Hà có thể chia sẻ một chút về bản thân ở thời điểm hiện tại không?
Sau 7 năm công tác tại trường đại học, tôi quyết định rẽ sang con đường mới, đó là quản lý và điều phối các dự án về môi trường tại các tổ chức phi lợi nhuận/ phi chính phủ. Tôi có nhiều đam mê và có những giá trị mà mình luôn theo đuổi. Tôi mong muốn được đóng góp chút công sức của mình trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, hợp tác quốc tế, và tất nhiên là bảo vệ môi trường. Đó là 4 “keyword” mà tôi thường chia sẻ để mọi người luôn có thể nhớ đến một “cô Hà ô nhiễm không khí”. Bên cạnh đó, tôi cũng luôn tìm cách để tăng cường sự tham gia của các bạn thanh niên trong những vấn đề về môi trường, kết nối các bên liên quan trong xã hội, mọi người đều biết chia sẻ những gì tốt nhất có thể và cùng chung tay xây dựng xã hội bền vững, toàn diện.
Trong khi nhiều phụ nữ cùng độ tuổi chọn một công việc tương đối ổn định như tài chính, kế toán, sư phạm… vì sao Hà lại chọn gắn bó với khoa học môi trường?
Tôi nghĩ đó là do bản chất tự nhiên. Ngay từ nhỏ, tôi đã thích môn Toán. Với sự tò mò cộng với tư duy logic, tôi chọn theo đuổi các môn tự nhiên. Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình, người thân trong gia đình chủ yếu làm về nông nghiệp, tuổi thơ của tôi là những ngày Hè được về quê rong chơi. Từng cái cây, ngọn cỏ, con trâu đều khiến tôi thích thú và tò mò, rồi trong tôi dần hình thành tình yêu với thiên nhiên.
Thời còn là sinh viên, tôi thường tham gia các hoạt động tình nguyện về môi trường. Ở đó, tôi may mắn được tiếp cận với các anh chị đi trước, những người thầy, giáo sư tận tụy đã dạy tôi rất nhiều bài học thực tế gần gũi với đời sống thay vì những công thức, phản ứng hóa học khô khan. Chẳng hạn nghiên cứu để làm sao giải quyết những vấn đề hết sức cụ thể, như thu gom dầu mỡ phế thải trong quá trình chế biến thủy sản, biến chúng thành dầu nhiên liệu sinh học để có thể giảm rác thải, khí CO2 thải ra môi trường. Chính bởi nhiệt huyết và những bài học cụ thể đầy cảm hứng của các giáo sư đã khiến tôi quyết định theo đuổi ngành nghề về môi trường một cách nghiêm túc.
Tôi luôn ghi nhớ lời của một giáo sư người Mỹ nói với tôi: “Chúng ta học và nghiên cứu không phải chỉ để giải quyết những vấn đề trong sách vở, mà để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống. Đấy mới là vai trò của nhà nghiên cứu, nhà khoa học”. Tôi cứ dần yêu đến lúc nó như máu chảy trong người mình, không còn theo đuổi nữa thì không còn là chính tôi.
Hà có thấy sự khác biệt hay chênh lệch lớn nào giữa những gì mình đã học và thực tế đang trải qua?
Tôi nghĩ rằng nếu dùng từ chênh lệch, khác biệt chưa hẳn là đúng. Những gì chúng ta trải qua trên ghế nhà trường chỉ là một phần rất nhỏ so với trải nghiệm thực sự bên ngoài. Một mặt cần không ngừng trau dồi về chuyên môn, liên tục học hỏi, tiếp thu thông tin, kiến thức về bối cảnh và chuyển động xã hội liên quan tới lĩnh vực công việc, đồng thời bồi dưỡng các nhóm kỹ năng cứng và mềm để đóng góp hiệu quả hơn trong công tác. Mặt khác, cũng cần tăng cường trải nghiệm, học cách nhận diện và đối mặt với các thách thức, làm quen và học cách cởi mở với sự đa dạng và khác biệt; từ đó hình thành cách nhìn nhận tổng hợp và toàn diện về vấn đề để đóng góp giải pháp ở một tầm cao mới.
Khi đang là một nhà nghiên cứu khoa học, vì sao Hà quyết định chuyển sang làm tại các dự án phi lợi nhuận, dù công việc này chiếm nhiều công sức và thời gian hơn?
Thật ra, cho đến thời điểm này, bản thân tôi cũng luôn tự hỏi “tại sao”. Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm còn làm nghiên cứu, tôi luôn làm tốt và yêu mến công việc của mình, nhưng lại cứ có cảm giác thiếu một thứ gì đó. Trong quá trình quan sát, tôi thấy được những định kiến của xã hội nói chung về sự năng động và sự đóng góp của các nhà khoa học để giải quyết những vấn đề nóng hổi của xã hội. Nó thôi thúc tôi phải suy nghĩ rằng nếu có thể đóng góp nhiều hơn, tại sao tôi không thử? Với ưu thế về chuyên môn và đã có chỗ đứng nhất định trong giới khoa học, tôi luôn mường tượng mình sẽ trở thành cầu nối giữa khoa học và các lĩnh vực khác, cụ thể là nhà người quản lý môi trường, xây dựng và ban hành chính sách, các tổ chức xã hội, các nhóm cộng đồng và doanh nghiệp. Tôi mong có thể góp phần để mọi người thấu hiểu và hỗ trợ nhau tốt hơn, giải quyết vấn đề một cách toàn diện hơn.
Theo Hà, có những hạn chế và thách thức nào cho các nhà khoa học trong nước, đặc biệt là nữ giới?
Hiện tại những nhà khoa học chân chính ở Việt Nam muốn theo đuổi nghề nghiêm túc đang thực sự gặp rất nhiều thách thức. Tôi cho rằng mặt bằng chung, các nhà khoa học Việt Nam vẫn còn thiếu thốn rất nhiều về cơ sở vật chất, về nguồn lực để hỗ trợ họ nghiên cứu cũng như thù lao để họ có thể yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp. Tôi không có ý nói là tất cả bởi tôi tin rằng còn có những người đang làm rất tốt vai trò của mình và cũng đang được đối xử một cách xứng đáng.
Tuy không còn tiếp tục nghiên cứu khoa học, nhưng gần đây, tôi cũng đang thực hiện khá nhiều các talkshows, dự án khuyến khích nữ giới theo học ngành khoa học kỹ thuật và góp phần nâng cao vai trò, tiếng nói của các nhà khoa học nữ. Nhà khoa học nữ cũng như giới nữ nói chung vẫn còn nhiều thách thức, vẫn bị gò bó bởi những chuẩn mực xã hội như công dung ngôn hạnh, giỏi việc nước đảm việc nhà. Những chuẩn mực đó có thể trở nên rất khắc nghiệt. Làm khoa học phải tiêu hao năng lực, các suy tư trăn trở phải luôn ưu tiên cho công việc nghiên cứu, chiếm rất nhiều công sức và trí tuệ, nên nhiều khi không còn tâm sức để quan tâm nhiều hơn tới những việc khác. Bên cạnh đó, ai có gia đình, làm mẹ còn vất vả hơn, vừa phải làm nghiên cứu vừa phải vun vén việc nhà. Thực tế, phụ nữ làm khoa học phải tự khẳng định bản thân rất nhiều. Suy cho cùng, trong nền văn hoá Á Đông, nhà khoa học nữ phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần để nhận được sự ủng hộ của những người xung quanh và khẳng định bản thân trong giới khoa học.
Và điều này cũng ảnh hưởng đến bản thân Hà chứ?
Ảnh hưởng nhiều, đó cũng là một trong những lý do tôi chuyển hướng. Là phụ nữ làm khoa học, bản thân tôi thấy thách thức quá lớn và không thể vượt qua được, đặc biệt là sự cô đơn và những trăn trở khi làm nghề. Để gắn bó với nghề, ngoài những nỗ lực lao động không ngừng nghỉ để đạt được những thành tựu nhất định khi ngoài 40, chúng tôi vẫn phải tìm cách cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình, giữa cơm áo gạo tiền. Tôi lựa chọn một con đường khác, bởi tôi là người năng động, muốn theo đuổi nhiều mối quan tâm, nhiều giá trị tư tưởng ngoài khuôn khổ nghiên cứu khoa học.
Khi làm các dự án về môi trường có rất nhiều thanh niên tham gia, Hà thấy thái độ của các bạn trẻ với các dự án về môi trường thế nào?
Những dự án tôi làm có những chủ đề đa dạng về rác thải nhựa, ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu… Tôi quan sát thấy các bạn năng động và chủ động hơn trong việc tiếp cận các cơ hội tham gia những vấn đề môi trường hay xã hội nói chung. Một phần do ảnh hưởng của sự phát triển công nghệ thông tin, những cởi mở của tài nguyên tri thức được chia sẻ rộng rãi, cũng như môi trường giáo dục giúp các bạn được thỏa sức thực hiện đam mê và khát vọng. Các bạn có ngôn ngữ, cách sáng tạo rất riêng để truyền tải được thông điệp của mình đến cộng đồng, và với những bạn cùng lứa.
Chúng ta cứ cho rằng giới trẻ thờ ơ, nhưng không hẳn, chẳng qua do ta chưa xóa bỏ định kiến, chưa thật sự mở lòng và biết cách giao tiếp với họ. Tôi thấy mỗi lứa tuổi sẽ có những cách thể hiện, chia sẻ và vai trò đóng góp khác nhau, điều đấy tạo động lực và truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều trong quá trình làm việc. Tôi có một niềm tin mãnh liệt vào người trẻ và vai trò, năng lực của họ trong quá trình xây dựng một tương lai đáng sống.
Nhóm thực hiện
Bài: Hương T.
Ảnh: NVCC
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE