô – rằng: “I love you, so much. I just don’t like you anymore”. (Tạm dịch: “Tớ yêu cậu, rất nhiều. Nhưng tớ không còn thích con người cậu nữa”). Và chỉ tình yêu là không đủ để giữ chân Emma ở thời điểm ấy.
Với tôi, đây có lẽ là tuyên bố chính xác nhất cho nền tảng của một tình yêu tri kỷ. Từ bạn thành yêu, nghĩa là ta đã thích nửa kia như một con người trước khi sự rung động tìm đến. Không chỉ vậy, tình bạn còn bao gồm lòng trung thành và tôn trọng lẫn nhau. Miễn là những giá trị ban sơ này không vơi cạn, chất keo gắn kết hai người từ ngày đầu sẽ vẫn còn đó. Khi tình bạn đã tiệm cận nghĩa tình thân, chất keo lại càng bền vững. Mọi con sóng rồi sẽ tan dần, nhưng hồ nước không dễ mất đi như vậy. Nếu một mai tình yêu mãnh liệt không còn, hãy cứ yên lòng, vì giữa những tri kỷ có một điều là mãi mãi.
Bài: Hải Âu
Hình ảnh: Tư liệu