Xin bắt đầu với 2 cuốn sách của ông là “Sài Gòn không phải ngày hôm qua” (2016) và “Sài Gòn Then & Now – Sài Gòn hai đầu thế kỷ” (2017). Quá trình viết về Sài Gòn của ông đã bắt đầu như thế nào?
Từ những năm 1980, tôi đã làm báo và viết về Sài Gòn. Do từng học Sử nên tôi thường được phân công viết những đề tài có liên quan đến con người và thành phố này. Tuy nhiên, vì báo chí thường gắn liền với sự kiện đang diễn ra nên tôi không có nhiều thời gian để tập trung viết về những điều xưa cũ. Hai cuốn sách bạn nhắc đến ra đời sau năm 2015, khi tôi có nhiều thời gian hơn để quay lại với chuyên môn Sử học và bắt đầu chú ý đến những điều đã mất và đang dần phôi phai. Sau hai quyển sách trên, tôi vẫn thường xuyên viết về các vấn đề văn hóa, di sản, trong đó có nhiều bài viết liên quan đến Sài Gòn.

Vì sao ông lại quan tâm đến vùng đất này?
Trước tiên, tôi viết với tình cảm của một người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, nhưng song song đó, cũng bởi giờ đây tôi đã bước vào độ tuổi 60, thời điểm con người ta không chỉ nhìn về tương lai mà còn đoái trông quá khứ. Đó là quy luật của thời gian! Sinh ra ở đây, tôi và thế hệ của mình chắc hẳn cũng từng bật lên những câu hỏi về gốc gác, quê hương. Lúc ấy vẫn có sách của các học giả Vương Hồng Sển, Sơn Nam… nhưng thời thanh niên còn biết bao thứ – học tập, làm việc, kiếm sống, yêu đương… nên sự quan tâm dành cho vấn đề lịch sử không quá nhiều. Dẫu vậy, nó vẫn luôn là một món nợ!
Tôi nghĩ nhiều thế hệ bạn bè của tôi đã và đang viết về Sài Gòn như anh Phạm Công Luận, Cù Mai Công… hoặc thậm chí trước đó nữa, mỗi người đều có một vùng ký ức, một mảng hoài niệm không ai giống ai. Do đó, ngoài việc khám phá quá khứ của nơi mình sinh ra và lớn lên, tôi còn muốn được chia sẻ cùng mọi người những suy ngẫm về dòng đời, về dòng thời gian đã qua. Đến tuổi này, tôi muốn chia sẻ nhiều hơn những gì mà bản thân nhận được, để qua đó, tôi cũng muốn học hỏi thêm nữa. Nhiều người gọi tôi là nhà “Sài Gòn học”, nhưng tôi nghĩ mình chỉ đang “học Sài Gòn” mà thôi, bởi Sài Gòn là một “trường học“ rất lớn, với nhiều điều đặc biệt!
Sự đặc biệt của Sài Gòn là gì? Chẳng hạn, khi nhắc về thành phố này, đâu là hình ảnh hiện lên đầu tiên trong ông?
Ấn tượng mỗi thời mỗi khác, lúc đi học, đi làm, yêu đương… không thể nào giống nhau. Nhưng tôi nghĩ trong tim tôi và cũng có thể là cả thế hệ chúng tôi, có 2 hình ảnh rất đặc biệt khi nghĩ đến nơi này.
Đầu tiên là sông Sài Gòn. Chúng ta sống trong một đô thị lớn với mật độ dày, do đó, nếu không có sông Sài Gòn, chắc người Sài Gòn sẽ “bực bội” lắm (cười)! Nói về lý do, phải đến khi tìm hiểu tôi mới nhận ra Sài Gòn là một kinh đô sông nước. Cũng xin bật mí, tôi đang biên soạn một cuốn sách có chủ đề “Sài Gòn – Kinh đô sông nước”. Đúng với tựa sách, Sài Gòn đầu tiên là “kinh đô” – một nơi trù phú, từng được vua chọn đặt kinh thành; một thành phố lớn với nhân tài, vật lực tụ cả về đây. Sau đó, nó có tính sông nước vì thành phố này có cả sông lẫn biển.
Thử so sánh một chút. Nếu Hà Nội có Hồ Gươm ấn tượng, nhìn là nhớ ngay, thì Sài Gòn cũng có Bến Bạch Đằng. Và khi đứng trên cầu Ba Son, ta có thể nhìn thấy quang cảnh rất hấp dẫn là hai bên bờ sông (mà người xưa gọi là Vàm Bến Nghé) chạy dài từ khu vực Ba Son đến cảng Khánh Hội. Ngày xưa mẹ tôi hay đưa tôi ra đây để ngắm những con tàu hải quân, rất nhộn nhịp. Giờ cảng đã dời đi, nhưng bước sang thế kỷ 21, ta lại có Bến Bạch Đằng!
Ấn tượng thứ hai là chợ Bến Thành. Chúng ta có nhiều phố xá thương mại nhưng cũng không thể thiếu chợ. Không những là trung tâm mua bán mà chợ Bến Thành còn sở hữu kiến trúc đặc biệt với tháp đồng hồ vững chãi, gần giống với một pháo đài. Và đúng như vậy! Chữ “Bến Thành” tự nó đã gợi ý cho chúng ta điều này. Ngày xưa, nơi đây từng có tòa thành, và đây là “bến” để đi vào tòa thành đó.
Ông vừa nhắc đến một công trình kiến trúc rất tiêu biểu của thành phố. Ông cũng từng có một cuốn sách mang tên “Kiến trúc Pháp – Đông Dương: Dấu tích Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông”. Có phải ông chọn kiến trúc để tạo nên sự khác biệt so với các nhà “Sài Gòn học” khác khi viết về nơi này?
Thật ra, tôi không chỉ viết về kiến trúc, nhưng lĩnh vực này luôn hiện diện trong các bài viết của tôi vì vai trò đặc biệt của nó. Người ta thường gọi kiến trúc là di sản vật thể, nhưng với tôi, trong đó còn chất chứa cả giá trị phi vật thể. Trong kiến trúc vừa có tâm tính, linh hồn, vừa có công nghệ, thiết kế, văn hóa, con người… Mỗi công trình là một thành quả, là kết tinh của tinh hoa đô thị. Kiến trúc cũng cần được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ có nhà cửa mà còn là công viên, đường phố, dinh thự…, thậm chí là cả quy hoạch đô thị nữa.
Kiến trúc là thứ ta tiếp xúc đầu tiên – có thể nhìn bằng mắt, chạm bằng tay, thậm chí bước sâu vào bên trong. Và nếu chịu khó khám phá, ta sẽ nhận ra biết bao câu chuyện ẩn giấu trong đó. Kiến trúc là một trong những hình ảnh tiêu biểu của đô thị, là gương mặt của thành phố. Cho nên càng tìm hiểu thì sẽ càng thấy có nhiều điều lý thú!
BÀI LIÊN QUAN
Ông có thể nói rõ hơn về đặc trưng kiến trúc của Sài Gòn?
Trước đây, người ta thường gọi chung là kiến trúc thuộc địa, kiến trúc Đông Dương hoặc đơn giản là “nhà Tây” để phân biệt với “nhà ta”. Nhưng qua quá trình tìm hiểu, tôi nhận ra kiến trúc Sài Gòn có thể chia thành bốn nhóm chính. Đầu tiên là kiến trúc Pháp – Đông Dương, nơi yếu tố Pháp chiếm ưu thế và được pha trộn với một vài chi tiết bản địa. Những công trình tiêu biểu thuộc nhóm này là Tòa án thành phố, Bưu điện trung tâm, Nhà thờ Đức Bà… Nhóm thứ hai là kiến trúc Pháp – Việt, với ảnh hưởng Việt Nam rõ nét hơn, thường thấy ở các ngôi nhà cổ ở Nam Kỳ. Nhóm thứ ba là kiến trúc Pháp – Hoa, do cộng đồng người Hoa đông đảo và có ảnh hưởng mạnh tại Sài Gòn. Những dinh thự thuộc nhóm này thường mang chi tiết cung đình, bài trí theo phong thủy. Tiêu biểu là Bảo tàng Mỹ thuật – vốn là tư dinh của “chú Hỏa”, thương nhân Hui Bon Hoa nổi tiếng một thời. Cuối cùng là kiến trúc hỗn hợp Pháp – Việt – Lào – Campuchia mà tòa nhà Bưu điện thành phố là một ví dụ, với phần diềm mái trang trí các họa tiết như rắn thần Naga, hoa sen, lúa, rồng, cá chép…
Nghe tới đây, không khó để nhận ra Sài Gòn là một thành phố của sự hòa trộn!
Đúng vậy. Sài Gòn là vùng đất đậm đặc yếu tố giao hòa Đông – Tây, nơi văn hóa Pháp giao thoa với văn hóa bản địa gồm Việt, Hoa và Khmer. Chỉ riêng cộng đồng người Việt ở đây thôi đã có đủ ba miền Bắc – Trung – Nam. Trước khi người Pháp đến đây, vùng đất này đã có sự lui tới của người Bồ Đào Nha, Hà Lan… để truyền đạo, giao thương. Rồi đến thời Pháp thuộc, Sài Gòn thu hút thêm người Hoa di dân từ Trung Quốc, người Ấn Độ, người từ các nước Âu Mỹ đến sinh sống và làm ăn. Tất cả các kiều dân ấy đã góp thêm tính quốc tế cho môi trường bản địa.
Không chỉ trong kiến trúc, ẩm thực Sài Gòn cũng rất đa dạng với bánh da lợn của người Khmer, bánh bông lan của người Pháp, hủ tiếu Nam Vang… Có thể nói, những gì đến với Sài Gòn đều thay đổi, tân trang, chỉnh sửa để trở thành phiên bản mới. Trên thế giới, những đô thị lớn thường mang tính đa văn hóa, điều đó không có gì lạ. Nhưng với Sài Gòn, sự đa dạng không phải là “lai căng” mà là nguồn lực, là sự giàu có nội tại – bản lĩnh của một thành phố biết hấp thụ để đổi mới.
Sài Gòn quả thật là vùng đất đặc biệt. Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ sâu sắc này!
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Thuận Phát
Ảnh: NVCC, Ở đâu cũng chụp