Nữ nhà báo Đặng Thị Huệ: Đọc sách cho tôi… sống nhiều cuộc đời
[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 7/2018] Đọc sách không chỉ là một thói quen lành mạnh mà khi thả hồn mình vào những trang sách, bạn còn có thể phát hiện ra những trải nghiệm vô cùng mới lạ.
Tôi thực hiện bài phỏng vấn này khi nhà báo Đặng Thị Huệ – tác giả cuốn sách du ký Hồn ngủ nơi thắt lưng em – đang có chuyến công tác ở Kon Tum. 20 năm công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, chị đã đi biết bao vùng, miền để đưa đến những bài báo về đề tài văn hóa dân tộc thiểu số, xã hội, từ thiện, gương người tốt việc tốt cho độc giả. Và một thói quen cố hữu của chị dù đi công tác hay du lịch là luôn mang theo một cuốn sách. Câu nói tôi cảm thấy tâm đắc nhất khi trò chuyện cùng chị, đó là: “ Đọc sách cho tôi cảm giác được sống nhiều cuộc đời ”. Đúng vậy, những người làm báo như chúng tôi coi sách, báo như người bạn để được hiểu, được cảm hơn về cuộc đời, để làm giàu tri thức, vốn sống và tiếp tục mang đến những bài báo hay cho độc giả.
Là một nhà báo, hẳn chị rất thích việc đọc sách báo? Việc đọc có tác động thế nào đến chị?
Đọc sách là một trong nhiều thứ tôi thích. Thời trẻ, tôi sống ở làng, phương tiện thông tin giải trí rất thiếu thốn, kiếm được cuốn sách cũng không dễ dàng. Sau này, đi học trên thành phố, tôi bị choáng ngợp khi bước vào thư viện trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi tranh thủ, tận dụng mọi lúc rảnh rỗi để lên đó, ngấu nghiến đọc. Tôi thích đọc sách là bởi có cảm giác mình được sống nhiều cuộc đời, thu nhận được cả kho kiến thức về thế giới, con người, xã hội. Có cảm giác mình được chu du khắp nơi. Chắc cũng như mọi người, càng đọc tôi càng thấy mình hiểu biết ít ỏi, nông cạn nên cứ đọc, đọc và đọc, những mong lấp cái khoảng trống tri thức quá lớn trong đầu mình.
Nói rằng sách đã làm tôi thay đổi, rằng sách đã tác động lớn đến cuộc sống của tôi thì có lẽ cũng khó mà phân định rạch ròi, rành mạch. Chỉ biết là, từ một con bé nhút nhát, ngại giao tiếp, nói chuyện với người lạ, tôi dần ăn nói lưu loát hơn, bạo dạn hơn, dám nói trước đám đông, không thấy ngại khi giao tiếp với mọi người, nhất là các “đấng, bậc”. Quả là sự tự tin chỉ đến khi người ta có chút kiến thức. Nhờ đọc nhiều mà cảm nhận của tôi về cuộc sống, về những người quanh mình hình như cũng tinh tế hơn, nhạy cảm hơn với buồn vui của mọi người, hình như sống lãng mạn hơn, yêu thương đúng nghĩa hơn thì phải…
Cuốn sách đầu tiên mà chị có là cuốn gì?
Lần đầu tiên tôi đi mua sách, mua được những mấy cuốn một lúc. Nhớ lúc đó còn là sinh viên, trong lòng hân hoan lắm. Đi vào ngày Chủ nhật, nhảy tàu ra hiệu sách Tràng Tiền, rồi đi ăn kem bằng tiền học bổng sinh viên dành dụm được. Cầm cuốn Giamilia – Truyện núi đồi và thảo nguyên của nhà văn Chingzin Aitmatov – cuốn sách tôi mơ ước có được, trong lòng lâng lâng khó tả. Mang về ký túc xá, bọc lại cẩn thận, đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, như ngâm ngợi một bài thơ vậy. Và tôi có một sự thay đổi lớn trong cách hành xử với sách, đó là, tôi không còn cất giữ sách như một thứ “của riêng” nữa (trừ những cuốn sách đặc biệt, thỉnh thoảng lại lôi ra đọc, đọc đi đọc lại không chán). Tôi nghĩ, sách phải được luân chuyển, để nhiều người cùng đọc thì sách mới sống trọn vẹn cuộc đời của nó.
Chúng ta đang sống giữa thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ đã có tác động rất lớn đối với mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ngày càng nhiều bạn trẻ dành tiền mua sắm các thiết bị công nghệ hơn là mua một cuốn sách, báo và tạp chí? Chị nghĩ sao về điều này?
Thiết bị công nghệ cũng là những thứ tôi mê, chả cứ gì lớp trẻ. Và không thể nói với các bạn ấy rằng, “đừng mua smart phone, để tiền mà mua sách”. Thói quen đọc sách, tình yêu sách phải được hình thành, nuôi dưỡng từ tấm bé, từ gia đình. Trẻ em không yêu sách, không có thói quen đọc sách – lỗi của bố mẹ chứ không phải lỗi của các em. Khi người lớn ngồi đâu cũng dán mắt vào smartphone thì con trẻ cũng sẽ chúi mũi vào smartphone thôi. Khi người lớn luôn hào hứng lên đời iPhone và ngóng đời mới nhất thì con cái chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ đến việc ra hiệu sách mua sách về đọc. Cửa hàng bán smartphone mới là điểm đến của chúng khi chúng có tiền trong túi. Tuy nhiên, cá nhân tôi thấy, còn rất nhiều người trẻ yêu sách, không quay lưng với văn hóa đọc, chỉ là chưa dành nhiều thời gian đọc sách, chưa thực sự đam mê mà thôi.
Mạng internet, Facebook tôi cũng hay ghé thăm để tìm kiếm thông tin và giao lưu, ở đó có niềm vui kết nối, như thể mình ra một cái chợ đông đúc, ồn ào. Còn với những trang sách, con người ta tiếp cận thông tin ở một chiều kích khác, một mình với thế giới trầm lắng trong hình dung, tưởng tượng, ngẫm ngợi và giao cảm một cách thầm lặng.
Văn hóa đọc đang được các nhà quản lý, các nhà xuất bản… nỗ lực gìn giữ bằng các hoạt động: tổ chức ngày hội sách, phố sách, hội thảo giới thiệu sách… Những hoạt động đó chỉ thực sự thành công khi có sự tham gia từ hai chiều, tức của những người đọc. Theo chị, để khuyến khích văn hóa đọc trong xã hội, thu hút độc giả đặc biệt là giới trẻ, những điều gì chúng ta nên làm và làm mạnh hơn nữa?
Ngoài những hoạt động quảng bá, giới thiệu, trưng bày, triển lãm sách, báo tại không gian công cộng, theo tôi, các cơ quan, đơn vị vẫn có thể tận dụng tối đa các không gian công cộng: quán cà phê, tiệm ăn, bệnh viện… bằng cách đặt thêm giá sách. Hình thành thói quen đọc sách ở mọi nơi, từ không gian gia đình, trường học, công sở… Tôi được biết, có những gia đình tự xây dựng riêng một tủ sách. Tiếc là tủ sách chưa thật sự phổ biến ở nhiều gia đình. Tivi, tủ rượu xem chừng phổ biến hơn. Nếu gia đình nào cũng có một tủ sách thì con trẻ sẽ có cơ hội tiếp xúc với sách từ rất sớm. Các em sẽ có được thói quen đọc sách một cách tự nhiên và có tình yêu với sách, nếu cha mẹ quan tâm đến việc hướng dẫn con em mình chọn sách phù hợp. Tất nhiên, cha mẹ cũng phải là người yêu sách, ham đọc sách thì mới mong con mình say mê đọc sách.
Để khơi gợi niềm đam mê đọc sách của lớp trẻ, nếu chỉ tổ chức các hoạt động mang tính chất bề nổi có lẽ là chưa đủ. Tỉnh nào cũng có thư viện, trường học nào cũng có thư viện, đó là điều tốt. Nhưng nếu ít người lui tới thì các thư viện đầy ắp các kệ sách kia cũng vô nghĩa. Quan trọng là phải có các hoạt động, hướng dẫn cụ thể để học sinh, người dân tiếp cận với sách báo, giúp bạn đọc biết giá trị, cái hay của từng quyển sách. Hiện, các bạn trẻ có nhiều hoạt động tình nguyện, nên chăng hướng các bạn ấy vào hoạt động tình nguyện quảng bá, hướng dẫn học sinh, người dân đọc sách.
Việc giới thiệu sách hay nên được tổ chức thường xuyên trong trường học, cộng đồng. Giới thiệu sách một cách hấp dẫn, thu hút trên các phương tiện truyền thông cũng là cách hay để hướng các bạn trẻ đến nguồn tri thức phong phú lại rất dễ tiếp cận. Người Việt Nam chúng ta có văn hóa tặng quà vào dịp Tết, lễ, sinh nhật… Nên chăng thay vì tặng các món quà khác, mình có thể tặng sách cho người thân, con cái, bạn bè… Đó cũng là cách tạo cơ hội để mọi người tiếp cận sách, đọc sách và lan tỏa các giá trị mà sách mang lại.
Xin cảm ơn những chia sẻ rất quý báu của chị!
—
Xem thêm:
Bài: Ngọc Anh
Ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE