[ELLE Voice] Nghệ thuật mang gương mặt phụ nữ
Thế giới nghệ thuật trong nhiều thế kỷ đã bị thống trị bởi các nghệ sĩ nam, nơi các nghệ sĩ nữ phải đối mặt với những rào cản mang tính hệ thống và sự công nhận hạn chế. May mắn thay, đã có sự chuyển đổi đáng chú ý theo hướng bình đẳng và hòa nhập giới trong những năm gần đây.
Trong phần lớn chiều dài lịch sử, phụ nữ thường là chủ thể của các tác phẩm hội họa, điêu khắc, văn học và kịch. Phải rất lâu sau đó, họ mới chuyển từ vị trí “nàng thơ” sang lực lượng sáng tạo đằng sau tác phẩm nghệ thuật, được tự mình tái hiện thế giới qua lăng kính của bản thân chứ không còn bị “đóng khuôn” qua hình dung của nam giới. Quá trình này vốn không hề dễ dàng, thậm chí vẫn còn kéo dài cho đến tận ngày nay.
NHỮNG NĂM THÁNG VÔ HÌNH
Khi nhìn vào nghệ thuật, ta thấy đó là một hình thức biểu hiện vốn không có giới tính, nhưng sự thật lại kể một câu chuyện khác. Trong quá khứ, phụ nữ đã luôn gặp khó khăn trong việc xây dựng sự nghiệp nghệ thuật của riêng mình. Để được công nhận, có một thời gian, nghệ sĩ nữ phải sử dụng bút danh của nam giới hoặc trưng bày tác phẩm dưới tên của chồng họ. Ví dụ, Judith Leyster từng sử dụng bút danh nam là Frans Hals, còn Margaret Keane tài năng đã phải ẩn mình dưới cái tên của chồng là Walter Keane. Họa sĩ người Pháp Francoise Gilot đã tạo nên phong cách và bản sắc của riêng mình nhưng lại chỉ được biết đến với tư cách là người yêu của Pablo Picasso hay làm việc thân thiết với các nghệ sĩ lớn như Henri Matisse và Fernand Léger trong những năm 1940. Năm 1971, Linda Nochlin đã chỉ rõ trong cuốn tiểu luận Tại sao không có nữ nghệ sĩ vĩ đại? rằng “không phải không có nữ nghệ sĩ vĩ đại, mà là họ vô hình, không được biết đến trong lịch sử và số lượng ít hơn nam giới vì sự cản trở có hệ thống đối với giáo dục, sự bảo trợ và cơ hội triển lãm nghệ thuật”.
Sự bất bình đẳng này thậm chí có thể dễ dàng nhìn thấy thông qua số liệu thống kê gần đây: Hơn 196,6 tỷ USD được chi cho các cuộc đấu giá nghệ thuật từ năm 2008 đến nửa đầu năm 2019, nhưng tác phẩm do phụ nữ thực hiện chỉ chiếm 4 tỷ USD – khoảng 2%. Không có phụ nữ nào nằm trong top 0,03% của thị trường đấu giá, nơi tập trung 41% lợi nhuận. Chỉ 13,7% nghệ sĩ còn sống được đại diện bởi các phòng trưng bày ở châu Âu và Bắc Mỹ là phụ nữ, trong khi đó, 68% nghệ sĩ đại diện tại các phòng trưng bày thương mại hàng đầu ở London là nam giới.
Thông qua âm nhạc, văn chương và hội họa, thế giới đã trở nên phong phú hơn rất nhiều nhờ khả năng sáng tạo mà chúng ta có với tư cách là con người – những câu chuyện mà chúng ta kể. Nhưng nếu nền văn hóa thiếu đi tiếng nói của nữ giới, liệu chúng ta có được tiếp cận với một xã hội thực sự hoàn chỉnh? Chúng ta sẽ chỉ hiểu được một nửa câu chuyện khi nền nghệ thuật chỉ được kể dưới lăng kính của nam giới.
LỊCH SỬ NGHỆ THUẬT KHÔNG THỂ THIẾU GƯƠNG MẶT PHỤ NỮ
Bị hạn chế và vô hình trong suốt chiều dài lịch sử, nhưng các nghệ sĩ nữ đã chứng minh rằng, khi được trao quyền, họ có thể góp phần định hình thế giới nghệ thuật bằng sự kiên định và tư tưởng tiến bộ.
Những cái tên như Angelica Kauffman, Hilma af Klint, Georgia O’Keeffe và June Leaf được nhiều người biết đến như các nghệ sĩ biểu tượng. Họ đã vượt qua rào cản để chia sẻ những trải nghiệm phức tạp của phụ nữ và mang đến góc nhìn mới cho công chúng, đấu tranh cho công bằng xã hội, lên tiếng cho những người không có tiếng nói và xây dựng một tương lai hòa nhập hơn cho tất cả mọi người. Trong khi đó, các họa sĩ như Frida Kahlo và Leonora Carrington lại miêu tả phụ nữ qua những bức chân dung táo bạo, xinh đẹp và dễ bị tổn thương. Họ vẽ phụ nữ qua con mắt của phụ nữ – không phải phụ nữ qua con mắt của đàn ông.
Ngày nay, phụ nữ vẫn là những người sử dụng nghệ thuật hiệu quả nhất như phương tiện để bày tỏ quan điểm và thảo luận về các vấn đề xã hội. Amrita Sher Gil, họa sĩ người Hungary gốc Ấn Độ, được mệnh danh là một trong những nữ nghệ sĩ tiên phong vĩ đại nhất đầu thế kỷ 20 khi tái hiện đời sống khó khăn của phụ nữ Ấn Độ trong những bức tranh sơn dầu của mình. Cindy Sherman dùng hội họa để giải quyết các vấn đề xã hội, vai trò giới và định kiến xung quanh phụ nữ. Wangechi Mutu sáng tạo các tác phẩm mixed-media siêu thực nhằm đặt ra những câu hỏi quan trọng xung quanh chủng tộc, giới tính, biến đổi khí hậu, bản sắc cá nhân… Và còn rất nhiều nghệ sĩ nữ khác đang tích cực chia sẻ câu chuyện của mình để thúc đẩy sự thay đổi, tạo ra một thế giới đa dạng và khoan dung hơn.
PHỤ NỮ LÀ TƯƠNG LAI CỦA NGHỆ THUẬT
Khi thế giới dần tiến đến sự hòa nhập, đa dạng và bình đẳng, ngày càng có nhiều phụ nữ giữ vị trí quan trọng trong thị trường nghệ thuật. Từ nghệ sĩ, nhà sưu tầm, gallerist, art advisor cho đến người bảo trợ, nhà sử học, nhà phê bình nghệ thuật… phụ nữ đang tự tạo ra mạng lưới lưu thông nghệ thuật để các tác phẩm của nghệ sĩ nữ được đánh giá khách quan, được nhìn nhận đúng đắn, được trao nhiều cơ hội hơn và góp phần làm phong phú thế giới nghệ thuật đương đại. Sự công nhận dành cho các tác phẩm của nghệ sĩ nữ cũng dần thay đổi. Jenny Saville đã có bức tranh được bán với giá 12,4 triệu USD tại Sotheby’s London năm 2018, lập kỷ lục về tác phẩm đắt nhất của một nữ họa sĩ còn sống. Christie’s cũng đã lập kỷ lục cho nhiều nữ nghệ sĩ, trong đó có Yayoi Kusama, Louise Bourgeouis và Barbara Hepworth.
Chúng ta đang sống trong một thời đại may mắn, khi phụ nữ giờ đây có thể tự do tham gia và trở thành người sáng tạo nghệ thuật. Phụ nữ nên được hỗ trợ nhiều hơn để có cơ hội chia sẻ tiếng nói của mình với tư cách là nghệ sĩ. Các cuộc triển lãm và phòng trưng bày nên đầu tư vào nhiều tác phẩm của nghệ sĩ nữ, đồng thời, các nhà phê bình cũng nên thảo luận nhiều hơn về những tác phẩm thể hiện góc nhìn của nữ giới. Những người sưu tập tác phẩm của các nữ nghệ sĩ mới nổi cũng đang mở đường cho một thế giới nghệ thuật toàn diện hơn, thừa nhận giá trị của những tiếng nói đa dạng – sự đa dạng không chỉ thúc đẩy sáng tạo mà còn mở rộng hiểu biết về trải nghiệm của con người.
Bài: Đông Quân