NHỮNG BUỔI ĐẦU ĐẦY HOANG MANG
Châu (18 tuổi, Hội An) bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT với tâm thế khá mông lung vì chưa xác định được sau đó sẽ theo học trường nào, có thể là Đại học Đà Nẵng hoặc Đại học Sư phạm Huế, miễn là “em được rời khỏi gia đình”. Trâm (17 tuổi, Thanh Hóa) chia sẻ rằng em thích ngành Quản trị kinh doanh hoặc Công nghệ sinh học nhưng sang năm có lẽ vẫn sẽ chọn thi Đại học Y Hà Nội theo nguyện vọng của bố mẹ. Vy (21 tuổi, Đồng Nai) đang theo học ngành Ngôn ngữ Anh tại Đại học Đồng Nai nhưng có dự định sau đó sẽ đi du học Úc chuyên ngành Công nghệ thông tin vì “đó mới là việc em muốn làm”. Huy (20 tuổi, TP.HCM) đã nghỉ học tại trường HUTECH để làm công việc tự do vì “ở trường không có thứ em muốn học”. Và còn rất nhiều trường hợp khác vẫn đang hoang mang với lựa chọn của mình. Trước ngưỡng cửa đại học, không phải bạn trẻ nào cũng xác định được ngành học và công việc phù hợp trong tương lai. Bên cạnh những bạn sớm phát hiện đam mê, kiên trì theo đuổi ước mơ và may mắn được làm việc đúng với ngành học, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ chưa biết mình muốn gì, chạy theo lựa chọn của số đông hay phụ thuộc vào mong muốn của cha mẹ.
Theo thống kê của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mỗi năm, cả nước có 38% sinh viên mới ra trường không có định hướng nghề nghiệp cụ thể, 60% làm trái ngành. Nếu chỉ nhìn ở bề mặt con số, ta có thể thấy rằng đang có sự mất cân bằng về nhu cầu việc làm. Mỗi ngành nghề chỉ có nhu cầu về nhân lực ở một mức độ nhất định, thế nhưng, có một số nhóm ngành nhận về lượng sinh viên lớn hằng năm, trong khi một số nhóm ngành lại thiếu hẳn người học. Chưa kể, cơ cấu việc làm theo trình độ cũng chênh lệch rất nhiều, đơn cử như nhu cầu nhân lực trình độ đại học – cao đẳng – trung cấp tương ứng là 28% – 20% – 35% nhưng hiện tại, cao đẳng mới chỉ đáp ứng được 8%, trung cấp đạt 6% (theo thống kê của Viên Nghiên cứu Đào tạo kinh tế Quốc tế). Khi cung vượt cầu, lượng nhân lực dôi ra buộc phải chuyển sang ngành khác nếu không thể tìm được việc làm hoặc không đủ năng lực để phát triển với nghề. Bên cạnh đó, như một số trường hợp ở trên, đôi khi các bạn không có định hướng về nghề nghiệp tương lai, dẫn đến chọn ngành học chưa phù hợp với bản thân.
Xem thêm
• 22 điều bạn nên làm ở những năm tháng tuổi trẻ để có thể sống một cuộc đời không hối tiếc
• Lê Hà Trúc: Tuổi trẻ hãy sống hết mình, dũng cảm trong tình yêu
• 8 cuốn sách hay dành cho tuổi trẻ đầy trăn trở
Làm trái ngành nghĩa là bạn sẽ phải chấp nhận phát triển trễ hơn các bạn cùng trang lứa vài năm kinh nghiệm cho đến khi tìm được công việc ưng ý. Không những phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác để học hỏi và bù đắp chuyên môn lẫn kỹ năng mà bạn đang thiếu cho một công việc, đôi khi bạn còn lãng phí thời gian 4 năm học đại học và đối mặt với nguy cơ lãng quên dần kiến thức nếu không có cơ hội sử dụng.
BÀI LIÊN QUAN
TỪ TRÁI NGÀNH “CHỦ ĐỘNG” ĐẾN ĐA NGÀNH
Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận lại tính chất của thị trường việc làm đang ngày càng phát triển theo xu hướng đa lĩnh vực như hiện nay. Lực lượng lao động trẻ thuộc thế hệ Gen Z là một thế hệ năng động, tự tin, cởi mở, thích thử nghiệm cái mới và không muốn bị gò bó trong các khuôn mẫu. Lợi thế về ngoại ngữ và am hiểu công nghệ giúp các bạn có khả năng tự học và tiếp cận với nhiều cơ hội nghề nghiệp, dẫn đến xu hướng làm nhiều công việc khác nhau cùng một lúc. Như vậy, con số 60% sinh viên làm việc trái ngành có thể mang yếu tố bị động hoặc chủ động, chưa kể, có những sinh viên còn lựa chọn bỏ học để theo đuổi nghề nghiệp theo cách riêng của mình. Điều này cho thấy đại học không phải con đường duy nhất để thành công và nên chăng, cần nhìn nhận lại khái niệm “trái ngành” trong thực tế hiện nay?
Chị Đàm Bích Thủy, Chủ tịch trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng trong tương lai, sẽ có nhiều ngành nghề biến mất nhưng cũng có những ngành mới xuất hiện. Ngay cả bản thân mỗi ngành nghề cũng sẽ liên tục cập nhật và thay đổi rất nhiều so với thời điểm sinh viên bắt đầu đăng ký học. “Khái niệm “trái ngành” có lẽ sẽ không còn đúng với cách mà chúng ta vẫn hiểu từ trước đến nay nữa. Cái chính là làm sao để sinh viên ra trường có thể thích nghi với nhiều ngành nghề, hoặc nếu phải tiếp cận với kiến thức mới thì cũng không gặp nhiều cản trở”, chị Thủy chia sẻ. Ở góc độ của nhà tư vấn tuyển dụng, chị Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc công ty Talentnet, nhận định rằng cơ hội nghề nghiệp vẫn luôn rộng mở ngay cả khi robot, AI và công nghệ kỹ thuật số xâm lấn thị trường lao động. Điều quan trọng là nên định hướng cho sinh viên lựa chọn công việc mà mình thực sự đam mê, có khả năng và kỹ năng để tạo ra giá trị.
Có lẽ, đã đến lúc nhà trường, gia đình, xã hội và chính bản thân người học nên thay đổi suy nghĩ về việc chọn ngành, chọn nghề. Thế giới mới cho phép chúng ta thử sức và trải nghiệm nghề nghiệp tự do, đa dạng hơn, chỉ cần chúng ta có trách nhiệm với lựa chọn của mình. Làm công việc nào cũng được, miễn là nó phù hợp với mong muốn, nhu cầu, khả năng và giá trị mà mỗi người tự xác định cho riêng mình.
Trong chuyên đề ELLE Voices kỳ này, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn những chia sẻ của các khách mời xoay quanh câu chuyện giáo dục và hướng nghiệp – một đề tài không mới nhưng vẫn luôn cấp thiết trong bất kỳ thời điểm nào.
Nhóm thực hiện
Bài: Đông Quân
Ảnh: Unsplash
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE