“Tôi không làm những gì không biết” – Tô Thị Phương Thảo
Một cảm giác háo hức xa xưa của trẻ thơ bất chợt ùa đến trong tôi khi nhìn thấy ‘tòa tháp” màu hồng rực rỡ tạo thành từ tám chiếc hộp đựng quà xếp chồng lên nhau. Chị Tô Thị Phương Thảo bắt đầu cuộc trò chuyện từ những hộp quà đấy.
Với slogan “Đánh thức cảm xúc”, chị gửi gắm điều gì?
Món quà tặng đặt trong một chiếc hộp đẹp sẽ có giá trị nổi bật hơn. Đánh thức cảm xúc ở đây không chỉ là cảm nhận ý nghĩa món quà từ người nhận, người tặng mà còn từ những người làm ra chiếc hộp đó, một sự kết nối, lan truyền cảm xúc không ngừng từ người này tới người kia. Cuộc sống như một món quà quý cần được trao tặng và đón nhận một cách trân trọng.
Một thông điệp thật lãng mạn, nhưng món quà cuộc sống với chị có luôn tươi hồng?
Thật ra tôi đã có những quãng thời gian hết sức nặng nề. Như lần nhập một hệ thống máy móc mới, mọi người vô cùng thất vọng với sự vận hành, chất lượng và tiến độ của máy. Đáng sợ nhất là chính tôi cũng mệt mỏi. Nhưng tôi không cho mình lựa chọn. Vài tháng liền, ngày nào tôi cũng tới xưởng để tham gia vào từng công đoạn sản xuất. Tôi muốn biết đội ngũ của mình đang gặp khó khăn ở chỗ nào. Sản phẩm làm ra như thế nào là đẹp, như thế nào là chưa đẹp, làm thế nào để đẹp?! Tôi luôn tâm niệm là sẽ không làm bất kỳ cái gì một khi chưa hiểu rõ về nó.
Lập gia đình từ lúc còn rất trẻ và hiện đang làm mẹ của ba đứa con đang tuổi đi học, chị dành thời gian cho gia đình như thế nào?
Tôi vẫn sắp xếp để cả nhà luôn ăn tối cùng nhau và thường du lịch mỗi cuối tuần. Chúng tôi gần gũi nhau như những người bạn. Các cháu hay kể với tôi những chuyện xảy ra ở lớp, do đó mọi suy nghĩ vui buồn tôi đều nắm được. Khi xem thấy những tình huống đặc biệt như hỏa hoạn, bị bắt cóc… chiếu trên truyền hình, tôi hay hỏi: “Nếu là con thì con sẽ làm gì?” để xem cách ứng xử, suy nghĩ và từ đó định hướng cho các cháu. Hoặc như khi cả nhà đi du lịch, tôi vẫn dặn trước các con, nếu chúng ta không may lạc nhau, thì bố mẹ sẽ đến đúng chỗ này để chờ các con nhé. Những bài học đơn giản này như mưa dầm thấm lâu giúp các cháu chủ động và tự lập hơn trong cuộc sống.
Thế còn với chồng, anh chị có chung những sở thích nào không?
Chúng tôi chung khá nhiều sở thích. Ngoài công việc ở công ty, chúng tôi đều thích du lịch và có nhiều con. Nhắc đến con cái là cả hai vợ chồng đều thấy thòm thèm (cười). Tôi thích nấu cỗ chay, còn anh ấy thì rất biết thưởng thức. Giữa chúng tôi còn có một cái chung nữa, là tôi thích nặn tượng chồng mình nên tôi thường “mượn” anh ấy ngồi làm mẫu. Tôi có nói với thầy dạy điêu khắc của mình là khi nào nặn được tượng chồng, tôi sẽ tập trung kinh doanh chờ khi nào thư thả, sẽ quay lại học tiếp.
Chị còn thích môn nghệ thuật nào nữa không?
Tôi thích vẽ. Có lần sinh nhật con gái, tôi mua một bó hoa lys tặng cháu, rồi thấy bó hoa đẹp quá, tôi thức một mạch đến sáng để vẽ. Hiện tôi cũng đang theo học điêu khắc tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Ngành học này tất nhiên rất cần cho công việc của tôi, nhưng lý do chủ yếu là vì tôi đam mê.
Chị ao ước điều gì cho riêng mình?
Tôi trưởng thành sớm, công việc nhiều áp lực và những đứa con nối tiếp nhau ra đời đã không cho tôi nghĩ đến mình nhiều. Nên tôi muốn đến khoảng 50 tuổi sẽ sống cho bản thân nhiều hơn. Có lúc tôi ước gì mình còn trẻ để được bay nhảy như những cô gái còn son. Tôi ao ước có một ngôi nhà thật rộng, biệt lập, trồng thật nhiều cây xanh như một nơi chốn êm đềm để sống cùng những người thân yêu và tất cả đều nhớ về nó mỗi khi đi đâu xa.
Với chị, những giây phút bình yên nhất là khi…
Là khi ngồi nghe con gái chơi piano, những chuyến picnic hay du lịch nước ngoài cùng cả gia đình, những buổi vẽ tranh, nặn tượng, khám phá thiên nhiên và ngắm nhìn ánh mắt đen láy hồn nhiên của các em bé ở trường nội trú vùng cao mỗi mùa khai trường…
Bài: Hoàng Thu
Ảnh: Đào Thúy Ngọc
Stylist: Bùi Thanh Thủy