Chia sẻ với chúng tôi – Elle Việt Nam – xoay quanh chủ đề “Những chuyến du hành khám phá bản thân và vượt qua những giới hạn an toàn”, nữ CEO Thùy Dương đã đưa ra nhiều suy nghĩ khác biệt, thể hiện trí tuệ của một nữ doanh nhân thời kỳ hiện đại: “Mỗi người cần xác định mục tiêu, con đường đi của riêng mình và chỉ cần bước chân đi trên con đường đã chọn, thì việc có tới đích hay không, không còn quan trọng nữa”.
Chị đã bao giờ đi ra khỏi giới hạn mà chị cho là an toàn chưa?
Cuộc sống với tôi gần như không có giới hạn, hay nói đúng hơn là tôi chưa chạm tới những giới hạn có thể có. Tôi vẫn tin rằng tiềm năng của mỗi người và hành trình người đó khám phá cuộc sống quanh mình là không thể đong đếm. Có những người, họ chỉ đi mỗi nơi một lần, khi rủ đi lại, họ đều nói, nơi đó đã đến rồi, và chẳng thấy có gì thú vị. Còn với tôi, ngay cả về quê, nơi tôi lớn lên ở đó và vẫn thường lui tới thì vẫn luôn có những khám phá thú vị. Vậy nên sống là không có giới hạn.
Còn nếu nói giới hạn an toàn là những vùng nguy hiểm, nơi người phụ nữ không nên tới, thì thực sự là tôi chưa có cơ hội để thử. Tôi cũng ước mơ được leo đỉnh Fansipan, được đứng trong Sơn Đoòng để tự hào về Việt Nam yêu thương, nhưng đến nay đó vẫn là điều mà tôi ấp ủ thực hiện.
Và những lúc đó điều gì mà chị khám phá được?
Điều tôi tâm đắc nhất sau mỗi chuyến đi là sự gần gũi giữa con người và thiên nhiên luôn đem lại cho chúng ta sức mạnh lớn lao. Việc được đi ra, được kết nối với thế giới tự nhiên, được trải nghiệm những điều mình chưa từng làm, nói chuyện và học hỏi với những người chưa quen, ăn những món chưa từng thử, không chỉ là sức hấp dẫn của những điều mới lạ, mà quan trọng hơn, mình hiểu hơn về bản thân. Khi cọ xát với môi trường mới, tôi lại khám phá ra một cô Dương khác, ẩn trong muôn vàn cô Dương mà tôi vẫn đang từng ngày làm quen, thấu hiểu.
Trước một chuyến du hành, điều gì có sức hấp dẫn nhất với chị?
Khác với mọi người, tôi không muốn một chuyến đi có những điều đã biết, hoặc chứa quá nhiều kỳ vọng. Tôi thích đến đó, chạm vào nó, hít thở mùi gió, cảm nhận những âm thanh của tự nhiên, của môi trường sống, chăm chú lắng nghe những câu chuyện kể đến thuộc lòng của hướng dẫn viên nhưng với mình thì hoàn toàn mới mẻ, để rồi khi trở về mới vào Google để tìm hiểu thêm, để nhớ, để yêu và để mong ngày quay trở lại.
Và những ấn tượng của chị với những chuyến đi ấy ra sao?
Đất nước đầu tiên đóng dấu trên hộ chiếu của tôi là đảo quốc Singapore. Tôi vẫn nhớ lần đó đưa con đi chữa bệnh, nhưng mình đã khóc, không chỉ khóc vì những bác sĩ nơi đó đã chăm con mình quá tốt, mà khóc thực sự vì thấy nước mình quá nghèo, hiểu biết của mình quá ít ỏi, sự tự tin trong mình bay biến. Chuyến đi đó cũng là động lực lớn để mình quay lại Singapore làm việc và bắt đầu những chuyến đi không mỏi đến bất kỳ nơi nào mình có thể đến, Á, Âu, Mỹ, Úc, chỉ mỗi châu Phi là tôi chưa chạm chân tới. Sau nhiều chuyến đi, ấn tượng mạnh mẽ nhất với mình vẫn là sự phát triển của con người phản ánh chất lượng môi trường sống.
Đặc biệt khi đến thăm các quốc gia Phật giáo, tôi nhận thấy cuộc sống càng gần gũi với những giá trị cơ bản thì càng gần với hạnh phúc. Ví như những người dân Nepal hồn hậu, chân thành, họ sống thiếu thốn nhưng không khắc khổ. Những người phụ nữ Mông Cổ cao lớn, mạnh mẽ, cứ như ai ở xứ đó cũng có thể cưỡi ngựa vượt sa mạc. Dân cư ở Lào hay Myanmar cứ như ai cũng có một đền thiêng trong chính tinh thần họ để nuôi dưỡng, để tự hào, và mỗi người đều biết chân giá trị của cuộc sống.
Vậy nên, tôi cứ khắc khoải sau mỗi chuyến đi, rằng thành công của mỗi một quốc gia hiện diện ngay chính trên khuôn mặt của người dân nước đó. Chỉ ước một ngày, khuôn mặt người dân Việt Nam bớt khắc khổ, bớt những nếp nhăn vì sợ hãi và lo toan, niềm tin và tình yêu với đất nước sẽ khiến dân ta có khuôn mặt và ánh mắt tự tin khi đối diện thế giới nhiều biến động.
Điều gì chị tâm đắc nhất trong những năm cùng “du hành” với TalentPool?
Thực sự trong những năm đầu, khi TalentPool còn đang những bước khởi nghiệp đầu tiên, mỗi chuyến đi tôi chỉ mong tìm được nhiều đối tác, khách hàng. Cho đến khi doanh nghiệp trưởng thành hơn, khách hàng không còn là nỗi lo lớn nữa thì các chuyến đi sẽ trở nên quý giá bởi những bài học lớn, tầm nhìn và cách nghĩ mình học được từ những người đồng hành, hoặc những đơn vị đào tạo, các trường đại học mà tôi đến thăm, các tổ chức đào tạo mà chúng tôi ký kết hợp tác. Rồi gần đây, mỗi chuyến đi khiến tôi nghĩ nhiều hơn đến vai trò của đào tạo và phát triển con người của TalentPool khi Việt Nam đang ở trong giai đoạn vàng của lực lượng lao động. Nhìn người dân mình ở tứ xứ, người thành tựu cũng nhiều, khổ đau cũng không ít. Tôi rất mong sao có thể kết nối được trí tuệ dân tộc trên khắp thế giới để có thể thay đổi một phần nào, giáo dục và đào tạo ở Việt Nam.
Phải chăng đó là điều trăn trở lớn nhất của chị?
Tôi đi tất cả các nước, ở đâu cũng có khung năng lực cho sự phát triển con người. Mỗi cá nhân đều có cơ hội và phương pháp để khám phá tối đa tiềm năng của mình, gắn kết với sự phát triển nơi họ làm việc hoặc gắn kết với định hướng phát triển nhân sự của đất nước, ví dụ như người dân Singapore đi làm quản lý cấp cao khắp thế giới với tinh thần tuân thủ tuyệt đối và khả năng làm việc dưới áp lực cao, họ thực sự đã vượt qua rất nhiều nước phát triển trên bản đồ quản lý. Người Ấn Độ là những chuyên gia công nghệ và dịch vụ hỗ trợ công nghệ, hay như cách làm dịch vụ và du lịch của Thái Lan và Malaysia, họ đã xác định rất rõ đất nước chỉ có thể dựa vào du lịch và dịch vụ. Vì vậy, mỗi người dân đều cố gắng tìm cho mình một chỗ đứng trong chuỗi giá trị này. hoặc nước Mỹ, đất nước của những nhà đầu tư, những người làm chủ doanh nghiệp, và những nhà nghiên cứu, mỗi người Mỹ đều có một giấc mơ, giấc mơ trở thành ai đó trong đời…
Với người Việt Nam, tôi cùng các cộng sự cũng đang trăn trở, trên bản đồ nhân lực thế giới, chúng ta sẽ ở đâu, và TalentPool có thể góp phần nào dù rất nhỏ, để những người Việt trẻ, sớm nhận diện được vai trò của họ, bắt tay vào “hành trình Việt Nam”.
Lời khuyên khám phá giới hạn của bản thân:
Mình có thể làm bất cứ điều gì mong muốn, nếu không ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác. Cuộc đời có thể rất dài, đến trăm năm, hay có thể rất ngắn, chỉ còn một giờ, mỗi người đều biết, sẽ không có giới hạn nào có thể ngăn cản chúng ta khám phá chính mình, nhưng sẽ tốt hơn nếu có một mục tiêu, một định hướng dẫn lối cho hành trình đó. Để chúng ta không phải nuối tiếc, bởi chỉ cần bước chân đi trên con đường đã chọn, việc có tới đích hay không không còn quan trọng nữa.
Xem thêm:
Nữ doanh nhân Bùi Nguyệt Anh: “Tôi chọn đi con đường của riêng mình”
Doanh nhân Vũ Thị Thoa – Thiên nhiên là “gia vị mới”
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh - Ảnh: Thùy Dương