Lifestyle / ELLE Voice

Trang Nguyễn – Bảo vệ động vật hoang dã là bảo vệ sự sinh tồn của loài người

[Tạp chí Phái đẹp ELLE - số tháng 6/2018] Đối với Trang, bảo vệ động vật hoang dã cũng là đang bảo vệ lấy môi trường sống của nhân loại và đang tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn.

Tôi biết đến Trang Nguyễn thông qua album “100+ điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái đất trong 100+ ngày” trên Facebook và theo dõi chị từ những “điều nhỏ” đầu tiên. Cũng giống như rất nhiều bạn trẻ khác, tôi vừa được chị truyền cảm hứng sống thân thiện với môi trường, vừa hâm mộ công việc bảo tồn động vật hoang dã mà không phải cô gái 9X nào cũng có thể làm được như chị. Nhân dịp Trang Nguyễn ra mắt cuốn sách Trở về nơi hoang dã, tôi có cơ hội nói chuyện với chị và tất nhiên, lại càng khâm phục chị nhiều hơn.

Là nữ giới, chị có gặp nhiều khó khăn khi làm công việc bảo tồn động vật hoang dã?

Khó khăn thì khá là nhiều. Ví dụ, sẽ chẳng có bố mẹ nào đồng ý cho con gái “đi vào rừng”. Khi đi rừng, sức khỏe của mình cũng không bằng các bạn nam. Tâm sinh lý của phụ nữ khi “đến tháng” cũng là một vấn đề. Có lần tôi ở trong rừng liên tục hơn 3 tháng, để giữ vệ sinh sạch sẽ là chuyện không dễ dàng. Tuy nhiên, là nữ giới cũng có lợi thế riêng, đôi khi sẽ được các bạn nam nhường nhịn, giúp đỡ. Đặc biệt, khi cần cải trang để tiếp cận tội phạm buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã, nữ giới thường ít bị nghi ngờ và lấy được nhiều thông tin hơn.

động vật hoang dã 1
Trang và các chiến sĩ trong đội đặc nhiệm phòng chống nạn săn trộm tại vườn quốc gia Kruger, Nam Phi.

Chị đã thuyết phục bố mẹ như thế nào để được làm công việc này?

Thực ra, thuyết phục bố mẹ rất khó. Bố mẹ tôi bây giờ cũng vẫn muốn tôi đổi ngành. Tuy nhiên, vì tôi chọn theo hướng nghiên cứu nên mới hay phải đi vào rừng, hay phải đi xa, đi lâu và cũng có những yếu tố nguy hiểm chứ ngành bảo tồn động vật hoang dã còn nhiều hướng đi khác nữa. Các bạn có thể làm giáo dục bảo tồn, nghĩa là tham gia các dự án với trường học, làm việc với học sinh và phụ huynh học sinh, giúp các bạn trẻ hiểu hơn về động vật hoang dã và thiên nhiên xung quanh. Các bạn cũng có thể làm những dự án nâng cao ý thức của người dân và thay đổi thái độ, đa phần liên quan đến truyền thông. Ngoài ra, các bạn cũng có thể làm ​bác sỹ thú y, được đào tạo bài bản và làm việc ở các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã – những công việc hết sức ý nghĩa. Vậy nên, khi đã chọn được ngành phù hợp với khả năng của mình, các bạn hoàn toàn có thể giải thích cho bố mẹ hiểu.

Vậy chị xoay xở ra sao trong điều kiện sinh hoạt thiếu thốn ở rừng hoặc các khu bảo tồn?

Trước khi đi đến một khu nghiên cứu nào, tôi thường tìm hiểu khá kỹ xem khu vực đó có dịch bệnh hay không và tiêm phòng chống bệnh, uống thuốc chống sốt rét nếu cần. Việc thiếu đi những vật dụng cần thiết, đôi khi là những điều cơ bản trong cuộc sống hiện đại, như toilet, nhà tắm, giường chiếu, tivi, internet… cũng là điều khó khăn – nếu sống lâu ở trong rừng vài tháng. Nhưng cũng nhờ những thiếu thốn đó mà tôi nhận thấy hạnh phúc thường đến từ những điều giản dị, và con người chúng ta vẫn có thể sống mà không cần quá nhiều tiện nghi.

Chị là một người khá nhạy cảm, nhưng công việc này lại đòi hỏi một tinh thần thép. Làm sao để chị dung hòa hai yếu tố này? 

​Nhạy cảm cũng có thể có tinh thần thép được mà. Những lúc phải chứng kiến cái chết của các cá thể động vật hoang dã mà mình yêu thương, thậm chí là thấy những người mình làm việc cùng bị nguy hiểm đến tính mạng, lẽ dĩ nhiên mình cảm thấy rất buồn, rất đau lòng. Nhưng chính vì được tận mắt chứng kiến cuộc sống tuyệt vời của động vật ngoài thiên nhiên hoang dã, thấy những người kiểm lâm làm việc cùng mình mạnh mẽ thế nào, dũng cảm thế nào, tôi lại muốn cố gắng nhiều hơn nữa để bảo vệ điều mà tôi vô cùng yêu mến.

Công việc nguy hiểm, gặp nhiều khó khăn, bản thân chị lại từng mắc bệnh ung thư, có khi nào chị nảy lên suy nghĩ muốn bỏ cuộc?

Suy nghĩ muốn bỏ cuộc vì gặp phải khó khăn – dù là khó khăn công việc hay khó khăn đến từ bản thân – dĩ nhiên là có, nhưng chưa bao giờ tồn đọng lại lâu. Tôi tin rằng con người chúng ta luôn muốn bảo vệ thứ mà ta yêu, và chỉ có thể yêu thứ mà ta hiểu. Để theo đuổi công việc này, tôi chưa bao giờ ngừng đọc sách, xem phim tài liệu về môi trường hoang dã. Càng đọc tôi lại càng hiểu nhiều hơn, và càng hiểu thì lại càng yêu, càng muốn bảo vệ thiên nhiên hơn. Khi gặp khó khăn, tôi có thể buồn, có thể bỏ ăn, có thể để cho mình mệt mỏi và xuống tinh thần, khóc cũng được, nhưng chỉ trong một ngày thôi, rồi khi trở lại với công việc, tôi sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.

động vật hoang dã 2
Trang thổi lửa nấu cơm khi đi nghiên cứu ở Sainte Luce, Madagascar.

Tại sao chị lại chọn từ “trở về” cho tựa sách mới nhất của mình?

Con người cho rằng nơi hoang dã không phải là chốn thân quen vì chúng ta đã để mất mối liên hệ của bản thân với thiên nhiên. Nhưng thực ra, mối liên hệ này vẫn hiện hữu qua hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu năm nay. Bàn ghế đến từ gỗ, nhà ở đến từ đất đá, không khí mà bạn đang thở đến từ rừng cây và tảo biển, thức ăn, đồ uống của bạn đến từ những con sông, những cánh đồng…

Tôi từng có một khoảng thời gian rất khó khăn và mệt mỏi, cả về thể chất lẫn tinh thần. Lúc đang học ở Cambridge, tôi đã phải tìm đến bác sĩ tâm lý. Nhưng đến khi được “thả” về thiên nhiên hoang dã ở Kenya, được thấy mặt trời mọc và lặn, được nghe tiếng cành khô gãy gọn, tiếng chân voi… tôi cảm thấy mình đang được sống, được là chính mình.

Tôi nghĩ, cuộc sống hiện đại khiến con người dần lệ thuộc vào máy móc nhưng khi quay trở về với thiên nhiên, sống với những điều cực kỳ cơ bản, không có điện, không có laptop, không có sóng di động – mình lại được quay trở về với phần “người” nhất của mình.

Vậy thì Trở về nơi hoang dã cũng chính là “Trở về với phần người” trong mỗi chúng ta.

động vật hoang dã 3
Lúc đang học ở Cambridge, tôi từng có khoảng thời gian khó khăn và mệt mỏi, cả về thể chất lẫn tinh thần, phải tìm đến bác sĩ tâm lý. Nhưng khi được “thả” về thiên nhiên hoang dã ở Kenya, được thấy mặt trời mọc và lặn, được nghe tiếng cành khô gãy gọn, tiếng chân voi…tôi thấy mình đang được sống, được là chính mình.
động vật hoang dã 6
Cùng ngồi sưởi ấm dưới ánh nắng chiều ở Kenya.

Bảo vệ động vật hoang dã có liên quan như thế nào đến bảo vệ môi trường và cuộc sống của con người?

Bảo vệ động vật hoang dã chính là bảo vệ hệ sinh thái. Ví dụ, nhờ tập tính đẩy thân cây của voi mà khu vực savanna (đồng cỏ) được duy trì. Nếu chúng biến mất, đồng cỏ sẽ biến thành rừng, và rất nhiều loài động vật khác không còn môi trường sống phù hợp nữa. Bảo vệ động vật hoang dã còn là bảo vệ những kiểm lâm, những người nghèo ở châu Phi bị kẻ xấu lợi dụng, đẩy vào rừng để săn bắn động vật trái phép. Tôi muốn mọi người hiểu rằng, để có được một mẩu sừng tê giác hay ngà voi bé tí tẹo thôi, rất nhiều mạng sống đã bị lấy đi. Rất nhiều mạng sống của động vật, và rất nhiều mạng sống của con người. Thêm nữa, việc sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã để chữa bệnh là rất nguy hiểm. Không những mất tiền để mua những thứ không có tác dụng chữa bệnh, nhiều người còn lãng phí thời gian quý báu vì không chịu đến bệnh viện. Đặc biệt, với bệnh ung thư, thời gian là vô cùng quan trọng. Mất đi thời điểm tốt thì bác sĩ hay y học cũng không thể cứu được họ.

động vật hoang dã 4
Năm 2018, Trang Nguyễn được nhận giải thưởng Future for Nature, lọt vào danh sách 30 Under 30 Forbes Vietnam và Women of the Future – South East Asia.

Nói một chút về “100 điều nhỏ nhặt”. Nhiều người cho rằng những việc làm nhỏ sẽ chẳng giải quyết được gì so với tình hình hiện nay. Chị sẽ nói với họ điều gì?

Việc thay đổi thái độ và hành vi là cả một hành trình dài. Tôi bắt đầu album 100 điều nhỏ nhặt cũng chính vì đã nghe rất nhiều điều tương tự. Nhưng thông qua album đó, tôi muốn mọi người thấy rằng có hàng ngàn, hàng vạn cách để thích ứng với cuộc sống hiện đại mà vẫn bảo vệ môi trường và thiên nhiên. Một mình tôi chỉ có thể làm được 100 điều. Nhưng khi mỗi người cùng thực hiện 100 điều của riêng mình, thì đó không còn là những điều nhỏ nữa. Nó đã trở thành một đại dương rồi.

động vật hoang dã 5
Trang Nguyễn sinh năm 1990. Bắt đầu tham gia các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã từ năm 16 tuổi, Trang Nguyễn là người sáng lập và điều hành tổ chức WildAct tại Việt Nam. Hiện nay, cô đang thực hiện các dự án bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Phi, Campuchia và Việt Nam, đồng thời là đại sứ cho quỹ United for Wildlife của Hoàng gia Anh. Trang Nguyễn vừa ra mắt cuốn sách Trở về nơi hoang dã và sẽ dành 100% lợi nhuận cho công tác bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam.

Cảm ơn chị vì những chia sẻ thú vị. Chúc chị luôn khỏe mạnh để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình và truyền cảm hứng cho nhiều người hơn nữa!

Xem thêm:

Oasis tung bộ sưu tập mới kêu gọi sống vì động vật hoang dã

Có một kỳ quan thiên nhiên mang tên hoa anh đào

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc Ảnh: NVCC Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)