[ELLE Voice] Trần Nữ Yên Khê: Trở lại với chính mình

Đăng ngày:

Cuộc hẹn giữa ELLE và Trần Nữ Yên Khê bắt đầu vào một buổi chiều trưa Sài Gòn đầy nắng, nhưng ngay khi nhân vật chính vừa xuất hiện thì bất ngờ một cơn mưa giông cũng theo đến. Qua khung cửa kính lớn, khoảnh khắc dáng người phụ nữ mảnh khảnh lao nhanh dưới màn mưa trong chiếc áo thun cộc tay in hình chân dung David Bowie toát ra sức mạnh đầy quyến rũ. Giữa sự nghiệp điện ảnh với nhiều dự án gây chú ý trên các sân chơi quốc tế, ở tuổi U70, Trần Nữ Yên Khê vừa ra mắt triển lãm cá nhân đầu tay trong tư cách nghệ sĩ đương đại.

Đời thường, cô Mùi của Mùi Đu Đủ Xanh vẫn rất trẻ trung. Chị gần gũi hơn so với hình tượng điềm đạm, kín đáo và có phần nghiêm nghị thường thấy qua truyền thông. Người phụ nữ thanh tú, nói tiếng Việt bằng âm giọng Pháp ngọt ngào, ẩn chứa rất nhiều năng lượng sôi nổi, thậm chí khá hài hước. Ấn tượng ở chị là vẻ đẹp điềm tĩnh và lập trường kiên định về “cái tinh thần trong nghệ thuật”. Cởi mở nhưng từ tốn và vô cùng cẩn trọng trong cách dùng từ đúng, chị bắt đầu cuộc chuyện trò trong sự hào hứng về tín hiệu tốt từ lượng người xem đến với triển lãm White Blank(*) mỗi ngày. Sự tươi mới và năng động của Sài Gòn lẫn trong cuộc du hành về hồi ức cá nhân khiến YênKhê không ngần ngại bày tỏ nỗi xúc động khi được trở lại với cảm thức của chính mình tại thời điểm tìm thấy ngôn ngữ nghệ thuật riêng.

Chào chị, chị có thể cho biết vì sao triển lãm White Blank lại diễn ra bây giờ và ở đây (Sài Gòn)?

Tôi sinh ra ở Đà Nẵng, và mặc dù tôi đi Pháp lúc 9 tháng tuổi nhưng nhờ bố mẹ đã tạo ra nền giáo dục rất gần gũi với quê hương, từ văn hóa đến những món ăn, nên chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì xa lạ. Thật mừng và xúc động khi tôi được tổ chức một triển lãm ở Việt Nam cùng với Galerie Quynh, và nếu như được triển lãm thêm tại Đà Nẵng và Hà Nội thì lại càng tốt hơn nữa.

Sài Gòn cũng rất đặc biệt, giữa quá nhiều thay đổi vẫn còn những biểu tượng không mất đi, ví dụ như Hồ Con Rùa. Nơi đây giữ lại rất nhiều ký ức đã tạo nên con người tôi, nơi chúng tôi đã quay Xích Lô, nơi ghi dấu kỷ niệm cuối cùng của tôi với ông ngoại. Cũng nhiều người hỏi vì sao đến tuổi này tôi mới có một triển lãm riêng, vì ngôn ngữ nghệ thuật của người nghệ sĩ là chuyện không đơn giản. Sau 30 năm thực hành nghệ thuật, YênKhê đã đúc kết được một cái nhìn riêng biệt để dẫn đến cách thể hiện cho triển lãm lần này.

Cảm giác khi sắp đặt các tác phẩm của mình dưới ánh sáng của không gian triển lãm có sự tương đồng như làm việc trong ánh sáng của điện ảnh? Kinh nghiệm làm phim có đóng góp gì vào việc sáng tác của chị?

Ánh sáng rất quan trọng nhưng vô hình như hơi thở, nó hiển nhiên đến mức chúng ta thấy nó quá bình thường, không hay để tâm. Nhưng tôi muốn nó là một nhân vật quan trọng trong tác phẩm của mình, một nhân tố mà khi bước vào không gian triển lãm, người xem sẽ cảm thấy ánh sáng đang hiện hữu. Không có ánh sáng cũng sẽ không có điêu khắc. Trong lúc tạo hình, tôi có ý chơi với ánh sáng, mang lại cho cho ánh sáng một cuộc sống riêng, như vậy điêu khắc cũng có cuộc sống riêng. Cả hai tương tác với nhau để không chỉ tạo ra hình dạng mà còn có nhịp điệu.

Trong điện ảnh cũng có điểm tương tự. Ánh sáng chủ yếu đến từ việc chiếu đèn, nếu không có gì đúng để cần chiếu thì sẽ không có đèn, hoặc sẽ không có được hình ảnh diễn đạt nên cảm xúc mà mình muốn đưa vào cảnh quay. Đến bây giờ, tất cả những gì tôi làm là một. Tôi không thể phân biệt cụ thể rằng cách nhìn của mình học được từ đâu. Tất cả trải nghiệm đã nuôi dưỡng đôi mắt và cách suy nghĩ của tôi. Hồi nhỏ thì phải học và luyện tập rất nhiều, bây giờ đương nhiên không cần cố nữa. Ví dụ như bộ phim The Taste of Things mới ra mắt gần đây của anh Hùng, chúng tôi thật sự có rất ít thời gian để chuẩn bị. Nếu mình không có cách quan sát và lựa chọn nhanh thì rất khó để hoàn thành. Đó là thứ phải luyện tập mới có được.

ánh sáng trong nghệ thuật điêu khắc

Trong cách chị quan sát thế giới, hình tượng thiên nhiên đóng vai trò như thế nào?

Hình tượng là từ tôi không bao giờ dùng vì nó là cái đã được xã hội gán cho một định nghĩa. Câu hỏi của em rất hay, vì nó cho phép tôi nói về ngôn ngữ riêng biệt của một nghệ sĩ. Trước khi tôi bắt đầu sáng tạo tác phẩm, lẽ dĩ nhiên, câu hỏi đầu tiên trong đầu là mình sẽ sử dụng ngôn ngữ nào? Làm thế nào để thực hiện những ý tưởng? Làm với cái gì? Thạch cao hay giấy, lá hay gỗ…? Nhiều người đã sử dụng các vật liệu đó rồi, làm thế nào để chúng đạt đến sự khác biệt như một ngôn ngữ riêng, một cảm nhận cá nhân chưa ai từng có? Đối với tôi, đó luôn là một câu hỏi chủ đạo. Tôi nghĩ là mình rất may mắn khi kịp tìm được ngôn ngữ của riêng tôi để trả lời câu hỏi trước mỗi tác phẩm.

Vào thời điểm lockdown năm thứ hai tại Pháp (2021), tôi cần tìm chất liệu để sáng tác tại nhà, đó cũng là thời điểm tôi đọc nhiều sách về Kandinsky, Henri Matisse, Picasso… Câu chuyện Picasso đã bắt đầu với thạch cao và đam mê nó khiến tôi quyết định chọn chất liệu có khả năng biến đổi kỳ diệu này. Thạch cao không biến đổi chỉ vì sự tác động của nghệ sĩ, mà còn bởi cá tính riêng, cần hiểu nhau để có tương tác giữa đôi bên khi làm việc. Nó cũng là chất liệu rất bình thường, khiêm nhường và có sẵn trong tự nhiên. Khi tôi chuyển qua dùng giấy cũng tương tự như vậy.

Với chị, việc tìm tòi và hiểu cá tính của chất liệu để tương tác lẫn nhau có phải là một quá trình đi tìm một bản thế khác của mình không?

Không, tôi chỉ nghĩ đó là cách để tìm một người bạn mới. Vì mỗi chất liệu lại có những đặc điểm khác nhau, giấy hay thạch cao cũng vậy, chúng đều có cá tính riêng. Tôi chỉ tập trung làm quen với chất liệu mình chọn như một người bạn, làm thế nào để mình hiểu bạn và cùng với bạn tạo ra một thứ gì đó, chứ bản thể của tôi không phải là những câu hỏi tôi đặt ra trong công việc này. Việc dùng những chất liệu rất bình thường và có thể nâng nó lên thành ngôn ngữ riêng là cách tôi trả lời cho những câu hỏi ban đầu của mình.

Nghe chị kể về cách chị chơi với chất liệu, có thể nhìn thấy niềm vui trẻ thơ trong mắt chị. Làm sao để giữ trong mình tinh thần khám phá của trẻ thơ?

Tôi nghĩ rằng cái ngây thơ, sự tươi mới nếu không được chăm sóc và nuôi dưỡng, nó sẽ biến mất hoặc có thể chết. Tôi nghĩ tất cả dưỡng chất đó đều ở bên trong mình từ những ngày còn bé. Nó cho tôi khả năng biết dựa vào bản thân trước khi bắt đầu một dự án hay một giai đoạn đời sống với một người mà mình mới quen biết. Không có sự tham khảo, không có hệ quy chiếu hay hình mẫu được định sẵn. Cái khó là mỗi lần bắt đầu, mình phải bỏ đi tất cả những thứ mình đã biết. Đó cũng là lý do tại sao cảm hứng của tôi trong triển lãm đến từ một câu của Kandinsky: “Trắng nghe như sự im lặng, là cái không trước mọi khởi đầu”.

Khi chia sẻ cảm nghĩ cá nhân về ngày khai mạc triển lãm White Blank, Cao Phi – con trai chị – đã phát biểu trên một tờ báo: “Triển lãm như một sự tìm về nguồn cội”. Chị thấy gì trong suy nghĩ đó?

Ồ, tôi không biết về bài báo đó. Cao Phi chẳng nói gì với tôi cả. Tôi thấy Cao Phi nói vậy cũng khá đúng. Ở tuổi 17, khi thi xong trung học và chưa biết làm gì, tôi chỉ muốn làm việc gì đó bằng đôi tay. Tôi từng học piano, học vẽ nên bố mẹ cũng chưa biết định hướng thế nào. Sau đó tôi gặp anh Hùng, cũng nói chuyện với nhau về mong muốn của bản thân. Hai năm sau, tôi tuyên bố muốn thi vào trường Mỹ thuật Quốc gia ở Paris, bố mẹ nói: “chắc không được rồi”. Nên tôi thi vào École Camondo Paris, một trường cũng rất hay. Nhưng nếu được quay trở lại, có lẽ tôi đã thi vào trường Mỹ thuật rồi. Chắc là Cao Phi muốn nói đến ý này. Từ bé, Cao Phi đã nhìn thấy tôi vẽ, với đời sống, với phim, với con cái, với cả dị ứng của anh Hùng luôn, vì anh Hùng bị dị ứng với sơn dầu, và tất cả những điều đó cũng khiến tôi chậm lại trong sự chiêm nghiệm về con đường này.

ánh sáng và điêu khắc

Từ “nguồn cội” của Cao Phi có thể không chỉ mang ý nghĩa về mặt địa lý, mà có thể còn là cội rễ khi chị được trở về với chính con người mình qua quá trình sáng tạo các tác phẩm trong toàn bộ triển lãm này. Với chị, việc xác định căn tính cá nhân khi đứng giữa những nền văn hóa khác nhau, liệu có cần thiết?

Tôi là người Việt Nam, lớn lên tại Pháp, học trường Pháp, nghe nhạc Sebastian Bach (Đức), đọc những áng văn Nhật, thích những kiến trúc sư của Brazil và mê những nghệ sĩ trừu tượng những năm 50. Tôi là ai? Tôi nghĩ, cũng như mọi người sống trên thế giới này, tôi chỉ là tôi thôi. Tuổi thơ của mình, những người quan trọng mình gặp trong đời, tất cả cho mình dưỡng chất tình cảm (quality emotional). Và căn tính (identity) của Trần Nữ YênKhê chính là mọi xúc cảm của tôi với đời sống này. Quốc tịch hay ranh giới lãnh thổ không phải là những thứ tạo nên căn tính của tôi. Có thời điểm, những vấn đề này trong tôi trở nên rất khó chịu. Nhất là khi ở tuổi niên thiếu, từ 15 đến 17 tuổi. Tôi là ai? Nó là sự bối rối mà tôi nghĩ đến giờ vẫn còn ở đâu đó trong con người mình. Nhưng nó không quan trọng nữa. Điều quan trọng là tôi biết nó có ở đó để đánh thức tôi dậy. Khi mình quá dễ chịu, mình tưởng mình biết mình rồi, mình sẽ dễ thiếp đi. Còn tôi thì cần phải nuôi những nỗi niềm không êm ái đó để sáng tạo. Nỗi lòng đó cũng là một phần trọng tâm làm nên các tác phẩm được đưa vào triển lãm của tôi.

Điều gì quý giá mà chị nhận ra đã được thừa hưởng từ mẹ mình và cũng muốn chia sẻ lại với con gái?

Sức mạnh của sự quan sát và cách đặt những câu hỏi đúng. Trong gia đình của tôi, những người phụ nữ đều sở hữu một gương mặt sắc cạnh, mối liên hệ giữa chúng tôi chính là tính hiện đại, tầm nhìn và sự quyết tâm. Chúng tôi từng có kỷ niệm sống cùng nhau trong thời gian ngắn có đủ 4 thế hệ phụ nữ vào thời điểm Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng được quay tại Hà Nội. Tôi luôn nhìn thấy cách bà và mẹ của mình quan sát và thể hiện hành động hợp lý trong mọi tình huống. Sự thông thái, dũng khí và sức mạnh từ họ cho tôi nhiều động lực. Mẹ tôi sinh ra trong chiến tranh, bà là con một và rất được nâng niu trong gia đình. Đến năm 30 tuổi, bà phải bắt đầu cuộc sống mới nhiều thử thách tại Pháp, trong khi bản thân không hề biết tiếng Pháp hay có một người bạn nào. Sự tích cực và nỗ lực của bà đã nuôi dưỡng và giúp gia đình chúng tôi lớn lên, tồn tại ở Pháp đến hôm nay. Mà tôi nghĩ, chắc chỉ có phụ nữ mới có năng lượng đời sống đó, vì bản năng sinh con đã giúp họ trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều, mạnh hơn cả đàn ông. Lãng Khê, con gái tôi cũng thừa hưởng nhiều tính cách giống bà ngoại, đặc biệt là lòng trắc ẩn.

Tại sao anh chị lại đặt tên con gái là Lãng Khê?

Khê là suối (nước từ núi). Tôi nghiên cứu rất nhiều về nước và dành khá nhiều thời gian để tập trung vào nước. Cách tôi bận tâm về nước như đối với một đứa trẻ. Khi con gái mình ra đời, tôi cũng muốn cho con cái tên của mình. Trong gia đình tôi, đã có 3 chị em Liêm Khê, Yên Khê, Thạch Khê, và giờ là đến đời Lãng Khê. Lãng có nghĩa là những sóng nhỏ của suối được tạo ra từ những hòn đá trên đường suối chảy. Những hòn đá, sỏi và địa hình gập ghềnh tạo ra hình dáng và cá tính của nước, khả năng thích nghi của dòng chảy. Không có những điều đó thì nước cũng vô hình và không thể nhận diện. Lãng Khê là như thế. Khê trong tiếng Pháp và tiếng Anh đều là “source”, nó là sự khởi nguồn, và là nơi mình trở lại. Tôi rất biết ơn ông ngoại mình đã tạo ra cái tên đó và đặt tôi là YênKhê.

Ở Việt Nam, chị luôn được biết đến là một cộng sự đắc lực và là người “giữ lửa” cho sự nghiệp của chồng (đạo diễn Trần Anh Hùng). Điều gì đã thôi thúc chị tiếp tục tiến về phía trước với một sự nghiệp sáng tạo độc lập?

Nếu không có YênKhê trong những dự án phim do Trần Anh Hùng đạo diễn, đó sẽ là một khó khăn đối với công việc của anh Hùng. Tôi không phải trợ lý của chồng mình. Tôi là người thiết kế hình ảnh, chỉ đạo nghệ thuật dựa trên cảm xúc mà anh Hùng muốn đưa lên màn ảnh thông qua câu chuyện anh ấy kể. Đó là phần việc riêng do tôi hoàn toàn tự điều hành và tự quyết. Chúng tôi không nói chuyện về phần việc của nhau, chỉ trao đổi và phối hợp khi ra hiện trường quay phim. Cách làm đó giúp chúng tôi tiết kiệm rất nhiều năng lượng khi cùng nhau tham gia một dự án phim. Còn trong công việc sáng tác và thực hiện triển lãm lần này, anh Hùng đã là người trợ lý rất đắc lực của tôi. Nếu không có anh Hùng giúp đỡ, tôi sẽ không thể hoàn thành tiến độ công việc. Triển lãm lần này xảy đến như một lẽ tất yếu chứ không phải là màn thể hiện cái tôi của người phụ nữ trong tôi, nó không phải là một bước tiến theo nghĩa đó. Và hy vọng trong tương lai, cứ mỗi 1 – 2 năm, tôi lại có thể mang đến một điều gì đó cho công chúng yêu nghệ thuật chứ không phải như một dự án phim của Trần Anh Hùng, hơn nửa thập kỷ mới có thể ra mắt (cười).

Cảm ơn những chia sẻ của chị.

(*) White Blank là triển lãm nghệ thuật trừu tượng bao gồm hơn 30 tác phẩm điêu khắc và tranh của YênKhê được hoàn thiện trong hai năm tại Paris và cả Sài Gòn. Ở đó, người xem có thể phát hiện ra những khoảng trống để tự lấp đầy bằng cuộc đối thoại của riêng mình, tự do trải nghiệm cảm xúc thuần túy của trạng thái cân bằng khi ở giữa những tương phản màu và không màu, điêu khắc và ánh sáng. Toàn bộ ý tưởng của triển lãm – như YênKhê trực tiếp chia sẻ – nằm ở sự đối ngẫu (duality): dao động liên tục của hai mặt đối lập trong một chủ thể, cái mà tác giả từ khởi đầu đã luôn suy nghĩ và không ngừng đặt câu hỏi. Triển lãm được chị ví von như cuộc phơi bày bản thân một cách trần trụi, vừa vui, vừa căng thẳng và cũng có một chút chờ đợi.

Nhóm thực hiện

Nhiếp ảnh & Styling: Neueskinlab 

Sản xuất: Giang Thảo

Lighting: Bảo Hoàng Nguyễn 

Trang điểm & Làm tóc: Khánh Mỹ

Thiết kế dựng cảnh: Khang Hy 

Dựng cảnh: Trikonnhe, Mid

Trợ lý sản xuất: Nhi Hoàng Nguyễn, Trần Khiêm

Trợ lý trang điểm: Hoài Thương 

Bài: Ngô Hạ 

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more