Lifestyle / ELLE Voice

[Wellness special] NTL Phạm Phương Thanh: Tâm thế mới tạo nên cuộc đời mới

Trước khi trở thành nhà trị liệu tâm lý và sáng lập khu vườn chữa lành the Domdom Healing Garden, Phạm Phương Thanh cũng từng rơi vào một cuộc khủng hoảng hiện sinh và đau đáu với việc đi tìm lý tưởng sống. Ở tuổi 29, chị quyết định dừng công việc hiện có để bắt đầu lại với hành trình chăm sóc đời sống tinh thần của con người, dần dần bén duyên với những phương pháp trị liệu đặc biệt, có khả năng tiếp cận và tác động tới phần vô thức - vùng đất chứa đựng những gốc rễ, căn nguyên của các vấn đề về mặt tâm lý và tinh thần của mỗi cá nhân.

Chào chị, kể từ bước ngoặt nào mà chị bắt đầu con đường trở thành nhà trị liệu tâm lý?

Tôi sẽ chẳng bao giờ quên những tháng ngày khoảng cuối năm 2015, đầu năm 2016, khi tôi đang làm việc trong một tập đoàn truyền thông có tiếng ở TP.HCM với vai trò là một BTV và NSX các chương trình truyền hình. Thời điểm đó, tôi đã có khoảng 7 năm gắn bó với lĩnh vực này. Nhưng tôi dần cảm thấy sức chứa của phòng thu hình, những show truyền hình trực tiếp mỗi cuối tuần hay những gameshow giải trí đã không còn hấp dẫn tôi nữa. 28 tuổi, tôi bắt đầu có nhiều đêm mất ngủ dài sau khi trở về từ nơi làm việc, từ những cuộc họp, các phiên làm việc liên miên với người nổi tiếng. Hồn tôi dường như đang mệt nhoài, nhức nhối với những câu hỏi về một cuộc sống mà tôi thực sự muốn chạm đến. Lý tưởng sống một cuộc đời nhiều nhựa sống hơn, chân phương hơn đã giày vò tôi rất dữ dội thời điểm này.

Vào năm cuối của công việc này, tôi đã xin cấp trên cho mình được làm loạt chương trình về thiện nguyện như xây cầu, xây nhà cho những vùng quê nghèo khó. Và chính những chuyến đi đến những vùng xa xôi trong khoảng thời gian này đã thực sự thức tỉnh tôi. Tôi nhận ra một điều rằng: người giàu, người nghèo, ai cũng có niềm đau nỗi khổ rất riêng. Sau loạt chương trình đó, tôi quyết định nghỉ việc và rời khỏi lĩnh vực mà tôi đã gắn bó trong gần 8 năm, rất nhẹ nhàng và bình thản, như thể việc gì cần đến thì phải đến.

Lúc này tôi chính thức trở về vạch xuất phát, ở tuổi 29. Tôi bắt đầu quan tâm tới những con sóng nội tâm của mình nhiều hơn bao giờ hết sau trận động đất tâm hồn tôi vừa kể ở trên. Tôi học thiền. Tôi bắt đầu tìm hiểu say mê về thế giới tinh thần của con người thông qua tâm lý học – lĩnh vực mà tôi đã yêu thích từ thời còn sinh viên. Tôi vẫn hay kể với những người quen thân rằng, 30 tuổi là lúc người ta sẽ nghĩ đến việc an cư, mua nhà, sắm xe, lập gia đình, còn tôi, tôi dành hết số tiền tiết kiệm được trong quãng thời gian đi làm để sang Úc, Malaysia, Philippine, Ấn Độ… đi học và để tìm lại lẽ sống đời mình. Hành trình bước chân vào công việc chăm sóc đời sống tinh thần con người của tôi bắt đầu như vậy đấy!

phạm phương thanh nhà trị liệu tâm lý việt nam

Trong số rất nhiều hình thức trị liệu khác nhau, tại sao chị chọn theo đuổi các liệu pháp có tên gọi khá lạ như: Thôi miên nhân văn, Trị liệu biểu tượng AST, Khoa học lập trình ngôn ngữ hệ thần kinh, Trị liệu dòng thời gian, Chòm sao gia đình và chữa lành xuyên thế hệ…?

Tôi bắt đầu lĩnh vực này với một nhà khai vấn và đào tạo về NLP (bộ môn Khoa học lập trình ngôn ngữ hệ thần kinh) và tốt nghiệp chương trình đào tạo để trở thành một thành viên chính thức trong đội ngũ NLP International Trainer của Hiệp hội ABNLP (America Board of NLP). Sự kiện này đến với tôi vào năm 2018 như một viên gạch thật vừa vặn cho một khởi đầu đầy lý thú dẫn tôi tới con đường trở thành một chuyên viên trị liệu tâm lý sau này. Tôi chọn NLP thời điểm đó vì một lý do: từ nhỏ, tôi đã bị thu hút bởi những câu chuyện về cuộc đời của những người xuất chúng, và đó chính xác là điểm căn cốt mà NLP đã nghiên cứu thành công.

NLP là một ngành khoa học khá mới mẻ, ra đời vào những năm 1975, là một nghiên cứu của ba cái tên John Grinder (Giáo sư ngôn ngữ học tại Hoa Kỳ), Frank Pucelik, Richard Bandler (một nhà toán học). Cả ba người họ đều có niềm đam mê với sự xuất chúng của con người. Họ bắt đầu hành trình NLP bằng cách mô phỏng hóa ba nhân vật có tiếng trong lĩnh vực Tâm lý trị liệu thời bấy giờ là Fritz Perls (người sáng lập Liệu pháp Gestalt), Virginia Satir (nhà trị liệu gia đình) và Milton Erickson (ông tổ của ngành Thôi miên trị liệu). Họ đã thành công trên cơ sở nhất quán trong việc giúp bệnh nhân của họ được chữa lành và đạt được kết quả sau các buổi trị liệu. Nhiều người ở Việt Nam biết đến NLP ở khía cạnh tạo động lực, nâng cao hiệu suất trong quá trình làm việc… nhưng thực sự, NLP còn những khía cạnh sâu và thú vị hơn như vậy nhiều. Rất tự nhiên, quá trình học và thực hành NLP mở ra cho tôi những ý tưởng đi sâu vào các học thuyết và trường phái trị liệu tâm lý sau đó. Tôi biết đến và học Thôi miên trị liệu, Liệu pháp Trị liệu Dòng thời gian (Time Line Therapy), Mô hình trị liệu gia đình theo Virginia Satir và Mô hình của Bert Hellinger (với tên gọi Family Constellations) cũng là từ quá trình học NLP mà ra.

tâm lý nhà trị liệu phạm phương thanh

Lúc đầu, trường phái thôi miên mà tôi học là Thôi miên cổ điển (hay mọi người quen gọi với cái tên Thôi miên Milton Erickson) nhưng thú thực, tôi không cảm thấy đau đáu với trường phái này. Mãi cho đến năm 2020, tôi gặp được chị Vũ Phi Yên, người đầu tiên học và mang Thôi miên Nhân văn (TMNV) và Liệu pháp Trị liệu biểu tượng – một bộ môn đến từ Pháp – về Việt Nam. Chị Yên là người thầy đầu tiên dạy tôi về Thôi miên nhân văn và tiếp tục gieo duyên cho tôi có cơ hội được học về nó sâu hơn sau này. Tất cả các trường phái mà tôi đề cập ở trên đều dựa trên một nguyên tắc chung là chúng giúp ta có khả năng tiếp cận và tác động tới phần vô thức – vùng đất chứa đựng những gốc rễ, căn nguyên của những vấn đề, những bức bí về mặt tâm lý và tinh thần của một cá nhân khi trưởng thành.

Nghe đến thôi miên có vẻ vẫn khiến nhiều người nghi ngại nhưng thực chất, chúng ta hằng ngày vẫn đang sống trong trạng thái thôi miên một cách thụ động mà chúng ta không biết đó thôi. Trong trị liệu tâm lý, đơn giản, chúng ta chủ động cho phép mình ở trong trạng thái này với một mục đích cụ thể, mà phần lớn là muốn sử dụng tác dụng của trạng thái này để sửa chữa, thay đổi những raò cản về mặt tâm lý khiến đời ta rơi vào bế tắc, u uất.

Các phương pháp trị liệu này mang lại cho người nghe cảm giác khá thần bí. Có liệu pháp nào bắt nguồn từ những trí tuệ cổ xưa hay không, và chúng dần được áp dụng vào tâm lý trị liệu cùng với các nền tảng khoa học như thế nào?

Chúng ta thường gán cho những điều chúng ta không giải thích được bằng logic hạn chế, những điều chúng ta không cầm, nắm, sờ, ngửi được… bằng một từ “thần bí” như bạn nói. Nếu đi sâu vào tìm hiểu, ta sẽ thấy Thôi miên trị liệu trải qua cả một tiến trình hình thành và phát triển rất dài từ thời khởi thủy cho đến tận ngày nay. Từ rất sớm, những con người đầu tiên trên Trái đất đã thực hành các nghi lễ cúng tế hướng tới những đấng tối cao, các vị thần mà họ thờ phụng thông qua những lời cầu nguyện với niềm tin rằng họ sẽ được che chở, bảo vệ, khỏe mạnh và ấm no. Hơn 6.000 năm trước ở Mesopotamia, người ta đã tìm ra một bản thảo mô tả các phương pháp chữa bệnh hiệu quả thông qua việc làm biến đổi trạng thái ý thức thông thường (đây chính là trạng thái “trance” trong thôi miên). Trải qua rất nhiều cột mốc trong quá trình tiến hóa tâm thức của nhân loại, vào năm 1891, giáo sư y học Hippolyte Bernheim lấy lại thuật ngữ “tâm lý trị liệu” – cụm từ bao hàm bất kỳ chăm sóc y tế nào cho thấy tác động của tâm trí lên cơ thể – để nói về phương pháp điều trị dựa trên ám thị thôi miên. Thôi miên lúc này được sử dụng rộng rãi, đặc biệt là trong y học, để tạo ra tác dụng giảm đau. Và có thể nói, đến thời điểm nhà tâm thần học người Mỹ Milton Erickson xuất hiện với kỹ thuật thôi miên mang chính tên ông, Thôi miên đã thịnh hành trở lại.

Tiếp sau đó, vào khoảng những năm 1979, nhánh Thôi miên mới ra đời dựa trên việc cải thiện một số kỹ thuật thôi miên Erickson, giúp kỹ thuật này tham gia vào một trường trị liệu rộng hơn, quan tâm không chỉ đến các vấn đề y khoa mà cả chất lượng đời sống tinh thần và phát triển cá nhân. Đến năm 2001, Olivier Lockert, một tác giả và nhà trị liệu quốc tế người Pháp, đã đưa thôi miên thăng hoa lên một nấc mới với việc phát triển trường phái mang tên Thôi miên nhân văn – cung cấp cho bệnh nhân khả năng tự thực hiện những điều xưa nay Thôi miên vẫn làm mà không cần sự can thiệp của nhà trị liệu. Nhà trị liệu chỉ giúp người ấy bước vào trạng thái ý thức biến đổi thông qua một số cách dẫn nhập vào thôi miên.

Có thể thấy, hiện tại, thôi miên đang được ứng dụng rộng khắp trong rất nhiều lĩnh vực như tâm lý, kinh doanh, quảng cáo, giải trí, học tập, phát triển cá nhân… Nếu hứng thú, bạn có thể tìm hiểu về lược sử của ngành Thôi miên được viết rất đầy đủ trong cuốn Olivier Lockert, Thôi miên nhân văn: Thay đổi nhờ trạng thái ý thức tăng cường, IFHE, 2013 với bản tiếng Việt được biên dịch bởi Thạc sĩ Tâm lý học Nguyễn Vân Anh, hiệu đính bởi Tiến sĩ/ Bác sĩ Vũ Phi Yên.

tâm lý tạo cuộc đời mới
“Cuộc sống giống như một bánh xe vậy! Để bánh xe có thể lăn, ta cần giữ cho trục bánh xe luôn ở trạng thái thăng bằng.”

Triết lý kết hợp Đông – Tây hài hòa được thể hiện như thế nào trong cách chị ứng dụng các công cụ trị liệu trên? Thường thì chị sẽ kết hợp các trường phái trị liệu khác nhau như thế nào để đạt được hiệu quả chữa lành phù hợp với từng thân chủ?

Cùng một giống xoài mà trồng ở hai mạch đất khác nhau đã cho ra hai vị xoài khang khác nhau rồi. Con người cũng vậy đấy! Mỗi người mang sau lưng mình cả một lịch sử cá nhân khác biệt, cách ta được nuôi lớn và dạy khôn, nơi ta sinh ra và trưởng thành… tất cả góp phần bồi đắp nên con người ta đang là lúc này, định hình nên khuôn mẫu nhân cách của ta. Nhưng cũng cần nhận thức rằng, bên cạnh những bản sắc cá nhân đó, chúng ta cũng mang trong mình những khuôn mẫu tâm hồn chung của giống loài. Hay nói cách khác, chúng ta lưu giữ những vùng ký ức cá nhân và cả những vùng ký ức tập thể. Tiếp cận theo hướng này sẽ giúp ta có một cái nhìn toàn diện hơn khi làm việc với nội tâm của chính mình và cũng để ý thức được rằng, thế giới nội tâm của con người là một thứ gì đó vô cùng phức tạp, nhiều biến hóa, không nên cứng nhắc và chỉ sử dụng một hướng tiếp cận cho tất cả.

Do đó, triết lý trị liệu của tôi là hòa Đông vào Tây, tức là với từng thân chủ riêng biệt, tôi sẽ uyển chuyển và linh hoạt trong việc đề xuất họ một “thực đơn” trị liệu riêng biệt, thậm chí theo từng giai đoạn khác nhau, một thân chủ sẽ được tiếp cận trên những liệu pháp khác nhau nữa. Công việc của nhà trị liệu giống như một người đầu bếp, phải hiểu về cơ thể và các loại bệnh nền của khách để chọn món và gia giảm hương liệu làm sao để khách được ăn những món ăn bổ, lành, có tính nuôi dưỡng nhất. Với tôi, làm việc với thế giới tinh thần của con người là một công việc đòi hỏi ngoài chuyên môn vững vàng, chuyên viên trị liệu cần có tinh thần rộng mở và khoáng đạt, lấy thân chủ làm trọng tâm trong quá trình lựa chọn cách thức để hỗ trợ họ một cách mềm mại và nhu nhuyến nhất.

Những thân chủ tìm đến chị thường gặp phải vấn đề tâm lý nào? Đó có phải là những vấn đề phổ biến trong thời đại ngày nay hay không? Theo chị, đâu là nguyên nhân dẫn đến sự phổ biến của những vấn đề tâm lý này?

Tệp thân chủ của tôi khá đa dạng, trải dài từ độ tuổi 9,10 đến hơn 70, nhưng các đối tượng tập trung chủ yếu vào khoảng từ 20 đến 55 tuổi. Nhìn vào cục diện này, có thể thấy, bất kể ai dù trẻ hay già, giàu hay nghèo cũng đều “có chuyện” cả phải không? Những vấn đề phổ biến mà chúng tôi thường nhận được đó là: sự thay đổi về tâm sinh lý của các con khi bước vào giai đoạn dậy thì; những nhức nhối đến từ khủng hoảng hiện sinh của nhóm đối tượng ngoài 20; những vấn đề trồi lên trong giai đoạn chuyển giao giữa các cột mốc lớn như kết hôn, sinh con, chuyển việc, nghỉ hưu, ly hôn, mất mát người thân, phá sản, bệnh tật…

Cá nhân tôi nghĩ rằng, mỗi thời đại khác nhau, con người sẽ đối mặt với những thách thức khác nhau, bao gồm cả những thách thức về mặt tinh thần. Xét về khía cạnh tiến hóa, điều đó là tất yếu! Sự phát triển nở rộ của ngành công nghệ thông tin mang đến cho chúng ta rất nhiều thuận lợi nhưng cũng đang tạo ra rất nhiều thách thức lớn tác động lên tâm trí của con người. Thời đại mà chúng ta đang sống, bạn có để ý, mọi thứ đều phải nhanh không? Cái gì cũng phải tranh thủ: tranh thủ ăn, tranh thủ ngủ, tranh thủ làm cái này cái kia… thậm chí là cả tranh thủ yêu (cười). Nhanh đến… không kịp thở. Mà chất lượng của hơi thở tác động rất nhiều đến tâm trí và tinh thần của chúng ta đấy nhé! Tôi để ý, thường thì mọi người tìm đến phòng trị liệu tâm lý khi họ thấy đời họ “khó thở”, “ngột ngạt”, “bức bách”, hoặc thậm chí là muốn “ngưng thở” để khỏi phải tiếp tục đối mặt với cuộc sống…

Sau quá trình trị liệu tại The Domdom Healing Garden, chị thường quan sát thấy các thân chủ của mình có những thay đổi như thế nào? Sau đó, họ sẽ phải tiếp tục làm gì để duy trì trạng thái cân bằng và ổn định về mặt tinh thần?

Câu hỏi này của bạn đáng nhẽ nên được chuyển đến cho các thân chủ của tôi mới đúng (cười).

Một trong những điều tôi rất yêu thích trong công viêc trị liệu của mình là được đọc những bài thu hoạch mà các thân chủ của tôi tổng kết lại khi quan sát tất cả sự thay đổi của họ trong cuộc sống ngay sau các phiên trị liệu. Thi thoảng tôi lại nhận được những email bất ngờ mà thân chủ viết cho tôi để kể về cuộc sống của họ sau khi kết thúc làm việc với tôi đến 1, 2 năm sau. Những gì tôi có thể thay mặt cho thân chủ của tôi để kể lại cho bạn nghe đó là: họ thấy đời họ… dễ thở hơn! Mọi thứ bên ngoài vẫn như cũ, nhưng họ trở về sống cuộc đời cũ của họ với một tâm trạng mới, rõ ràng với chính mình hơn, có thêm nhiều phút giây bình ổn hơn trong tâm hồn, bớt rơi vào những “ngõ cụt” trong tâm trí dù đời đôi khi vẫn tiếp tục đẩy họ vào chân tường. Tâm thế mới tạo nên cuộc đời mới, tôi tin vào điều này!

Ngày nay, con người đang có xu hướng tìm về với các phương pháp xoa dịu tinh thần mang tính tâm linh, huyền bí nhiều hơn như thần số học, chiêm tinh học, trải bài tarot, thực hành yoga, thiền định, chuông xoay, thôi miên… Chị có nhận định gì về sự chuyển dịch này? Liệu có phải vì con người đang không còn gì bấu víu ở thế giới thực tại nên mới đi tìm điểm tựa ở thế giới tinh thần?

Gần đây, tôi được biết đến cuốn sách có tên Tâm linh như một sự tiến hóa tất yếu của con người của Đương đạo Nguyễn Thế Đăng. Ông trình bày một cái nhìn tổng thể về cuộc đời con người với ba tầng tiến hóa: vật chất, ý thức và tâm linh. Thời đại này, có lẽ con người chúng ta đang phải đối mặt với những vấn đề mang tính thời đại: dịch bênh, thiên tai, biến đổi khí hậu, sự có mặt dày đặc của công nghệ trong đời sống… Những vấn đề mà có lẽ ở tầng vật chất hay ý thức đôi khi vẫn khiến ta bị mắc kẹt và không truy tìm được gốc rễ. Tôi tin rằng sự dịch chuyển mà bạn nói đang diễn ra ngày càng rộng ở cấp độ tập thể này là một tín hiệu sáng xét trên phương diện tiến hóa về mặt tâm hồn. Với tôi, mọi con đường đều dẫn ta đến sự hiểu biết ngày một bao quát và sâu sắc về chính mình và về những quy luật của vũ trụ, nhằm thúc đẩy sự tiến hóa ở mọi dạng tồn tại.

NTL phạm phương thanh

Triết lý cốt lõi của chị là dùng tình yêu thương để dìu dắt chính mình và giúp đỡ người khác. Tuy nhiên, “yêu thương” là một điều không phải lúc nào cũng dễ thực hiện, nhất là trong xã hội nhiễu nhương, rối loạn như hiện nay – một xã hội làm con người ta dễ bộc lộ những điều không dễ thương của mình. Làm thế nào để mỗi người có thể nuôi dưỡng tình yêu thương đối với con người và với chính bản thân mình?

Bạn có đồng ý với tôi rằng tất cả chúng ta đều được kết tinh và đến với đời sống này là nhờ vào tình yêu của một (vài) người nào đó? Tình yêu có sức mạnh to lớn như vậy đấy, nó tạo ra sự tồn tại của ta, nên có thể nói ta cũng chính là tình yêu. Vì thế mà tôi có một niềm tin rằng yêu là một bản năng của loài người. Có nghĩa rằng, ai sinh ra cũng đã có sẵn tình yêu trong mình rồi, cũng như sinh ra ta đã biết thở mà chẳng cần ai dạy vậy. Nhưng thở theo bản năng (hay còn gọi là hơi thở tự nhiên) sẽ khác với thở có ý thức – loại hơi thở mang đến cho ta nhiều lợi ích và tác dụng chữa lành cơ thể và tâm trí. Tôi thích ví tình yêu như hơi thở. Ai sinh ra cũng có tính chất yêu trong mình nhưng để yêu có ý thức, để tình yêu trở thành những “hơi thở chữa lành” giúp ta khỏe khoắn hơn, an bình hơn rồi giúp người ta yêu tươi tốt hơn, tỏa rạng hơn thì ta cần phải học cách yêu đúng đấy nhé!

Tôi từng đọc được ở đâu đó có một ý như thế này: Mọi khổ đau và bất hạnh của con người cũng đều xuất phát từ việc không được yêu thương. Với tôi, yêu là một nhiệm vụ khó khăn nhất của loài người nhưng cũng là cái vốn tự thân mà ai ai cũng có để dùng nó nâng đỡ chính đời mình và rồi nếu có thể thì chan hòa tình yêu đó đến với người, với đời…

tâm lý phương pháp đông tây

Theo chị, chúng ta nên đối diện với cuộc đời như thế nào để có thể tìm thấy sự bình yên ở bên trong? Và có những phương pháp đơn giản nào mà mỗi người có thể tự thực hành hằng ngày để xây dựng thân – tâm khỏe mạnh?

Cám ơn bạn đã chọn câu hỏi này làm cái kết cho cuộc trò chuyện của chúng ta.

Khoảng gần một năm trở lại đây, tôi bắt đầu thực hành sâu sát hơn các triết lý của Chủ nghĩa khắc kỷ, trong đó có một triết lý rất chạm đến tôi, đó là “Amor Fati”. Amor Fati là một cụm từ Latin, ý chỉ “Hãy yêu lấy số mệnh của bạn!”. Triết lý Amor Fati dạy ta rằng, cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng hay theo ý muốn của chúng ta. Khi ta học cách chào đón mọi cung bậc của cuộc sống, từ niềm vui đến niềm đau, từ vinh quang đến ngã bại, ta không chỉ tìm thấy sự an ổn trong tâm hồn mà còn hun rèn được sức mạnh nội tâm để vượt qua mọi thử thách. Triết lý này không chỉ là lời nhắc nhở về việc sống một cuộc sống có ý thức và trân trọng từng khoảnh khắc,  thực hành Amor Fati còn có nghĩa là ta luôn tìm kiếm ý nghĩa và bài học trong mọi sự kiện mà ta trải nghiệm, với một tinh thần lạc quan và bình thản. 

Duy trì trạng thái mạnh khỏe của thân và của tâm với tôi là một quá trình đòi hỏi chúng ta có khả năng xây dựng cho mình một nhịp điệu lành mạnh trong cuộc sống. Mọi vấn đề của thân và của tâm tựu trung đều là do chúng ta đang mất cân bằng. Cuộc sống giống như một bánh xe vậy! Để bánh xe có thể lăn, ta cần giữ cho trục bánh xe luôn ở trạng thái thăng bằng. Một lối sống nhịp nhàng, cân bằng giữa những hoạt động có tính “hít vào” (những hoạt động mang tính tập trung, nỗ lực) và “thở ra” (những hoạt động mang tính thả lỏng, thư giãn) theo tôi là cách để ta luôn không đi quá xa điểm cân bằng trong tâm và trên thân. Còn phương pháp và các hoạt động nào phù hợp, hãy lắng nghe bản thân để lựa chọn và thiết kế cho bạn một nhịp điệu hiệu quả và khiến bạn hứng thú để duy trì nó đều đặn và lâu dài.

Cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị. Chúc chị luôn khỏe mạnh và an vui.

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc

Ảnh: NVCC

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)