Lifestyle / ELLE Voice

[ELLE Voice] Sangeeta Kaur và Những nhạc khúc chữa lành xuyên biên giới

Với Sangeeta Kaur, dòng chảy âm nhạc có thể không ngừng biến đổi, song chủ tâm của người nghệ sĩ là bất biến.

Sangeeta Kaur tiếng Phạn có nghĩa là “công chúa của âm nhạc và sự hài hòa trong âm nhạc”, cái tên được một vị thầy Yoga trao tặng đã trở thành nghệ danh chính thức của Teresa Mai. Cô từng học biểu diễn opera tại Mỹ và sau đó sang Ý lấy bằng cao học. Năm 2009, Sangeeta bước vào thế giới nhạc thiền mantra. Hiện nay, cô tự định vị mình là nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn nhạc New Age. Năm 2022, với đĩa nhạc Mythologies, cô trở thành nữ nghệ sĩ gốc Việt đầu tiên đạt giải Grammy ở hạng mục Album Đơn ca Cổ điển. Trước đó, Sangeeta Kaur đã ra mắt 5 album đều được giới nghệ thuật đánh giá cao, bao gồm Niguma, Ascension, Mirrors, Compassion, Illuminance. Mùa Hè 2023, cô sẽ tiếp tục kể câu chuyện tâm hồn và sức mạnh chữa lành của âm nhạc bằng album mới nhất mang tên Aurora.

Trên thế giới, nhạc New Age được biết đến từ lâu với tiềm năng biến đổi ý thức con người. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Chị có thể chia sẻ đôi lời về phong cách âm nhạc này được không?

Những người tiên phong của làn sóng nhạc New Age giờ đã khoảng 70-80 tuổi. Lúc ban đầu, New Age là một cộng đồng underground, quy tụ những nghệ sĩ có sự kết nối đặc biệt với tâm linh, không muốn đi theo dòng nhạc chính thống. Nhạc New Age bấy giờ thường không có lời và không có điệp khúc, chỉ bay bổng mơ màng theo trải nghiệm tâm linh. Nhạc New Age đương đại đã thay đổi, biểu hiện thế nào là phụ thuộc vào chủ tâm của người làm nhạc. Ngày nay, nhạc New Age có thể là bất kỳ thể loại nào, từ cổ điển, mantra, world đến pop, jazz… Khó định nghĩa New Age là một dòng nhạc cụ thể, chỉ nói được rằng, âm nhạc và nghệ sĩ New Age sinh ra để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Nghệ sĩ New Age, vì thế, cũng thường có trải nghiệm tâm linh toàn thể, không bị bó hẹp trong một niềm tin duy nhất. Họ có chủ tâm sáng tạo thuần khiết và mong muốn tạo ra sự chuyển hóa thiêng liêng trong con người.

âm nhạc chữa lành cảm xúc

Được đào tạo bài bản để trở thành một nghệ sĩ opera cổ điển với nhiều nguyên tắc kỹ thuật thanh nhạc, khi chuyển sang nhạc New Age phóng khoáng và cởi mở, chị có gặp thử thách gì không?

Tôi hát cả nhạc cổ điển và New Age, cảm thấy một sự kết nối rất tự nhiên, không hề gắng gượng. Vì xuất thân từ nhạc cổ điển và yêu thích nhạc pop đương đại, tôi đã quen với đàn piano, violin, cello… Sau này, tôi lại học nhạc thiền, làm quen với các nhạc cụ gốc Ấn như trống Tabla, đàn Sitar. Tôi có trải nghiệm với nhiều loại nhạc cụ và không thấy mình bắt buộc phải lựa chọn một mất một còn. Tôi thích phối hợp các thể loại nhạc đa dạng, sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau để mang lại trải nghiệm mới mẻ và tươi sáng cho người nghe.

Cơ duyên nào đã đưa chị đến với âm nhạc mantra (thần chú) và nhạc thiền chữa lành?

Sau một thời gian dài sống tại Ý, đến năm 2009, có một tiếng gọi nội tâm thúc giục tôi quay về Mỹ. Tôi chọn đến New York, với mục tiêu ban đầu đơn thuần là để theo đuổi giấc mơ opera. Thế nhưng, hạnh ngộ đã cho tôi gặp các vị thiền sư và thầy dạy Yoga giỏi. Vì muốn hiểu biết sâu hơn về thế giới ấy, tôi dành rất nhiều thời gian để tìm nơi học thiền. Sau đó không lâu, tôi thử thu bài nhạc mantra đầu tiên. Khi đó, tôi chưa thật sự hiểu ý nghĩa của mantra mà chỉ hát lên vì lòng yêu thích. Dù không hiểu nội dung, tôi vẫn nhận thấy nhạc khúc này mang lại cho mình cảm giác bình an từ sâu thẳm.

Hát mantra chỉ cần 5-10 phút là đã thấy có sự chuyển hóa từ sâu bên trong rồi. Từng nhạc khúc mantra thấm vào tôi, giúp tôi thay đổi không chỉ cách hát mà còn cả cách tương tác, làm việc cùng mọi người. Hóa ra, có một thể loại âm nhạc mang sức mạnh tâm linh to lớn đến vậy. Từ đó, tôi bắt đầu tìm tòi, học hỏi thêm về nhạc thiền, cũng tự sáng tác nhạc mantra cho riêng mình. Việc thực hành, sáng tác và hát nhạc thiền giúp tôi nhận ra rằng cuộc sống rất ngắn ngủi, mình nên sống sao cho quãng đời này có ý nghĩa.

Bằng trải nghiệm riêng, chị thấy âm nhạc tác động lên sự phát triển tâm linh của mình như thế nào?

Tôi có mẹ theo đạo Chúa, bố theo đạo Phật. Tôi lớn lên với hiểu biết về cả hai tín ngưỡng. Được cất lên tiếng hát trong những không gian tâm linh, dù là nhà thờ hay đền chùa, đều khiến tôi vô cùng hạnh phúc. Trong những không gian ấy, tôi có trải nghiệm sâu sắc hơn đứng trên sân khấu với hàng ngàn người nghe.

Từ năm 2009, tôi bắt đầu học và thực hành Phật giáo Tây Tạng. Với tôi, Phật giáo Tây Tạng là phương pháp thực hành tâm linh cốt lõi. Mỗi khi có điều bất ổn trong cuộc sống và cảm xúc, tôi đều tìm về với những bài giảng của pháp tu. Trong số các bản nhạc thiền của Phật giáo Tây Tạng, nhạc khúc có ảnh hưởng đến tôi nhất là Om Mani Padme Hum. Ngoài ra, tôi cũng rất yêu thích bài mantra Om Tare Tuttare Ture Soha. Khi thấy mình bận rộn tâm trí với những guồng quay cuộc sống, tôi thường ngân nga hai khúc mantra này đến quên cả thời gian.

Hệ thống miệng – họng là một trong số 7 luân xa (chakra) trên cơ thể. Vậy nên lời nói mới có quyền năng mạnh mẽ. Lời bạn nói ra mang sắc thái tích cực hay tiêu cực đều tác động ngược lên chính bạn. Mantra là những rung động âm vang trong miệng mình. Theo khoa học của bộ môn yoga, khi hát hay đọc mantra, thực ra bạn đang tạo những rung động lên các điểm năng lượng trong miệng có thể ảnh hưởng đến tuyến tùng (pineal gland). Nói cách khác, âm vang của mantra có thể xuyên qua luân xa từ cổ họng, chạy thẳng đến kênh năng lượng trong não và vào cột sống. Điều chúng ta nghĩ, làm, và nói, có thể tạo ra hoặc biểu hiện thành hiện thực của mỗi người. Hiện tượng này vẫn chưa được khoa học chính thống chứng minh, nhưng sao có thể không tin khi chính tôi đã tự thân trải nghiệm.

Để sáng tạo những nhạc phẩm mang tính chữa lành, chị cần lưu ý điều gì trong quá trình sản xuất âm nhạc?

Khi sáng tác nhạc và quyết định phương thức hòa âm, tôi luôn nghĩ đến cảm giác của người nghe. Tôi đặt câu hỏi: “Nếu bản nhạc này được phát trong một lớp tập Yoga, liệu có giúp ích cho người nghe chăng? Liệu có chi tiết nào khiến họ khó chịu hay mất tập trung không?”. Tôi tự kiểm định bản phối thử nhiều lần, xem âm nhạc có thấm vào mình và có chi tiết nào cần loại bỏ không. Nếu chính tôi chưa cảm nhận được sự kết nối với bản nhạc, tôi sẽ hát đi hát lại cho đến khi sợi dây kết nối hiện ra. Bởi lẽ, đây không chỉ là sự kết nối về âm nhạc mà còn là sự kết nối về mặt tâm linh, cảm xúc với đấng sáng tạo.

Điều quan trọng nhất trong quá trình làm nhạc là chủ tâm của người nghệ sĩ. Vì vậy, tôi chọn đối tác sản xuất nhạc rất kỹ. Tôi cần bảo đảm họ thực sự hiểu chủ tâm của tôi và có chung tầm nhìn, kết nối với âm nhạc như tôi để không tác động sai cách đến người nghe.

âm nhạc tâm linh

Theo Sangeeta, giữa âm nhạc và yoga, thiền có điểm tương đồng nào không?

Khi còn học đại học, tôi từng được một giảng viên thanh nhạc gốc Ấn Độ dạy hát opera kết hợp Yoga. Thoạt đầu, tôi thấy rất kỳ lạ vì hai bài học này tưởng chừng không có gì liên quan. Nhưng càng học sâu, tôi càng thấy mối liên hệ mạnh mẽ của cả hai. Để thực hành hai bộ môn, ta đều cần căn chỉnh đúng tư thế, chân bám sát đất, sống lưng thẳng thớm, thư giãn cổ vai… Ngoài ra, khi hát hay tập Yoga, ta đều cần chú ý hơi thở và có cảm nhận về cơ thể.

Âm nhạc là một thế giới rộng lớn, có những thể loại rất gần gũi và có chung triết lý với thiền, một số thể loại khác thì không. Mấu chốt nằm ở chủ tâm của người làm nhạc. Nếu muốn nhạc khúc mang chất thiền, bản thân người viết nhạc nên có hiểu biết về thiền và trải nghiệm tâm linh rồi. Khi đó, nghệ sĩ xác định chủ tâm là muốn giúp người nghe có trải nghiệm thiền, hoặc hiểu hơn về thiền.

Lấy ví dụ, đôi khi tôi muốn sáng tác một bản nhạc, nhưng không biết về chủ đề gì và bắt đầu từ đâu. Tôi sẽ thiền và xin một thông điệp từ các đấng tối cao. Thiền, chờ đợi và lắng nghe. Có lúc, tôi cảm nhận được một thông điệp cụ thể, chẳng hạn như tôi cần viết một bản nhạc truyền động lực để giúp người nghe vượt qua giai đoạn khó khăn. Bản nhạc Transcendence đã ra đời trong một dịp như thế. Vậy nên, mỗi lần sáng tác nhạc thiền, tôi đều cần có chủ tâm rõ ràng.

Cảm ơn Sangeeta đã tin tưởng chia sẻ cùng độc giả ELLE Việt Nam.

Nhóm thực hiện

Bài: Hải Âu

Hình ảnh: Lori Michelle Wheeler

Thiết kế trang phục: John Nguyen & Coco (UFO PR, USA)

Trang điểm & Làm tóc: Grace Kim Young

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)