[ELLE Voice] Phương Linh & Sức mạnh chữa lành từ mỗi cái chạm
Trị liệu thông qua chuyển động của cơ thể là phương pháp chữa lành đã được thế giới sử dụng hơn 70 năm nay nhưng chưa thực sự phổ biến rộng rãi.
Trên cả việc nhảy múa đơn thuần, phương pháp trị liệu này sử dụng chuyển động cơ thể để kết nối toàn bộ cơ thể và tâm trí, góp phần làm giảm những triệu chứng không mong muốn ở một số bệnh. Hoạt động trong ngành nghệ thuật múa nhiều năm, hiện tại Phương Linh còn đảm nhiệm công việc giảng dạy tìm tòi sáng tạo trong chuyển động cơ thể tại Việt Nam. Từ trải nghiệm cá nhân, kiến thức tích lũy và nghiên cứu trong thời gian dài, Phương Linh sẽ chia sẻ thêm đến bạn đọc về liệu pháp chữa lành bằng chuyển động cơ thể.
Ở Việt Nam, nhảy hay múa thường được biết đến như bộ môn thiên về biểu diễn, còn để chữa lành đối với người Việt mình vẫn còn tương đối xa lạ. Linh có thể chia sẻ rõ hơn về liệu pháp này?
Cấu tạo của mỗi người khác nhau, nên công cụ để chữa lành cũng rất khác nhau để phù hợp với từng người. Sẽ có người nhạy về mùi hương nên sử dụng liệu pháp tinh dầu; có người nhạy về thính giác nên âm nhạc là công cụ tốt nhất; lại có người nhạy về ngũ quan, màu sắc thì vẽ là phương pháp tuyệt vời để biểu lộ cảm xúc. Đối với những người hoạt bát khó ngồi yên được, họ có thể sử dụng phương pháp chuyển động (movement therapy) tập trung vào hơi thở và tâm trí để quay về với cơ thể của chính mình.
Khác với các phương pháp trị liệu truyền thống, chuyển động tập trung phần lớn vào cơ thể con người. Trong xã hội hiện đại, khi chúng ta làm việc chủ yếu trong môi trường văn phòng, tập trung vào sử dụng bộ não mà hầu như bỏ quên đến ¾ chức năng của cơ thể không sử dụng đến. Các bài tập tôi đưa ra sẽ hướng đến các chuyển động “chạm”, giúp tương tác, liên kết và cảm nhận toàn bộ cơ thể của mình.
Nên nhớ rằng, cơ thể vật lý và tâm trí là một thể thống nhất có mối tương quan mật thiết với nhau. Hầu hết mọi người chỉ sử dụng phương pháp tập trung vào hơi thở mà quên đi trọng lượng do lực Trái đất tác động lên cơ thể. Những thay đổi trong chuyển động có thể giúp điều hòa cảm xúc, cải thiện ý thức và đàn hồi cho bộ não.
Từng có nhiều năm hoạt động là một diễn viên múa, mối duyên nào đưa Linh đến với công việc chữa lành bằng chuyển động cơ thể như hiện nay?
Song song với khoảng thời gian là diễn viên múa, tôi cũng làm công việc liên quan đến giáo dục và đào tạo. Hầu hết các bạn thanh thiếu niên đến với chương trình của tôi đều có sang chấn tâm lý từ những rạn nứt trong gia đình hay vấn đề xã hội. Trong suốt 9 năm đó, chứng kiến nhiều nỗi đau, tôi luôn xoay mòng bản thân mình trong những câu hỏi “vì sao”.
Bản thân tôi có một thời điểm gặp biến cố, mất hết tất cả và rơi vào khủng khoảng. Rồi tôi gặp một người thầy, thầy hỏi tôi có hạnh phúc không? Tôi chợt nhận ra bấy lâu nay cảm xúc của tôi luôn phụ thuộc vào người khác, dù là buồn hay vui. Nếu như không thể tự điều khiển được cảm xúc của mình, liệu có được gọi là hạnh phúc?
Suốt ba năm tìm hiểu về các phương pháp chữa lành, tôi nghĩ sao mình không tận dụng những ưu thế sẵn có, kết hợp nghệ thuật múa với kinh nghiệm làm giáo dục để cho ra phương pháp hỗ trợ chữa lành bằng chuyển động cơ thể, vừa là giúp người khác, vừa là giúp chính mình.
Nhiều người khi mới bắt đầu còn khá e ngại vì sợ dáng mình không đẹp trong mắt của người khác, nhưng mỗi người có những chuyển động khác nhau phù hợp với cơ thể của họ. Quan trọng là cần tập trung lắng nghe khám phá cơ thể chính mình. Đây cũng là một cách hỗ trợ giúp họ lấy lại sự tự tin để sử dụng cơ thể một cách hiệu quả nhất.
Linh có thể chia sẻ rõ hơn về những tác động của các chuyển động giúp chữa lành cả về cơ thể vật lý lẫn tâm trí con người?
Trước tiên, tôi cho rằng mọi người đừng quá mưu cầu hay đặt nhiều kỳ vọng vào chuyển động cơ thể, rằng nó có thể chữa mọi bệnh tật. Đây chỉ là một phương pháp bổ trợ và có hiệu quả tốt hơn khi kết hợp với những phương pháp khác như chế độ ăn uống lành mạnh, rèn luyện tập trung vào hơi thở… Mọi giác quan, nhận thức, cảm xúc và suy nghĩ đều có ảnh hưởng lên cơ thể và cách chúng ta chuyển động trong không gian. Bằng cách quan sát những chuyển động đó, ta có thể hiểu về trạng thái tâm lý ẩn đằng sau nó.
—
Các chuyển động mà chúng ta làm cũng có sức mạnh thay đổi trạng thái tâm lý, khơi gợi lại những điều bị kìm nén, giải phóng sự tự do, khơi thông dòng chảy sáng tạo và tái cấu trúc lại bộ não của mình.
Mặt khác, khi chuyển động, cơ thể gồm các hạt vật chất cũng chuyển động tạo ra các nguồn năng lượng. Có những nghiên cứu đo đạc cho thấy, khi năng lượng xuống mức 20 sẽ dễ gây ra bệnh trầm cảm, thậm chí có ý nghĩ tự tử. Vì vậy, các chuyển động sẽ làm tăng nguồn năng lượng giúp tinh thần sảng khoái hơn. Bên cạnh đó, trong cơ thể người có 7 luân xa, khi chuyển động và tập trung hơi thở lên các điểm này, chúng sẽ mở ra và hút năng lượng vào, truyền đến các giác quan và não bộ khiến chúng ta vui vẻ, thoải mái, tràn đầy sức sống hơn.
Trong mỗi lĩnh vực đều có quy luật riêng, vậy nguyên tắc hoặc những bước cơ bản trong trị liệu bằng chuyển động cơ thể là gì?
Chúng ta đều có thể bắt đầu bằng những bước chuyển động đơn giản nhất là tập trung và quan sát hơi thở. Với những người mới bắt đầu, tôi hướng dẫn họ bước chuyển động tròn. Vạn vật chuyển động trong vũ trụ đều theo chu kỳ, năng lượng cũng vậy.
Có một điều quan trọng, trước khi bắt đầu chuyển động, mọi người nên quan sát không gian xung quanh mình có những vật thể gì, bởi bất kỳ vật thể nào cũng đều có trường năng lượng nhất định. Chúng ta làm nóng không gian bằng cách tương tác với các vật thể tạo thành sự liên kết. Nếu bỏ qua bước này, khi chuyển động dễ khiến các khớp trong người mình đóng băng dẫn đến hiệu quả không cao.
Khi chuyển động trong không gian, bạn phải chú tâm quan sát bộ phận cơ thể nào tiếp xúc với vật thể nào, ví dụ như sàn nhà, màn cửa… Ngay cả ánh nhìn cũng là một cách trao đổi năng lượng. Khi không gian xung quanh nóng lên, bạn chỉ cần thả lỏng, hít thở thật sâu, cùng với sự hỗ trợ của âm thanh để từ từ cảm nhận cơ thể. Âm thanh ở đây có thể là khúc nhạc bạn thích, tiếng chim hót hoặc một loại âm thanh quen thuộc khiến bạn thoải mái.
Sau đó, bạn chạm nhẹ lên tóc, trán, các ngón tay, đến bàn tay, cánh tay… Sự “chạm” này rất quan trọng, nó gần như là một nghi thức khơi gợi lại cảm xúc, khiến ta cảm thấy nâng niu, trân trọng từng bộ phận cơ thể. Nghe thì đơn giản nhưng để có thể quan sát và cảm nhận được dòng năng lượng trong cơ thể, bạn phải thực hành rất nhiều lần và trong một thời gian dài.
—
Nếu có thể thực hành “chạm” như vậy mỗi ngày, bạn sẽ dần thấy mình đẹp hơn và yêu cơ thể mình nhiều hơn.
Một số tác dụng tích cực của phương pháp trị liệu bằng chuyển động cơ thể
• Đối với trầm cảm: Nghiên cứu của tạp chí The Arts in Psychotherapy cho thấy các chuyển động có thể hỗ trợ khơi gợi cảm xúc trong cơ thể như buồn bã, sợ hãi, giận dữ và cả hạnh phúc, giúp thấu hiểu bản thân và điều hòa cảm xúc.
• Đối với Parkinson và Alzheimer: Nghiên cứu từ Alzheimer’s Care Today (2009) cho thấy chuyển động cơ thể đòi hỏi khá nhiều sự vận dụng kết hợp cả thể chất và nhận thức. Do đó không chỉ giúp cải thiện cơ bắp, sức khỏe mà còn giúp hỗ trợ trí nhớ, đẩy mạnh khả năng tập trung và xử lý thị giác trong không gian.
• Nghiên cứu từ American Journal of Dance Therapy (2004) cho thấy liệu pháp chuyển động cơ thể có thể giúp ngăn chặn bạo hành giữa người với người và các hành vi vì cộng đồng gia tăng.
• Một nghiên cứu từ American Journal of Dance Therapy đề cập rằng trị liệu bằng chuyển động cơ thể có thể là một lựa chọn để điều trị cho trẻ em có chứng bệnh tự kỷ và điều trị bệnh thừa cân ở trẻ em dựa vào sự phối hợp về mặt xã hội, thể chất và tâm lý.
Bài: Quỳnh
Ảnh: NVCC, Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE