Một buổi chiều cuối năm, trong một cuộc trà dư tửu hậu với một thầy giáo dạy điện ảnh ở Sài Gòn, tôi có nói về kiểu tác giả điện ảnh mình yêu thích. Tôi luôn nhìn thấy tương lai của những nhân vật mà kiểu – tác – giả – điện – ảnh – mình – yêu – thích ban tặng cho, từ trong một cảnh phim nào đấy mà dù nhân vật có là một tay sát thủ, một cô gái điếm, một người đạp xích lô… thì cảnh phim ấy vẫn phảng phất chất địa đàng (utopia), cho đến lúc những nhân vật kia sẽ được tác giả lược bỏ hoàn toàn mối tương quan với quy ước xã hội mà chúng ta vẫn biết.
Chuyện này thật khó, bởi nó cần cả lãng mạn lẫn liều lĩnh.
Mà để làm ra chất đó trong điện ảnh, nó lệ thuộc vào nhịp phim, tức là một linh cảm rất riêng tư của người đạo diễn.
Việc đặt ngôn từ trong văn chương cũng thế, nếu cũng chính xác như một người đạo diễn kiểm soát tốt nhịp phim, thì ta có được địa đàng.
Địa đàng này không phải là nơi vắng bóng máu và nước mắt, luôn là sinh trụ hoại diệt, đàn bà vẫn mang nặng đẻ đau để sở hữu, còn đàn ông thì vẫn phung phí sức lực bảo vệ quyền lực. Trẻ con rồi sẽ lớn, biến thành đàn ông hoặc đàn bà. Tôi không đang khuôn mẫu giới và định kiến giới đâu, tôi chỉ đang nói lên sự thật dễ chấp nhận nhất. Địa đàng là khi, ta có thể đọc thơ bên dòng nước trôi lững lờ trong lúc đời sống không một giây ngưng nghỉ minh chứng cho những cái giá phải trả của việc ăn trái cấm.
BÀI LIÊN QUAN
Viết lách, dường như là tôi đang đi tìm địa đàng cho riêng mình. Nhiều người bạn làm nghệ thuật ở các lĩnh vực khác như điện ảnh, hội họa, âm nhạc… nói với tôi, khi họ sáng tác, nghĩa là họ viết xuống. Bao giờ cũng bắt đầu bằng chữ nghĩa. Tôi là người viết, khó có thể đồng tình hay bác bỏ ý tưởng đó, vì kiểu gì cũng thành ngạo mạn. Nhưng tôi có thể chắc chắn rằng, ngôn từ đem đến cho tôi nhiều sự thật. Tôi thường nhận được câu hỏi, nhân vật trong tiểu thuyết và kịch bản của tôi có phải là tôi hay không? Tôi không biết phải trả lời làm sao, tôi nặn ra vài nhân vật, và quá trình viết lách chính là kiến tạo không gian, để nhân vật của mình đi theo sự thật của họ. Cho nên sau cùng, việc nhân vật là tôi hay là chính nhân vật, liệu có còn quan trọng nữa? Ở địa đàng của tôi, chỉ duy nhất người đàn bà ăn trái cấm, và người đàn ông tự bỏ tất cả để đi theo cô ta. Hoặc là, người đàn bà đi rồi, người đàn ông sẽ ở lại nhảy múa với con rắn.
Nói đến đây, tôi sực nhớ một bài tôi viết về phim Babylon của Damien Chazelle, đại ý rằng tôi đã sống đến một giai đoạn của đời người để hiểu phần nào triết lý “thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu”. Mượn hào quang nghệ thuật để vượt lên trên cuộc đời là một giao dịch với quỷ dữ, đi hết một đoạn ảo ảnh đẹp rồi vong thân. Song cái đẹp cứ có cách trường tồn của riêng nó, ta mà được dính líu vào thì có lúc ta sẽ thấy mình bất tử. Thật ra, tôi đã là Chúa của chính mình khi tôi viết lách.
Nhưng mà, xin lưu ý cho, nhạc sĩ Phạm Duy từng viết (dựa trên thơ Nguyễn Tất Nhiên): “Trước ngày lên ngôi Chúa/ Ai chắc không dại khờ…”
Nhóm thực hiện