Chào Anh Minh. Rất vui khi bạn và Saigon Soul Revival đã dành thời gian cho ELLE Việt Nam dù lịch trình tương đối bận rộn. Hãy bắt đầu với những ngày xưa thân ái. Đâu là cơ duyên để các thành viên gặp nhau?
Đã là “cơ duyên” thì sẽ có gì đó rất đỗi tình cờ, nhưng sự tình cờ của chúng tôi cũng đầy… “sắp đặt”. Khoảng 8 năm trước, 2 thành viên Gabriel Kaouros người Đảo Síp và Indy Jeremy Vinh Laville người Pháp gốc Việt đã cùng chơi nhạc ở một quán bar trên đường Lý Tự Trọng. Ngay đêm hôm đó, Jan Hagenkoetter – người chuyên thu thập, sưu tầm các ca khúc Việt Nam vàng son một thuở – cũng có mặt ở đó. Trùng hợp là anh cũng đang muốn thành lập một ban nhạc tại nước ta để biểu diễn các ca khúc thuộc dòng nhạc Sài Gòn thập niên 1960, 1970 cũng như sáng tác những bài hát mới có màu sắc tương tự. Vậy là Saigon Soul Revival được hình thành và Jan là quản lý của chúng tôi cho đến hiện nay.
Âm nhạc chủ đạo của nhóm có màu sắc của những âm thanh từng hiện diện ở Sài Gòn trước năm 1975. Nhóm có thể chia sẻ rõ hơn về phong cách này?
Như các bạn đã biết, trước năm 1975, miền Nam Việt Nam tương đối nhộn nhịp với Rock’n’Roll, Soul… Có thể nói, âm nhạc Sài Gòn lúc này chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Thời đó, có một ban nhạc rất nổi tiếng là CBC. Họ sáng tác những ca khúc mới mang đậm phong cách Tây phương nhưng lại viết bằng tiếng Việt. Đó cũng là cách mà chúng tôi đang thực hiện.
Việc các thành viên trong nhóm đến từ nhiều nơi cũng phản ánh sự hội nhập và giao thoa của Sài Gòn thuở ấy. Có khó để mọi người tìm thấy tiếng nói chung không?
Những bài hát thuở ấy tuy có linh hồn là nhạc Việt nhưng cũng chịu nhiều ảnh hưởng của chất Soul và Rock’n’Roll từ phương Tây. Vì vậy, với Indy hay Gabriel, họ sẽ mang yếu tố Tây phương vào cách chơi một cách tự nhiên hơn. Còn về phần lời, khi viết, tôi cũng cố gắng tái hiện phong cách ngày xưa, tức là bài hát kể được câu chuyện trọn vẹn từ đầu đến cuối và có chất thơ ẩn hiện trong đó. Cách gieo vần cũng được chú ý mà nếu nghe kỹ, bạn sẽ nhận ra.
Trong tên nhóm có từ “Sài Gòn”, màu sắc âm nhạc cũng là “họa âm xưa”. Thành phố này có ý nghĩa thế nào với các bạn?
Đó là một nơi vô cùng quan trọng – nơi chúng tôi gặp nhau, chơi nhạc cùng nhau cho đến ngày nay. Tất cả thành viên đều mặc định Sài Gòn là cái nôi của chúng tôi. Nói về điều này, chúng tôi có một ca khúc là “Nào ta cùng hát” rất được yêu thích. Đây là một ca khúc vô cùng “Sài Gòn”. Riêng với Anh Minh, tuy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi thấy con người miền Nam nói chung và người Sài Gòn nói riêng rất dễ thương, hiền lành và đặc biệt là rất hiếu khách.
BÀI LIÊN QUAN
Trong các chuyến lưu diễn, Saigon Soul Revival cảm thấy người nước ngoài có phản ứng như thế nào với màu sắc âm nhạc của nhóm?
Wow. Câu này phải trả lời bằng cảm giác ngạc nhiên! Lần đầu tiên chúng tôi “xuất ngoại” là đi trình diễn ở một lễ hội âm nhạc của Đức. Lần ấy, tôi rất bất ngờ và tự hỏi vì sao những người nước ngoài này lại biết và hát theo nhạc của mình? Họ nhún nhảy và có thể nói là biết hầu hết các khúc của chúng tôi. Ở một lễ hội âm nhạc quốc tế có hàng chục nghìn người tham dự, việc khán giả reo hò cuồng nhiệt, nhún nhảy, hát theo khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì mình được yêu mến bởi những người không cùng đất nước, không cùng ngôn ngữ.
Tôi nghĩ việc các bạn thêm nhạc cụ dân tộc vào nhiều ca khúc chắc hẳn cũng nhằm mang lại cảm giác mới lạ cho nhóm khán giả này?
Khi nhắc đến yếu tố “dân tộc”, đó chắc chắn là điều khiến bất kỳ người Việt Nam nào cũng tự hào. Ý tưởng đưa nhạc cụ dân tộc vào ca khúc là do Jan đề xuất. Anh ấy cho rằng, trước năm 1975, nhạc cụ dân tộc từng được sử dụng rất nhiều – như trong cải lương chẳng hạn – và vì thế, cần có một yếu tố âm thanh mà chỉ cần nghe qua là biết ngay: đây là nhạc Việt.
Với Saigon Soul Revival, trong các ca khúc sáng tác mới, chúng tôi thường đưa nhạc cụ dân tộc vào, không chỉ để giới thiệu với khán giả quốc tế “tinh thần nhạc Việt” chúng tôi đang cố gắng gìn giữ, mà còn vì bản thân chúng tôi muốn lưu giữ chất dân tộc trong phong cách âm nhạc mà nhóm đang theo đuổi.
Vậy đâu là giá trị cốt lõi mà nhóm muốn gửi gắm đến khán giả nghe nhạc của mình?
Tôi tin rằng bất cứ ban nhạc hay ca sĩ nào khi ra mắt sản phẩm cũng đều gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình vào những “đứa con tinh thần”. Chúng tôi mong muốn đưa dòng nhạc từng vang lên ở Sài Gòn – nhưng nay đã gần như biến mất – trở lại một lần nữa. Qua đó, chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp: cần phải khôi phục những gì thật sự hay và đẹp, và “nhạc vàng” chính là một phần trong số đó. Với chúng tôi, đó là giai đoạn vàng son của âm nhạc, chứ không phải là những ca khúc ủy mị như cách nhiều người vẫn hay hiểu lầm.
Gần như “độc đạo” trên con đường khai thác màu sắc âm nhạc này, các bạn có khi nào cảm thấy bản thân “một mình một cõi”?
Cảm ơn bạn vì cụm từ “một mình một cõi” (cười). Thật ra, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến điều này. Cả 5 người đều muốn làm hết sức mình để mang đến cho khán giả những giai điệu hay, có thể khiến họ thích thú. Đúng là bây giờ, tại Việt Nam, dường như không có nhóm nhạc nào chơi đa dạng thể loại như chúng tôi, nhưng tôi cũng biết được rằng đang ngày càng có nhiều ban nhạc dấn bước vào con đường này. Đó là một điều rất vui khi được chứng kiến!
Sau 2 album rất được đón nhận, khán giả đang nóng lòng thưởng thức những sản phẩm mới của nhóm. Bạn có thể tiết lộ dự án sắp tới không?
Sắp tới, chúng tôi ấp ủ thực hiện album thứ ba, hoặc ít nhất sẽ ra mắt một đĩa đơn gồm khoảng hai ca khúc. Về chất liệu âm nhạc, lần này chúng tôi sẽ tập trung vào Rock, nhưng kết hợp với một loại nhạc cụ dân tộc – điều này xin phép được giữ bí mật. Tôi tin rằng khi biết đó là gì, các bạn sẽ rất bất ngờ, bởi hai yếu tố này thoạt nghe tưởng như không thể dung hòa. Qua đó, chúng tôi cũng muốn khẳng định rằng Saigon Soul Revival không giới hạn trong một dòng nhạc cụ thể. Nhóm luôn sẵn sàng thử nghiệm với nhiều thể loại để làm mới chính mình.
Cảm ơn các bạn.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Thuận Phát
Ảnh: NVCC