[ELLE Voice] Những lá thư gửi cho “future me”
Có khá nhiều lá thư đến từ quá khứ ấy, lại mang đến lời gợi ý và mở ra cả một đoạn đường mới cho chính tôi.
Đấy là một ngày mùa Đông của năm 2011, tôi còn nhớ rất rõ, tôi đứng trên tàu điện ngầm ở Singapore. Con tàu hơi lắc lư, lần lượt chạy qua từng trạm: Chinatown, Clarke Quay, Dhoby Ghaut, Little India, Farrer Park… Tiếng loa thông báo đã đến trạm này trạm kia, cửa tàu đang mở ra hay sắp đóng lại, cứ thế sượt qua tai tôi từng nhịp. Tôi không thực sự biết vì sao mình lại xuất hiện ở thành phố này, tại sao lại học chuyên ngành này, và rồi nó sẽ dẫn tôi về đâu.
Anh trai tôi, người cũng đang bám vào cái tay nắm lắc lư trên tàu điện ngầm, bảo, thế thì thử viết thư cho chính mình xem sao.
Bằng cách nào, tôi hỏi.
Có một website là futureme.org. Nó được tạo ra đại khái để người ta viết thư cho chính mình, ở thì tương lai. Có thể là một năm, ba năm, bảy năm, hai mươi năm sau. Đến đúng thời điểm đó, futureme sẽ gửi đến email của bạn chiếc thư từ quá khứ ấy.
Để làm gì nhỉ, tôi tự hỏi. Dù không biết chính xác câu trả lời, song, vì lẽ nào đó, tôi vẫn ngồi xuống và viết cho mình một (vài) lá thư. Gửi đến một năm, ba năm, bảy năm, và mười năm sau đó.
Bây giờ, tôi đã nhận được đầy đủ những bức thư viết trong khoảng thời gian đó rồi. Lần lượt, từng bức một.
Năm 2012, hồi mà mọi người đồn đại rằng tận thế sẽ xảy ra ấy, tôi cũng viết cho mình một lá thư gửi đến tương lai, hỏi rằng mình còn sống không. Và nếu còn sống, thì đang làm gì?
Năm 2013, tôi lại viết tiếp một lá nữa, hỏi rằng tôi có yêu thích công việc mình đang làm không. Có còn thích uống trà không? Đã mở được tiệm trà như tôi mong muốn chưa?
Năm 2014, tôi viết lá thư hỏi mình có đang hạnh phúc không. Đã biết sống vì chính mình chưa?
Bạn biết gì không, tôi nghĩ những lá thư gửi đến tương lai quả là một món quà được gói kỹ. Một món quà tôi không biết chắc bạn có muốn nhận hay không, vì chúng có thể mang đến bất kỳ thứ gì: một niềm vui, một nỗi thất vọng hay một lời gợi nhắc.
Dù sao thì tôi và mọi người đều còn sống qua năm 2012. Tôi trở về nước và đi làm công việc đầu tiên ở một công ty quảng cáo. Rồi tôi nghỉ việc và dành nhiều năm cặm cụi với trà, đi đây đi đó. Mở tiệm trà đầu tiên ở Hà Nội. Lấy chồng, sinh con. Xuất bản cuốn sách đầu tiên. Chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Mở Lạc Teahouse – quán trà nhỏ giữa lòng phố đông. Bắt đầu với thương hiệu thời trang Tênh Tênh. Vẫn đi làm toàn thời gian. Tổ chức rất nhiều sự kiện. Đã quen với áp lực cuộc sống và khối lượng công việc luôn ngập đầy. Nhưng buổi chiều vẫn có thể cùng chồng đón con đi học về. Nắm tay nhau đi dạo ở công viên. Cùng ăn tối và cùng dạy con học. Thỉnh thoảng có thể đi một chuyến du lịch ngắn, dù chỉ để thay đổi không khí một chút và được ngủ say hơn.
Phần lớn các câu hỏi của hơn mười năm về trước, tôi đã có thể trả lời được. Có khá nhiều lá thư đến từ quá khứ ấy, lại mang đến lời gợi ý và mở ra cả một đoạn đường mới cho chính tôi. Như là, cái hồi tôi nhận được bức thư hỏi mình có còn muốn mở tiệm trà, muốn đi làm trà hay không. Tôi đã đọc, và suy nghĩ thật nghiêm túc, trước khi quyết định dừng lại công việc toàn thời gian trong năm ấy, và đi theo mấy dòng chữ khờ dại của tuổi trẻ.
Thật khó để biết được câu trả lời nào là chính xác, và cỏ bên đồi thì luôn xanh hơn. Nhưng tôi tin rằng khi ta thực sự ngồi lại với chính mình – riêng nhất mình, chứ không phải thêm ai khác, ta có thể tìm thấy câu trả lời ở rất sâu trong thế giới nội tại ấy. Câu trả lời như vậy, thực ra không hề cảm tính như người ta vẫn nghĩ, mà nó được đúc kết từ một quá trình dài nhiều năm, thu thập thông tin về những điều ta đã làm, đã gặp, đã thích hoặc đã ghét, kiểu làm việc, kiểu sống, kiểu người ta muốn trở thành.
Khi tôi ngồi trong một căn phòng nhỏ trên triền núi phía Bắc, gió mùa Đông rét căm, ánh lửa bập bùng và mùi trà mới sao tỏa ra khắp chốn, tôi biết đây chính xác là kiểu trải nghiệm tuổi hai mươi (mấy) tôi sẽ chọn cho mình. Trong lúc đấy, bạn tôi đã kịp lên chức quản lý trong một công ty nọ. Và đó lại là một kiểu trải nghiệm khác.
Khi tôi trở về thành phố, khi tôi có quán trà của riêng mình, khi tôi vừa đi làm công việc toàn thời gian, vừa tìm cách duy trì thương hiệu riêng cùng đồng bọn, vừa dành thời gian chăm sóc gia đình, tôi lại biết rằng đây chính là kiểu trải nghiệm tôi sẽ chọn cho tuổi ba mươi (mấy), của mình.
Những điều này tôi đều viết trong thư, gửi đến mình của thì tương lai. Cứ theo mỗi năm, chuyện để kể lại nhiều hơn. Tôi cũng có “kinh nghiệm viết thư” hơn. Có thể bạn sẽ cười xòa, kiểu thư này có phải CV đâu mà cần kinh nghiệm viết. Song thực ra vẫn có một chút gọi là “kinh nghiệm” đấy, mà giờ tôi sẽ chia sẻ ở đây.
1. HÃY GỬI THƯ ĐẾN MỘT THỜI ĐIỂM ĐỦ XA
Gần nhất là ba năm, còn không, hãy nghĩ đến những mốc xa hơn như năm năm, bảy năm, mười năm. Lý do là bạn cần đủ thời gian để quên đi, và để làm việc. Khi bạn nhận được thư năm nào, bạn nhất định phải không còn nhớ gì đến nó nữa, và đó là khoảng thời gian đủ xa để bạn đã kịp chuyển biến một điều gì đó trên hành trình của mình. Nếu ngắn hơn, bạn sẽ dễ cảm thấy cũng không có gì đáng kể.
2. DÙNG EMAIL RIÊNG, CỐ ĐỊNH VÀ LÂU DÀI
Không nên dùng email công việc, bởi vì thứ đó sẽ rất nhanh đầy hoặc bị thay đổi theo năm tháng. Hãy dùng một email cá nhân, hơi riêng tư, và có khả năng giữ trong vài chục năm tới. Đừng quên ghi mật khẩu email đó tại một nơi nào đó mà bạn luôn có thể dễ dàng tìm lại.
3. VIẾT RÕ RÀNG NHẤT CÓ THỂ VỀ MỤC TIÊU
Kinh nghiệm của tôi là phần lớn các email đầu tiên sẽ rất lan man. Chúng ta sẽ hỏi những câu tầm xàm ba láp, với mục đích vui vui là chính. Song nếu được, hãy thử nghiêm túc trình bày toàn bộ những ý tưởng, mục tiêu, kế hoạch trong tương lai mà bạn muốn có. Để làm gì? Để sau năm đến bảy năm, khi đọc lại, bạn có thể nhìn nhận khá rõ con đường đã đi, kiểm chứng về độ thành công – thất bại, và có thêm bài học cho những dự đoán mới trong tương lai.
4. HẠN CHẾ VIẾT CHO NGƯỜI KHÁC
Đây là một ý kiến hoàn toàn cá nhân của riêng tôi thôi. Và có lẽ không phải bỗng dưng mà chiếc website có tên là futureme – tôi của tương lai. Bạn có thể sẽ muốn viết cho một người thân, người yêu, bè bạn. Song, thật khó để đoán biết về tương lai xa: ai sẽ còn ở bên ai. Tôi có phần e ngại nhất định rằng bức thư hồn nhiên của mình năm nào bỗng có thể trở thành một quả bom nguyên tử cho tương lai của ai đó. Do vậy, tôi đã quyết định sẽ chỉ viết thư gửi cho tôi của tương lai mà thôi.
5. VIẾT TIẾP MỘT LÁ THƯ NGAY KHI NHẬN MỘT LÁ THƯ
Khi bạn thực sự đọc được lá thư gửi từ ba hoặc năm năm trước đó, cảm giác lúc đó rất tươi mới và xúc động. Hãy giữ lại xúc cảm ấy bằng cách viết tiếp một lá thư gửi đến vài năm sau. Ở điểm đến tiếp theo của lá thư, tôi tin rằng bạn sẽ nhìn thấy một con đường trải dài, được nối tiếp bởi chính bạn, cộng thêm một chút tiếp sức của thời gian.
Bên cạnh những lá thư gửi đến tương lai xa, tôi cũng xin gợi ý bạn viết thêm cho những tương lai gần, như là: mười phút nữa, như là: ngày đang sắp tới. Hay ý tôi chỉ giản đơn là hãy viết ngay hôm nay. Tôi thường dùng một chiếc app tên là Morning Pages. Tại đây, bạn có thể viết tự do mỗi ngày, và cứ sau mỗi lượt viết như thế, bạn có thể thả lỏng hơn, đón nhận luồng tư duy tươi mới hơn, xúc cảm tích cực hơn. Và sau một tháng, khi nhìn lại, bạn đã thấy mình ở một tương lai rất khác.
Bài: Nhược Lạc
Ảnh: Tổng hợp