Lifestyle / ELLE Voice

Phụ nữ làm quản lý: Mâu thuẫn là động lực để phát triển

Đều nắm giữ những chức vụ quan trọng tại một tập đoàn công nghệ lớn, bốn người phụ nữ trong cuộc trò chuyện này là minh chứng cho những bóng hồng tài năng, không chỉ là đồng nghiệp kết hợp ăn ý trong công việc mà còn là những người bạn luôn chia sẻ, hỗ trợ nhau trong cuộc sống.

Công tác tại IBM Việt Nam, là một trong những công ty công nghệ lớn, các chị hãy chia sẻ thêm về môi trường làm việc tại đây. Có điều gì đặc biệt đối với nhân viên là phụ nữ?

Chị Hoàng Giang: Môi trường làm việc của IBM là bình đẳng, đa dạng, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Nói về sự bình đẳng nam nữ, phụ nữ tại IBM được trao cơ hội tuyển dụng, thăng chức và thu nhập tương tự như với nam giới.

Chị Kiều Linh: IBM rất chăm chút đến đời sống tinh thần của nhân viên để đảm bảo cân bằng giữa công việc và gia đình: Có hẳn một chuyên viên chuyên trách trong bộ phận nhân sự, thường xuyên tổ chức các lớp yoga, zumba, gym; tổ chức các hội thảo chuyên đề về sức khỏe, dinh dưỡng, cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống (như cách vượt qua stress, cách nuôi dạy con cái, xử lý khủng hoảng tuổi dậy thì…). Có chủ đề nào chị em vướng mắc đều có thể mời các chuyên gia đến chia sẻ và cũng có số hotline để gọi trực tiếp, nghe chuyên gia tư vấn những vấn đề cá nhân.

Áp lực lớn nhất trong môi trường công việc đối với các chị là gì và làm thế nào để vượt qua những áp lực này?

Chị Thanh Hảo: Đó là phải đạt mục tiêu tăng trưởng kinh doanh hằng năm cả về doanh thu lẫn lợi nhuận trong khi vẫn phải cân bằng các mối quan tâm của gia đình và xã hội. Để vượt qua được những áp lực căng thẳng này, chúng tôi luôn biết dựa vào nhau cùng làm việc, hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của đồng nghiệp để cùng nhau về đích. Song song đó, chúng tôi cũng tranh thủ những lúc off-line (cà phê, ăn trưa, team building…) để chia sẻ, giải tỏa áp lực cho tinh thần thoải mái hơn, và như vậy làm việc sẽ hiệu quả hơn.

Chị Thanh Thủy: Mình làm kinh doanh không tránh khỏi áp lực khi cần phải đạt chỉ tiêu doanh số định kỳ mà công ty đề ra. Và việc hoàn thành công việc luôn nằm trong bối cảnh mình không thể chủ động thực hiện một mình. Luôn luôn và liên tục phải có sự tương tác giữa bản thân với khách hàng, đối tác và đồng nghiệp thì mới làm nên chuyện. Trong khi đó, người phụ nữ vẫn phải chăm sóc con cái, gia đình và cả bản thân nữa.

áp lực kinh doanh của phụ nữ
Từ trái sang: Chị Vũ Kiều Linh – Giám đốc Truyền thông và Thương hiệu; chị Đào Hoàng Giang – Giám đốc Kinh doanh khu vực miền Bắc; chị Lê Thanh Thủy – Giám đốc Kinh doanh Nhóm khách hàng chiến lược; chị Nguyễn Thị Thanh Hảo – Giám đốc Nhóm đối tác.

Ngoài những trách nhiệm và mục tiêu trong công việc, giữa các chị còn có những điểm chung nào khác không?

Chị Thanh Hảo: Có chứ, rất nhiều. Chúng tôi đều là phụ nữ, đều có áp lực gia đình, con cái như nhau, đều có những mối quan hệ xã hội cần dung hòa, giải quyết, hay đơn giản là đều có mong muốn mình luôn trẻ trung, xinh đẹp và khỏe mạnh.

Chị Hoàng Giang: Điểm chung là chúng tôi… đều là phụ nữ nên có thể chia sẻ với nhau rất nhiều và cũng hiểu nhau hơn. Nhờ đó, chúng tôi dễ dàng làm việc với nhau. Ngoài công việc, chúng tôi có thể chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, trong cách nuôi dạy con cái và đối nhân xử thế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đều thích thời trang, thích làm đẹp, thích du lịch, khám phá những vùng đất mới…

Những kết nối đó đã giúp các chị vượt qua những khác biệt hay thử thách trong công việc như thế nào?

Chị Hoàng Giang: Nhờ hiểu nhau hơn, chúng tôi biết rõ những điểm mạnh điểm yếu của nhau, bổ khuyết được cho nhau. Có điều gì không biết hoặc trăn trở trong công việc, chúng tôi dễ dàng hỏi nhau, khiến cho trở ngại hay thử thách nào cũng có thể vượt qua.

Chị Kiều Linh: Công việc của tôi tại công ty khá đặc biệt, đó là… tôi không có đồng sự. Tuy nhiên, làm việc độc lập cho tôi cơ hội đứng từ xa để cảm nhận năng lượng tích cực trong từng nhóm công tác theo ngành dọc, ngành ngang, chứng kiến sự hỗ trợ tương tác của các chị, quan sát cách các chị phối hợp cũng như phản biện trên tinh thần hiểu biết và xây dựng tập thể. Từ đó tạo cho cá nhân tôi sự tin tưởng vào một tập thể vững mạnh vì có được những nhà lãnh đạo nữ giới vừa giỏi chuyên môn, vừa sâu sắc trong tính cách và rất linh hoạt, nhanh nhạy trong xử lý mọi tình huống.

Giữa những người bạn vẫn luôn có mâu thuẫn. Đối với các chị có thể có thêm những mâu thuẫn trong công việc, các chị sẽ giải quyết mâu thuẫn đó như thế nào để giữ tình bạn của mình?

Chị Hoàng Giang: Mâu thuẫn là động lực của sự phát triển nên chúng tôi không ngại mâu thuẫn. Mâu thuẫn hay sự bất đồng ý kiến được xem là “gia vị”cần thiết giúp chúng tôi nhận ra nhiều điều về nhau, từ đó học cách hiểu và tôn trọng nhau hơn. Chúng tôi tập trung vào vấn đề và cách xử lý vấn đề, làm thế nào để đạt được hiệu quả công việc, không để cảm xúc lấn át lý trí mà vô tình làm tổn thương nhau.

Chị Thanh Hảo: Một việc có thể được nhìn nhận từ nhiều khía cạnh khác nhau, các quan điểm khác nhau giúp chúng tôi có cái nhìn khách quan hơn và từ đó có những quyết định đúng đắn hơn trong công việc. Chúng tôi tôn trọng, lắng nghe quan điểm của nhau và đôi khi chịu thỏa hiệp để tìm tiếng nói chung. Điều này nói ra thì dễ, nhưng không phải lúc nào cũng có thể dễ dàng làm được. Tuy nhiên, chúng tôi biết đâu là điểm dừng và dừng lại đúng lúc, không để mâu thuẫn trở thành xung đột mà tìm cách hòa giải, hàn gắn để giữ tình bạn với nhau.

áp lực mối quan hệ của phụ nữ
Trong 33 năm liền, IBM luôn nằm trong danh sách 100 công ty tốt nhất cho phụ nữ vừa có con vừa đi làm (Working Mother’s 100 Best Companies Awards).

Các chị có thể chia sẻ những điều đặc biệt hay thú vị về nhau được không?

Chị Thanh Thủy: Điều đặc biệt ở chị Giang toát lên từ vẻ mạnh mẽ nhiều năng lượng. Tiếp xúc với chị luôn mang cho mình cảm giác vui vẻ. Chị Hảo là người phụ nữ xinh đẹp không có tuổi ở IBM. Chị là điển hình của người con gái công nghệ nhưng không hề khô khan.

Chị Hoàng Giang: Hảo vừa xinh đẹp, lại vừa giỏi giang. Thủy thì thông minh, luôn mềm mỏng, lạt mềm buộc chặt, kinh doanh xuất sắc, lại hát hay, nhảy giỏi. Linh vô cùng năng động. Tuy mới vào IBM nhưng cuộc sống của chúng tôi trở nên bận rộn hơn nhiều kể từ khi Linh trở thành một phần của IBM.

Phụ nữ có cần hệ thống hỗ trợ (về tinh thần lẫn vật chất) khác so với nam giới để có thể thành công trong việc kinh doanh và giữ được cân bằng giữa công việc và cuộc sống không?

Chị Thanh Hảo: Nam giới họ có những thước đo thành công trong kinh doanh và cuộc sống rất khác phụ nữ. Nếu so sánh thì khập khiễng lắm. Theo tôi, phụ nữ nên hiểu rõ hoàn cảnh thực tế, “biết mình biết ta” sẽ biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống, từ đó sẽ biết phát triển bản thân tốt hơn theo chiều hướng nào. Suy cho cùng, khái niệm thành công là do mình quyết định chứ không phải xã hội đem đến cho mình.

Chị Kiều Linh: Nhìn ra bên ngoài IBM, Việt Nam nói chung có những chính sách bảo hộ nữ giới khá tốt trong môi trường làm việc. Tuy nhiên, việc cần thay đổi là nhận thức, từ nhận thức của các nhà quản lý cho tới xã hội về vai trò của người phụ nữ. Đã từ lâu rồi, có quá nhiều gánh nặng đặt lên vai nữ giới nói chung, và tầm quan trọng của nữ giới vẫn thường xuyên bị đặt sau nam giới, từ đó dẫn tới hệ quả là các công việc chiến lược, các vị trí lãnh đạo… luôn bị dè chừng và cân nhắc nhiều hơn trước khi trao cho một người phụ nữ. Thu hẹp lại môi trường công sở, chắc chắn, khi những người phụ nữ có sự tin tưởng, sự tôn trọng và được đối xử công bằng với các đồng nghiệp nam giới, sẽ tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển của doanh nghiệp và toàn xã hội.

Nghiên cứu về cân bằng giới tính trong ngành công nghệ thông tin của Tek Expert vào năm 2019 cho thấy: – 78% chia sẻ việc có các nhà lãnh đạo nữ nổi bật là rất quan trọng. – 61% thấy rằng nếu thiếu những hình mẫu nữ lãnh đạo thành công, sẽ có ít phụ nữ xin việc trong ngành CNTT hơn nam giới.

Nhóm thực hiện

Bài: H Tôn

Ảnh: Rose Nguyen

Trang điểm: Nam Duy, Huỳnh Nguyễn, Giang Ngọc Linh

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)