Nghệ sĩ piano Vân Anh: Để giữ nhạc cổ điển sống mãi
Xinh đẹp và giản dị, nghệ sĩ piano Vân Anh dễ gây thiện cảm từ cái nhìn đầu tiên, nhưng người ta còn yêu quý Vân Anh hơn nữa, khi được trò chuyện cùng cô. Ngồi xuống với ELLE, Vân Anh chia sẻ nhiều điều về cuộc sống cùng âm nhạc mà cô đang theo đuổi.
Lớn lên trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, Vân Anh có cảm thấy áp lực gì không?
Thành thật mà nói, tôi lớn lên với âm nhạc vây quanh, thế nên việc trở thành một người gắn bó với âm nhạc như một lẽ tự nhiên với tôi vậy. Mẹ tôi luôn đùa rằng từ khi còn nằm trong bụng mẹ, tôi đã đạp chân theo nhạc mỗi khi mẹ hát rồi.
Vậy còn việc luyện tập của bạn thì sao?
Phương pháp luyện tập của tôi rất đơn giản – chất lượng hơn số lượng. Tôi không bao giờ luyện tập nhiều hơn 6 giờ một ngày, đơn giản vì nếu tôi cố gắng quá mức, cơ thể tôi sẽ kiệt sức. Luyện tập với piano giống như việc bạn tập chạy vậy – bạn sẽ phải cân đối thời gian và thể lực, nếu không thì bạn sẽ bị chuột rút hay tự gây chấn thương. Tôi chia ra làm 3 lần tập, buổi sáng, buổi chiều và buổi tối, mỗi lần 2 tiếng.
Nổi tiếng với âm nhạc là thế, nhưng khi vào Facebook của bạn, tôi lại thấy bạn theo học ngành truyền thông tại đại học. Sự nghiệp “khác” này của bạn thế nào?
Thực ra tôi thích theo nhiều thứ nghề lắm, tôi mơ rằng mình làm nghệ nhân cắm hoa, diễn viên, diễn viên ballet, nhà thiết kế thời trang. Tôi cũng có đam mê lớn với việc viết lách và vẫn giữ những trang nhật ký từ thời tuổi mới lớn đến giờ. Việc theo học ngành truyền thông và luật là kết quả từ tình yêu dành cho viết, âm nhạc và thời trang của tôi. Tôi luôn muốn được viết hoặc trở thành biên tập cho các tạp chí lớn. Giờ đây, vì sự nghiệp âm nhạc, tôi không còn có thể theo đuổi những sở thích đó nữa. Tuy nhiên, tôi có một blog (www.vananhofficial.com) và một kênh YouTube để chia sẻ những gì mình đã viết và các video về các chuyến đi, cũng như bài phỏng vấn với những con người thú vị trong nhiều lĩnh vực như ẩm thực, giải trí, thời trang và công nghệ.
Đã gạt những sở thích đó qua một bên, nhưng giờ Vân Anh vừa là nghệ sĩ dương cầm, nhà sản xuất, nhà soạn nhạc và còn là người viết nữa. Làm sao bạn có thể sắp xếp được thời gian để làm từng đó việc?
Đó là một cuộc chiến vì sự cân bằng không ngừng nghỉ đấy, nhất là khi bạn luôn trên đường đi trong suốt gần 9 tháng mỗi năm. Dù đi đến đâu, tôi cũng phải tìm cho ra một chiếc piano để luyện tập. Việc viết nhạc thì thường diễn ra trên những chuyến bay dài, tôi viết nốt nhạc bằng máy tính và khi có được một chiếc đàn, tôi thêm vào đó phần beat và chơi thử. Tôi thực sự muốn có một tháng rảnh rỗi để trốn ở một nơi thật xinh đẹp (như Bali chẳng hạn) và được sáng tác nhạc trong suốt tháng ấy. Với việc được đi mọi nơi, tôi có rất nhiều ý tưởng và cảm hứng, nên tôi rất nóng lòng được viết ra.
Thế nhưng bạn có bao giờ lo lắng rằng những thính giả trẻ hiện nay không còn muốn đến những buổi trình diễn nhạc cổ điển nữa không?
Đó chính là phần quan trọng nhất trong những gì tôi đang làm và là điều thôi thúc tôi tiếp tục công việc của mình – làm cho các buổi trình diễn nhạc cổ điển hấp dẫn hơn với thế hệ trẻ và đảm bảo rằng âm nhạc cổ điển không “chết dần”. Các thính phòng làm người ta khó mà cảm thấy thoải mái vì sự khuôn phép và nhàm chán của chúng. Tuy nhiên, việc kết hợp với những phương tiện công nghệ khác, tôi đang tìm cách phá bỏ rào cản đó và hy vọng rằng thính giả trẻ sẽ quay về với nhạc cổ điển.
Vậy lời khuyên của Vân Anh dành cho những người mới bắt đầu học chơi piano là gì?
Lắng nghe và quan sát là công cụ tuyệt vời để phát triển bản thân. Bí quyết này không chỉ dành cho những người không chuyên mà còn dành cho chính tôi nữa đấy. Người ta thường chỉ mải mê luyện tập mà quên mất việc lắng nghe. Tự ghi hình mình và xem lại sau đó mang lại cho bạn nhiều bất ngờ! Ngoài việc đó, hãy đảm bảo là bạn có thể đọc được âm nhạc, chứ không chỉ biết nghe.
Tôi thấy Vân Anh có tham gia biểu diễn tại một số chương trình từ thiện, bạn có thể nói rõ hơn về những chương trình đó được không?
Tôi rất ủng hộ hai tổ chức từ thiện là Heart Reach Australia và One Body Village. Tôi muốn giúp ích nhiều hơn, nhưng vì quá bận rộn, nên tôi chỉ có thể tham gia biểu diễn để gây quỹ và truyền bá cho hai tổ chức hỗ trợ trẻ em Việt Nam và Đông Nam Á này.
Ở Việt Nam, âm nhạc cổ điển cũng không được nhiều người quan tâm, liệu bạn có bao giờ nghĩ đến việc sẽ quay lại đây, mở một trường nhạc và thay đổi điều đó?
Tôi đã điều hành một trường nhạc tại Sydney trong 5 năm và buộc phải đóng cửa vì lịch diễn và di chuyển quá dày đặc. Mở trường là một mối ràng buộc quá lớn, thế nên tôi chỉ mong có thể hợp tác với một trường nhạc đã có mặt tại Việt Nam để thực hiện những lớp âm nhạc nâng cao và truyền bá thêm về âm nhạc cổ điển. Tôi nhận thấy trong vòng 10 năm, kể từ ngày tôi lần đầu về Việt Nam để biểu diễn, sự quan tâm và lòng trân trọng dành cho nhạc cổ điển đang ngày càng nhiều hơn. Thế nên, chắc chắn là ngày sẽ càng có thêm nhiều trẻ em tới theo học các trường âm nhạc.
Có vẻ như công việc và các dự định đã chiếm đầy thời gian của Vân Anh, vậy cuộc sống thường nhật của bạn diễn ra như thế nào?
Mỗi ngày với tôi là một sự khác biệt. Tôi yêu mọi phương diện trong cuộc sống của mình (có lẽ là trừ các chuyến bay dài). Việc đọc email, quảng bá, luyện tập, thiết kế poster, gặp gỡ các nhạc sĩ… với tôi chưa bao giờ là thứ công việc nhàm chán. Khi nào có thời gian, tôi sẽ đi khám phá các nhà hàng tại thành phố mình đang ở, nếm các món ăn, thử rượu. Tôi yêu các nhà hàng chuyên về rượu không chỉ vì rượu vang hay champagne, mà còn là vì cách các chủ nhân sắp đặt không gian, thường là rất xinh đẹp. Tôi cũng yêu thời trang nên thường xuyên tìm kiếm những chiếc đầm mới, bên cạnh đó, việc thực hiện các video hay viết blog là điều tôi thường tranh thủ làm khi rảnh. Đặc biệt là tôi rất thích các bãi biển. Hãy cho tôi một trái dừa, ánh nắng chan hòa, âm nhạc mùa Hè và một vùng nước trong vắt, vậy là tôi đã ở thiên đường.
Bạn có chương trình nào sắp tới tại Việt Nam không?
Tôi đang hợp tác cùng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch thành phố Hồ Chí Minh để lên kế hoạch cho một đợt biểu diễn trong tháng 8 hoặc tháng 12 năm nay. Tôi cũng muốn hợp tác với trường Klavierhaus, những người đã hỗ trợ tôi rất nhiều. Và tôi cũng sẽ góp mặt trong chương trình Giai điệu mùa Thu năm 2015.
Chỉ đạo Mỹ thuật: Dzũng Yoko – Hình ảnh: Trọng Đức
Bài: Phương Thủy – Stylist: Trà My
Trang điểm: DY – Làm tóc: Daniel Wong