[Giải độc tâm trí P1] Khi tâm hồn bạn bắt đầu lên tiếng
[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 4/2018] Những năm gần đây, chúng ta nghe rất nhiều đến cụm từ “detox” (giải độc) để giảm cân, để thanh lọc cơ thể, vậy nhưng để có một cuộc sống chất lượng thì một cơ thể khỏe mạnh vẫn chưa đủ. Một tâm trí khỏe là điều rất quan trọng, có tác động lớn đến cuộc sống của mỗi người. Đáng ngại thay, nhận thức về các chứng liên quan đến rối loạn tâm trí vẫn chưa được cởi mở trong cộng đồng.
Theo thông tin của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm nhưng lại là bệnh phổ biến trên thế giới, ước tính gây ra khoảng 14% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Ở nước ta, kết quả điều tra quốc gia thực hiện gần đây nhất là năm 1999-2000 cho thấy tỷ lệ mắc 10 bệnh tâm thần thường gặp như: tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ ở người già, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên… chiếm khoảng 15% dân số (tương đương với 13,5 triệu người) mắc bệnh.
Ngày càng nhiều các vụ án như tự tử do trầm cảm, mẹ giết hại con, thanh niên thảm sát hàng loạt… mà chúng ta đọc trên báo hàng ngày là điều vô cùng đáng lo ngại. Vậy, phía sau những sự việc ấy là một hiện tượng hay là cả một quá trình mà những người trong cuộc đã mắc phải các chứng bệnh rối loạn tâm thần nhưng không thể gỡ bỏ bởi lý do chủ quan và khách quan. Người bệnh không dám thổ lộ bệnh tình và các cơ sở, các bác sĩ tâm lý, các chuyên gia tâm lý lại chưa được truyền thông đủ mạnh để người bệnh có thể biết và tin tưởng tìm đến.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, ELLE Việt Nam đã có cuộc trao đổi với 2 nhà sáng lập của dự án truyền thông “Mind Detox – Giải độc tâm trí”, anh Đinh Trần Tuấn Linh và chị Phạm Minh Hiền.
Chào hai bạn, dự án truyền thông “Mind Detox – Giải độc tâm trí” được sáng lập trong hoàn cảnh nào và với mục đích gì?
Đinh Trần Tuấn Linh: Trong khoảng thời gian 7 năm gắn bó với việc xem Tarot, tôi tiếp xúc với rất nhiều các bạn bị khủng hoảng tinh thần, sau đó tận mắt chứng kiến người thân yếu đuối dần, mất khả năng làm việc, giao tiếp với xã hội và hòa nhập với cộng đồng. Vì vậy, tôi muốn xây dựng dự án này để dành cho những người bị tổn thương, rối loạn tâm thần mà họ không biết tìm đến đâu để giải tỏa.
Mục tiêu của Giải độc tâm trí là nâng cao tiếng nói của các chuyên gia tâm lý, giúp cho chuyên gia có tiếng nói nhiều hơn để mọi người hiểu được rằng: Bệnh tâm lý là một bệnh thật sự. Việc đi khám không có gì là nghiêm trọng, đáng sợ, nặng nề mà mọi người hay nghĩ đó là vào nhà thương điên, trại tâm thần. Đó là chuyện cần thiết. Cơ thể cần được khám vậy thì tâm hồn, tinh thần cũng cần được khám.
Trong hơn một năm hoạt động, anh thấy các vấn đề về rối loạn tâm thần đang được xã hội này nhìn nhận ra sao, tính khả quan để thay đổi nhận thức thế nào?
Đinh Trần Tuấn Linh: Có thể nói đó là một sự may mắn khi Giải độc tâm trí được sáng lập trong lúc truyền thông đang hướng đến tâm lý học và các yếu tố cảm xúc của con người được đặt lên hàng đầu. Truyền thông đã giúp lan tỏa thông điệp một cách nhanh và mạnh mẽ khủng khiếp. Thế nhưng, đó cũng lại là con dao hai lưỡi khiến chúng tôi phải nhìn nhận lại. Liệu nó có trở thành vấn đề “hot” để gây ra những khủng hoảng, hoang mang không cần thiết hay không? Chúng tôi có nhận xét là sau khi tổ chức sự kiện về trầm cảm thì ngay lập tức 1 tháng sau đó báo chí nói liên tục về trầm cảm. Khi chúng tôi làm sự kiện về khủng hoảng tuổi ¼ cuộc đời thì ngay sau đó tất cả mọi người cùng khủng hoảng. Chính vì thế, cuối năm khi tổng kết, chúng tôi nhìn lại thì hình như với vấn đề này ở Việt Nam mà truyền thông mạnh quá, liên tục quá có khi lại làm nhân rộng những ảnh hưởng tiêu cực. Do đó, giải pháp trị liệu nhóm nhiều hơn với các chuyên gia tâm lý thay vì truyền thông rùm beng gây hoang mang sẽ là cách mà chúng tôi áp dụng trong năm nay. Do đó, để thay đổi nhận thức sẽ cần sự chung tay của các tổ chức, các chuyên gia và cách truyền đi thông điệp cũng phải thay đổi theo thực trạng tiếp nhận của xã hội.
Từ khóa “nỗi đau” đang được nhắc đến khá nhiều trong dự án truyền thông của Giải độc tâm trí. Vậy đó có phải là thực trạng ở Việt Nam? Theo các bạn, khi nào thì cần giải độc tâm trí và nó thực sự có tác dụng chứ?
Đinh Trần Tuấn Linh: Điều tồi tệ là, thậm chí khi nỗi đau ấy quá lớn mà họ không biết tìm đến đâu, tự kết thúc cuộc sống của mình hoặc trở nên trơ lì với mọi nỗi đau. Vậy khi còn biết đau là khi đó cơ thể còn đang sống. Chúng tôi mong rằng, đừng bao giờ để nỗi đau xuất hiện mới tự giải quyết, tự trị liệu. Trong quá trình xem Tarot, đa số mọi người sẽ hỏi về tình yêu, công việc và cuối cùng là sức khỏe. Điều đó cũng phản ánh người Việt mình không có thói quen phòng bệnh, mà đó là bệnh thể trạng còn bệnh tâm lý càng không. Do đó, tôi vẫn mong muốn là tốt nhất nên phòng, nếu phòng không được thì sơ cứu còn nếu sơ cứu không được nữa thì biết tìm đến nguồn cấp cứu tâm lý ở đâu. Mỗi một chứng bệnh như: rối loại lo âu, trầm cảm, trầm cảm sau sinh… lại có một liệu pháp riêng đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt.
Đối tượng nào đang tìm đến với giải độc tâm trí nhiều nhất?
Phạm Minh Hiền: Đó là giới trẻ, những lứa đầu tiên sử dụng mạng xã hội thường có nhiều đứt gãy trong các mối quan hệ xã hội, trong cảm xúc. Dễ trông vào các trường hợp thành công quá và cũng dễ sa vào các chuyện thất bại, tức là sống phụ thuộc vào thế giới ảo mà thiếu tương tác xã hội.
Cảm ơn các bạn đã chia sẻ!
Hai nhà sáng lập dự án “Mind Detox – Giải độc tâm trí”:
Đinh Trần Tuấn Linh: Giám đốc công ty Urah Network (công ty sản xuất các sản phẩm truyền thông và sản xuất nội dung sáng tạo), sáng lập Tada Project (dự án về Tarot và Astrology tại Việt Nam), sáng lập và thực hiện các dự án xã hội: Sakedemy (lớp học phát triển khả năng biểu đạt thông qua nói, viết, vẽ…), Mind Detox – giải độc tâm trí (dự án nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề rối nhiễu tâm lý), Tuva Communication (dự án thực hiện các hoạt động truyền thông cho các tổ chức xã hội ra cộng đồng)
Phạm Minh Hiền: đang học thạc sĩ Tâm lý học tại trường Đại học KHXH & NV Hà Nội, đồng sáng lập và điều phối dự án Mind Detox.
Những kết quả ấn tượng của Mind Detox: Tổ chức 4 sự kiện Offline với các chủ đề: “Trầm cảm – Người đàn ông xấu xí”, “Tuổi trẻ và khủng khoảng ¼ cuộc đời”, “Body Shaming – Bạn thấy gì trong gương”, “Thời hạn của nỗi đau”. Kết hợp với VOV làm 28 số phát thanh “Giải độc tâm trí” từ 28/2/2017.
—
Xem thêm:
Thực hiện: Ngọc Anh
Ảnh: Tư liệu
Thiết kế hình ảnh: Quân Nguyễn
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE