Lifestyle / ELLE Voice

[Wellness Special] Lyon Đạt Nguyễn: “Thân nghiệm” để trao quyền cho tính tự trị của cơ thể

Lyon Đạt Nguyễn vừa là biên đạo múa tự do, vừa hoạt động giáo dục múa. Học tập và làm việc ở Mỹ hơn 9 năm, khi trở về Việt Nam, Lyon thành lập CLB Thân Nghiệm với đa dạng chương trình nhằm lan tỏa tình yêu dành cho múa, cũng như hướng mọi người đến với sự hòa hợp thân-tâm-trí thông qua chuyển động cơ thể.

Được biết, Lyon cùng CLB thân nghiệm hay tổ chức các lớp Contact Improvisation tại Moving Art Atelier. Là một nghệ sĩ chuyển động và thị giác, có thể hoạt động trong đa lĩnh vực, cơ duyên nào khiến Lyon gắn bó với Contact Improv? Điều gì khiến bộ môn này trở nên phổ biến và dễ tiếp cận với số đông hơn những bộ môn nhảy múa khác?

Nói ngắn gọn thì Contact Improv (CI) là bộ môn tương tác cơ thể vật lý được khám phá bởi biên đạo múa Steve Paxton vào đầu những năm 1970 ở Hoa Kỳ. Khác với những bộ môn múa khác dựa trên khuôn mẫu của động tác, CI sử dụng các định luật vật lý về chuyển động như: quán tính, lực ly tâm, kháng lực, đòn bẩy… làm nền tảng cho sự tương tác của giữa những người thực hành.

Mình gắn bó với CI chỉ đơn giản là vì mình muốn lan tỏa tình yêu múa/chuyển động của mình đến nhiều người, mà so với các thể loại nhảy múa khác thì CI luôn là môn dễ tiếp cận nhất đối với 1 người chưa tiếp cận với chuyển động bao giờ. Bộ môn này không phân biệt giới tính, độ tuổi, màu da, thể trạng, cũng như khả năng cơ thể. Bất cứ ai cũng đều có thể thực hành CI dựa trên cơ sở của sự đồng thuận. Chính vì không có rào cản về thể chất mà CI luôn là lựa chọn hàng đầu của mình khi mình muốn “dụ” ai đó đến với thực hành chuyển động.

lyon đạt nguyễn chuyên gia múa cơ thể chuyển động

Gần đây, bên cạnh các lớp học Contact Improv đang dần trở nên phổ biến, một số nơi cũng tổ chức các chương trình kết hợp với Ecstatic Dance nhiều hơn. Contact Improv và Ecstatic Dance giống và khác nhau như thế nào?

Contact Improv và Ecstatic Dance giống nhau ở chỗ chúng dùng ứng tác (improvision/improv) làm ngôn ngữ chính, còn điểm khác nhau là ở phương thức thực hành. Trong CI, người thực hành sẽ cùng tương tác với những người tham gia khác, trong khi Ecstatic Dance tập trung vào trải nghiệm cá nhân và kết nối với âm nhạc là chính.

Cũng vì lý do này mà trong CI có những kỹ thuật nâng đỡ, những nền tảng cần được tìm hiểu kỹ càng để đảm bảo an toàn trong khi thực hành, tuy nó không thật sự là tiền đề để có thể nhảy múa với nhau. Ngoài ra, trong CI, người tham gia còn phải khai phá một số khía cạnh về việc tin tưởng khi nhảy múa với nhau cũng như về sự đồng thuận. Còn với Ecstatic Dance, cấu trúc thực hành tuân theo các đợt “sóng” (wave). Mỗi đợt sóng thường kéo dài 1 giờ đồng hồ và bao gồm 5 nhịp điệu được thực hiện theo thứ tự: trôi (flow), staccato (ngắt âm), hỗn loạn (chaos), trữ tình (lyrical) và tĩnh lặng (stillness).

Các hoạt động nhảy múa đã xuất hiện từ rất sớm trong những nghi lễ tâm linh cổ xưa. Contact Improv và Ecstatic Dance có phải là những loại hình gần gũi nhất với hoạt động nhảy múa cổ xưa này? Và tại sao, sau một lịch sử dài phát triển với các bộ môn múa đầy nguyên tắc và kỷ luật, giờ đây, chúng ta lại có xu hướng quay trở về với những giá trị nguyên thủy và bản năng như vậy? 

Nếu so sánh thì Ecstatic Dance sẽ gần gũi với các hoạt động nhảy múa cổ xưa hơn Contact Improv bởi hiệu ứng tâm lý của nó. Nhiều người tham dự Ecstatic Dance bảo rằng đôi lúc họ sẽ đạt đến các trạng thái “thiền định” hoặc “xuất thần” giống với các điệu múa mang yếu tố tâm linh, ví dụ như Sufi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc các thể loại múa như Contact Improv hoặc Ecstatic Dance ngày càng phổ biến có thể là kết quả của việc cơ thể chúng ta ngày càng bị kỷ luật hóa. Kỷ luật hóa ở đây có thể hiểu là những chuẩn mực hành xử của cơ thể. Ví dụ, phải ngồi như thế nào, đi đứng như thế nào mới đúng. Hay khi tìm đến các loại hình thể thao và nhảy múa để giải tỏa, chúng ta cũng thường gặp nhiều quy tắc và chuẩn mực: tay cầm vợt cầu lông thế nào mới là đúng, chân phải mở như thế nào trong ballet mới là đẹp… Dưới hệ thống quy củ này, không thể trách việc mọi người tìm đến Contact Improv hay Ecstatic Dance để họ được làm chính mình, cho phép cơ thể được khai phóng, “quằn quại”, giãy giụa và tự do nhất có thể. Chính sự tự do này cho phép cơ thể kết nối được với năng lượng của nó. Một số nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng, cơ thể có trí thông minh và có tính tự trị riêng. Ta không thể dùng lý trí để ép buộc cơ thể tuân theo các “logic” định chuẩn được. Ngược lại, chính việc cho phép cơ thể được chuyển động phi logic và giải phóng năng lượng mới dẫn đến sự hòa hợp thân-tâm-trí.

cơ thể lớp học thân nghiệm
Yếu tố cốt lõi để xây dựng mối liên kết thân-tâm-trí là thân nghiệm (embodiment).

Mọi người thường nghĩ về nhảy và múa như những bộ môn biểu diễn. Từ khi nào việc chuyển động được xem là một hình thức chữa lành, và vì sao Contact Improv hay Ecstatic Dance lại đặc biệt phù hợp cho mục đích cải thiện sức khỏe tinh thần và thể chất?

Thật ra, chuyển động luôn là công cụ để cho cơ thể mình thải ra những căng thẳng, lo âu trong cuộc sống, và nhảy múa cũng chỉ là một phần trong phạm vi rộng lớn đó. Hình thức chuyển động giảm stress phổ biến nhất vẫn luôn là các bộ môn thể dục – thể thao. Tuy vậy, điểm khác biệt giữa thể thao và nhảy múa là mục đích của nó. Với thể thao, chúng ta tập trung vào rèn luyện thể lực hoặc cạnh tranh để đánh bại đối thủ; còn với nhảy múa, người thực hành tập trung vào âm nhạc, những biểu hiện cảm xúc, hình thể cá nhân cũng như kết nối với con người và môi trường/không gian. Chính những cảm quan mỹ thuật này là thứ giúp chúng ta cải thiện sức khỏe tinh thần, bởi thông qua chúng, chúng ta hiểu được mình là ai và thuộc về cộng đồng nào, cũng như tìm cho mình những cách giãi bày sáng tạo mà lời nói không thể thực hiện được.

Ngoài ra, với sự trỗi dậy của trường phái và tư duy của múa hậu hiện đại (postmodern dance) vào những năm 1960, các thể loại múa ứng tác hoặc các thực hành nhảy múa không nhằm mục đích biểu diễn lại càng trở nên phổ biến, trở thành một ngôn ngữ quan trọng được nhiều học giả về múa nghiên cứu, là nền tảng cho các tư duy sáng tạo khai phóng và ứng dụng cho lợi ích sức khỏe tinh thần.

Theo kinh nghiệm của Lyon, nhảy múa có tác động như thế nào đến sức khỏe tinh thần của người tập, đặc biệt là trong việc giảm căng thẳng và lo âu? Yếu tố cốt lõi nào của quá trình chuyển động có tác dụng chữa lành cũng như xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa thể chất và tinh thần?

Theo mình, yếu tố cốt lõi nhất để xây dựng mối liên kết thân-tâm-trí là thân nghiệm (embodiment). Thân nghiệm có thể được hiểu là những trải nghiệm bên trong thân thể, hoặc những gì mà cơ thể chúng ta tự nghiệm ra được.

Trước đây, một vài tôn giáo phổ biến cho rằng thân thể chúng ta chỉ là xác thịt, một cái bình rỗng mà ở đó chứa đựng phần quan trọng và thiêng liêng hơn là phần tâm hoặc phần trí. Họ giảng dạy rằng, nếu nghe theo cơ thể và nhu cầu trần tục của cơ thể thì chúng ta sẽ sống một cuộc sống phi đạo đức, nên ta phải tuân theo lý trí và dùng lý trí để bắt cơ thể mình phục tùng cho những mục tiêu sống cao cả, tốt đẹp hơn. Điều này đã dẫn đến những hệ luỵ của thời hiện đại mà ở đó, cơ thể chúng ta bị đàn áp và bị kỷ luật hóa, đôi lúc sẽ dẫn đến những cảm giác như chúng ta đang “lê xác” đi trên đường đời. Thế nhưng, cơ thể luôn tự lưu trữ lại cảm giác hạnh phúc lẫn sang chấn. Thế nên, chỉ khi nào chúng ta thân nghiệm, lắng nghe những gì diễn ra trong cơ thể và hiểu được trí thông minh và quyền tự trị của nó, đồng hành cùng nó, thì ta mới có khả năng thương lượng với những nhu cầu đó bằng lý lẽ và ý thức tâm linh của mình.

lyon đạt nguyễn và nhảy múa

Âm nhạc đóng vai trò như thế nào trong việc tạo ra những trải nghiệm chữa lành và nâng cao sức khỏe thông qua nhảy múa?

Âm nhạc là công cụ giúp tạo ra không gian tâm lý cho thực hành nhảy múa, và âm nhạc cũng là chất xúc tác cho chuyển động. Nếu người hướng dẫn muốn di chuyển vào các động tác tĩnh và thiền định mà nhịp nhạc lại nhanh hay tạo cảm giác bồn chồn thì sẽ rất khó thực hiện điều đó. Trong Ecstatic Dance mà Lyon đề cập ở trên, họ phải trải qua một đợt “sóng” với 5 nhịp điệu khác nhau. Thế nên, trong thực hành này, người dẫn cũng như nhạc sĩ cần phải lựa chọn rất kỹ các bài nhạc cũng như thứ tự chơi các bài nhạc đó trong buổi thực hành.

Theo quan điểm của Lyon, sự khác biệt giữa nhảy múa như một hình thức biểu diễn nghệ thuật và nhảy múa như một phương pháp trị liệu là gì?

Điểm khác biệt mấu chốt, đối với mình, là ở ý niệm của người thực hành. Với biểu diễn, người thực hành tiếp cận múa như công cụ để truyền đạt và giao tiếp với người khác. Mình phải tính toán làm sao cho những điều mình muốn “nói” có thể cảm thụ được từ phía khán giả. Còn với chuyển động trị liệu, người thực hành dùng múa để quan sát và đi sâu vào bên trong mình hơn, hoặc dùng nó để phóng kích những tắc nghẽn trong cơ thể do một số sang chấn gây ra. Với trị liệu, người thực hành thường “giao tiếp” với chính cơ thể họ thay vì với khán giả, cho phép bản thân được tự giãi bày điều gì đó mà không sợ phán xét.

Dĩ nhiên, hai khía cạnh này có thể đan xen và hoán đổi vai trò với nhau. Đôi lúc, trong biểu diễn, vũ công cũng cần đi sâu vào tâm khảm của họ để kéo ra được những giây phút xuất thần. Và ngược lại, đôi lúc việc giãi bày trước khán giả cho phép người diễn được chứng kiến, được “nhận diện” và chính điều này lại dẫn đến những hiệu ứng mang tính trị liệu cho họ.

Là một biên đạo, cá nhân Lyon từng có những trải nghiệm chữa lành thân – tâm thông qua hoạt động nhảy múa chưa? Lyon hãy chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ của bản thân nhé.

Thực ra trải nghiệm mình thích nhất là khi được diễn tác phẩm của chính mình biên đạo cùng với những người bạn mình tin tưởng. Hiện tại Lyon cũng đang có một trải nghiệm như vậy với tác phẩm “bộc” mà Lyon diễn chung với bạn diễn Alek Phước Chương. Như Lyon có đề cập ở trên, đôi lúc việc trình diễn sẽ cho mình được hóa thân vào những nhân vật mới mà trong những nhân vật đó mình tìm thấy sự đồng cảm hoặc phóng kích cảm xúc, cũng như cảm giác được lắng nghe, được nhận diện từ khán giả.

Trong các tác phẩm mà mình biên đạo, Lyon cũng tập trung biểu hiện những điều phi lý, kỳ lạ, đôi lúc sử dùng thân nghiệm và một số thủ thuật để đẩy giới hạn của cơ thể và cảm xúc đến cực điểm. Trong tác phẩm “bộc”, có một đoạn Lyon và bạn diễn bám vào nhau, dùng tay vỗ và đập mạnh vào người kia như đang cố gắng nhìn thấy nhau nhưng rồi từ từ có cảm giác như đang cào xé lẫn nhau trong quá trình này. Đây là một phân đoạn mà Lyon thấy cảm xúc của mình trong tác phẩm trở nên mãnh liệt nhất và dường như ở cuối phân đoạn đó, khi cả hai cùng rơi xuống, mọi năng lượng cùng cực kia như được tan biến, để lại cho mình một không gian lắng đọng để phản tư. Đây chỉ là một ví dụ trong những thủ thuật biên đạo mà Lyon cho phép bản thân được trải nghiệm để bộc ra những hỗn loạn trong tâm trí. Lần nào diễn phân đoạn đó đều cảm thấy rất thích thú.

Lyon Nguyễn
Tác phẩm múa Trót tin AI.

Triết lý đằng sau hoạt động giảng dạy và biên đạo múa của Lyon là gì? Lyon có đặt ra mục tiêu giúp học viên cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần khi tham gia lớp học của mình hay không?

Có chứ! Sự hòa hợp thân-tâm-trí vừa là giá trị cốt lõi cũng vừa là lý do khiến Lyon thành lập CLB thân nghiệm. Nói rõ hơn:

Ở “thân”, đó là mang đến các hoạt động huấn luyện, đào tạo về kỹ thuật chuyển động (các phương pháp múa, ứng tác, cảm thể…) với hy vọng trả cơ thể mọi người về với trạng thái tự nhiên: khỏe mạnh, linh hoạt, dẻo dai, và toàn vẹn.

Ở “tâm”, đó là khuyến khích mọi người chơi đùa và sáng tạo với chuyển động như một phương thức giải phóng và làm bạn với cảm xúc, cân bằng những cảm quan bên trong với những biểu hiện bên ngoài, và cho phép cơ thể được cởi mở hơn với cộng đồng và môi trường xung quanh.

Ở “trí”, đó là khai mở và cập nhật cho mọi người các kiến thức, học thuật liên quan đến chuyển động (như lịch sử, phê bình, thẩm mỹ…) để mọi người có thể định hình được vị trí và vai trò của cơ thể trong dòng chảy kinh tế, chính trị, xã hội.

Ngoài ra, “thân nghiệm” – khái niệm đề cao trí thông minh và tính tự trị của cơ thể mà Lyon đã giải thích ở trên – cũng là kim chỉ nam cho các hoạt động của CLB.

Lyon có bao giờ kết hợp các yếu tố khác như thiền định hoặc liệu pháp nghệ thuật vào các buổi học nhảy để tăng cường tác dụng chữa lành không?

Mình có kết hợp các yếu tố khác như chánh niệm vào trong múa nhưng không 100% chú tâm mục đích chữa lành. Tuy là tin vào khả năng chữa lành của chuyển động, Lyon không phải là chuyên gia và cũng không hướng các buổi học của mình đến việc chữa lành. Về mặt chuyên môn, học hàm cho lĩnh vực chuyển động trị liệu (Dance/Movement Therapy – thường là văn bằng Arts hoặc Science) là rất khác so với học hàm cho chuyển động nghệ thuật (là văn bằng Mỹ Thuật – Fine Arts, và cũng là văn bằng và trọng tâm theo đuổi của Lyon). Trong thực hành của mình, Lyon tin rằng việc chú tâm vào nhảy múa cũng đã mang nhiều lợi ích về chữa lành rồi, bởi nó giúp mình gắn kết với thực tại và môi trường xung quanh. Còn nếu nói về việc giúp người học vượt qua một sang chấn tâm lý cực kỳ nghiêm trọng hay cấp bách nào đó, thì việc trị liệu bằng chuyển động sẽ phải khác hoàn toàn so với một lớp múa sáng tạo hay lớp Contact Improv mà Lyon đứng lớp giảng dạy. Thậm chí, trong vài trường hợp nặng, nếu dùng múa sáng tạo để giúp họ giải quyết vấn đề thì có khả năng phản tác dụng và gây thương tổn cho họ nhiều hơn.

lyon đạt nguyễn và múa thể nghiệm

Một người có thể tự thực hành chuyển động/nhảy múa cho mục đích chữa lành hay không? Và có những điều gì cần lưu ý khi thực hành để đạt được hiệu quả tốt nhất?

Có và không. Mình biết có những người tự học nhảy múa qua các hướng dẫn online, và họ cũng đạt được nhiều mục đích về giải phóng năng lượng và giảm căng thẳng. Thế nhưng, nếu bạn thực sự chú trọng vào việc chữa lành bằng chuyển động, mình khuyên bạn hãy đi sâu vào bài bản, tìm cho mình một số nền tảng lý thuyết và thực hành từ các chuyên gia ở lĩnh vực này. Bởi vì cơ thể mỗi người mỗi khác, và cách cơ thể chúng ta lưu trữ các sang chấn và biểu hiện thông qua chuyển động cũng khác. Chỉ khi gặp chuyên gia, họ mới định vị được rằng những thực hành của các bạn thiếu sót ở đâu dựa trên tình trạng của bạn. Ngay cả khi bạn nghĩ bạn đã bắt chước một bài hướng dẫn online đến hoàn hảo, đôi lúc họ vẫn nhìn ra được những tiểu tiết mà bạn có thể bỏ quên và giúp bạn tháo gỡ những khúc mắc và phát triển bản thân.

Đối với những người mới bắt đầu, Lyon có lời khuyên gì để họ có thể tận dụng tối đa lợi ích của nhảy múa đối với sức khỏe tinh thần, đặc biệt là khi họ có thể cảm thấy ngại ngùng hoặc thiếu tự tin?

Để tận dụng tối đa các lợi ích của múa về mặt tinh thần, các bạn chỉ cần một điều đơn giản: đó là hãy thật sự hiện diện tại đó cùng với mọi người. Để hiện diện, các bạn hãy cố gắng lắng nghe không gian cũng như cơ thể mình, quan sát và điều phối hơi thở của mình. Hãy chủ động đưa ra những câu hỏi nếu mình cảm thấy hoang mang với những việc mình cần phải làm, hoặc cho phép bản thân được lùi về khu vực ngoại biên để quan sát nếu bạn cảm thấy không thoải mái. Hãy nhận diện những cảm xúc “ngại ngùng” hay “thiếu tự tin” này, nó cũng chỉ đang cố bảo vệ bạn mà thôi. Từ từ, bạn hãy bảo chúng là “không sao đâu, mình đang ở một nơi an toàn” để cho phép chúng được thư giãn, còn bạn thì có thể toàn tâm toàn ý ở lại với hiện tại/chuyển động của mình. Và hãy nhớ là, nếu cảm thấy bị “bí” ý tưởng, bạn luôn có thể bắt chước cách người khác làm để cho phép cơ thể mình được trải nghiệm những chiều chuyển động/năng lượng mới.

Theo Lyon, trong tương lai, liệu nhảy múa có thể được ứng dụng rộng rãi hơn như một phương pháp trị liệu bổ trợ cho những người mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần không?

Có chứ. Thế nhưng, cũng như mình đã đề cập ở trên, các bạn hãy thử nghiệm và phân biệt cho mình một số nhu cầu về chữa lành. Nếu bạn đang trải nghiệm một sang chấn lớn và cấp bách thì hãy tìm đến những chuyên gia chuyển động trị liệu với những văn bằng chuyên biệt, còn nếu đó là những vướng mắc trong cảm xúc hay tâm khảm, đôi lúc bạn sẽ tìm được câu trả lời cho mình từ các bộ môn chuyển động sáng tạo như Contact Improv.

Cảm ơn Lyon vì những thông tin hữu ích. Chúc bạn mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

Ảnh: Victor Chau, NVCC

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)