[ELLE Voice] Suzanne Lecht: Đến Việt Nam, tôi như trở về quê hương tinh thần của mình

Đăng ngày:

Là một người con xứ cờ hoa, Suzanne Lecht luôn xem Việt Nam là quê hương tinh thần của mình. Trong suốt 30 năm gắn bó với mảnh đất này, với vai trò là Giám đốc nghệ thuật của phòng tranh Art Vietnam, bà luôn miệt mài lan tỏa, kết nối các giá trị văn hóa, nghệ thuật đương đại của Việt Nam với cộng đồng nghệ thuật quốc tế như một cách bày tỏ lòng yêu mến và biết ơn với xứ sở đã đón nhận và cho bà những trải nghiệm khó quên trên hành trình nghệ thuật.

Điều gì đã đưa bà đến Việt Nam và lựa chọn xây dựng sự nghiệp nghệ thuật lâu dài ở đất nước này?

Quyết định đến Việt Nam của tôi như sự sắp đặt kỳ diệu của số phận, cũng có thể nói, đó là hành trình đưa tôi về lại quê hương tinh thần của mình. Suốt một năm sau khi chồng tôi qua đời ở Tokyo vào năm 1992, tôi đã chìm trong đau khổ. Và rồi một người bạn của tôi, Mary Walsh – nhà sản xuất cho hãng tin CBS tại Tokyo vào thời điểm đó – đã đưa cho tôi một ấn phẩm Tạp chí Đầu tư Việt Nam số 8/1993. Trong đó, tôi đọc một bài báo được thực hiện bởi nghiên cứu sinh tiến sĩ Nora Taylor có tựa đề Art’s Gang of Five: Nhóm năm người tổ chức triển lãm chung lần thứ ba về nghệ thuật từ trái tim. Khi nhìn thấy tác phẩm của những nghệ sĩ trẻ tài năng ấy, tôi vô cùng bất ngờ, những tác phẩm xuất sắc và tràn đầy hy vọng như thế lại đến từ một quốc gia đã trải qua quá nhiều đau thương, khiến tôi cảm thấy rằng nỗi đau của mình dường như chẳng là gì cả. Tôi nghĩ, mình có thể đến đất nước xa lạ này, tạo cầu nối gắn kết giữa Mỹ và Việt Nam bằng các tác phẩm nghệ thuật táo bạo, tràn ngập sắc màu hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Một tháng sau, vào tháng 01/1994, tôi đặt chân đến Hà Nội. Giấc mơ của tôi bắt đầu từ đó, và cho đến tận 30 năm sau, tôi vẫn cảm thấy biết ơn vì mình đã đến nơi này.

nghệ thuật giám đốc nghệ thuật Suzanne

Bà nhận thấy phong cách nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam và các nghệ sĩ khác ở châu Á có những điểm tương đồng và khác biệt nào? Đâu là những yếu tố chủ yếu làm nên sự khác biệt đó, dưới góc nhìn của bà? 

Các nghệ sĩ Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ phong cách nghệ thuật Pháp – yếu tố khiến các tác phẩm nghệ thuật của họ khác biệt so với các nghệ sĩ khác ở khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, sự ảnh hưởng từ phong cách thủy mặc của Trung Hoa, nghệ thuật thư pháp kết hợp cùng nền văn hóa lâu đời và hiện đại ở Việt Nam đã tạo ra những hình thái nghệ thuật độc đáo, thể hiện sự giao thoa hài hòa giữa Đông và Tây. 

Theo quan điểm của bà, đâu là những điểm mạnh có thể giúp nghệ thuật Việt Nam tiếp tục phát triển và thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế? Trong suốt hành trình nghệ thuật của bà ở Việt Nam, liệu có những thay đổi lớn nào trong cách cộng đồng quốc tế đánh giá và đón nhận nghệ thuật Việt Nam?

Tôi cảm thấy việc sử dụng thường xuyên các câu chuyện lịch sử và kể những câu chuyện văn hóa bằng nhiều phương tiện khác nhau là một thế mạnh vượt trội của nghệ thuật Việt Nam.

Đất nước này bị cô lập 20 năm trong quá trình phát triển của Internet. Do đó, việc thiếu tiếp xúc với thế giới bên ngoài đã tạo điều kiện cho quan điểm và phương thức biểu đạt của riêng họ phát triển. Khi tôi mới đến đây vào năm 1994, hầu hết các quốc gia trên thế giới vẫn nhìn nhận Việt Nam là một đất nước đã trải qua cuộc chiến tranh bi thảm. Chỉ có người Pháp mới hiểu rõ về văn hóa của quốc gia này. Tuy nhiên, khi đất nước tiến hành cải cách mở cửa, cách nhìn của cộng đồng quốc tế về Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng. Vào đầu những năm 2000, các nghệ sĩ Việt Nam đã tham dự các chương trình lưu trú nghệ sĩ quốc tế và tham gia triển lãm rộng rãi ở các nước trên thế giới. Ngày nay, Việt Nam được xem là một trong những nền văn hóa – nghệ thuật đương đại thú vị nhất ở Đông Nam Á và vị thế của quốc gia này vẫn tiếp tục phát triển.

suzanne lecht nói về nghệ thuật Việt Nam

Trong suốt 30 năm qua, bà đã nỗ lực đưa nền nghệ thuật đương đại Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Bà nhận thấy nền nghệ thuật Việt Nam đã thay đổi như thế nào kể từ ngày đầu bà đặt chân đến quốc gia này? Và bà nhận định như thế nào về vị trí của nghệ thuật Việt Nam hiện nay?

Như tôi đã đề cập, Việt Nam đang phát triển rất nhanh trong mắt thị trường nghệ thuật quốc tế. Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt đã xuất hiện ở các nhà giá quốc tế và những triển lãm quan trọng như Venice Biennale, Documenta… 

Tuy nhiên, một số triển lãm và nhà đấu giá nêu trên vẫn đang quảng bá và quan tâm đến các tác phẩm gốc thuộc thời kỳ Đông Dương. Vì vậy, các tác phẩm nghệ thuật đương đại cần phải được quảng bá để đến gần hơn với cộng đồng quốc tế. 

Trong suốt thời gian làm việc với các nghệ sĩ tại Việt Nam, bà nhận thấy những xu hướng nghệ thuật đặc biệt nào đang phát triển và gây chú ý trong thời gian gần đây?

Nghệ thuật quay video, nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật ý niệm đang phát triển rất nhanh và các tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật này của các nghệ sĩ Việt Nam đang được triển lãm rộng rãi, đặc biệt là ở Mỹ và châu Á. Sự ra đi của người nghệ sĩ tài ba Đỉnh Q. Lê và những tác phẩm nghệ thuật đột phá của anh ấy gợi nhắc về những nỗ lực ban đầu của chính anh và rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam khác nhằm thu hút sự chú ý và công nhận của công chúng về các loại hình nghệ thuật này. Tác phẩm video ở thời điểm hiện tại của Nguyễn Trinh Thi, tác phẩm sắp đặt, điêu khắc và video của Nguyễn Tuấn Andrew, tác phẩm đa diện của Đinh Q Lê chỉ là một vài ví dụ tiêu biểu về nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh nghệ thuật toàn cầu. 

Bà đã từng làm việc với nhiều nữ nghệ sĩ Việt Nam. Trong quá trình tương tác với họ, bà nhận thấy những chủ đề nào thường được họ quan tâm và thể hiện trong các tác phẩm của mình?

Những nữ nghệ sĩ luôn cống hiến hết mình cho sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam nhưng trên thị trường nghệ thuật quốc tế, các tác phẩm của họ chỉ mới được công nhận gần đây.

Theo trải nghiệm và quan sát của tôi, các tác phẩm nghệ thuật đương đại của những nữ nghệ sĩ như Đặng Thị Khuê, Đinh Thị Thắm Poong, Đinh Ý Nhi, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Bạch Dân, Nguyễn Thị Trinh Lê, Lý Trần Quỳnh Giang đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế từ đầu những năm 90. Triển lãm vòng quanh thế giới Changing Identity: Recent works by women artists from Vietnam (Thay đổi nhân dạng: Những tác phẩm mới nhất của các nữ họa sĩ Việt Nam) được tổ chức ở Trung tâm Triển lãm Văn hóa tại Manila vào năm 1999 và được giám tuyển bởi Tiến sĩ Nora Taylor lừng danh ở Đông Nam Á là một trong những va chạm đầu tiên của các nữ nghệ sĩ này với thị trường nghệ thuật quốc tế. Các chủ đề được thể hiện trong các tác phẩm của họ chủ yếu là sự nhận thức về tình mẫu tử và địa vị của người phụ nữ trong xã hội, đức tin, những câu chuyện cá nhân về cuộc đời họ cũng như số phận con người. Những tác phẩm này cho thấy được lối tư duy sâu sắc, khả năng phân tích của những nữ nghệ sĩ và những cảm xúc mạnh mẽ mà họ muốn gửi gắm. 

suzanne lecht nói về nghệ thuật Việt Nam

Theo quan sát của bà, liệu có những thách thức đặc biệt nào mà các nghệ sĩ nữ phải đối mặt trong lĩnh vực nghệ thuật?

Tôi cảm thấy các nghệ sĩ nữ chưa bao giờ nhận được sự quan tâm đúng mực hay được các tổ chức uy tín trên thế giới chú ý nhiều như các nghệ sĩ nam. Điều này vốn dĩ đã quá quen thuộc trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại nhưng hiện tại, công chúng đã chú ý đến họ nhiều hơn. Theo truyền thống ở châu Á, phụ nữ phải ở nhà chăm sóc gia đình, vì vậy, họ phải sắp xếp thời gian và nỗ lực rất nhiều để theo đuổi nghệ thuật. Tuy nhiên, một trong những điểm mạnh của phụ nữ là sự linh hoạt, khả năng thích ứng và thay đổi. Mặc dù các nghệ sĩ nữ phải đấu tranh để được công nhận nhưng khả năng nuôi dưỡng, giao tiếp và trực giác nhạy bén đã giúp họ định hướng và được công nhận trong giới nghệ thuật quốc tế.

Bà có nhận xét gì về sự phát triển của các nghệ sĩ nữ tại Việt Nam trong suốt thời gian bà công tác tại quốc gia này? Đâu là những xu hướng, phong cách đặc trưng hoặc thành tựu đáng chú ý mà bà nhận thấy ở họ? Có những câu chuyện truyền cảm hứng đặc biệt nào từ các nghệ sĩ nữ mà bà đã từng tiếp xúc?

Đối với tôi, triển lãm cá nhân đầu tiên của Đinh Ý Nhi vào năm 1995 tại trung tâm triển lãm Hội Mỹ Thuật Việt Nam ở Hà Nội là triển lãm ấn tượng nhất. Những tác phẩm táo bạo với những người phụ nữ được vẽ bằng những đường viền màu trắng trên nền giấy đen thể hiện nhiều loại cảm xúc từ tuyệt vọng, kinh hoàng, ngạc nhiên đến vui mừng. Vào thời điểm đó, những tác phẩm này thật sự mang tính đột phá. Chưa có nghệ sĩ nào dám mạnh dạn miêu tả những hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống như thế, đặc biệt là một nữ nghệ sĩ. Một triển lãm đáng chú ý khác là My Beauty in Love (Vẻ đẹp của tôi khi yêu) của Nguyễn Thị Châu Giang năm 2003 tại Art Vietnam Gallery. Những bức tranh với hình ảnh Giang mang thai đứa con đầu lòng, những tác phẩm thể hiện sự mâu mâu thuẫn nội tâm của người mẹ với bản sắc cá nhân và sự nghiệp nghệ thuật của chính cô đều được truyền tải bằng cách kể chuyện mang đậm màu sắc cá nhân, từ đó người xem có thể thấu hiểu về những vất vả mà các nữ nghệ sĩ phải đối mặt khi cố gắng tạo dựng không gian cho thế giới riêng của mình.

Triển lãm The Solitary World of Ly Tran Quynh Giang (Thế giới đơn độc của Lý Trần Quỳnh Giang) là một điểm nhấn đặc biệt đối với tôi. Những bức tranh khắc gỗ độc đáo với những vết khắc sâu mạnh mẽ màu đen mô tả một người phụ nữ bất chấp tất cả để đứng lên chống lại mọi quy chuẩn của xã hội. 

Cảm xúc của Nguyễn Thị Trinh Lê tại Art Vietnam Gallery là triển lãm mang tính tâm linh sâu sắc, là sự kết hợp giữa tư tưởng triết học, tâm linh của chính người nghệ sĩ với khả năng biểu đạt mạnh mẽ trong hội họa trên lụa và điêu khắc. Lấy cảm hứng từ Phật giáo Thiền tông, nghệ sĩ đã tạo ra những cuộn lụa mô tả hoạt động hằng ngày của các tu sĩ Phật giáo Thiền tông cùng với những bức tượng của họ được đúc bằng đồng.

Một trong những triển lãm gần đây nhất của Art Vietnam là triển lãm Gold in the Darkness (Vàng trong bóng tối)của Đinh Thị Thắm Poong vào năm 2022. Bằng kỹ thuật sử dụng chất màu tự nhiên đặc trưng trên giấy Dó thủ công, cộng với việc sử dụng thật nhiều vàng lá, Thắm Poong thể hiện di sản văn hóa Mường của mình trên nền cảnh quan siêu thực, thôi thúc người xem tìm kiếm những tia sáng xuất hiện từ trong bóng tối như cách chúng ta đang điều hướng cuộc sống của chính mình trong thời đại đầy khó khăn hiện nay.

Suzanne lecht

Theo bà, nền nghệ thuật Việt Nam sẽ đối diện với những thách thức gì trước sự phát triển vượt bậc của thế giới số hiện nay? Liệu có tiềm năng nào dành cho các nghệ sĩ Việt nói chung và các nghệ sĩ nữ nói riêng trong những năm sắp tới?

Việt Nam vẫn được xem là một quốc gia đã từng trải qua một cuộc chiến tranh khốc liệt, các nghệ sĩ đã tận dụng tối đa điều này để tạo ra những tác phẩm mang tính thời sự, khi chiến tranh đang là vấn đề nhức nhối và vẫn còn diễn ra trên thế giới. Bên cạnh đó, thời đại kỹ thuật số mang đến nhiều cơ hội để các nghệ sĩ Việt Nam quảng bá tác phẩm của họ trên toàn thế giới.

Việc những nghệ sĩ nữ chưa được nhìn nhận xứng đáng là điều mà các triển lãm và các nhà tổ chức trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm ở thời điểm hiện tại. Tôi nghĩ đây là thời điểm và cơ hội phù hợp nhất để các nghệ sĩ nữ thể hiện bản thân và nhận được sự công nhận xứng đáng từ công chúng.

Art Vietnam Gallery không chỉ là nơi lưu dấu hành trình nghệ thuật của bà ở Việt Nam, nó còn là không gian chứa đựng những giá trị tinh thần và tình yêu của bà dành cho văn hóa và con người Việt. Trong 30 năm hợp tác và đại diện cho 50 nghệ sĩ tại Art Vietnam Gallery, bà đã có những trải nghiệm đáng nhớ và cảm xúc sâu sắc nào liên quan đến nghệ thuật Việt Nam?

Đây luôn là chủ đề sâu sắc mà tôi thường suy ngẫm. Được làm việc với những nghệ sĩ Việt vô cùng tài năng là điều may mắn nhất mà tôi nhận được trong đời. Tôi rất biết ơn vì điều đó. 

Từ lúc tôi đặt chân đến Việt Nam vào tháng 1/1994, tôi đã cảm nhận được sự kết nối sâu sắc kỳ lạ với mảnh đất này. Thật sự, tôi cứ ngỡ như mình được trở về với quê hương tinh thần của mình vậy. Một số trải nghiệm đầy xúc động mà tôi đã từng trải qua đã bảo chứng cho niềm tin này. Nhưng có lẽ, triển lãm “Tôi nghe như thế này” (This is what I heard) của nghệ sĩ Lê Quốc Việt vào năm 2008 tại Art Vietnam Gallery là một trong những trải nghiệm đặc biệt nhất. art vietnam gallery

phòng tranh art vietnam gallery

Tôi bước sang tuổi 60 vào năm 2008. Tôi được sinh ra vào năm Tý – 1948, và Việt cũng được sinh vào năm Tý – 1972. Vào thời điểm đó, tôi và Việt đã làm việc với nhau 10 năm và cả hai đều truyền cảm hứng cho nhau. Chúng tôi đã lên kế hoạch triển lãm các tác phẩm của anh ấy nhiều năm trời và Việt đã quyết định thực hiện các tác phẩm nghệ thuật trên cuộn giấy dài 3m kết hợp với tác phẩm thư pháp, tranh vẽ, các bức phù điêu bằng giấy được chế tác cho nghiên cứu của Việt nằm trong quyển sách Đồ họa cổ Việt Nam cũng do chính anh chấp bút kèm theo một số con tem và con dấu Phật giáo cũ. Việt quyết định đặt tên cho triển lãm là “Tôi nghe như thế này”, bởi vì trong khoảng thời gian 10 năm sống trong chùa từ lúc 7 tuổi cho đến năm 17 tuổi, Việt đã học được rằng vì tất cả lời dạy của Đức Phật đều là khẩu truyền nên mọi văn bản Phật giáo đều bắt đầu bằng câu “Như thị ngã văn” (Tôi đã nghe như thế này).

Vì 60 năm tượng trưng cho cả một vòng đời nên Việt muốn tôn vinh ngày sinh nhật của tôi bằng cách làm 60 cuộn giấy. Tôi rất xúc động trước ý tưởng đẹp đẽ này.

Trên hành trình theo đuổi con đường thực hành Phật giáo của riêng mình, gần đây tôi đã đến Bhutan và gặp một nghệ sĩ Phật giáo Kami Wangdi đến từ Thimpu, Bhutan, người sở hữu một trung tâm nghệ thuật ở đó. Tôi mời Kama đến Hà Nội cư trú một tháng để cùng Việt làm một bánh xe cầu nguyện 9 tầng để bổ sung cho triển lãm. Họ đã làm việc cùng nhau để tạo ra một bánh xe cầu nguyện hoa sen 9 tầng tuyệt đẹp mà chúng tôi gắn trên đài phun nước ở sân trong của phòng trưng bày. Bánh xe cầu nguyện được đẩy đi xung quanh nhờ những du khách đến thắp nến và cầu nguyện. 3 chuyến xe buýt của chư Tăng từ ngôi chùa mà Việt từng lưu trú ở Thanh Hóa đến khai mạc triển lãm đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ nhất về tình yêu nhân loại và tâm linh mà tôi hằng mơ ước.

art vietnam gallery

Một góc không gian Art Vietnam Gallery.

Với vai trò Giám đốc Sáng tạo tại Art Vietnam Gallery, đồng thời là một người đại diện nghệ thuật và nhà tổ chức triển lãm, bà đã gặp phải những thách thức gì trong quá trình kết nối các nghệ sĩ Việt Nam với thị trường nghệ thuật quốc tế?

Vẫn còn rất nhiều thử thách nhưng tất nhiên, các vấn đề về tài chính khi tổ chức triển lãm và việc đạt được sự công nhận từ giới nghệ thuật là mối quan tâm hàng đầu của tôi. Một chiến lược mà tôi luôn áp dụng là cộng tác với các phòng trưng bày, tổ chức nghệ thuật và nhà sưu tập nghệ thuật để có cơ hội giới thiệu những nghệ sĩ của chúng tôi. Nắm bắt thời cơ và thể hiện những vấn đề mà thế giới đang quan tâm luôn là cách thức hữu hiệu để thu hút sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.

Thực hiện các triển lãm chuyên đề khác như trưng bày các tác phẩm nghệ thuật thư pháp đương đại với các tác phẩm mực trên giấy của nhiều quốc gia khác nhau là một cách hay để nâng cao nhận thức và sự chú ý của cộng đồng yêu nghệ thuật đến những yếu tố độc đáo của nghệ thuật Việt Nam.

Và tất nhiên, việc mô tả và lưu lại các tác phẩm được thực hiện bởi những nữ họa sĩ Việt Nam là niềm đam mê của tôi. Chúng tôi đang thực hiện một số bộ phim về các nghệ sĩ của mình và sẽ cố gắng đưa những bộ phim này đến các cuộc triển lãm của họ trên toàn thế giới.

suzanne lecht kết nối nghệ thuật

Bà Suzanne Lecht luôn nỗ lực kết nối nghệ thuật đương đại Việt Nam với thị trường nghệ thuật quốc tế.

 

Sắp tới, bà dự định sẽ làm gì để phát triển Art Vietnam Gallery, từ đó tiếp tục kết nối và quảng bá nghệ thuật đương đại Việt Nam với cộng đồng nghệ sĩ quốc tế?

Ở tuổi xế chiều, tôi vẫn đang chuẩn bị cho sự phát triển của phòng tranh Art Vietnam Gallery. Tôi vẫn sẽ tiếp tục tổ chức triển lãm và làm nghiên cứu khi còn có thể, nhưng tôi cũng đang lên kế hoạch để biến phòng tranh thành một trung tâm nghiên cứu và lưu trữ, nơi tập trung tạo ra các chuyên khảo về các tác phẩm của nghệ sĩ. Đồng thời, tôi cũng sẽ hợp tác với các tổ chức nghệ thuật khác để xây dựng một môi trường thúc đẩy trao đổi nghệ thuật trong các lĩnh vực văn học, hội họa, thơ văn, âm nhạc và những hình thức văn hóa nghệ thuật khác ở Việt Nam. Hiện, tôi cũng đang thực hiện một bộ phim và một cuốn sách về các nữ nghệ sĩ Việt Nam.

Tôi muốn truyền lại tất cả những phước lành mà tôi đã nhận được ở quốc gia xinh đẹp này và cho thế giới thấy rằng con người và đất nước mà tôi vinh dự được sống, trải nghiệm trong suốt 30 năm qua tuyệt vời như thế nào.

Cảm ơn bà rất nhiều vì đã chia sẻ cùng ELLE về tình yêu của mình dành cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Mong rằng hành trình nghệ thuật sắp tới của bà sẽ tiếp tục được lấp đầy bởi những kỷ niệm đẹp và trải nghiệm tích cực.

Nhóm thực hiện

Bài: Taylor

Hình ảnh: NVCC

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more