Lifestyle / ELLE Voice

Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ – Đủ sung sướng nhưng sẽ vô cảm

Không chỉ là một nhà văn nổi tiếng, chị Thu Huệ còn rất bận bịu trong vai trò giám đốc kênh truyền hình VTC9 Let's Việt. Cuộc phỏng vấn nữ nhà văn diễn ra sau một đêm chị thức trắng đề làm việc và ngay sau một cuộc họp kéo dài.

-001

Những tưởng năng lượng sẽ cạn kiệt sau chừng ấy thời gian dành cho công việc, nhưng Nguyễn Thị Thu Huệ vẫn hào hứng nói về những bức xúc trong đời sống, về những dự định viết truyện ngắn, tản văn và sách đang chồng chất chiếm lĩnh tâm trí mình.

Chị nhắc đến tên truyện ngắn Thành phố đi vắng, đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội, tháng 3/2011 hơn ba lần trong suốt cuộc phỏng vấn. Kết thúc của truyện ngắn rất buồn: Nhân vật nữ chính đã tìm chỗ cho mình ở nghĩa trang, cô chết vì cô quá “nóng”, quá nồng nhiệt với cuộc sống, trong khi thành phố nơi cô từng sống, từng yêu, từng ấm áp tươi mát với cô, bỗng trở nên tàn nhẫn, lạnh lẽo, máy móc sau vài năm không gặp lại.

Cái chết của nhân vật là sự phản kháng tới cùng của nữ nhà văn trước những thay đổi tiêu cực trong xã hội. Chị giải thích nguồn gốc cốt truyện dữ dội như sau: “Tôi nghiệm ra rằng thế hệ mới ra đời rất giỏi, nhiều người tài. Các bạn trẻ nạp cho mình kiến thức chuyên môn rất tốt, bằng cấp cao, thông minh, nhanh nhẹn, nhưng các bạn lại lạnh lùng, thực dụng. Trong công việc rất cần những người như thế, nhưng về mặt xã hội, đấy lại là những người lạnh lùng. Đó là những điều tôi nói trong Thành phố đi vắng. Sẽ đến như thế, đến một đời sống vô cảm. Người ta đầy đủ sung sướng nhưng sẽ vô cảm hơn”.

Những tiên đoán về sự đổi thay buồn bã, bế tắc trong đời sống xã hội luôn đầy ắp trong những truyện ngắn của Nguyễn Thị Thu Huệ. Chị nói: “Đây là thời điểm có nhiều thứ để viết. Không phải là về chiến tranh, về chuyện đói hay không đói, mà đây là giai đoạn khốc liệt. Không giống như kiểu khốc liệt của chiến tranh, khốc liệt bây giờ rất khác. Tôi không có tham vọng viết về những gì tôi không biết. Tôi không viết về chiến tranh được vì lúc ấy tôi còn bé quá, cho nên tôi chỉ có tham vọng viết về đời sống này”.

Chị có thể giải thích Nguyễn Thị Thu Huệ của giai đoạn này “khác” với chị của ngày xưa như thế nào không? 

Vì tôi lớn tuổi hơn. Cái hồn nhiên đã khác rồi. Bao phủ xung quanh mình là cảm giác bất lực trước cuộc sống, mình không còn chủ động trong mọi điều nữa. Hoàn cảnh nó lôi kéo mình đi theo. Và các thang bậc của cuộc sống đều tăng lên. Đã xấu thì xấu tàn khốc, cái tốt cũng tốt hơn trước rất nhiều, ví dụ như trước đây là thang 5 điểm thì bây giờ tăng lên 9 – 10 điểm và tất cả đều tăng lên.

Người như tôi từng trải qua ba thời kỳ, thời bao cấp, thời đổi mới và cho đến thời bây giờ thì có thể thấy sự thay đổi đó. Mình thấy cái gì cũng hơn trước. Mình bị ức chế, bị ngộp. Nó thấm như không khí, như hơi thở vậy. Có những truyện của mình, người ta đọc xong rồi cứ ngồi thần ra. Truyện Không đầu không cuối không biết tại sao có bạn đọc xong bảo rằng thấy mình cứ rỗng tuếch ra… Bạn hỏi sao có thể viết buồn như thế được…

Khi người ta 20 – 30 tuổi, người ta có thể làm mọi điều mình muốn, nhưng khi 40 – 50 tuổi, dù có sẵn sàng hành động đi nữa, nhưng mình lại bị mệt chẳng hạn, vậy là đành phải dừng, dù ta không muốn. Trước kia, khi viết truyện, tôi viết ra các nhân vật rất khôn. Nếu làm được như các nhân vật thì rất tốt, nhưng rồi cá nhân mình có làm được như thế đâu…

Vậy là chị đã “dại” những gì?

Có lúc miệng mình vừa khuyên một người nghe có vẻ rất hay ho nhưng sau đấy chính mình lại mắc lỗi luôn, không chỉ là chuyện tình cảm mà còn trong chuyện công việc. Chẳng hạn như có lần mình vay tiền giúp người khác, mà hóa ra người khác có động cơ không tốt. Vậy là mình lại phải lo trả nợ. Rồi lần sau lại thế.

Có lúc tôi bị lạm dụng niềm tin. Tôi tự viết giấy nhắc mình gắn lên lịch làm việc treo tường: Cảm ơn những kẻ đê tiện vì nhờ thế mình khôn hơn, chứ nếu cứ ở trong môi trường tốt thì cũng sẽ đến lúc bị một cú lớn. May mắn là còn có những người tốt.

Chị đã trải qua bao nhiêu lần “tự khác” trong sáng tác rồi?

Có hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là lúc mọi thứ bùng nổ ra bên ngoài. Giai đoạn thứ hai là mọi thứ được nuốt vào trong, có gì cay đắng, thấm thía hơn. Mỗi lần viết xong tôi rất thích, nhưng viết xong, cái buồn của truyện lại quay trở lại thấm vào mình nặng trĩu. Có người nói đọc truyện của tôi bây giờ không thấy bộc lộ cái tình cảm, cảm xúc chủ quan của tôi nữa. Thực ra mình vẫn có nhiều, nhưng cảm xúc nó lặn vào bên trong mất rồi.

Chị đến với việc viết truyện như thế nào? 

Tôi viết từ nhỏ, theo cái kiểu viết 1 – 2 trang rồi quẳng đi. Mười sáu tuổi tôi đã có truyện in ở báo Người Hà Nội. Thực ra tôi thích học họa. Tôi đã học vẽ từ nhỏ để sau này thi vào Đại học Mỹ thuật, nhưng bố tôi bảo con gái theo họa thì khổ. Tôi nộp đơn thi hai trường Đại học Mỹ thuật và Tổng hợp Văn, rồi chọn thi Tổng hợp Văn. Lúc bùng lên viết là năm 1994 – 1995, khi cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội được tổ chức. Tôi được khuyến khích, thế là ra đời Hậu thiên đường, Minu xinh đẹp…

Bây giờ, điều gì làm chị vui nhất?

Chiều đến, các con về ăn cơm, có bà cụ mẹ mình ngồi ở đấy, cả nhà nói chuyện rất là vui. Không có tai ương gì là vui. Sáng ra mình hay lo, nhưng chiều về, cả nhà ngồi đầy đủ là vui. Những cái bất an tác động tinh thần mình lắm. Một cái vui nữa là thấy rất thích mỗi khi viết xong một truyện nào đấy. Nhưng rồi lại buồn vì chính cái truyện của mình, nó thấm ngược trở lại vào mình, nặng trĩu.

Nhóm thực hiện

Bài và ảnh Uyên Ly
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)