Vì sao bạn chọn chất liệu sơn dầu để thực hành nghệ thuật? Ở chất liệu này có điều gì đặc biệt mà bạn cảm nhận được?
Sơn dầu không giới hạn hành động vẽ lại chất liệu, cho phép mình triển khai ý tưởng tự do hơn. Sơn linh hoạt giống như điêu khắc và có khả năng hòa trộn màu sắc phong phú. Độ dày mỏng của sơn cũng cho ra những hiệu ứng rất khác nhau. Không bao giờ là quá muộn để thay đổi ý tưởng khi vẽ vì mình luôn có thể cạo bỏ lớp sơn cũ và thay bằng lớp sơn mới. Khi xử lý phác thảo trên toan, đó cũng là lúc mình tìm ra được nhiều khía cạnh mới mà mình chưa từng nhìn thấy. Mình sẽ cứ tiếp tục lặp đi lặp lại trải nghiệm qua các lớp sơn dày hơn, nặng hơn cho đến khi điểm dừng hoàn hảo xuất hiện vào một thời điểm quan trọng.
Thế giới nội tâm, cảm xúc, suy nghĩ của bạn được gửi gắm như thế nào bên dưới bề mặt của lớp sơn? Thông qua ngôn ngữ hội họa, bạn muốn kể câu chuyện gì?
Mình dựa vào màu sắc để mô tả cảm giác trong tranh để từ đó đi tìm sự đồng cảm với người xem tranh. Tranh của mình luôn mang sự giằng xé giữa tâm hồn và cuộc sống bên ngoài, những chơi vơi đôi khi không thể nói ra.
Những suy nghĩ và chuyển động ý thức đeo đuổi những ảo ảnh ở bên trong. Việc đưa ra ý tưởng và thể hiện nó đôi khi cũng là một thử thách, khi mình phải cân bằng giữa thực hành bản năng hay lý trí, giữa niềm tin nghệ thuật từ bên trong hay bị ảnh hưởng từ bên ngoài. Việc lựa chọn đối tượng, chủ đề cũng là mối bận tâm của mình trong nhiều năm theo đuổi con đường hội họa.
Thực hành vẽ là một quá trình chinh phục chiều sâu của kinh nghiệm. Khi bắt đầu, các bức tranh bị ám ảnh về việc mô tả lại hiện thực cuộc sống nhưng về sau, nó lại đòi hỏi cái tôi và ý niệm ẩn chứa bên trong nó. Tác phẩm nghệ thuật như cửa sổ tâm hồn có khả năng thể hiện tình cảm một cách dạn dĩ. Mình rất hay trăn trở và băn khoăn: “Liệu bức tranh đã phản ánh đúng suy nghĩ của mình chưa?”. Nếu chưa ưng ý, mình sẽ vẽ đi vẽ lại cho đến khi đạt được điều mình muốn.
Bạn từng chia sẻ rằng hội họa mang đến cho bạn “một sự kết nối về văn học, âm nhạc, chính trị, triết học xã hội”. Bạn có thể nói rõ hơn về điều này?
Những khía cạnh trong văn hóa xã hội đối với mình đều có mối liên hệ nâng đỡ, bổ trợ cho nhau. Văn học, âm nhạc cho ta xúc cảm, những câu chuyện có khả năng đưa trí tưởng tượng của chúng ta xuyên biên giới. Khả năng lay động và xây dựng thế giới quan khiến ta luôn cảm thấy mình là một phần của cộng đồng nào đó, có sự đồng cảm về tinh thần và khao khát cất tiếng nói. Nó tạo cho mình một lý tưởng, một suy nghĩ dấn thân.
Âm nhạc và hội họa giống nhau về bản chất nhưng khác nhau ở hình thức bộc lộ ra bên ngoài. Đôi khi dịu dàng, đôi khi sôi động, mạnh mẽ… nhiệm vụ của người họa sĩ là tạo ra một bản nhạc với sự nhịp nhàng mà vẫn hàm chứa câu chuyện hay thông điệp muốn gửi gắm.
Trong triển lãm “Giải phóng nghệ thuật: Điểm giao của Thể Hiện Sáng Tạo” do 11:11 d’Artistes tổ chức, bạn sử dụng chất liệu sơn dầu để tái hiện khung cảnh cuộc sống và đã có rất nhiều hình ảnh phụ nữ xuất hiện. Hình ảnh người phụ nữ thường được đặc tả như thế nào trong tranh của bạn và vì sao bạn chọn lối thể hiện này?
Mình thích những gam màu mạnh tựa như bảng màu đất nung, màu của lửa hoặc nước. Nó đem đến sự rực rỡ và biểu hiện tính cách, mong muốn chống lại những định kiến áp đặt vào cuộc sống của mình. Mình muốn được tự chủ trong mọi trải nghiệm, cả những thất bại, những bài học mà từ đó mình có thể rút ra kinh nghiệm để hoàn thiện bản thân. Mình thích xây dựng hình ảnh người phụ nữ tự chủ nhưng không đánh mất đi vẻ mềm mại vốn có.
Là một nghệ sĩ nữ, thách thức lớn nhất bạn phải đối mặt trong lĩnh vực này là gì?
Đó là khẳng định mình là ai và làm sao để những ý tưởng thoát ra ngoài một cách có hình thù. Đôi khi, những thứ trong hình dung rất dễ hữu hình hóa, nhưng đôi khi lại không thể kiểm soát. Thỉnh thoảng, bản năng nữ tính và tính cách hướng nội cũng khiến mình cảm thấy rụt rè và cản trở việc thể hiện tiếng nói của mình. Nhưng chính vì không thể hiểu hết bản thân nên mỗi lần thực hành sáng tác lại là cơ hội để một điều mới mẻ xảy ra, cho mình cơ hội khám phá chính mình sâu sắc hơn.
Có bao giờ bạn cảm thấy bị hạn chế cơ hội hay phải chịu thiệt thòi vì định kiến giới trong sáng tạo chưa?
Không riêng gì phụ nữ, cả hai giới đều phải chịu những định kiến riêng. Tuy nhiên, mình thấy rằng tính nam và tính nữ trong thế giới hiện đại đang có sự di chuyển linh hoạt và dần được xóa mờ ranh giới. Trong sáng tạo, mọi thứ luôn tự do. Mình xem định kiến là một phần phải có trong quá trình đấu tranh để thể hiện lý tưởng, là điều kiện để mình đặt ra vấn đề và tự hỏi rằng liệu mình có sẵn sàng để giải quyết nó không, mình có chấp nhận bị đánh bại bởi những định kiến của chính mình hay của người khác không?
BÀI LIÊN QUAN
Theo quan sát của bạn, mối quan tâm chung của cộng đồng nghệ sĩ nữ tại Việt Nam hiện tại là gì?
Điều mà mình thấy rõ nhất hiện nay là phụ nữ Việt Nam đang dần tự giải phóng mình khỏi sự áp đặt của xã hội về vai trò cố định của người phụ nữ. Họ hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật, điện ảnh, sân khấu, âm nhạc, đời sống để tôn vinh giá trị của người phụ nữ và thể hiện sự tự chủ trong cuộc đời mình.
Có người phụ nữ nào giúp đỡ, dẫn dắt hoặc truyền cảm hứng cho bạn trên hành trình nghệ thuật?
Phụ nữ Việt Nam thời đại này đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong tư tưởng. Họ dám yêu, không ngại dấn thân, không ngại theo đuổi ước mơ và đặc biệt là họ đang không ngừng củng cố thêm địa vị của người phụ nữ. Khi mình còn bé, một điều gì đó đã thôi thúc mình khát khao đi xa hơn nữa để trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”. Trên chặng đường khẳng định bản thân, mình đã gặp rất nhiều phụ nữ, họ đã giành thế chủ động trong việc được yêu, được tôn trọng. Đó là những người phụ nữ không đi một mình, họ mang theo những đứa trẻ, những tư tưởng, hoài bão và suy nghĩ “cứ làm rồi sẽ được”. Và mình nghĩ, “ồ, cô ấy thật nhiều năng lượng tích cực”, để mỗi lần cảm thấy lạc lối giữa Sài Gòn, sau mỗi cuộc trò chuyện, họ lại làm người thắp lửa khi mình không tìm thấy hướng đi.
Mình quen cô Hải, một giáo viên tiếng Anh, người đã làm thay đổi tư duy của mình về giới hạn của tuổi tác. Thật khó để hình dung một người phụ nữ quá siêng năng ở tuổi 70, khi mà danh sách chinh phục những dự định trong cuộc sống của cô dường như vẫn còn rất nhiều. Nhìn cô giống như một sinh viên đang “chạy deadline”, nhưng vô cùng phiêu lưu và hấp dẫn. Cô đi nhiều nơi và gửi ảnh về cho mình, động viên mình rất nhiều về việc khám phá thế giới bên ngoài. Cô dạy mình cách đối mặt với tiêu cực, xóa đi tâm lý thổi phồng. Và chính những người phụ nữ với tâm hồn trẻ trung như vậy đã mang lại làm gió thanh xuân, thay đổi mình và mọi người xung quanh. Mỗi khi đi du lịch xa về, cô lại chọn một tấm ảnh ưng ý nhất để vẽ làm kỷ niệm – một người không biết gì về vẽ nhưng lại rất yêu vẽ, và khi vẽ, cô dành cả tâm hồn mình cho nó.
Ngoài những người phụ nữ không ngại dấn thân, có nhưng người lại cho mình bài học về sự bền bỉ và hy sinh thầm lặng, đó là mẹ và bà ngoại mình. Không bay bổng quá xa như loài bồ công anh mà to lớn và vĩ đại như một cây đại thụ, họ có một tình yêu bao la và là điểm tựa tinh thần, vỗ về mình trong những “cơn sốt” gai người mà tuổi trẻ nào cũng phải trải qua trong khao khát bộc lộ chính mình.
Có khi nào bạn cảm thấy hoang mang với những lựa chọn của mình?
Có, có rất nhiều. Đó là khi thế giới nhân sinh quan của mình thay đổi theo những biến động của môi trường, hay những khi khó khăn đốn mất chỗ dựa tinh thần. Mỗi năm mình lại có một sự thay đổi tinh thần cực kỳ to lớn, và đôi khi, sự thay đổi trong nhận thức giống như thế cờ đột ngột mất đi một nước phòng vệ, khiến mình lúng túng. Nên mình thường xuyên tìm câu trả lời ở những người từng trải hơn, thậm chí, lúc bế tắc, mình còn đặt câu hỏi cho… Google – 80% vấn đề đều xuất hiện ở đó.
Hoang mang, với mình, là một tính hiệu nửa tốt nửa xấu. Xấu chính là đôi khi không cầm lòng được mà hoảng sợ trước những vấn đề quá xa lạ, không biết mình phải đi về đâu. Nhưng sau cùng, đó là một dấu hiệu tốt, rằng mình đang bước ra khỏi vùng an toàn, rằng hoang mang chỉ là một bản năng phòng vệ chính đáng mà não đang cố phóng ra để bảo vệ mình mà thôi.
Khi theo đuổi hội họa, có thời điểm mình phải thốt lên “trời ơi, tôi học vẽ để làm gì?”. Những chán chường, những vệt cọ giận dữ không có hình thù, những ngày lang thang và suy nghĩ rằng mình là một cô gái, mình đi xa như vậy để làm gì, đến một độ tuổi nào đó mình sẽ làm gì, mình cống hiến được gì? Rồi mình đi tìm câu trả lời. Đã từng có lúc phải mất rất lâu mình mới vượt qua được, nhưng sau này, khoảng thời gian ấy ngắn dần, thỉnh thoảng, chỉ trong vài phút mình đã nhận ra nỗi hoang mang và ngồi xuống vỗ về nó. Mình bắt đầu theo đuổi hội họa chỉ vì một lý do: vẽ là niềm vui. Mình chọn vẽ như một cách để truyền đạt những phần không lời của cuộc đời mình. Và khi mình còn lang thang rong ruổi để khám phá, “hoang mang” sẽ luôn một món quà tặng kèm, không thể thiếu được.
Là một nghệ sĩ trẻ và còn rất mới, bạn cần sự hỗ trợ như thế nào để có thể đạt được mục tiêu mà bạn mong muốn?
Mình cần thời gian và học hỏi nhiều hơn nữa từ người đi trước, tham gia nhiều triễn lãm và được tiếp xúc với nhiều kiểu thực hành nghệ thuật khác nhau. Mình rất tò mò rằng điều gì đã thôi thúc các họa sĩ khác tạo nên thế giới của chính họ. Càng đào sâu việc học, mình càng cảm thấy bản thân nhỏ bé và có quá nhiều điều mình chưa biết hết về chính mình cũng như thế giới bên ngoài. Không chỉ riêng bản thân mình, mình mong các nghệ sĩ nữ sẽ có nhiều cơ hội được hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện để chia sẻ tiếng nói của mình đến với công chúng nhiều hơn.
Cảm ơn những chia sẻ của Tuyền. Chúc bạn luôn thành công.
Nhóm thực hiện
Bài: Đ.T
Ảnh: NVCC