Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Nga: Sẵn sàng ứng phó biến đổi khí hậu

Đăng ngày:

Là một thành viên tích cực của Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Nội (HNEW), nhà báo Nguyễn Thị Hồng Nga – Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Ngân Hà – luôn gây ấn tượng bởi sự mạnh mẽ, nhiệt tình và thẳng thắn mỗi lần gặp gỡ các chị em hội viên.

Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Nga

Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Nga

Tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh một nữ doanh nhân trong bộ đồ rằn ri, khoác chiếc áo phao da cam nổi bật và chào khán giả với phong cách lính trong cuộc thi Nữ Doanh nhân Tài năng và Phong cách được HNEW tổ chức vào năm 2013. Hình ảnh ấn tượng ấy cứ theo tôi trong suốt buổi trò chuyện với chị về chủ đề bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu mà chị say mê theo đuổi và coi đó là “cái nghiệp” của mình.

Biến đổi khí hậu, khái niệm đó đang được hiểu ở Việt Nam thế nào, thưa chị?

Cá nhân tôi khoảng năm 2005 biết đến biến đổi khí hậu (BĐKH), hiểu nôm na là hiện tượng nóng ấm toàn cầu, thủng tầng ôzôn, xuất hiện hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, lụt lội xâm mặn, bão, lũ… Lúc này khái niệm về BĐKH còn mơ hồ, là câu chuyện ở đâu xa lắm và hàng trăm năm nữa mới… lo. Năm 2008, tôi được mời tham dự một cuộc hội thảo về CDM (Cơ chế phát triển sạch) do sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường tổ chức. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ Việt Nam là một trong những nước bị tác động nặng nề bởi BĐKH do nước biển dâng. Và từ đó khái niệm BĐKH được nhắc tới nhiều giống như một xu hướng thời trang rất “hot”. Người ta có câu: Phi BĐKH bất thành dự án. BĐKH được lồng ghép trong tất cả các hành động và kế hoạch hoạt động của các tỉnh.

Chị có thể chia sẻ những hành động, việc làm mà chị đã hành động để góp phần ứng phó BĐKH?

Là một nữ nhà báo, hơn 20 năm làm nghề tôi chuyên làm các phóng sự truyền hình, tọa đàm về hợp tác phát triển, xóa đói giảm nghèo, trên đường hội nhập. Thế rồi một ngày ngộ ra, dòng xoáy của môi trường và BĐKH cứ khiến tôi muốn viết nhiều về đề tài này. Cái ngộ ra ở đây là chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc chiến mới trong thời bình: Cuộc chiến với BĐKH.

Tôi tự hỏi phải làm gì để đương đầu với cuộc chiến này?

Câu hỏi này cứ xuất hiện mãi trong đầu tôi. Với nghề báo, được tiếp xúc, đi nhiều và tham gia các cuộc hội thảo quốc tế về BĐKH, tôi thấy cái mà mình có thể làm được là nâng cao nhận thức về BĐKH cho mình và cho mọi người. Khi tham dự đưa tin bài về sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh về BĐKH của LHQ lần thứ 15 tại Copenhaghen Đan Mạch năm 2009, tôi thấy thông tin về BĐKH của mỗi nước tham dự hội nghị rất đầy đủ và phong phú: nào các tài liệu, tờ rơi, áp phích, phim ảnh, các sự kiện bên lề, góc thông tin… rồi mỗi nước có một hộp thư đầy ắp tài liệu, thông tin. Việt Nam mình, nói thật: quá nghèo nàn, chưa có hoạt động gì gây sự quan tâm chú ý của cộng đồng thế giới, mặc dù Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng lớn nhất bởi nước biển dâng. Đây là trách nhiệm của truyền thông đây, tôi tự trả lời. Thế là công ty TNHH Truyền thông Ngân Hà ra đời. Công ty của tôi quy tụ những nhà báo, quay phim tâm huyết với vấn đề môi trường và BĐKH cùng đồng hành.

Việc làm ấy có được ủng hộ, có được cộng đồng nhận thức đúng đắn không thưa chị?

Ngay sau khi về Việt Nam, tôi tham gia cuộc thi “Ngày sáng tạo Việt nam 2010” với chủ đề Ứng phó với BĐKH. Chúng tôi mang đến cuộc thi đề tài phim tài liệu “Biến đổi khí hậu – Câu chuyện từ Việt Nam” với hy vọng nếu mình trúng giải sẽ có tiền thưởng để làm phim. Phim sẽ là một tiếng nói để cộng đồng thế giới biết về BĐKH ở Việt Nam như thế nào. Phim có thể phát sóng trên các kênh truyền hình trong nước và trình chiếu tại các hội nghị, hội thảo quốc tế. Ấp ủ và tự tin, chúng tôi say sưa viết rồi sửa, rồi lại sửa, lại viết. Tham vấn các chuyên gia về BĐKH hàng đầu của Việt Nam, các anh chị cũng rất nhiệt tình cổ vũ chúng tôi. Nhưng kết quả chúng tôi chỉ được giải khuyến khích về ý tưởng.

Lúc đó tôi đang làm phóng viên cho Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội. Không từ bỏ ý tưởng làm phim kể câu chuyện về BĐKH ở Việt Nam để thông tin tại các hội nghị hội thảo quốc tế. Mãi đến năm 2011 chúng tôi mới thuyết phục được một Bộ tài trợ tiền để làm phim “Câu chuyện BĐKH từ Việt Nam”. Phim được phát sóng liên tục trên VTV1 và trình chiếu tại Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ lần thứ 17 tại Dubran Nam Phi. Tôi nhận được sự cổ vũ và đồng hành của người thân, đồng nghiệp, các chuyên gia và đối tác.

Việt Nam đang đứng ở đâu trong “bản đồ tham chiến” của cuộc chiến ứng phó BĐKH thưa chị?

Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh việc thực hiện REDD + (Chống mất rừng, suy thoái rừng và quản trị rừng). Đây là chương trình của Liên Hiệp Quốc, được 50 nước trên thế giới triển khai. Còn muốn ứng phó được với BĐKH là những cơn bão, lũ, lốc, sạt lở, cháy rừng, hạn hán, ngập mặn, mất đất… thì doanh nghiệp phải vào cuộc. Doanh nghiệp phải có ý thức chuyển từ “Tăng trưởng nâu” sang “Tăng trưởng xanh”. Tăng trưởng Xanh là xu thế trên thế giới, Việt Nam mới đang ở giai đoạn bắt đầu.

 

Chuyến thăm và làm việc với Chi cục Kiểm lâm Cà Mau đưa đến cho chị Nga nhiều ý tưởng cho những thước phim ứng phó với biển đổi khí hậu.

Chuyến thăm và làm việc với Chi cục Kiểm lâm Cà Mau đưa đến cho chị Nga nhiều ý tưởng cho những thước phim ứng phó với biển đổi khí hậu.

Trong cuộc chiến này, điều gì là khó khăn nhất?

Sự thay đổi ý thức của con người. Mưu sự tại nhân, thành sự cũng tại nhân.

Có kỷ niệm vui buồn gì khiến chị không thể quên không?

Vui và buồn đều xảy ra khi mong muốn thực hiện một dự án truyền thông:

Thất bại: Ròng rã 5 năm trời mong muốn xây dựng một sân chơi trên truyền hình về BĐKH mà chưa được. Viết hàng chục kịch bản, dày hàng trăm trang, trình bày hàng chục lần mà gần được lạị… hết tiền.

Thành công: Chúng tôi có niềm vui nho nhỏ là tư vấn xây dựng hình ảnh cá nhân và thương hiệu công ty thông qua các hoạt động ứng phó với BĐKH, bảo vệ môi trường đưa văn hóa “Tăng trưởng xanh” vào các doanh nghiệp.

Cảm ơn chị rất nhiều.

Xem thêm

Triển lãm tranh biếm họa Đối mặt với Biến đổi Khí hậu

Nữ doanh nhân Nguyễn Thu Thủy: câu chuyện phát triển thương hiệu

Nữ doanh nhân Đường Thị Ngân: Sau thành công là gia đình nhỏ

Nhóm thực hiện

Bài: Nana Phạm – Ảnh: Chu Lân, NVCC

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more