Lifestyle / ELLE Voice

Ngọc Trâm: “Tôi & khu vườn luôn nâng đỡ cho nhau”

Là một nghệ sĩ thêu, một NTK đồ họa, một người mẹ của hai đứa trẻ, Phạm Ngọc Trâm xoay vần trong những trách nhiệm và công việc suốt 24 giờ mỗi ngày. Dù vậy, mỗi khi tôi nhắn tin cho chị, thể nào chị cũng trả lời ngay tức khắc với niềm nhiệt thành bất tận mà hiếm có người nghệ sĩ nào duy trì được mãi.

Hằng ngày khi thì chị ra biển, lúc lại tưới tắm cho cây, nghiên cứu sách cổ về thực vật bản địa, ngồi đợi nắng hong khô những sợi tơ vừa nhuộm màu hoặc chơi cùng con. Cuộc sống chị muôn màu như những bức tranh thêu chị sáng tạo, từng centimet vải là một câu chuyện thú vị khác nhau. Trong những ngày nắng ửng hồng đầu năm như hôm nay, tôi thật tò mò về cách cân bằng trong lối sống của một người bận rộn như chị.

Chúng tôi video call cho nhau, người thì tại thềm nhà nhìn ra khoảng vườn nhỏ của mình, người ngồi trong văn phòng tưởng tượng về những khoảng xanh trong mộng ước, tự hỏi: để sống hòa hợp với bản thân và với thế giới, chúng ta cần những gì ngoài các mối quan hệ, tiền bạc và tiện nghi vật chất? Khu vườn nhỏ xinh xắn tại Hội An mà chị hay chia sẻ qua những tấm ảnh trên Facebook cá nhân, phải chăng chính là liều thuốc chữa lành sau những biến động tâm hồn của chị trong một năm đại dịch đã qua?

Câu chuyện về khu vườn nhỏ của chị bắt đầu từ đâu?

Từ khi chọn mua khoảnh đất cạnh sông Thu Bồn, thiết kế để xây nhà thì tôi đã nghĩ tới khu vườn rồi. Mùa Xuân 2020 khởi đầu khu vườn trên công trường đất sỏi, những cây to được trồng trước. Đối với tôi, chúng là những người bạn sẽ theo mình dài lâu. Thế nên, khi cây mới trồng, còn cụt ngủn trơ trọi, tôi thường đứng cạnh vỗ về động viên để cây mau bén rễ ở vườn mới.

Chị có thấy mình rất may mắn khi có khu vườn làm bạn trong những rối ren của đại dịch vừa qua không? Thực vật, thiên nhiên đã dạy chị những điều gì?

Rất may mắn! Những đợt giãn cách, nhất là thời gian đầu, khi chúng ta đều hoang mang không biết mình đang đối diện với chuyện gì, chính khu vườn là nơi nương náu và an ủi tôi rất nhiều. Em bé 3 tuổi của tôi đã nói là: “Khi không thấy mẹ đâu, thì đi tìm mẹ trong vườn”. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy bằng cách nào đó, suốt 2 năm đại dịch vừa qua, mình đã lớn lên và học hỏi được một phần trí tuệ của thiên nhiên từ việc chạm tay vào đất, vào cây hằng ngày. Tôi tin rằng thiên nhiên có cách đặc biệt để nuôi dưỡng tâm hồn và dạy mình những điều hay.

khu vườn miền nhiệt đới

Tôi tự trồng từng ngọn cỏ, chờ chúng lên xanh, tự trồng từng cây trong vườn, quan sát cách những cái cây to nhỏ khác nhau, xuất xứ khác nhau chung sống và “đối đãi” với nhau. Qua mùa bão lũ, nước ngập cao, một số cây bị chết, một số cây ở hướng gió biển quật hơi muối trở nên xơ xác như không còn sức sống. Nhưng mùa Xuân tới đem theo hy vọng, khu vườn bừng sáng, những cái cây bé bỏng can trường trong nước lũ nay được hưởng lợi từ chính phù sa bồi đắp, lớn bổng lên. Câu nói: “For everything there is a season” (Mọi việc dưới trời có kỳ định), tôi thường nghe nhiều từ trước. Nhưng chỉ khi thực sự sống cùng khu vườn, quan sát cây cối trải qua bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mình mới thấm thía và trở nên kiên nhẫn hơn với những “việc dưới trời có kỳ định” khác.

Chị có xem làm vườn như một môn nghệ thuật hay liệu pháp tinh thần?

Không đâu, tôi làm vườn vì lúc đó giãn cách nên không thể thuê người làm vườn. Và tôi cũng thích làm vườn nữa, nhưng chỉ là chăm sóc khu vườn thôi mà, mình không nghĩ gì to tát cả. Nhưng nhìn lại thì đúng là khu vườn có dấu ấn cá nhân như một tác phẩm, ai tới khu vườn cũng có thể cảm nhận tinh thần và một phần hồn của mình đặt trong đó.

Vì sao một cô gái sinh ra tại thủ đô lại yêu thích cây cỏ và ước mơ tạo một hệ sinh thái thực vật bản địa đến như vậy? Khu vườn nhỏ của chị có gì đặc biệt?

Tôi có sự quan tâm và đồng cảm đặc biệt với những loài cây bản địa nên chủ ý sưu tầm về vườn. Dần dà, với đà phát triển đô thị, cây cảnh được xuất ra từ trại giống công nghiệp, hoa nở rộ đều đều, lá xanh đều đều, nhất là những loài đã biến đổi gen cho dễ sản xuất và bớt chi phí, tôi nhìn thấy sự vô cảm trong đó. Tôi thương những loài cây bản địa hiền lành, ít phô trương nhưng lại hàm chứa cái duyên ngầm của những giống cây đã bám trụ hàng ngàn đời trên đất mình. Và vì cần thời gian chắt chiu qua bao mùa để ra hoa, nhiều người không thể chờ, chúng dần bị quên lãng. Những mùi hương quá khứ có thể sẽ mất đi thì sao? Mùi hoa ngâu, hoa sói? Cây thị trong cổ tích? Mùi hương sen mùa Hạ, giống sen lâu năm vùi trong bùn tích tụ ở hồ Tây? Cây bản địa cũng gắn với những tập tục mà mất cây thì cũng đứt gãy văn hóa. Tôi cố gắng quan sát và sưu tầm về vườn nhiều giống cây cũ, vừa chăm sóc vừa nhân giống để giữ giống cho sau này.

khu vườn cảm hứng nghệ thuật
“Tôi tin rằng thiên nhiên có cách đặc biệt để nuôi dưỡng tâm hồn và dạy mình những điều hay”.

Những loài thảo mộc thân thương đó, hẳn cũng chăm sóc sức khỏe cả nhà và là một liệu pháp tinh thần hiệu nghiệm?

Các loài rau, loài hoa nho nhỏ trong vườn xoay quanh cuộc sống của gia đình. Có khi là lá thuốc, lá rau ăn hằng ngày để phòng ôn dịch, chữa ho sốt, chữa bỏng. Có khi là nồi nước xông giải cảm. Có khi là món canh hay gia vị cứu nguy ngày mưa bão không thể đi chợ. Khái niệm “aromatherapy” – liệu pháp mùi hương sang chảnh ở đâu đó có thể thu gọn giản dị bằng việc cắp cái rổ đi một vòng quanh vườn hái đủ lá mần trầu, lá dâu, lá bưởi, hương nhu, yên bạch… về đun một nồi nước gội đầu thơm ngát.

Là một nghệ sĩ thêu, chị đem thiên nhiên vào những tác phẩm nghệ thuật của mình như thế nào?

Khi ngắm quen mắt những cái cây trong vườn, tôi thấy từng đường nét, cách đâm cành trổ lá, hình hài và hương hoa… đều mang phong thái đặc trưng của vùng khí hậu, cụ thể là miền Trung nơi tôi đang sống. Khắc nghiệt đấy nhưng cũng đầy nội lực và niềm hy vọng – như cách một chồi non xanh biếc nhú lên trên thân cành già đen sạm vì mùa mưa kéo dài. Những ý tứ đó đem lại cảm hứng cho tranh của tôi, nhiều khi ngồi tĩnh tâm nhắm mắt nhớ tới và vẽ lại.

Tôi cũng thử nghiệm với cây cối trong vườn để nhuộm màu chỉ tơ tằm dùng cho các dự án thêu thùa. Ngoài việc nghiên cứu và học theo các cách nhuộm cổ truyền đã được ghi chép lại, tôi thấy việc thực nghiệm với chính những loài cây xung quanh vùng mình sống, tra cứu dược tính, đặc tính nhuộm của các bộ phận cây, áp dụng với kỹ thuật nhuộm của mình… cũng thú vị và đem lại hiệu quả bất ngờ. Cây lá bản địa tạo ra bảng màu bản địa, màu sắc tạo ra cảm nhận, thế chẳng phải mình đã giúp cho cây cỏ “nói lên” điều gì đó hay sao?

Cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa này.

Nhóm thực hiện

Bài: Sophie Thanh Huyền Ảnh: NVCC Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)