Làm thơ ở tuổi 20, nhận một số giải thưởng, có mặt trong tuyển thơ của một nhà xuất bản Pháp, rồi đột ngột từ bỏ văn chương để chuyển sang làm báo. Ngoài 30, trở thành chủ bút một tờ tạp chí văn hóa song ngữ cho giới elite, tạo bản sắc riêng, rồi cũng bỏ.
Những bước ngoặt của cuộc sống được đánh dấu bằng từ bỏ, cắt rời chứ không là chinh phục một chiến tích… Kín tiếng ngoài đời để lặn sâu, lộn trái mình trên những trang viết. Đó là những đường nét mà các bạn văn khắc họa về Phạm Tường Vân.
Cát Khuê là bút danh của Lê Thị Thái Hòa, tác giả 2 cuốn sách Café Với Người Nổi Tiếng – Interview Người Nổi Tiếng và các bài viết trong chuyên mục nhân vật, văn hóa nghệ thuật (điện ảnh) trên báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ từ 2006 đến nay.
Cuộc trao đổi của hai cây bút nữ trên ELLE kỳ này xoay quanh đề tài muôn thuở: đàn bà – và bản năng… yêu.
Phạm Tường Vân (PTV) Trong số nhà báo nữ viết về văn hóa nghệ thuật (vẫn được các nhà báo mảng khác gọi bằng cụm từ âu yếm pha chút ghen tỵ “nhà báo salon”), chị là một trong những gương mặt có được cả hai điều: độ sâu của bài viết và vẻ ngoài cuốn hút một cách riêng biệt. Chị đã tự đinh vị mình như thế nào?
Cát Khuê (CK) Tôi chưa bao giờ thấy mình “salon”. Tôi bắt đầu nghề báo chuyên nghiệp với việc viết cho một chuyên mục phỏng vấn nhân vật hàng tuần của báo Thanh Niên. Nghĩa là phải đi, phải gặp, phải tìm để có nhân vật hay ho, mới mẻ mà viết. Tôi luôn thấy mình ngợp trước tri thức.
Chính lý do này khiên tôi luôn cẩn trọng, biết lắng nghe và biết phải cố mà tìm, đọc, hiểu nhiều hơn mức yêu cầu của một bài viết. Tôi không bao giờ cho phép mình xuất hiện nhàu nhĩ trước mặt nhân vật của tôi dù đó là ai.
Cảm ơn vì chữ “cuốn hút riêng biệt” mà chị có nhã ý dành cho tôi. Nhưng nó lại nhắc nhở tôi về một người đàn ông tôi yêu, có lần nói: Em được nhìn nhiều bởi vì em lạ, chứ em không hấp dẫn đến thế đâu… Tôi biết đó là lời chê, nhưng tôi lại thấy hài lòng.
PTV Thế giới đã đổi thay, trong mắt nửa còn lại của thế giới, lợi thế của các nhà báo nữ có vì thế mà khác đi chăng?
CK Lợi thế lớn nhất cũng là điểm yếu nhất của nhà báo nữ là đi nhiều, gặp nhiều, tưởng là biết nhiều mà nhiều khi không thấu đáo thành ra thường khó thu xếp một cuộc sống hạnh phúc. Bạn tôi hay đùa rằng các em nhà báo ngồi trong xe một đại gia thì mơ đạp xe với một nam sinh trong đêm hoa sữa Hà Nội chẳng hạn… Khó chiều và giàu ảo tưởng.
PTV Những người đàn ông trong thế giới mà chị tiếp xúc là người của công chúng, nếu không tài năng thì cũng có cái gì đó nổi bật, họ có khiến cái nhìn của chị về một nửa kia của thế giới lung linh hơn hay trần trụi đi không?
CK Trần trụi hơn thì chính xác. Họ… chán lắm! Quẳng cái vòng nguyệt quế rực rỡ mà họ đang có, là một người đàn ông bình thường họ thậm chí còn chán hơn những người đàn ông bình thường khác. Thế nên họ ít dám sống thật mà thường đeo mặt nạ.
Tôi biết không ít bạn bè của mình đã từng thất vọng đến bẽ bàng khi nhận ra người đàn ông bình thường đầy khiếm khuyết của hình ảnh hào hoa kia khi chỉ cần đóng cánh cửa phòng ngủ lại.
Ngày xưa, khi còn non trẻ, tôi cũng hay thần tượng hóa, mơ mộng hão huyền lắm, nhưng bây giờ thì tôi không quan tâm đến anh nào cả, nếu đó không phải là người đàn ông của tôi. Khi đã không quan tâm thì chuyện họ có tài năng xuất chúng, lung linh hay trần trụi là chuyện của người khác rồi.
PTV Chị có thấy dù rất cổ điển nhưng hình như “cụ” Rhett Butler vẫn có sức hút khó cưỡng đối với phụ nữ thế kỷ XX thì phải?
CK Cô gái mới lớn nào chẳng mê mẩn Rhett Butler. Giống như cứ tin rằng một người đàn ông có hành xử nhiều phần phũ phàng với mình chắc chắn là một người đáng để mình níu kéo.
PTV Tôi nghĩ trong mỗi người đàn ông đều có một chàng Rhett, vấn đề là có đủ điều kiện để phát lộ ra không…
CK Vâng, thế là tôi đã già khi nhận ra chân lý đó. Nó cũng đơn giản như việc sau mỗi một thất bại ta gặm nhấm cay đắng và nghĩ rằng: lỗi tại mình tất cả. Nhưng hình như nghĩ thế, lại thấy sống tiếp dễ dàng hơn.
PTV Trong mỗi người phụ nữ hình như cũng đều có một nàng Scarlett… Thật ra, chị đã từng có một Rhett Butler trong đời chưa? Tỷ lệ đó chiếm bao nhiêu %?
CK Có chứ, chỉ một người duy nhất thôi, và thấy cũng đủ mệt lắm rồi! (Cười như nữ địa chủ mất mùa nhưng thuê được tá điền đẹp trai giá rẻ!). Có lẽ bởi tôi luôn chia thế giới thành hai nửa, một bên là người đàn ông tôi yêu và bên kia là tất cả “bọn còn lại” chăng?
PTV Lúc nãy chị nhắc đến một người đàn ông, đã tự tin nói với chị rằng: “Em được chú ý không phải vì em đẹp mà vì em lạ”. Chị “chết” vì cách nói mang phong vị của sự trải đời và sành Cái Đẹp này chăng?
CK Nếu lý giải được rành rẽ đến thế thì đã chẳng dại gì mà… anh dũng hi sinh! Tôi thì nghĩ người đàn ông tôi yêu khác tất cả bọn còn lại ở chỗ thay vì im lặng nghĩ mưu hoặc nói dối thì anh lại luôn chọn cách nói “huỵch toẹt” ra thôi! Tất nhiên, nếu không trải đời, không sành đời thì dễ gì đã làm tôi ngã ngựa?
PTV Nếu được chọn cho mình vài ưu thế thì giữa XINH và LẠ, giữa THÔNG MINH và TINH TẾ, giữa QUYỀN LỰC và GỢI CẢM, giữa THÀNH CÔNG và DUYÊN DÁNG, chị sẽ chọn gì?
CK À, đến tuổi này cũng đủ khôn để không ước mong những thứ vượt quá đầu, nên thứ tự sẽ là: lạ, tinh tế, gợi cảm, duyên dáng và nhiều khi sẵn sàng ném tất cả đi để đổi lấy ĐẸP!
PTV Nhưng chàng Rhett Butler trong Cuốn Theo Chiều Gió cũng cần có bối cảnh lịch sử đặc biệt của cuộc nội chiến xảy ra ở miền Nam nước Mỹ mới có dịp bộc lộ hết những góc cạnh trong tính cách… Vì thế, nói đàn ông thời này mờ nhạt có vẻ hơi thiếu công bằng, họ sẽ bào chữa rằng tại cuộc sống đơn điệu quá?
CK Đàn ông Việt cơ bản là chán (cũng có thể vì thời này họ không còn mang theo súng nữa?) Nhưng họ là một phần của chúng ta. Đòi hỏi gì hơn được? Nói như Lep Tonstoi, có ai được chọn gia đình và tổ quốc khi sinh ra đâu?
PTV Theo tôi “đàn ông Việt Nam cơ bản là chán” là một nan đề. Vì chỉ có một thiểu số đòi hỏi cao, còn phần đông phụ nữ Việt Nam đang định vị mình quá thấp?
CK Tôi nghĩ mình có quyền đòi hỏi. Còn nếu không được, thà rằng tôi ở giá như thế đến hết đời.
PTV Vậy ta hãy nói chút ít về số đông phụ nữ còn lại, số người chọn XINH thay vì riêng biệt ấy. Khi một người phụ nữ tách khỏi sự riêng biệt, là cô ấy tự nguyện đặt mình vào thế chờ được lựa chọn thay vì chủ động chọn lựa.
CK Một anh bạn tôi từng nói: một người đẹp và một cô gái điếm khi đã đứng đường thì cũng ngang nhau. Vì giá trị lúc đó phụ thuộc vào gu của khách.
PTV Qua trào lưu nâng mũi, tắm trắng, cắt mí mắt, nhuộm tóc vàng… gần đây, tôi thấy hơi bi quan về gu thẩm mỹ của đàn ông Việt Nam.
CK Một Rhet Butller khác lại khẳng định: “Đàn bà sửa sang sắc đẹp là vì họ nghĩ cho họ, vì chính sự sĩ diện của riêng họ. Sẽ khó kiếm một người đàn ông dễ dàng chấp nhận người đàn bà của mình mang trên người quá nhiều đồ giả”. Chị thấy đó, đàn bà thật ngốc nghếch làm sao.
PTV Tôi thì đổ cho quy luật cung – cầu. Tôi từng viết vui thế này: Sau lưng người đàn ông mắc bệnh sĩ là người đàn bà phẫu thuật thẩm mỹ.
CK Chị nghĩ sao nếu người đàn ông của chị đột nhiên chọn đúng type phụ nữ mà chị vừa nêu, thay vì riêng biệt như chị?
PTV Bảo bối của tôi là một câu “thần chú”: “tha thứ cho nàng vì nàng đẹp, tha thứ cho chàng vì chàng già chưa đều” (cười lớn). Nói vậy, chứ tôi sẽ quăng câu thần chú này ngay, nếu gặp một Rhett Butler đích thực.
Nhóm thực hiện
Bài: Lạc Tiên - Ảnh: Cafe Trầm