[ELLE Voice] Mandy Nguyễn: Giới hạn lớn nhất của phụ nữ là chính mình
Suy ngẫm về hành trình cá nhân và vị thế của nữ giới trong khối ngành kinh doanh – khoa học – công nghệ, Mandy Nguyễn đúc kết rằng rào cản thành công lớn nhất chính là niềm tin giới hạn vào bản thân.
Mandy Nguyễn là cái tên không còn xa lạ trong cộng đồng doanh nhân khởi nghiệp và đổi mới – sáng tạo. Cô hiện đang giữ chức Giám đốc Vận hành Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Startup Vietnam Foundation). Với tư duy nhạy bén và tinh thần “vì bạn, vì Việt Nam” (for you, for Viet Nam), cô nhiều lần đại diện nước nhà trong các dự án trao đổi nguồn lực, thiết lập mạng lưới quốc tế. Năm 2023, cô tiếp tục được tin tưởng giao trọng trách làm trưởng BTC Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia (TECHFEST) và trưởng nhóm cố vấn triển khai Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge).
Động lực nào đã giúp chị vượt qua trở ngại và vững bước trên con đường sự nghiệp hiện nay?
Tôi đã kinh qua nhiều loại công việc và nắm giữ nhiều vị trí khác nhau trong các tổ chức đa ngành. Đến một thời điểm, tôi rơi vào khủng hoảng vì không xác định được đam mê và mục đích sống của mình là gì. Tôi biết đến Startup Vietnam Foundation (SVF) ngay trong giai đoạn ấy và quyết định đầu quân khi được biết quỹ ra đời nhằm mục tiêu hỗ trợ cộng đồng. Cũng từ đó, tôi gọi tên được thiên hướng của mình là muốn giúp đỡ và chăm sóc con người.
Bản chất hành trình của SVF là chuyển hóa con người và tổ chức. Công việc nào cũng có những thách thức riêng, nhưng động lực giữ tôi vững bước cùng SVF là được chuyển hóa và phát triển từng ngày qua mỗi dự án đổi mới – sáng tạo. Từ khi tiếp nhận vị trí Giám đốc Vận hành, tôi càng hiểu rằng cái trần của mình là cái trần của tổ chức chứ không phải ngược lại. Bằng cách cải tiến bản thân, mình có thể nâng tầm tổ chức mình đang dẫn dắt.
Là một lãnh đạo nữ làm việc trực tiếp và thường xuyên trong môi trường khoa học – công nghệ, thách thức lớn nhất chị phải đối mặt là gì?
Ngay từ buổi đầu sự nghiệp, tôi đã là người nữ hiếm hoi trong ban lãnh đạo. Khi tôi bày tỏ những ý kiến có vẻ gần gũi với tính nữ như cần cẩn trọng, suy xét, quản lý rủi ro… sẽ bị cho là không có tinh thần dấn thân, thậm chí bị phớt lờ. Đã có những lúc tôi tự hoài nghi chính mình và không dám lên tiếng nữa. Quả thực, trong một môi trường làm việc nam trội hơn, phụ nữ thường khó hòa nhập. Tôi đã mất khá nhiều thời gian để quan sát và thấu hiểu căn nguyên của cảm giác này. Sau đó, tôi nhận ra rằng vấn đề không đến từ bên ngoài mà từ nội tại. Khi tôi biết trân trọng từng khía cạnh khác nhau của mình và thôi định khung bản thân, thế giới cũng rộng mở với tôi hơn.
Bàn về vấn đề “nam trội” trong ngành công nghệ, chị thấy tỷ lệ nhân lực nam – nữ làm công nghệ ở Việt Nam hiện nay có chênh lệch nhiều không? Lý do đằng sau thực trạng ấy là gì?
Có một sự thật thú vị là tỷ lệ nữ doanh nhân ở Việt Nam mặc dù vẫn ít hơn nam giới, nhưng lại cao hơn mặt bằng chung thế giới. Điều này cũng đúng trong nhóm ngành công nghệ. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, nữ giới chiếm 37% tổng nhân lực ngành khoa học – công nghệ Việt Nam, trong khi tỷ lệ tương tự trên thế giới chỉ là 25%. Đây là dấu hiệu đáng mừng nhưng vẫn còn cần cải thiện.
Theo tôi, có 3 lý do chính dẫn đến sự chênh lệch tỷ lệ này: Đầu tiên, định kiến xã hội rằng khoa học – kỹ thuật – công nghệ phù hợp với đàn ông hơn đã giới hạn phụ nữ ngay từ giai đoạn ươm mầm, khiến họ khó tiếp cận các cơ hội học tập. Nếu quyết tâm bước vào sự nghiệp công nghệ, họ lại tiếp tục bị giới hạn từ khâu tuyển dụng cho tới lộ trình phát triển chuyên môn và thăng tiến. Thứ hai, văn hóa “làm ăn” – tức là làm việc phải đi đôi với ăn uống, gặp gỡ, giao du – thường mạnh hơn trong các môi trường nhiều nam. Điều này cũng gây khó khăn cho phụ nữ khi cần mở rộng mối quan hệ đối tác, hay cân đối giữa yêu cầu công việc và đời sống riêng tư. Thứ ba, lý do quan trọng nhất, là sức cản nội tại của phụ nữ. Không áp lực xã hội nào có thể cản trở bước tiến của phụ nữ bằng chính áp lực họ tự gây ra cho mình.
Chúng ta có thể làm gì để giúp phụ nữ phá bỏ niềm tin bị giới hạn và tham gia nhiều hơn vào những lĩnh vực mà họ vẫn là thiểu số như khoa học – công nghệ?
Trong quá trình cố vấn thiết kế và tổ chức chương trình “Phụ nữ hợp tác – Kiến tạo tương lai” (Co4Growth Futuremakers) nhằm hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tôi nhận thấy nữ doanh nhân Việt không hề thiếu sót về mặt kiến thức hay kỹ năng. Chướng ngại lớn nhất với họ là không tin mình xứng đáng được hỗ trợ. Tôi phải nói đây là sự tự ti không có cơ sở. Thực tế, nghiên cứu quốc tế chứng minh rằng doanh nghiệp do nữ làm chủ có tỷ lệ sống sót và thành công cao. Hơn nữa, khi phụ nữ được trao quyền và cơ hội để phát triển trong bất kỳ nhóm ngành nào, họ cũng sẽ tái đầu tư nguồn lực cho gia đình và xã hội.
Nâng cao nhận thức để phụ nữ tự tin vào chính họ và những thiên tính vốn là thế mạnh như khả năng kết nối hay sự tỉ mỉ, chu đáo… là bước đầu của mọi thay đổi. Phụ nữ biết “hiểu” và “thương” lẫn nhau sẽ tạo ra nền tảng phát triển rất vững chắc. Chưa bao giờ là muộn, để chuẩn bị cho tương lai, chúng ta có thể ươm mầm tư duy mới cho các bé gái ngay từ hôm nay.
Nhìn về tương lai, trí tuệ nhân tạo (AI) đang và sẽ là câu chuyện công nghệ quan trọng được thảo luận, nghiên cứu trên quy mô toàn cầu. Với riêng chị, AI nên được nhìn nhận thế nào?
Làn sóng AI cũng như các làn sóng công nghệ khác, chỉ có thể tiếp tục đi tới chứ không dừng lại vì bất cứ lý do gì. Vì thế, tôi nghĩ giờ đã qua thời điểm bàn việc có dùng AI hay không, mà là nên dùng AI như thế nào? Làm sao để loài người có thể chung sống hài hòa và bền vững với trí thông minh nhân tạo?
Hiện nay, người dùng AI có lẽ chủ yếu thuộc về hai trường phái: giải trí đơn thuần hoặc tận dụng để nâng cao hiệu suất, hiệu quả công việc. Quyền lựa chọn thuộc về mỗi cá nhân, miễn chúng ta hiểu đúng bản chất vấn đề là con người đang bước vào một vòng xoáy công nghệ vừa nhanh vừa khó dự đoán. Tăng cường nhận thức về AI là cần thiết để chúng ta đối diện với vùng tối một cách bình tĩnh, sáng suốt chứ không rơi vào hai thái cực là hoảng sợ hoặc chủ quan. Với các chuyên gia AI, nếu có cơ hội làm việc trong những tổ chức sáng tạo và dẫn dắt làn sóng công nghệ này, hãy gieo những hạt giống nhận thức tích cực để giữ AI phát triển đúng hướng có ích cho xã hội.
Theo chị, sự phát triển của AI có thể tác động lên tương lai ngành công nghệ vã xã hội Việt Nam như thế nào?
Người Việt có tinh thần dám thử và ứng dụng cái mới, cũng như có độ mở cao khi nói đến lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, thách thức của chúng ta là sau quá trình thử nghiệm, khám phá, phải tập trung để phát triển chiến lược và tạo ra được quy trình số hóa chuẩn mang tầm quốc gia. Với AI cũng không ngoại lệ. Tôi tin rằng ở những thị trường trẻ và nhiều tiềm năng như Việt Nam, AI sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển tốt với điều kiện nhận thức toàn dân về công nghệ nói chung, AI nói riêng được nâng cao. Các cuộc thi thúc đẩy và kêu gọi sáng kiến công nghệ như TECHFEST hay Vietnam Innovation Challenge sinh ra là để góp phần vào nỗ lực chung đó.
Chị đã áp dụng những chiến lược nào cho đội nhóm của mình để bắt kịp làn sóng công nghệ thần tốc này?
Kim chỉ nam của tập thể SVF là “lấy con người làm cốt lõi”. Vì vậy, văn phòng SVF People Innovation Center (Trung tâm Đổi mới Con người của SVF) không phải là không gian nghiên cứu với máy móc công nghệ cao, mà là sân chơi của những con người đổi mới – sáng tạo. Công nghệ luôn chuyển động, nếu tìm cách đuổi theo, ta sẽ hụt hơi. Do đó, chúng tôi tập trung vào nhiệm vụ nền tảng là chuyển đổi tư duy con người.
Tại SVF, chúng tôi không chỉ thường xuyên tổ chức các hoạt động đào tạo nội bộ mà còn tích cực cập nhật và thử nghiệm những xu hướng công nghệ mới. Gần đây, chúng tôi hỗ trợ đưa ứng dụng AI Blue Callom – Innovation Management Saas vào quản trị đổi mới – sáng tạo cho các tập đoàn quản trị thực thi ESGs. Blue Callom là nền tảng công nghệ do tỷ phú Thụy Sĩ Axel Schultze cùng nhiều chuyên gia công nghệ hàng đầu châu Âu sáng lập.
Cảm ơn Mandy vì đã chia sẻ tầm nhìn của chị với độc giả ELLE Việt Nam.
Bài: Hải Âu
Ảnh: NVCC